Quyết định 47/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định tạm thời về đấu thầu, đặt hàng thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành
Số hiệu: 47/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh Người ký: Nguyễn Văn Châu
Ngày ban hành: 19/12/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 47/2007/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 19 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ ĐẤU THẦU, ĐẶT HÀNG THỰC HIỆN SẢN XUẤT VÀ CUNG ỨNG SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG ÍCH ĐỐI VỚI CÁC DANH MỤC QUẢN LÝ, BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Căn cứ Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 228/TTr-SGTVT ngày 19 tháng 11 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tạm thời về đấu thầu, đặt hàng thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Kho bạc Nhà nước Tây Ninh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Châu

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ ĐẤU THẦU, ĐẶT HÀNG THỰC HIỆN SẢN XUẤT VÀ CUNG ỨNG SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG ÍCH ĐỐI VỚI CÁC DANH MỤC QUẢN LÝ, BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG BỘ TỈNH QUẢN LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/2007/QĐ-UBND Ngày 19 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định tạm thời về đấu thầu, đặt hàng thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ tỉnh quản lý trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, áp dụng theo Nghị định 31/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (sau đây gọi tắt là Nghị định 31/2005/NĐ-CP của Chính phủ) và Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích ban hành kèm theo Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hợp tác xã (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, có tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo phương thức đấu thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

Điều 3. Danh mục sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ

Danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ tỉnh quản lý thuộc danh mục B và danh mục C phần Phụ lục, Nghị định 31/2005/NĐ-CP của Chính phủ và quy định hiện hành về quản lý, bảo trì đường bộ gồm:

1. Danh mục quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ không dùng vật liệu gồm: Tuần tra, kiểm tra cầu đường, báo cáo đánh giá hiện trạng chất lượng; phát cây, cắt cỏ; thông cống, khơi rãnh, vét rãnh dọc, đào rãnh dọc; nắn sửa biển báo, cọc tiêu cột km; vệ sinh mặt cầu, bắt xiết bulong cầu.

2. Danh mục quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ có dùng vật liệu:

a) Duy tu, sửa chữa thường xuyên gồm: Sửa chữa dặm vá ổ gà, bong bật, rạn nứt chân chim mặt đường, xử lý lún cục bộ ở một số vị trí trên tuyến đường; thay thế, bổ sung cống dọc, cống ngang đường, tấm đan rãnh dọc, hố ga, cọc tiêu, cột km, trụ đỡ biển báo; sơn phân làn, dải phân cách, vạch người đi bộ, lan can tường hộ lan, lan can cầu; thay thế, bổ sung các phụ kiện cầu; lắp đặt đèn tín hiệu, đèn cảnh báo, tole lượn sóng, các loại biển báo; sơn gờ giảm tốc, vạch người đi bộ; các công tác khác nhằm khắc phục, xử lý các vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông.

b) Sửa chữa vừa gồm: Sửa chữa, xử lý nền mặt đường một số đoạn hư hỏng, xuống cấp trên tuyến đường.

c) Sửa chữa lớn: Sửa chữa, xử lý nền mặt đường nhiều đoạn hư hỏng, xuống cấp trên tuyến đường.

d) Công tác sửa chữa đột xuất: bao gồm những công việc phải sửa chữa nhưng không thể dự đoán trước được, nguyên nhân có thể do thiên tai hay sự cố con người gây nên vô ý hoặc cố ý.

Điều 4. Cơ quan được giao tổ chức thực hiện đấu thầu, đặt hàng

Giao cho Sở Giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Sở GTVT) làm chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đấu thầu, đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ tỉnh quản lý được quy định tại Điều 3, nguồn vốn sự nghiệp giao thông thuộc dự toán ngân sách tỉnh hằng năm.

Cơ quan chuyên môn thuộc huyện, thị xã được giao nhiệm vụ Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đấu thầu, đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ tỉnh quản lý được quy định tại Điều 3, nguồn vốn sự nghiệp giao thông thuộc dự toán ngân sách huyện, thị xã hằng năm.

Điều 5. Nguyên tắc lựa chọn phương thức sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích

Việc lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được quy định thứ tự ưu tiên như sau:

1. Đấu thầu;

2. Đặt hàng;

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC ĐẤU THẦU, ĐẶT HÀNG THỰC HIỆN SẢN XUẤT VÀ CUNG ỨNG SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG ÍCH

Điều 6. Phạm vi áp dụng

1. Đấu thầu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được áp dụng đối với trường hợp sau:

Danh mục các công trình quản lý, sửa chữa thường xuyên hằng năm theo giá khoán gọn cho mỗi km đường.

2. Đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích được áp dụng đối với các danh mục như sau:

a) Danh mục quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ không dùng vật liệu;

b) Danh mục quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ có dùng vật liệu;

c) Công tác sửa chữa đột xuất (nếu có);

d) Công tác tư vấn lập hồ sơ dự toán công trình; khảo sát lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình (trường hợp phải lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình);

đ) Công tác tư vấn thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự toán (nếu có);

e) Công tác tư vấn giám sát (nếu có).

