Quyết định 784/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 784/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Trần Hoàng Tựu
Ngày ban hành: 06/04/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 784/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 06 tháng 4 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ NGÀNH SẢN XUẤT GỐM ĐỎ TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công;

Căn cứ Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 1831/QĐ-UBND ngày 08/11/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm tỉnh Vĩnh Long;

Căn cứ Quyết định số 1652/QĐ-UBND ngày 07/9/2015 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc công bố kết quả công trình nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu nung sản phẩm gốm đỏ bằng lò nung gạch liên hoàn Vĩnh Long”;

Theo Công văn số 2682/UBND-KTN ngày 18/8/2015 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc chấp thuận chủ trương xây dựng Đề án Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 1985/TTr-SCT, ngày 21/12/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020” (kèm theo các phụ lục).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Giám đốc các sở ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nội dung Đề án theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hoàng Tựu

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ NGÀNH SẢN XUẤT GỐM ĐỎ TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 784/QĐ-UBND, ngày 06/4/2016 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN:

Ngành sản xuất gốm đất nung (gốm đỏ, gốm mỹ nghệ) tỉnh Vĩnh Long đã hình thành từ năm 1983, phát triển mạnh trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2007. Đất sét dùng làm gốm đỏ của tỉnh Vĩnh Long có đặc trưng riêng, có vẻ đẹp tự nhiên, màu sắc được ưa chuộng nên được nhiều khách hàng trong và ngoài nước quan tâm sử dụng. Việc sản xuất và xuất khẩu gốm đỏ cũng đã mang lại nhiều cho nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn và góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nghề nông thôn... Tuy nhiên từ nửa cuối năm 2008 đã có những khó khăn nhất định, quy mô sản xuất, giá trị và sản lượng suy giảm so với các năm trước, các đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài giảm hơn 60%.

Nguyên nhân khách quan: Là do khủng hoảng kinh tế, nợ công tại Châu Âu và một số nước trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Song song đó, là sự cạnh tranh gay gắt của các chủng loại gốm khác (gốm men, gốm sứ cao cấp...) của các địa phương khác.

Nguyên nhân chủ quan: Do công nghệ sản xuất, công nghệ nung gốm bằng lò tròn thủ công đã lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng được yêu cầu quy định bảo vệ môi trường, năng suất thấp, tốn nhiều nhiên liệu, chu kỳ sản xuất kéo dài, làm cho giá thành sản xuất sản phẩm tăng cao.

Nhìn chung, ngành gốm đỏ hiện nay gặp khó khăn về thị trường đầu ra sản phẩm, khó khăn trong giải quyết giá thành đầu vào và gặp áp lực cạnh tranh về giá bán sản phẩm.

Do đó các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm đỏ ở Vĩnh Long muốn tồn tại và phát triển bền vững buộc phải đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu là giảm giá thành, vừa phù hợp với qui định quản lý môi trường về khí thải, vừa đủ sức cạnh tranh để duy trì và phát triển ổn định ngành sản xuất gốm đỏ của địa phương theo hướng tiên tiến, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ:

- Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công;

- Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công;

- Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ.

- Quyết định số 1831/QĐ-UBND ngày 08/11/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm tỉnh Vĩnh Long.

- Quyết định số 1652/QĐ-UBND ngày 07/9/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc công bố kết quả công trình nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu nung sản phẩm gốm đỏ bằng lò nung gạch liên hoàn Vĩnh Long”.

III. THỰC TRẠNG NGÀNH SẢN XUẤT GỐM ĐỎ TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2010 – 2015:

1. Thực trạng về sản xuất gốm đỏ:

+ Số lượng doanh nghiệp, cơ sở

Năm 2008, sản lượng gốm đạt 19.316.000 sản phẩm, doanh thu 676.060 triệu đồng, chỉ bằng 87,32% so năm 2007 và tiếp tục suy giảm trong các năm tiếp theo. Theo thống kê, năm 2009, số cơ sở sản xuất gốm giảm còn: 99 cơ sở; cuối năm 2014 chỉ còn 45 cơ sở với 380 miệng lò, trong đó đã tạm ngưng hoạt động 11 cơ sở, chiếm tỷ lệ 24%.

Thống kê sản lượng gốm qua các năm

Nội dung

Đơn vi

Năm

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

Sản lượng

Triệu cái

22,12

19,316

15,755

14,866

13,555

11,765

9,981

11,835

Giá trị

Tỉ đồng

1681,12

1468,02

1197,38

1129,816

1030,18

894,14

798,25

921,15

Nguồn: Sở Công thương Vĩnh Long

+ Công nghệ sản xuất

Công nghệ sản xuất thủ công, ít cơ giới hoá và nung gốm bằng lò tròn là chủ yếu, năng suất thấp. Thông thường sản phẩm từ khi chất lò nung, để nguội, đưa ra khỏi lò, chu kỳ này mất gần 30 ngày mới ra sản phẩm hoàn chỉnh.

- Tạo hình: Bằng nhiều phương pháp như xoay tay, in khuôn và đổ rót.

