Quyết định 49/2016/QĐ-UBND về quy định công tác quản lý, thanh quyết toán phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 49/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Phạm Thị Thanh Trà
Ngày ban hành: 12/12/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2016/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 12 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, THANH QUYẾT TOÁN PHẦN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2016;

Căn cứ Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BKHĐT ngày 07/8/2013 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Thông tư 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 02/12/2013 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 20/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 của HĐND tỉnh Yên Bái về thông qua Đề án phát triển Giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 3156/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 2389/STC-TTr ngày 07/11/2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng

1. Quyết định này quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ vật liệu và một số chi phí khác cho các dự án thuộc Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020.

2. Đối với các dự án xây dựng giao thông nông thôn do tỉnh Yên Bái quản lý sử dụng từ các nguồn vốn khác theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng được áp dụng thực hiện thanh toán, quyết toán theo quy định tại Quyết định này.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý, thanh quyết toán vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

1. Các dự án đường giao thông nông thôn phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng công trình theo quy định hiện hành của Nhà nước và định mức hỗ trợ, thiết kế mẫu quy định tại Quyết định số 3156/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Yên Bái; đảm bảo sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai và minh bạch, chấp hành đúng chế độ quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định hiện hành và quy định tại Quyết định này.

2. Các dự án đường giao thông nông thôn được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã làm Chủ đầu tư để khuyến khích người dân trong xã đứng ra tự thực hiện thi công xây dựng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Trường hợp nếu Ủy ban nhân dân cấp xã không đủ điều kiện, năng lực làm Chủ đầu tư, thì Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng làm Chủ đầu tư để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý, thanh quyết toán vốn đầu tư của Nhà nước.

3. Các quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư thực hiện các dự án đường giao thông nông thôn không nêu tại Quyết định này được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý chi phí đầu tư và xây dựng.

4. Trong quá trình thực hiện nếu các văn bản của cấp có thẩm quyền dẫn chiếu tại Quyết định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp.

Điều 3. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

1. Ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ 70%;

2. Ngân sách huyện tự cân đối 30%.

Ngoài phần vốn được tỉnh hỗ trợ để thực hiện đề án theo chỉ tiêu được tỉnh giao, khuyến khích các huyện, thị xã, thành phố bố trí vốn từ ngân sách huyện (ngoài chỉ tiêu được tỉnh giao) theo đúng cơ chế hỗ trợ của đề án.

Điều 4. Thanh toán vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

1. Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước được thanh toán cho các chủ đầu tư trên cơ sở khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu theo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của đề án nhân (x) với định mức hỗ trợ theo quy định của đề án, cụ thể:

a) Đối với tuyến đường bê tông liên xã, liên thôn, nội thôn, xóm: Mức kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng số lượng m3 bê tông thực hiện được nghiệm thu đúng quy định nhân (x) với đơn giá hỗ trợ của 1 m3 bê tông.

Đơn giá hỗ trợ 1m3 bê tông được xác định trên cơ sở: giá vật liệu chính (xi măng, cát, sỏi hoặc đá) bao gồm giá theo thông báo giá do liên STài chính - Xây dựng công bố, cước vận chuyển tới chân công trình (chỉ tính cước vận chuyển trên các tuyến đường sử dụng được phương tiện là xe ô tô, không tính cước vận chuyển bằng các loại hình vận chuyển khác) và thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định;

b) Đối với tuyến đường đất mở mới: Mức kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng chiều dài tuyến đường thực hiện đã được nghiệm thu đúng quy định nhân (x) với định mức hỗ trợ (70 triệu đồng/01km);

c) Đối với mở rộng nền đường đất: Mức kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng chiều dài tuyến đường được mở rộng (km) x (70 triệu đồng /3,5) x (3,5 - bề rộng mặt đường hiện tại tính bằng mét khi chưa mở rộng);

d) Đối với công việc khác như: Công trình thoát nước, hạng mục nổ mìn phá đá, công tác lập hồ sơ, thanh quyết toán vốn. Mức kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ được thanh toán theo từng loại công việc và định mức hỗ trợ theo quy định của đề án.

2. Phương thức thanh toán:

a) Đối với gói thầu do Ủy ban nhân dân cấp xã làm chủ đầu tư thực hiện theo hình thức người dân trong xã tự làm:

- Ban Phát triển thôn báo cáo người có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-BKHĐT ngày 07/8/2013 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 chấp thuận bằng văn bản giao cho người dân trong xã tự tổ chức thi công xây dựng và tự chịu trách nhiệm của mình trước pháp luật.

- Trên cơ sở quyết định phê duyệt dự án đầu tư của người có thẩm quyền, Chủ đầu tư trực tiếp ký hợp đồng với người dân thông qua Người đại diện (là người do những người dân trong xã tham gia thi công xây dựng bầu; Người đại diện có thể là tổ, đội xây dựng cũng có thể là nhóm người có một người đứng ra chịu trách nhiệm).

