Quyết định 60/2008/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc
Số hiệu: 60/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Nguyễn Ngọc Phi
Ngày ban hành: 19/11/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2008/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 19 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN CÁC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010;

Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh và Giám đốc Sở Nội vụ tại công văn số 320/VP-HC ngày 18 tháng 11 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phi

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN CÁC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
(Ban hành theo Quyết định số 60/2008/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định quan hệ phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

2. Cán bộ, công chức thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Cá nhân, tổ chức khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Thủ tục hành chính: Là trình tự, cách thức thực hiện và hồ sơ do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức.

2. Cá nhân: Là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam và người không có quốc tịch.

3. Tổ chức: Là tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

4. Quy định có liên quan: Là yêu cầu, điều kiện và quy định khác do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành mà căn cứ vào đó cơ quan hành chính nhà nước thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính;

Điều 4. Nguyên tắc giải quyết các thủ tục hành chính

1. Tuân thủ pháp luật.

2. Công khai, minh bạch.

3. Quy trình cụ thể, rõ ràng, thống nhất.

4. Thủ tục tiếp nhận đơn giản, thuận tiện.

5. Tiếp nhận, giải quyết đúng thẩm quyền.

6. Phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm

1. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, công khai minh bạch danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện; thành phần và số lượng hồ sơ; thời hạn giải quyết, trả kết quả;

2. Là đầu mối tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo đúng thẩm quyền;

3. Chuyển ngay đến sở, ban, ngành các hồ sơ, văn bản, đơn đề nghị của cá nhân, tổ chức về những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ban, ngành, nhưng gửi vượt cấp đến Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc giải quyết thủ tục hành chính, thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chấn chỉnh các đơn vị chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

Điều 6. Các sở, ban, ngành có trách nhiệm

1. Trên cơ sở các quy định của pháp luật công khai minh bạch danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ban, ngành; trình tự, thủ tục cách thức thực hiện; thành phần và số lượng hồ sơ; thời hạn giải quyết, trả kết quả.

2. Tiếp nhận, giải quyết kịp thời thủ tục hành chính theo quy định; giải quyết các kiến nghị, đề xuất hợp pháp của cá nhân, tổ chức về những vấn đề có liên quan đến Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.

3. Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực có tính chất phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi phải có ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan, cơ quan chủ trì phải chủ động trao đổi trực tiếp hoặc gửi văn bản đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp để hoàn tất thủ tục hành chính, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ban, ngành

1. Tổ chức thực hiện nghiêm việc giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật và bản quy định này tại cơ quan, đơn vị mình;

2. Thường xuyên, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ; kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Điều 8. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan

1. Khi đến cơ quan hành chính nhà nước đề nghị giải quyết thủ tục hành chính hoặc có kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, phải chấp hành các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính.

2. Trường hợp đề nghị, kiến nghị hoặc đề xuất đã quá thời hạn theo quy định của pháp luật mà chưa được giải quyết, cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Quyết định số 47/2007/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc quy định xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính.

Điều 9. Trách nhiệm của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quy chế này; tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các sở, ban, ngành, trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những nội dung, quy định không còn phù hợp với quy định hiện hành;

2. Định kỳ hàng năm, đánh giá việc thực hiện phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành trong tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.