- Mỹ thuật và Trang trí trên gốm

Hoa văn có thể được khắc hoạ lên khuôn in, khuôn rót, hoặc có thể khắc chạm nổi, chìm, hoặc vẽ lên sản phẩm. Chủ đề rất phong phú. Sản phẩm gốm Vĩnh Long chủ yếu sử dụng hoa văn nổi hoặc chìm trên nền gốm đất đỏ.

- Nung sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long

Doanh nghiệp Vĩnh Long chủ yếu nung gốm bằng lò tròn.

Nhiên liệu sử dụng chủ yếu là trấu. Đây là loại phế phẩm từ nông nghiệp, có nhiệt trị trung bình khoảng 3.400 Kcal/kg (14.212 kJ/kg, tương đương than cám). Trấu dễ đốt, hiện nay đa số dùng phương pháp thủ công đốt bằng vỉ, trên những thanh ghi lò.

Ưu điểm của công nghệ nung gốm bằng lò tròn

- Lò tròn với công nghệ lửa đảo đã tạo nên sản phẩm gốm tốt, đồng đều hơn, tỷ lệ thành phẩm cao.

- Lò tròn sử dụng nhiên liệu trấu, phù hợp với nguồn nhiên liệu phong phú của Vĩnh Long và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhược điểm của công nghệ nung gốm bằng lò tròn

Kích thước lò lớn, công nghệ nung lạc hậu, thời gian nung lâu, suất tiêu hao nhiên liệu lớn, năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp, không có bộ phận xử lý khí thải, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng được yêu cầu quy định bảo vệ môi trường.

+ Quy trình sản xuất gốm đỏ

Chủ yếu là thủ công, truyền thống gồm các giai đoạn: Nhào trộn đất sét, tạo hình sản phẩm gốm bằng phương pháp thủ công sau đó vận chuyển ra phơi, vận chuyển xếp vào lò, đốt lò, bít miệng lò và chuyển gốm ra thành phẩm. Thời gian đốt mỗi chu kỳ đến 30 ngày mới ra thành phẩm.

+ Nguyên, nhiên liệu sản xuất gốm đỏ

* Nguồn nguyên liệu

Nguồn nguyên liệu chính để sản xuất ra sản phẩm gốm là đất sét, ngoài ra để tạo nên thành phẩm còn sử dụng thêm nguồn nguyên liệu cát sông. Đây là nguồn tài nguyên không thể tái tạo được nên việc thu mua nguồn nguyên liệu hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Tổng tài nguyên khoáng sản sét sản xuất gốm

TT

Địa điểm (huyện, thị xã)

Số thân sét

Tiềm năng TNKS sét (m3)

Toàn tỉnh

124

278.883.460

01

Tam Bình

27

64.507.320

02

Bình Minh

09

32.089.320

03

Bình Tân

10

22.556.850

04

Trà Ôn

13

57.825.280

05

Long Hồ

27

15.726.240

06

Mang Thít

19

9.491.970

07

Vũng Liêm

19

76.687.080

Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long

* Nguồn nhiên liệu

Sử dụng nguồn nhiên liệu cho sản xuất gốm đỏ chủ yếu là trấu, đây là loại phế phẩm từ nông nghiệp nên có thể cung ứng ổn định cho các cơ sở sản xuất với số lượng lớn và giá thành phù hợp.

+ Thị trường tiêu thụ sản phẩm gốm đỏ

Chủ yếu là thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc... Gần đây, do thị trường nước ngoài giảm sút nên các doanh nghiệp đã tìm tòi và sản xuất các sản phẩm gốm trang trí nội và ngoại thất (cột, tường rào, phù điêu, đôn, mặt bàn, bộ ngựa) nhắm đến thị trường nội địa, mở ra khả năng phát triển mới cho ngành sản xuất gốm Vĩnh Long.

Nhìn chung, thị trường tiêu thụ đã, đang và sẽ là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm tại địa phương. Đòi hỏi, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chủ động đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng mạng lưới tiêu thụ và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

2. Thực trạng hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành sản xuất gốm đỏ:

+ Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm

Đơn vị tính: Triệu đồng

Chỉ tiêu

2011

2012

2013

2014

So sánh (%)

2012/2011

2013/2011

2013/2012

2014/2013

Doanh thu

859.743

632.895

863.508

912.230

-26,39

0,44

36,44

5,6

Chi phí

789.609

594.338

844.604

854.102

-24,73

6,96

42,11

11,24

Lợi nhuận

70.134

38.558

18.904

58.128

-45,02

-73,05

-50,97

3,07

Tỷ suất lợi nhuận

0,09

0,06

0,02

0,07

-26,96

-74,80

65,5

3,5

Nguồn: Sở Công thương Vĩnh Long năm 2014

Năm 2012 doanh thu giảm 26,39% so với năm 2011, tỷ suất lợi nhuận giảm 26,96%, năm 2013 doanh thu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm so với năm 2012, tăng đột biến (36,4%) do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng nên mặc dù doanh thu của doanh nghiệp, cơ sở tăng nhưng chi phí cũng tăng nên lợi nhuận giảm 50,97%. Tỷ suất lợi nhuận cũng giảm (65,5%). Nhìn chung, kinh doanh chưa hiệu quả do chi phí đầu vào cao dẫn đến sức mua của thị trường kém và chịu sự cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại, giá thành rẻ hơn,....