- Căn cứ hợp đồng và khối lượng xây dựng hoàn thành được nghiệm thu; Chủ đầu tư lập hồ sơ đề nghị thanh toán theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn, gửi Kho bạc nhà nước đề nghị thanh toán cho Người đại diện. Trường hợp Người đại diện không có tài khoản Chủ đầu tư đề nghị Kho bạc nhà nước thanh toán bằng tiền mặt; Người đại diện thanh toán trực tiếp cho người dân tham gia thực hiện thi công xây dựng gói thầu; Chủ đầu tư và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc thanh toán tiền công cho người dân. Khi thanh toán cho gói thầu do người dân trong xã tự làm thì cơ quan thanh toán không thanh toán giá trị chi phí của các công việc người dân không thực hiện và phần thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình.

b) Đối với gói thầu do Ủy ban nhân dân cấp xã làm chủ đầu tư ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu thì việc thanh toán vốn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 của Bộ Tài chính về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn.

c) Đối với các dự án đường giao thông nông thôn được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu, đơn vị thi công theo quy định thì việc thanh toán vốn đầu tư được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính. Nhà thầu, đơn vị thi công có trách nhiệm kê khai, nộp thuế theo quy định hiện hành.

Điều 5. Quyết toán dự án hoàn thành

1. Đối với công trình do Ủy ban nhân dân cấp xã làm Chủ đầu tư kinh phí được hạch toán, quyết toán vào ngân sách xã theo quy định; Đối với công trình xã không có đủ khả năng tự thực hiện mà được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng làm chủ đầu tư thì kinh phí được cấp về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và được hạch toán, quyết toán vào ngân sách cấp huyện.

2. Khi công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng chủ đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo quy định theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn gửi Phòng Tài chính Kế hoạch, trong đó phải báo cáo quyết toán cụ thể phần kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ và phần kinh phí do nhân dân đóng góp. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan thẩm tra quyết toán về tính pháp lý của hồ sơ quyết toán và tính đúng đắn của số liệu đề nghị quyết toán; tính chính xác của khối lượng do Chủ đầu tư và Người đại diện của người dân trong xã tham gia thi công xây dựng (hoặc nhà thầu) nghiệm thu đưa vào báo cáo quyết toán.

3. Phòng Tài chính - Kế hoạch căn cứ báo cáo quyết toán dự án hoàn thành do Chủ đầu tư gửi đến thực hiện thẩm tra theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định hiện hành về thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành, trong đó:

a) Đối với phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ: Giá trị quyết toán của từng loại công việc bằng khối lượng công việc hoàn thành đã được nghiệm thu đúng quy định nhân (x) với đơn giá, định mức hỗ trợ theo quy định của đề án.

b) Đối với phần kinh phí nhân dân đóng góp thực hiện quyết toán theo giá trị đóng góp thực tế trong giá trị công trình được nghiệm thu theo đúng quy định để theo dõi, quản lý không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.

Điều 6. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện công tác thanh toán, quyết toán vốn theo quy định.

2. Kho bạc nhà nước tỉnh hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm soát thanh toán vốn tại Kho bạc nhà nước theo quy định, bảo đảm thuận lợi cho các chủ đầu tư trong quá trình thanh toán vốn và triển khai thực hiện dự án.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân cấp xã, các chủ đầu tư thực hiện công tác lập dự toán, thi công xây dựng, thanh toán, quyết toán vốn các dự án đường giao thông nông thôn theo đúng quy định hiện hành và quy định tại Quyết định này.

Đảm bảo đủ nguồn vốn để thanh toán cho dự án, công trình đường giao thông nông thôn theo thời gian, tiến độ đã được phê duyệt.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng vốn được ngân sách hỗ trợ đúng mục đích, đúng chế độ, có hiệu quả, công khai minh bạch. Trường hợp chi sai thì phải thu hồi nộp trả cho ngân sách nhà nước.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính, Giám

đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Trưởng Cục Thuế; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Quyết định được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 QĐ;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- TT. Tỉnh ủy;
- Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT.UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra văn bản);
- Văn phòng UBND tỉnh (đăng công báo);
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, XD, TM.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Thị Thanh Trà

 

 

- Nội dung này được đính chính bởi Khoản 25 Điều 1 Quyết định 1310/QĐ-UBND năm 2017

Điều 1. Đính chính về thời điểm có hiệu lực của 35 văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành, cụ thể như sau:
...
25. Quyết định số 49/2016/QĐ-UBND ngày 12/12/2016 ban hành Quy định một số nội dung về công tác quản lý, thanh quyết toán phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020 (viết tắt là Quyết định số 49/2016/QĐ-UBND):

Tại khoản 3 Điều 7 của Quyết định số 49/2016/QĐ-UBND quy định: “Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành”, nay đính chính lại thành: “Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2016”.

Xem nội dung VB