Điều 7. Quy định đối tượng công trình lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật, lập hồ sơ dự toán

1. Lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình: áp dụng đối với các danh mục sửa chữa vừa, sửa chữa lớn; lắp đặt đèn cảnh báo, đèn tín hiệu giao thông.

2. Lập dự toán công trình: áp dụng đối với các danh mục quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ không dùng vật liệu; Danh mục quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ có dùng vật liệu, trừ các danh mục được quy định tại khoản 1 Điều này; Công tác sửa chữa đột xuất.

Điều 8. Đặc điểm, tính chất công việc quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ

Công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được thực hiện sau khi công trình xây dựng hết thời gian bảo hành, hoặc còn trong thời gian bảo hành mà các hư hỏng không phải do nguyên nhân thi công hay thiết kế gây ra nhằm phục hồi các bộ phận, hạng mục công trình, duy trì được những tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật và công năng trong quá trình vận hành khai thác, sử dụng phù hợp với cấp công trình và niên hạn sử dụng. Tính chất công việc được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm và phải thực hiện ngay sau khi có phát sinh hư hỏng, để tránh phát sinh thêm hư hỏng ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường. Đối với các khối lượng công việc thuộc “điều lệ báo hiệu đường bộ” nhằm điều khiển hoặc báo hiệu tín hiệu đường bộ phục vụ đảm bảo an toàn giao thông là các công việc bức xúc, phải được triển khai hoàn thành trong thời gian sớm nhất nhằm góp phần kiềm chế, giảm bớt tai nạn giao thông.

Điều 9. Quy trình thực hiện trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu (Đối với các công việc tỉnh quản lý)

1. Lập hồ sơ dự toán: vào cuối năm kế hoạch, Sở GTVT đặt hàng tổ chức tư vấn lập hồ sơ dự toán công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ cho năm sau, theo định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ hiện hành.

2. Thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự toán: Sở GTVT thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự toán.

3. Tổ chức đấu thầu: Sở GTVT tổ chức thực hiện việc tổ chức đấu thầu theo quy định.

4. Hợp đồng: Sở GTVT tổ chức thực hiện việc ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu.

5. Triển khai thi công: Nhà thầu trúng thầu có trách nhiệm quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên công trình theo hợp đồng được ký kết.

6. Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán: Sở GTVT tổ chức thực hiện việc nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu theo hợp đồng được ký kết; nghiệm thu quyết toán công trình vào cuối năm kế hoạch theo hợp đồng được ký kết.

Điều 10. Quy trình thực hiện trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng (Đối với các công việc tỉnh quản lý)

1. Công tác quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ không dùng vật liệu.

a) Xác định và thực hiện khối lượng: Doanh nghiệp được đặt hàng tiến hành tuần tra, kiểm tra các công trình, lập báo cáo đánh giá hiện trạng chất lượng các công trình, báo cáo đột xuất các sự cố, hư hỏng có thể gây mất an toàn giao thông; thực hiện các công việc quy định tại khoản 1, Điều 3 của quy định này; lập báo cáo công việc đã thực hiện trong tháng trước và lập kế hoạch thực hiện cho tháng sau.

b) Lập hồ sơ dự toán, thẩm định trình cấp thẩm quyền phê duyệt: Vào tháng cuối quý, Doanh nghiệp được đặt hàng tiến hành lập dự toán khối lượng thực hiện trong quý sau, trình Sở GTVT thẩm định, phê duyệt làm căn cứ triển khai công việc cho quí sau.

c) Hợp đồng: Sở GTVT tổ chức thực hiện việc ký kết hợp đồng với Doanh nghiệp được đặt hàng, theo hồ sơ dự toán được phê duyệt.

d) Nghiệm thu quyết toán: Vào cuối quý, Sở GTVT tổ chức thực hiện việc nghiệm thu, quyết toán trên cơ sở khối lượng thực hiện và hợp đồng được ký kết; làm các thủ tục giải ngân thanh toán, quyết toán công trình.

2. Công tác quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ có dùng vật liệu.

a) Xác định khối lượng: Sở GTVT tổ chức việc khảo sát, xác định khối lượng, thống nhất biện pháp, giải pháp sửa chữa, lắp đặt.

b) Thi công sửa chữa, lắp đặt: Công tác đảm bảo an toàn giao thông, cần phải khắc phục ngay các hư hỏng, khiếm khuyết cầu đường, bổ sung các tín hiệu báo hiệu đường bộ để tránh và đề phòng những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Sau khi đã xác định khối lượng hư hỏng ở khoản 2 mục a Điều này, Doanh nghiệp được đặt hàng triển khai ngay công tác sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông.

c) Lập hồ sơ dự toán, thẩm định trình cấp thẩm quyền phê duyệt: Sau khi đã xác định khối lượng ở khoản 2 mục a Điều này, Tổ chức tư vấn được đặt hàng sẽ triển khai lập hồ sơ dự toán hoặc lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình (Trường hợp phải lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình).

d) Hợp đồng: Sở GTVT tổ chức thực hiện việc ký kết hợp đồng với Doanh nghiệp được đặt hàng, tổ chức tư vấn, theo dự toán được phê duyệt.