+ Về thương hiệu gốm đỏ

Gốm đỏ Vĩnh Long đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 181462 theo Quyết định số 13135/QĐ-SHTT ngày 20/3/2012.

+ Về chuỗi giá trị gốm đỏ

Là tổng thể các hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu thụ bao gồm các tác nhân:

- Tác nhân sản xuất: Công nghệ sản xuất gốm đỏ do 2 tác nhân gồm khâu tạo hình và thời gian nung gốm để tạo sản phẩm gốm đạt chất lượng cao, hạn chế phế phẩm.

Nhận thấy, khi nung gốm bằng lò nung liên hoàn thì thời gian nung nhanh hơn khi lò hoạt động ổn định, thời gian nung mỗi buồng lò từ 36 giờ đến 48 giờ, so với lò tròn phải mất khoảng 15 ngày. Do đó, lò nung liên hoàn có công suất và năng suất cao hơn lò tròn nhiều lần. Ngoài ra, nhiệt độ bên trong lò nung liên hoàn được điều khiển tốt hơn, chênh lệch nhiệt độ trên dưới chỉ khoảng 500C (9000C và 8500C) còn lò tròn là khoảng 2000C (9000C và 7000C). Do đó sản phẩm gốm đồng đều hơn, đạt tỷ lệ thành phẩm cao hơn, hầu như không có phế phẩm.

- Tác nhân thương mại: Các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh tự tìm kiếm thị trường nước ngoài thông qua các Doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương nên không trực tiếp thương lượng giá cả với các đối tác, làm hạn chế đến hiệu quả kinh doanh.

- Tác nhân tiêu thụ: Chưa đa dạng hoá sản phẩm và thị trường trong và ngoài nước, chỉ chú tâm đến thị trường truyền thống và bỏ ngỏ thị trường sản phẩm trang trí tại các nơi cộng cộng trong khi thị trường này còn rất nhiều tiềm năng.

- Tác nhân cung cấp yếu tố đầu vào:

Gồm cung ứng nguyên - nhiên liệu. Khoáng sản sét được thu mua hiện nay ở hầu hết các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên chất lượng sản phẩm gốm không đồng đều, làm ảnh hưởng đến thị hiếu người tiêu dùng. Giá nguyên liệu sét, nhiên liệu trấu không ổn định nên ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm gốm có dao động từng thời kỳ.

- Tác nhân quản trị doanh nghiệp:

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm Vĩnh Long hiện nay chủ yếu phát triển theo hướng tự phát, riêng lẻ, không có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gốm.

3. Tồn tại, hạn chế:

Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm có quy mô nhỏ, vốn ít, ít sử dụng nguồn vốn tín dụng, quản lý theo kiểu gia đình. Chỉ có một số ít doanh nghiệp có quy mô lớn, xây dựng được bộ máy quản lý theo Luật Doanh nghiệp.

Công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Mẫu mã sản phẩm ít đa dạng và đơn điệu, chưa khai thác được tiềm năng thị trường.

Hoạt động marketing, nghiệp vụ xuất khẩu, trình độ ngoại ngữ của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Đa số doanh nghiệp không có khả năng đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp mà chủ yếu làm hàng gia công cho một số doanh nghiệp khác ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Bình Dương. Do đó, Doanh nghiệp không chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh và chiến lược đầu tư lâu dài nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao.

Chi phí đầu vào tăng nhanh, trong khi đó thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá bán không tăng hoặc tăng rất ít.

Sự cạnh tranh về giá cả trên thị trường xuất khẩu diễn ra gay gắt ngay giữa các doanh nghiệp gốm trong tỉnh và các tỉnh bạn, nhiều doanh nghiệp nhỏ phải chấp nhận những đơn hàng nhỏ, giá thấp để có việc làm cho người lao động mà không tính được lợi ích lâu dài của ngành gốm Vĩnh Long.

Nguồn lao động có tay nghề của ngành gốm ngày càng thiếu hụt do thu nhập không ổn định nên người lao động không thiết tha với nghề. Do đó, khi có đơn hàng, các doanh nghiệp, cơ sở lại thiếu thợ. Tình trạng này cũng khiến các doanh nghiệp khó thực hiện các hợp đồng lớn và thực hiện chế độ lao động theo quy định của pháp luật.

Việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ phát triển ngành gốm hiện nay còn nhiều hạn chế do doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính nên ít tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, cũng như giao thương trong và ngoài nước.

Tóm lại, hiện tại ngành gốm Vĩnh Long còn rất nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết như vấn đề mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất, công tác đào tạo công nhân lành nghề, nghệ nhân chế tác, đổi mới công nghệ thiết bị, tổ chức tăng cường liên kết lại sản xuất một cách phù hợp với tình hình mới, đa dạng hoá sản phẩm và tìm kiếm mở rộng thị trường trong xu thế hội nhập kinh tế của nước ta.

