Quyết định 858/QĐ-UBND năm 2008 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn II do Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành
Số hiệu: 858/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng Người ký: Lô Ích Giang
Ngày ban hành: 21/05/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 858/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 21 tháng 5 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II (2006 - 2010)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BNN ngày 15 tháng 01 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc và miền núi thuộc Chương trình 135 và Thông tư số 79/2007/TT-BNN ngày 20 tháng 9 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 01/2007/TT-BNN ;
Căn cứ Văn bản số 78/HĐND ngày 13 tháng 5 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc tham gia ý kiến ban hành chính sách (thay thế Quyết định số 2017/2007/QĐ-UBND) hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn II;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 11/TTr-SNN-HTX ngày 21 tháng 4 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh Cao Bằng (có bản nội dung chi tiết kèm theo).

Điều 2. Tổ chức, trách nhiệm thực hiện

- Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ nguồn vốn của Chương trình và số hộ nghèo hàng năm để giao chỉ tiêu kế hoạch (không chia bình quân theo xã).

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thị thực hiện đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2007/TT-BNN ngày 15 tháng 01 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc và miền núi thuộc Chương trình 135 và Thông tư số 79/2007/TT-BNN ngày 20 tháng 9 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 01/2007/TT-BNN .

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo giá các loại vật tư, máy móc thiết bị để các huyện, xã làm căn cứ lập kế hoạch thực hiện.    

- Ủy ban nhân dân các huyện quyết định giá thanh toán theo giá thị trường tại thời điểm mua hàng (không cao hơn giá thông báo của Sở Tài chính).

Điều 3. Hiệu lực áp dụng

- Chính sách tại Quyết định này áp dụng thực hiện từ ngày ký đến năm 2010 (kể cả chỉ tiêu vốn các năm trước đã chuyển sang năm 2008).

- Quyết định này thay thế Quyết định số 2017/2007/QĐ-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc, Tài chính, Công Thương, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lô Ích Giang

 

CHÍNH SÁCH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II (2006 - 2010)
(Kèm theo Quyết định số 858/QĐ-UBND ngày 21 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)

1. Phạm vi áp dụng

- Các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II theo Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;

- Các xã mới chia tách và thành lập mới sau khi được Trung ương phê duyệt bổ sung danh sách thuộc Chương trình 135 giai đoạn II theo Quyết định số 05/2007/UBDT ngày 06 tháng 9 năm 2007 và Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007;

- Các xóm đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II theo Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban Dân tộc.

2. Đối tượng hỗ trợ

2.1. Các hộ nghèo: Theo tiêu chí tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo cho giai đoạn 2006-2010.

2.2. Nhóm hộ: Gồm các hộ nghèo và những hộ khác đang sinh sống trên cùng địa bàn, cụm dân cư xóm, bản có cùng mối quan tâm chung đến phát triển sản xuất và tự nguyện giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi nhóm từ 5 hộ trở lên trong đó số hộ nghèo chiếm trên 60%. Nhóm có cam kết hoặc nội quy hoạt động, có tổ trưởng do nhóm bầu;

Hộ, nhóm hộ lựa chọn công khai dân chủ từ xóm, bản trên cơ sở các hộ nghèo được ưu tiên hỗ trợ đầu tư trước.

2.3. Các cơ quan tham gia quản lý dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn II được hỗ trợ một phần chi phí thực hiện dự án.

3. Tổng mức và cơ cấu sử dụng vốn

Ủy ban nhân dân các huyện căn cứcnguồn vốn Ủy ban nhân dân tỉnh giao và số hộ nghèo trong các xã, xóm thực hiện dự án để phân bổ vốn cho từng xã, xóm (không chia bình quân theo xã).

Cơ cấu sử dụng vốn như sau:

3.1. Vốn sự nghiệp không lớn hơn 80% tổng vốn được giao

3.1.1. Vốn sự nghiệp được sử dụng như sau:

- Chi hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công.

- Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất.

- Hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư sản xuất (áp dụng cho các hộ nghèo).

- Hỗ trợ chi phí quản lý.

3.1.2. Cơ cấu chi vốn sự nghiệp:

- Chi 85 % cho các hạng mục: Mua giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư sản xuất.

- Chi 10% cho các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất.

- Chi 5% cho công tác quản lý: Hướng dẫn, kiểm tra, văn phòng phẩm; lập và thẩm định dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định kế hoạch, dự toán,…Trong đó chia ra:

+ Cấp tỉnh: 1%, giao về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Cấp huyện và cấp xã: 4%, Ủy ban nhân dân huyện căn cứ vào tình hình tổ chức thực hiện dự án của huyện để phân bổ kinh phí quản lý hợp lý cho huyện và cho từng xã. Xã làm chủ đầu tư được phân bổ cao hơn xã không làm chủ đầu tư.