đ) Nghiệm thu, quyết toán: Sở GTVT tổ chức thực hiện việc nghiệm thu, quyết toán trên cơ sở khối lượng thực hiện và hợp đồng được ký kết, hồ sơ được thẩm định, phê duyệt; làm các thủ tục giải ngân thanh toán, quyết toán công trình.

3. Công tác sửa chữa đột xuất:

a) Công tác sửa chữa đột xuất phải được xử lý gấp, để đảm bảo an toàn giao thông, đề phòng các tai nạn hoặc sự cố đáng tiếc xảy ra. Sở GTVT sẽ giao một Doanh nghiệp triển khai thi công ngay và hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

b) Việc hoàn chỉnh các thủ tục đặt hàng cho doanh nghiệp thực hiện công tác sửa chữa đột xuất được thực hiện như khoản 2 Điều này.

Điều 11. Thực hiện đấu thầu, đặt hàng

Việc thực hiện đấu thầu, đặt hàng trong lĩnh vực quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ áp dụng theo Nghị định số 31/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.

Điều 12. Thanh toán, quyết toán

Trình tự thanh toán, quyết toán sản phẩm, dịch vụ công ích đối với danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ thực hiện theo các quy định hiện hành.

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH TỈNH

Điều 13. Sở Giao thông vận tải

1. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức đấu thầu, đặt hàng đối với các sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ tỉnh quản lý.

2. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh trong việc phân bổ nguồn vốn sự nghiệp giao thông.

3. Phân khai chi tiết các danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ tỉnh quản lý trên cơ sở nguồn vốn sự nghiệp giao thông được UBND Tỉnh giao hằng năm.

4. Thực hiện chức năng chủ đầu tư trong quá trình quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ tỉnh quản lý gồm:

a) Tổ chức việc khảo sát, xác định khối lượng;

b) Thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự toán; tổ chức thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán (Trường hợp phải lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình);

c) Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp (Trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu);

d) Quyết định lựa chọn các Doanh nghiệp, Tổ chức tư vấn để đặt hàng sản xuất và cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích;

đ) Tổ chức thực hiện việc ký kết hợp đồng với các Doanh nghiệp, tổ chức tư vấn để đặt hàng sản xuất và cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích;

e) Tổ chức thực hiện việc quản lý, giám sát chất lượng, khối lượng và tiến độ thi công;

g) Tổ chức thực hiện việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo hợp đồng đã ký kết.

Điều 14. Sở Kế hoạch và đầu tư

1. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trong việc phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp giao thông thuộc dự toán của ngân sách tỉnh.

2. Phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình theo quy định.

3. Thẩm định kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu theo quy định.

Điều 15. Sở Tài chính.

1. Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư trong việc phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp giao thông thuộc dự toán của ngân sách tỉnh.

2. Chủ trì tổ chức thẩm tra phê duyệt quyết toán các danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ tỉnh quản lý thuộc nguồn vốn sự nghiệp giao thông.

3. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra về việc chấp hành công tác quản lý vốn, các chế độ, chính sách về tài chính đầu tư.

Điều 16. Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện

Cấp phát thanh toán vốn đầu tư nguồn vốn sự nghiệp giao thông cho các danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ tỉnh quản lý theo các quy định hiện hành.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THỊ XÃ

Điều 17. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

1. Phân bổ, phân khai vốn cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ huyện, thị xã quản lý từ dự toán ngân sách huyện, thị xã hàng năm sau khi đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

2. Thực hiện nhiệm vụ cấp quyết định đầu tư; giao nhiệm vụ Chủ đầu tư cho một trong các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện, thị xã. Chủ đầu tư vận dụng các nội dung quy định của Quyết định này để thực hiện việc đấu thầu, đặt hàng thực hiện sán xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các Danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ do huyện, thị xã quản lý.

3. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Chủ đầu tư, phê duyệt Kế hoạch đấu thầu, Quyết toán các Danh mục quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ huyện, thị xã quản lý.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC TƯ VẤN

Điều 17. Doanh nghiệp xây dựng

1. Đăng ký kinh doanh hoạt động xây dựng theo quy định pháp luật, phải có đủ điều kiện năng lực về vốn, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý và tay nghề người lao động phù hợp với sản phẩm do mình cung cấp, đáp ứng yêu cầu của hợp đồng.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về kỹ thuật, chất lượng, an toàn công tác thi công xây lắp và các nội dung cam kết trong hợp đồng.

Điều 18. Tổ chức tư vấn xây dựng

1. Đăng ký kinh doanh hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật, phải có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của hợp đồng đặt hàng.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về các nội dung đã cam kết trong hợp đồng đặt hàng và phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc các vấn đề chưa phù hợp, đề nghị phản ánh cho Sở GTVT tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời để thực hiện./.