IV. DỰ BÁO XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH SẢN XUẤT GỐM ĐỎ TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2016 – 2020:

1. Thời cơ:

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, các ngành trong việc tổ chức, sắp xếp lại ngành sản xuất gốm đỏ Vĩnh Long.

Ngành sản xuất gốm đỏ là ngành nghề truyền thống được công nhận, cần được bảo tồn, duy trì và phát huy. Vĩnh Long là địa phương sản xuất gốm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được sự tin cậy đối với tiêu dùng trong và ngoài nước, dự báo khi nền kinh tế thế giới phục hồi thì nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gốm đỏ sẽ tăng trở lại.

Sự ra đời của lò nung liên hoàn đáp ứng được nhu cầu về kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tiết kiệm tiêu hao nguyên - nhiên liệu và thời gian, tăng hiệu quả cạnh tranh tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp áp dụng, chuyển đổi công nghệ sản xuất là bước đi vững chắc nhằm đảm bảo cho ngành sản xuất gốm phát triển bền vững và phù hợp với các quy định của Nhà nước, đặc biệt là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh Vĩnh Long với loại tài nguyên đất sét khi nung tạo nên màu gốm đỏ đặc trưng, được thị trường Châu Âu ưu chuộng. Tài nguyên khoáng sản sét được quy hoạch khai thác cho sản xuất gạch - gốm trên toàn tỉnh đến năm 2020 là 14,14 triệu m3, đáp ứng nhu cầu sản xuất gốm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020: Bình quân 29,55 triệu sản phẩm gốm/năm.

Lao động ngành gốm có kinh nghiệm, khéo léo đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về mỹ thuật đối với ngành sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu.

Vĩnh Long với vị trí ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên thuận lợi về nguồn cung cấp nhiên liệu trấu và nguồn khoáng sản cát sông để cung cấp nguyên liệu sản xuất gốm.

2. Thách thức:

Nguồn vốn đầu tư để doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất nung gốm theo lò nung liên hoàn là khá lớn, vượt khả năng tài chính của đa số doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất gốm có quy mô sản xuất nhỏ, ít vốn nên khả năng tự đầu tư chuyển đổi công nghệ là không khả thi nếu không có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước.

Việc khai thác nguyên liệu ngày càng khó khăn hơn do vùng khai thác nằm ở vị trí không thuận tiện vận chuyển, nên có thời điểm nguyên liệu khan hiếm và giá thành tăng cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tính cạnh tranh trên thị trường.

Thiếu tính liên kết trong nội bộ ngành, giữa các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh gốm trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý sản xuất kinh doanh, chưa có chiến lược thâm nhập thị trường, chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn.

Thiếu nghệ nhân chế tác và lao động có tay nghề nên chưa tạo ra sản phẩm gốm đa dạng hình dáng, kích cỡ, chủng loại.

Thị trường tiêu thụ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất gốm, bởi ngay thị trường trong nước gốm đỏ Vĩnh Long cũng đã phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm gốm của vùng Đông Nam Bộ như tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai. Riêng tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm nên cũng đã ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu sản phẩm gốm đỏ của tỉnh Vĩnh Long.

3. Dự báo sản lượng gốm đỏ, giai đoạn 2016-2020:

- Dự kiến sản lượng:

+ Giai đoạn 2016 - 2020: Với mức tăng trưởng 0,6-0,7%/năm. Sản lượng gốm của cả giai đoạn 147,77 triệu sản phẩm, bình quân 29,55 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến cuối năm 2020 ước đạt 30,01 triệu sản phẩm. Thời kỳ 2016 - 2020: Duy trì, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất gốm mỹ nghệ trên địa bàn.

+ Giai đoạn 2021- 2030: Với mức tăng trưởng 0,5%/năm. Dự kiến cuối năm 2030 ước đạt 31,54 triệu sản phẩm.

(Nguồn quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản sét trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020):

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 45 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm với 380 miệng lò, do đó theo quy hoạch ngành công nghiệp thì số cơ sở sản xuất gốm với số miệng lò tương ứng cần phải được hỗ trợ duy trì.

- Dự kiến thị trường truyền thống

+ Sản phẩm gốm đỏ của Vĩnh Long đã có mặt ở nhiều thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản.

- Khả năng mở rộng thị trường nội địa: Trang trí công cộng, resort, .. khả năng tạo sản phẩm mới: Gốm rót, gốm men, sản phẩm quà lưu niệm, . .

V. KẾ HOẠCH NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ CỦA NGÀNH GỐM ĐỎ TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2016-2020:

1. Mục tiêu, đối tượng của đề án:

a) Mục tiêu

- Mục tiêu chung:

Góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệp Hội gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long đủ năng lực là đầu mối quan hệ và ký kết hợp đồng kinh tế với các đối tác trong và ngoài nước.

+ Tái cấu trúc lại sản phẩm gốm đỏ, đa dạng hoá chủng loại và mẫu mã đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

+ Xây dựng sử dụng và phát triển thương hiệu gốm đỏ Vĩnh Long thành thương hiệu mạnh và uy tín trên thương trường.