3.2. Vốn đầu tư phát triển tối thiểu bằng 20% tổng vốn được giao và được sử dụng như sau

- Mua sắm máy móc, thiết bị: Canh tác, chế biến, bảo quản nông lâm sản (áp dụng cho nhóm hộ).

- Mua sắm công cụ sản xuất; hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn; mua trâu bò cày kéo (áp dụng cho các hộ nghèo).

Giao cho Ủy ban nhân dân huyện căn cứ vào tình hình cụ thể của từng xã để điều chỉnh tỷ lệ vốn đầu tư và vốn sự nghiệp nhưng phải đảm bảo tỷ lệ vốn đầu tư chung trong toàn huyện không thấp hơn 20% tổng vốn. Căn cứ đề nghị của các chủ đầu tư Ủy ban nhân dân huyện được điều chỉnh tỷ lệ vốn đầu tư phát triển.

4. Nội dung và mức hỗ trợ

4.1. Mức hỗ trợ

Hỗ trợ một hộ nghèo cho cả giai đoạn từ năm 2006 đến 2010 tối đa không quá 3.000.000 đồng (ba triệu đồng). Hỗ trợ cho một nhóm hộ bằng số hộ tham gia nhân (x) với số tiền tối đa không quá 03 triệu đồng/hộ. Trường hợp hỗ trợ cả hai hình thức thì tổng mức hỗ trợ bình quân không được quá 03 triệu đồng/hộ.

4.2. Mức hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp

4.2.1. Nhà nước hỗ trợ 100% giá mua giống cây trồng (cây lương thực, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, giống cỏ,…) giống vật nuôi (đại gia súc, tiểu gia súc, gia cầm, thủy sản,…) vật tư sản xuất (phân hoá học, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư khác).

- Mua trâu, bò, ngựa (từ 2 tuổi trở lên) mức hỗ trợ tối đa: 2.500.000 đồng/con.

4.2.2. Đối với các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ (áp dụng cho hộ nghèo và hộ không nghèo).

- Mô hình trồng trọt: Được hỗ trợ 100% giá mua giống, phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Diện tích mô hình không quá 300 m2/hộ, số hộ tham gia mô hình không quá 05 hộ/thôn.

- Mô hình chăn nuôi tiểu gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản: chi phí không quá 500.000đồng/hộ để mua giống, thức ăn và thuốc phòng bệnh, số hộ tham gia mô hình không quá 05 hộ/thôn.

4.2.3. Chi phí đào tạo tập huấn, tham quan học tập, bao gồm : chi biên soạn tài liệu, chi thù lao báo cáo viên; tiền nước uống, tài liệu, văn phòng phẩm cho học viên, tiền ăn cho học viên, ban tổ chức lớp học, giảng viên (không chi tiền ăn cho các lớp tập huấn một buổi được tổ chức tại thôn, bản); thuê hội trường; tiền ngủ; đi lại cho học viên, giảng viên được thực hiện theo chế độ hiện hành.

4.2.4. In ấn tờ rơi, tài liệu phổ biến kỹ thuật: nội dung ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, có hình ảnh minh hoạ; mức chi theo thông báo duyệt giá của Sở Tài chính.

4.2.5. Hỗ trợ xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất (áp dụng cho hộ nghèo và hộ không nghèo): Được hỗ trợ 90% giá giống và vật tư sản xuất để thực hiện mô hình.

4.2.6. Chi phí quản lý: Chi lập kế hoạch, báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự toán: 300.000 đồng/xã; chi phí thẩm định kế hoạch, báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự toán : 150.000 đồng/xã. Các chi phí tập huấn, hội họp, công tác phí, văn phòng phẩm,… theo chế độ hiện hành.

4.3. Mức hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư phát triển

4.3.1. Hỗ trợ 100% giá mua công cụ cho hộ nghèo: Cày và bừa, các loại máy công cụ có công suất phù hợp quy mô một hộ (máy thái thức ăn gia súc, máy tẽ ngô, máy tuốt lúa, bình phun thuốc trừ sâu không có động cơ,….).

4.3.2. Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nền, hố chứa phân, mái chuồng chăn nuôi trâu, bò, lợn; lò sấy nông lâm sản (mức hỗ trợ tối đa 1.000.000 đồng/hộ); Hỗ trợ mua trâu, bò cày kéo (mức tối đa 2.500.000 đồng/hộ).

4.3.3. Hỗ trợ 100% giá mua và vận chuyển máy móc thiết bị của nhóm hộ như: máy móc canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản nông lâm sản, bình phun thuốc động cơ,...