+ Hỗ trợ 30 doanh nghiệp, cơ sở duy trì sản xuất gốm có đủ điều kiện chuyển đổi sang công nghệ nung mới theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm gốm.

+ Hỗ trợ chuyển giao công nghệ lò nung liên hoàn cho 30 doanh nghiệp, cơ sở có đủ điều kiện đầu tư (mỗi doanh nghiệp, cơ sở chỉ được hỗ trợ đầu tư 01 lò nung liên hoàn, thiết bị phục vụ sản xuất).

+ Chấm dứt hoạt động lò nung gốm thủ công gây ô nhiễm môi trường theo lộ trình quy định tại Quyết định số 1830/QĐ-UBND ngày 08/11/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình thay thế lò nung gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

+ Xây dựng phương án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống kết hợp đầu tư công nghệ mới trong sản xuất gốm.

b) Đối tượng

- Hiệp Hội gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long.

- Những doanh nghiệp, cơ sở đã và đang sản xuất gốm nung bằng lò tròn thủ công truyền thống phù hợp với quy hoạch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và đảm bảo cam kết đủ vốn đối ứng đầu tư sau khi được phê duyệt chuyển giao.

2. Quan điểm:

- Cắt giảm chi phí, nâng cao lợi ích kinh tế từng mắt xích trong chuỗi.

- Đầu tư công nghệ sản xuất mới, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp quy định Nhà nước;

- Xây dựng chuỗi giá trị theo hướng thúc đẩy liên kết ngang, liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi và xây dựng thương hiệu riêng cho mỗi Doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gốm đỏ Vĩnh Long.

3. Nhiệm vụ và giải pháp:

a) Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến và đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hoá, cải tiến chất lượng phục vụ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Vốn hỗ trợ xây dựng ISO và tiêu chuẩn cơ sở là 2.400 triệu đồng

+ Mục tiêu

Giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng 30 tiêu chuẩn cơ sở và cấp giấy chứng nhận ISO về quản lý chất lượng sản phẩm cho 30 cơ sở doanh nghiệp sản xuất gốm đỏ.

+ Nội dung hỗ trợ

- Hỗ trợ xây dựng 30 tiêu chuẩn cơ sở cho 30 sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long có thế mạnh xuất khẩu.

- Hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng và cấp chứng nhận ISO 9001:2008 về quản lý chất lượng sản phẩm gốm đỏ.

- Hỗ trợ 70% kinh phí nghiên cứu về công nghệ nung và sản phẩm mới.

+ Giải pháp thực hiện

Doanh nghiệp lập đề án xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho từng sản phẩm chiến lược và ISO về quản lý chất lượng sản phẩm gốm đỏ gửi Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí thực hiện.

b) Hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ (xây dựng thương hiệu)

Vốn hỗ trợ xây dựng thương hiệu là 1.400 triệu đồng.

+ Mục tiêu

Giai đoạn 2016 - 2020 xem xét hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 30 doanh nghiệp.

+ Nội dung hỗ trợ

- Hỗ trợ 100% chi phí lập thủ tục xây dựng thương hiệu.

- Hỗ trợ 10% chi phí quảng bá thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 3 tháng.

+ Giải pháp thực hiện

Doanh nghiệp lập đề án xây dựng thương hiệu gửi Sở Công thương xem xét và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau khi có nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ lập thủ tục gửi Sở Khoa học và Công nghệ trình Cục Sở hữu trí tuệ.

c) Hỗ trợ chuyển giao, đầu tư thay đổi công nghệ, máy móc - thiết bị tiết kiệm năng lượng

Vốn hỗ trợ đầu tư: 9.000 triệu đồng.

+ Mục tiêu

Giai đoạn 2016 - 2020: Hỗ trợ chuyển đổi 30 lò nung liên hoàn vào sản xuất gốm với công suất bình quân khoảng 33.000 sản phẩm/tháng (mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm chỉ 01 lò nung liên hoàn). Hỗ trợ đầu tư dây chuyền thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất gốm.

+ Nội dung hỗ trợ

- Miễn phí chuyển giao công nghệ lò nung đốt trấu liên hoàn cho các doanh nghiệp, cơ sở chuyển đổi công nghệ nung.

- Hỗ trợ kinh phí đầu tư lò nung liên hoàn đối với 30 doanh nghiệp, cơ sở thực hiện chuyển đổi trong giai đoạn 2016 - 2020: 300 triệu đồng/doanh nghiệp, cơ sở (Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ).

- Chi hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư cho mỗi doanh nghiệp, cơ sở khi hoàn thành đạt 70% khối lượng xây dựng lò nung liên hoàn công nghệ mới hoặc đầu tư cải tiến công nghệ hoặc mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất gốm nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/doanh nghiệp, cơ sở từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, kinh phí sự nghiệp kinh tế của tỉnh. Căn cứ vào biên bản thẩm định khối lượng hoàn thành và văn bản nghiệm thu của Tổ giúp việc, có xác nhận của chính quyền địa phương.

+ Giải pháp thực hiện

- Doanh nghiệp, cơ sở gốm phải đăng ký và cam kết có đủ nguồn vốn đối ứng đầu tư lò nung và thiết bị, máy móc phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh gốm.

- Sở Công thương và Sở Khoa học và Công nghệ cân đối kinh phí từ nguồn sự nghiệp kinh tế và nguồn sự nghiệp khoa học hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ tiến hành giải ngân hỗ trợ đầu tư theo tiến độ thực hiện.

d) Hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nghệ nhân và tổ chức quản lý

Giai đoạn 2016 - 2020: Kinh phí đào tạo nghề là 500 triệu đồng.

+ Mục tiêu

Đào tạo cho mỗi doanh nghiệp 01 cán bộ quản lý và 05 công nhân lành nghề.

+ Nội dung hỗ trợ

Các doanh nghiệp có nhu cầu lập danh sách đề nghị về Sở Công thương để tổng hợp và xây dựng đề án đào tạo nghề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai.

+ Giải pháp thực hiện

- Sở Công thương phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương và doanh nghiệp khảo sát tiềm năng tay nghề, trình độ quản lý và nhu cầu phát triển doanh nghiệp để xây dựng đề án đào tạo nghề hàng năm.

- Tổ chức đào tạo nghề và cấp giấy chứng nhận cho lao động tại các doanh nghiệp.

e) Hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, website,

Giai đoạn 2016 - 2020: Kinh phí là 4.700 triệu đồng.

+ Mục tiêu

Hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ. Hoạt động này hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở gốm hiệu quả hơn.

+ Nội dung hỗ trợ

- Hỗ trợ về thông tin bằng việc xây dựng website bán hàng; phổ biến thông tin về thị trường trong ngoài nước và các văn bản pháp quy mới.

- Tổ chức các đoàn khảo sát thị trường nước ngoài.

- Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hội chợ định hướng xuất khẩu trong đó có các sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở của tỉnh đối tác giao lưu, xúc tiến mua bán hàng hoá, dịch vụ.

- Tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng, marketing trong và ngoài nước.

- Xây dựng logo quảng cáo trên website.

+ Giải pháp thực hiện

- Sở Công thương xây dựng dự toán kinh phí thực hiện hàng năm từ nguồn kinh phí Xúc tiến thương mại của tỉnh, gửi cơ quan chuyên môn thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương hàng năm có trách nhiệm xem xét đối tượng hỗ trợ chỉ giới hạn trong phạm vi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

f) Hỗ trợ củng cố và nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh quy chế hoạt động của Hiệp Hội gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long

+ Mục tiêu

- Thành lập Hiệp hội nhằm mục đích tăng cường liên kết phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ các Hội viên phát huy sáng tạo, bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Bổ sung kỹ năng giao tiếp đàm phán theo thông lệ quốc tế để chủ động tham gia trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

- Điều chỉnh quy chế hoạt động của Hiệp Hội gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long bao gồm các nội dung:

+ Tuyên truyền, phổ biến đến Hội viên các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý kinh tế, xã hội.

+ Tổ chức thông tin, giới thiệu pháp luật, tập quán thương mại quốc tế liên quan đến sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm gốm mỹ nghệ và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất và các thông tin giá cả thị trường liên quan đến ngành gốm mỹ nghệ.

+ Tổ chức phối hợp hoạt động của các Hội viên, giúp Hội viên định hướng phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

+ Bảo vệ lợi ích kinh tế của Hội viên thông qua các hoạt động hợp pháp, đại diện Hội viên trong các tranh tụng khi có yêu cầu.

+ Tổ chức liên kết kinh tế giữa các Hội viên, giữa Hội viên với các tổ chức kinh tế và các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước nhằm nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới, tạo nguồn vốn, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm và điều kiện lao động để phát triển sản xuất kinh doanh của Hội viên.

+ Tổ chức các hoạt động tư vấn đầu tư, cung cấp các dịch vụ pháp lý, công nghệ thông tin, tài chính, tín dụng và các lĩnh vực khác có liên quan.

+ Giải pháp thực hiện

- Hiệp hội tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, giảm sự cạnh tranh trong nội bộ, tạo sự đồng thuận nhất trí cao, tránh hiện tượng tiêu cực và cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm bản quyền trong ngành sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu.

- Trang website riêng của Hiệp hội phải thường xuyên cập nhật chia sẻ thông tin để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời giúp các thành viên trong hiệp hội có thể dễ dàng theo dõi để chủ động sản xuất doanh hiệu quả. kinh

- Hiệp hội cần xây dựng một số chương trình giải thưởng về ngành nhằm tôn vinh các cá nhân, các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong quy trình sản xuất - kinh doanh hiệu quả cao, đẩy mạnh xuất khẩu, hoặc có đóng góp lớn đối với ngành gốm tỉnh nhà. Song song đó, Hiệp hội cần thường xuyên trao đổi, hướng dẫn doanh nghiệp kinh nghiệm và cách thức quản lý đem lại những hiệu quả thiết thực.