5. Thủ tục triển khai và thanh toán

5.1. Thủ tục triển khai

5.1.1. Đối với nguồn vốn sự nghiệp: Kế hoạch và dự toán chi tiết do chủ đầu tư lập và được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

5.1.2. Nguồn vốn đầu tư và phát triển:

- Chi mua công cụ cầm tay (công suất của công cụ, thiết bị chỉ dùng cho một hộ): Kế hoạch và dự toán chi tiết do chủ đầu tư lập được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

- Chi mua máy móc dùng chung cho nhóm hộ, thủ tục triển khai gồm: Báo cáo kinh tế kỹ thuật, văn bản lựa chọn nhà thầu, hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

5.2. Thanh quyết toán

5.2.1. Quy định về hoá đơn thanh toán: Đối với vật tư, giống, máy móc công cụ,… nếu mua của các công ty hoặc hộ kinh doanh thì bắt buộc phải có hoá đơn hợp lệ. Trường hợp mua bán trong dân thì phải có giấy biên nhận mua bán của hộ, có xác nhận của trưởng thôn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và nằm trong khung giá do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

5.2.2. Các loại vật tư, giống,… có trong khung giá do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; các loại phân hoá học mua từ Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp; giống cây trồng (lúa, ngô) mua từ Công ty Cổ phần Giống cây trồng; hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi, lò sấy nông lâm sản; hỗ trợ mua trâu, bò, ngựa làm giống và trâu, bò cày kéo (từ 2 tuổi trở lên) các chủ đầu tư không phải làm thủ tục duyệt giá.

5.2.3.Tại các huyện có nhiều chủ đầu tư thì Ủy ban nhân dân huyện ban hành quyết định giao cho một phòng chức năng của huyện (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…) thay mặt các chủ đầu tư làm thủ tục trình duyệt giá với Sở Tài chính.

5.2.4. Thủ tục thanh toán đối với hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi, lò sấy nông lâm sản là: Biên bản nghiệm thu, có chữ ký của chủ hộ được hỗ trợ, trưởng thôn, đại diện Ủy ban nhân dân xã, chủ đầu tư (đối với trường hợp xã không làm chủ đầu tư).

5.2.5. Thủ tục thanh toán đối với hỗ trợ mua trâu, bò, ngựa giống, trâu bò cày kéo (từ 2 tuổi trở lên): Giấy mua bán giữa người bán và chủ hộ hưởng lợi có xác nhận của trưởng thôn, đại diện Ủy ban nhân dân xã, chủ đầu tư (đối với trường hợp xã không làm chủ đầu tư).

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Là cơ quan chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách và trực tiếp chỉ đạo thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.

- Xây dựng quy trình triển khai thực hiện, quy định các thủ tục cần phải có của từng bước công việc, các mẫu biểu,… từ khâu khảo sát, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, nghiệm thu thanh quyết toán, bàn giao để tập huấn cho các chủ đầu tư thực hiện.

- Hướng dẫn các huyện, xã lập kế hoạch đầu tư, tổng hợp kế hoạch đầu tư.

- Kiểm tra giám sát thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh.

- Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, một năm.

6.2. Các sở, ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Ban Dân tộc có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn, giám sát thực hiện theo điểm 2 phần III của Thông tư số 79/2007/TT-BNN ngày 20 tháng 9 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng khung giá cho các loại vật tư, máy móc thiết bị, giống cây, con,… trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

6.3. Ủy ban nhân dân cấp huyện

Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về toàn bộ hoạt động của dự án hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, địa bàn và đạt hiệu quả sử dụng vốn.

- Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch, báo cáo kinh tế kỹ thuật, tổ chức thẩm định phê duyệt kế hoạch.

- Tổng hợp kế hoạch báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Dân tộc (cơ quan thường trực Chương trình 135 của tỉnh). Hướng dẫn các chủ đầu tư trình tự, thủ tục thanh quyết toán.

- Chỉ đạo kiểm tra việc tổ chức thực hiện dự án; xây dựng, tổng kết và phổ biến các mô hình điểm.

- Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Dân tộc theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, một năm.

6.4. Ủy ban nhân dân cấp xã

Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện về toàn bộ hoạt động của dự án hỗ trợ sản xuất.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn xã;

- Hướng dẫn người dân lựa chọn các nội dung hỗ trợ từ dự án;

- Xây dựng kế hoạch, báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự toán trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt (đối với xã làm chủ đầu tư);

- Tổ chức triển khai thực hiện dự án; kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo quy chế dân chủ ở cơ sở;

- Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, một năm.

* Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét chưa bố trí ké hoạch vốn hàng năm đối với các huyện, xã không tuân thủ chế độ báo cáo và lập kế hoạch, dự án theo quy định.

7. Trong quá trình tổ chức thực hiện tại các địa phương, nếu có vướng mắc cần kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn) và Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung./.