- Hiệp hội gốm giữ vai trò đại diện cho các doanh nghiệp, cơ sở gốm thành viên trong việc tổ chức và tham gia tại các kỳ triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước, tổ chức liên lạc với đối tác, với khách hàng. Hiệp hội cũng là đầu mối cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp nắm bắt tin tức nhu cầu thị trường, chủ động có dự báo về thay đổi của người tiêu dùng, chủ động sản xuất những sản phẩm phù hợp thị hiếu, giá cả cạnh tranh, phân phối đúng thị trường.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

1. Kinh phí thực hiện đề án:

- Dự toán tổng mức kinh phí thực hiện đề án:                                     45.100 triệu đồng

- Cơ cấu nguồn kinh phí:

* Nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ không thu hồi:                                      18.100 triệu đồng

+ Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học:                                                 6.900 triệu đồng

Hỗ trợ chuyển giao công nghệ lò nung:                                                4.500 triệu đồng

Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và ISO:                                           2.400 triệu đồng

+ Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế:                                                     4.500 triệu đồng

+ Nguồn kinh phí xúc tiến thương mại:                                                 4.700 triệu đồng

+ Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương:                       2.000 triệu đồng

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu:                                                             1.500 triệu đồng

Hỗ trợ dạy nghề lao động nông thôn:                                                     500 triệu đồng

* Vốn doanh nghiệp đối ứng:                                                             27.000 triệu đồng

2. Phân kỳ đầu tư (theo phụ lục B):

+ Năm 2016:                                                                                       5.150 triệu đồng

+ Năm 2017:                                                                                      12.280 triệu đồng

+ Năm 2018:                                                                                      12.280 triệu đồng

+ Năm 2019:                                                                                       9.790 triệu đồng

+ Năm 2020:                                                                                       5.600 triệu đồng

VII. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN:

1. Về kinh tế:

Sử dụng lò nung liên hoàn sẽ tiết kiệm nhiên liệu trấu khoảng 45% so với lò tròn thủ công (được thử nghiệm trong quá trình xây dựng đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu nung sản phẩm gốm đỏ bằng lò nung gạch liên hoàn Vĩnh Long”) công suất bình quân khoảng 33.000 sản phẩm/tháng, doanh thu khoảng 08 tỷ đồng/năm, tính toán với giá trấu 1.000 đồng/kg thì mỗi năm chỉ riêng chi phí nhiên liệu trấu doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 1.215.720.000 đồng.

So với lò tròn thì lò nung liên hoàn cho ra sản phẩm chất lượng, năng suất cao hơn 5 lần, tăng thêm số lượng thành phẩm từ 80% lên hơn 95% nên tăng lợi nhuận thêm từ ít nhất là 15% số lượng sản phẩm tăng thêm. Ngoài ra, còn rút ngắn thời gian nung, giảm đáng kể về giá thành sản phẩm, góp phần tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho ngành sản xuất gốm Long. Vĩnh

2. Về xã hội:

Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ngành gốm mỹ nghệ Vĩnh Long ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương góp phần an sinh xã hội và tạo nguồn thu ngân sách bền vững.

3. Về môi trường:

Khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường quy định, sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng lò nung liên hoàn nung gốm, chấp hành tốt quy định về môi trường của Nhà nước. Ngoài ra với mức tiêu hao nhiên liệu trấu giảm từ 40-50%, sẽ giảm nhiên liệu đốt lò, đồng nghĩa với giảm phát thải khí nhà kính. Đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất bền vững, thân thiện môi trường.

Các Doanh nghiệp sản xuất gốm sử dụng lò nung liên hoàn mới có thể đăng ký sản phẩm thân thiện với môi trường “sản phẩm xanh”. Tạo nhiều thuận lợi cạnh tranh trong đàm phán khi xuất khẩu sản phẩm gốm đỏ sang các nước có yêu cầu cao về bảo vệ môi trường.

4. Về vấn đề khác:

Giảm mức độ chênh lệch nhiệt độ bên trong lò so với lò tròn: Nhiệt độ bên trong lò được điều khiển tốt hơn, chênh lệch nhiệt độ trên dưới chỉ khoảng 500C (9000C và 8500C) so với lò tròn là khoảng 2000C (9000C và 7000C). Do đó sản phẩm gốm đồng đều hơn, đạt tỷ lệ thành phẩm cao hơn, hầu như không có phế phẩm.

Xây dựng Bộ tiêu chí về chất lượng gốm đỏ để làm cơ sở đánh giá cho sản phẩm gốm đỏ và doanh nghiệp có thể xây dựng tiêu chuẩn cơ sở.

Xây dựng, đề xuất mô hình mẫu và thiết kế chuẩn lò nung gốm Vĩnh Long ứng dụng công nghệ nung liên hoàn lửa đảo, phù hợp điều kiện Vĩnh Long (về khả năng đầu tư, quy mô quản lý sản xuất, quản lý vận hành, nguyên liệu, nhiên liệu, lao động, quy trình vận hành mẫu,...).

VIII. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Doanh nghiệp tận dụng cơ sở vật chất hiện có để chuyển đổi công nghệ nung liên hoàn. Xây dựng thương hiệu và website riêng để tạo điều kiện tham gia thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường và nâng cao vai trò, chức năng của Hiệp hội gốm đỏ Vĩnh Long đủ khả năng làm đầu mối liên kết các Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gốm đỏ Vĩnh Long. Hàng năm cần tổng kết thực hiện đề án để rút kinh nghiệm nhằm bổ sung, điều chỉnh triển khai đề án triển khai cho những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao.

2. Thường xuyên nghiên cứu cải tiến đổi mới công nghệ hiện đại hơn, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, nhân công nhằm giảm chi phí và sản xuất hiệu quả: Đây là vấn đề mang tính cấp bách hiện nay để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh. Sử dụng công nghệ mới bằng lò nung liên hoàn để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu và chất đốt, tránh lãng phí nguồn tài nguyên.

3. Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tại địa phương. Doanh nghiệp cần ký hợp đồng lao động để người lao động được hưởng đầy đủ các quyền lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thu hút lao động trẻ có trình độ cao về phục vụ tại địa phương và cơ sở, những đối tượng này có thể hoạch định chiến lược lâu dài cho cơ sở, mang những kiến thức mới về phục vụ cho việc phát triển ngành nghề.

4. Khẳng định thương hiệu bằng sự riêng biệt nổi bật của sản phẩm. Tăng cường quảng cáo, quảng bá hình ảnh và chất lượng sản phẩm, tìm hiểu xu hướng thị trường, nhu cầu của khách hàng. Tăng cường liên kết quảng bá sản phẩm tại các nơi công cộng, nhà hàng, khách sạn, quảng trường, công viên.

5. Nâng cao vai trò Hiệp hội gạch gốm có sự phối hợp tốt với các ngành và chính quyền, đoàn thể để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở. Gắn kết mối liên hệ giữa các cơ sở gốm để tạo nên một khối sản xuất bền vững và mang thương hiệu riêng biệt.

6. Cải tiến kỹ thuật sản xuất, tăng cường liên kết giữa các cơ sở gốm về quy mô và nguồn nhân lực nên có kế hoạch và định hướng cải tiến kỹ thuật, liên kết sản xuất giữa các cơ sở trong khu vực để tận dụng nguồn lực về cơ sở vật chất và lao động.

7. Thực hiện giải pháp về phát triển bền vững và giải pháp về môi trường.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Sở Công thương

+ Chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ sung, điều chỉnh điều lệ, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lại cơ cấu Ban Chấp hành Hiệp hội gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long đảm bảo thực hiện theo đúng quy định hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

+ Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án (trong đó có xây dựng trình tự thủ tục các bước tiến hành hỗ trợ) và phối hợp với các sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố Vĩnh Long thực hiện đề án để hỗ trợ có hiệu quả cho các Doanh nghiệp ngành gốm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển.

+ Tổng hợp dự toán hàng năm kinh phí thực hiện Đề án theo phân kỳ đã xây dựng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối kinh phí từ nguồn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học và các nguồn khác phân bổ thực hiện.

+ Phối hợp với các ngành liên quan, địa phương xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo nghề hàng năm theo Chương trình mục tiêu quốc gia và các kế hoạch lồng ghép về đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gốm trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

+ Triển khai và tổng hợp danh sách doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm đăng ký chuyển đổi công nghệ nung mới; xây dựng thương hiệu, trang web, ... để thực hiện các chính sách hỗ trợ trên cơ sở đề án hoặc dự án của các doanh nghiệp, cơ sở nhận chuyển đổi.

+ Chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố thẩm định kế hoạch đầu tư chuyển đổi, quyết định hỗ trợ kinh phí đầu tư.

+ Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, đào tạo nghệ nhân, công nhân lành nghề thông qua các đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương.

+ Tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá và trưng bày sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, hỗ trợ đào tạo về quản lý doanh nghiệp thông qua đề án xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương.

+ Định kỳ hàng quý, 6 tháng và năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về tình hình triển khai thực hiện đề án này.

- Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Sở Công thương tổ chức triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu lò nung liên hoàn thông qua kinh phí sự nghiệp khoa học tỉnh. Phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phát triển thương hiệu.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Công thương tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối nguồn vốn sự nghiệp khoa học, sự nghiệp kinh tế hàng năm để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng đầu tư lò nung liên hoàn.

- Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ trong việc thẩm định các nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn theo lộ trình, kế hoạch hàng năm của đề án, trình cấp thẩm quyền phê duyệt và phân bố kinh phí thực hiện đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành.

- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung đề án đến các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất gốm trên địa bàn để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện.

+ Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan trong việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí chuyển đổi công nghệ cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm trên địa bàn quản lý, thông qua các ngành chuyên môn thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, nếu có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền cho phép, Sở Công thương làm việc với các ngành, các đơn vị có liên quan để thống nhất nội dung điều chỉnh, bổ sung vào đề án trước khi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 





Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công Ban hành: 21/05/2012 | Cập nhật: 23/05/2012