Quyết định 485/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành
Số hiệu: 485/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Hoàng Quốc Vượng
Ngày ban hành: 09/03/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 485/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 9 tháng 03 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG QUẶNG CHÌ KẼM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2008-2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị quyết số 10/2008/NQ-HĐND ngày 18/7/2008 của HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2015,
Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 24/TTr-SCT ngày 16/01/2009 đề nghị phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2015, có xét đến năm 2020, với những nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA QUY HOẠCH.

1. Quan điểm quy hoạch.

a) Quặng Chì, Kẽm là nguồn tài nguyên quan trọng của tỉnh cần được thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, không gây cạn kiệt tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn có quặng Chì, Kẽm.

b) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Chì, Kẽm là cơ sở để tổ chức đánh giá lại trữ lượng tài nguyên quặng Chì Kẽm, hoạch định khâu khai thác, chế biến phát triển phù hợp với ngành luyện kim và lập lại trật tự trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của nhân dân ở những vùng có quặng Chì, Kẽm.

c) Xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng quặng Chì, Kẽm với công nghệ hiện đại để tận thu tối đa tài nguyên khoáng sản, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo phát triển bền vững.

d) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính, có trình độ công nghệ thiết bị tiên tiến, nhân lực trình độ cao và kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến luyện kim Chì, Kẽm trên địa bàn tỉnh, trên cở sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, với địa phương; sản xuất vá sự phát triển bền vững KT-XH của tỉnh và cả nước.

2. Mục tiêu quy hoạch.

a) Đánh giá được trữ lượng tài nguyên quặng Chì Kẽm, tổ chức lại khâu khai thác chế biến đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho ngành luyện kim trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch chung của cả nước.

b) Đề xuất giải pháp và phương pháp quản lý hoạt động khoáng sản liên quan đến Chì, Kẽm nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

c) Xác định cụ thể các vùng: thăm dò, khai thác, chế biến, các vùng cấm, hạn chế đối với hoạt động khoáng sản Chì, Kẽm để đảm bảo cho hoạt động khoáng sản Chì, Kẽm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

d) Tăng trưởng GTSXCN ngành khai thác quặng Chì Kẽm giai đoạn 2006-2010: 34,17%/năm; giai đoạn 2011-2015: 4,56%/năm.

II. NỘI DUNG QUI HOẠCH

1. Qui hoạch phân vùng điều tra, thăm dò quặng Chì, Kẽm.

Giai đoạn 2008-2015: Các mỏ được đưa vào điều tra, thăm dò là:

- Huyện Định Hoá: Khuôn Đậu, Mỏ Rịn 1, Mỏ Rịn 3, Bó Cây, Linh Thông, Thân Pây;

- Huyện Phú Lương: Xãm Pháng, Xãm Đẩu, Lũng Chuối, Hang Leo;

- Huyện Đại từ: Thành Lập, Núi Vuốt, Lục Ba, Mỏ Vàng, Đầm Vàng, Hữu Sào, Thanh Mỵ;

- Huyện Võ Nhai: Khuổi Mèo, Đán Đen, Bản Nhò, Khuôn Vạc, Nghinh Tường, Nà Giam, Lũng Đinh, Lũng Sấu, Cúc Đường, Lũng Áp, Bó Toòng, Khuổi Đeng, Khuổi Chạo, Lũng Sen, Khuổi Dong;

2. Qui hoạch khai thác quặng Chì, Kẽm.

a) Khai thác giai đoạn 2008-2015: Gồm các mỏ:

- Huyện Đồng Hỷ: Làng Hích, Bản Tèn;

- Huyện Phú Lương: Đuổm, Phố Giá, Cuội Nắc, Phú Đô;

- Huyện Đại Từ: Côi Kỳ;

Sản lượng khai thác phấn đấu đạt từ 90.000-150.000 tấn quặng NK/năm.

b. Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục khai thác trữ lượng còn lại (chủ yếu là các mỏ của Công ty TNHH NN MTV Kim loại mầu và các mỏ khác, sản lượng khoảng 100.000 tấn quặng NK/năm), các mỏ giai đoạn trước đã khai thác hết, tập trung khai thác tận thu và tổ chức khai thác các mỏ mới phát hiện có kết quả thăm dò khả quan.

c) Các khu vực khai thác tận thu.

- Các mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ để thanh lý hoặc bãi thải trong khai thác, chế biến của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ, có thể xem xét cấp giấy phép khai thác tận thu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

3. Qui hoạch chế biến và sử dụng quặng Chì, Kẽm.

- Các cơ sở chế biến của Công ty TNHH NN MTV Kim loại mầu: Tuyển quặng chì, kẽm tại mỏ Làng Hích: 20.000 tấn quặng NK/năm; tuyển quặng Chì, Kẽm tại mỏ Cúc Đường: 20.000 tấn quặng NK/năm (dự kiến đầu tư năm 2009); sản xuất bột Ôxít kẽm tại Xí nghiệp Kim loại mầu II: 2.000 tấn SP/năm; sản xuất Kẽm kim loại tại Sông Công: 10.000 tấn SP/năm.

- Các cơ sở chế biến khác: Sản xuất kẽm kim loại của Công ty liên doanh kim loại mầu Việt Bắc tại tại KCN Điềm Thụy - Phú Bình: 10.000 tấn SP/năm; tuyển tinh quặng Chì, Kẽm của các Công ty có mỏ và được phép chế biến sản lượng khoảng 10.000 tấn tinh quặng/năm; sản xuất bột ôxít kẽm 60%ZnO và Chì kim loại của HTX công nghiệp và vận tải Chiến Công tại CCN Trúc Mai với sản lượng 10.000 tấn sản phẩm/năm (5.000 tấn chì kim loại/năm và 5.000 tấn bột ôxít kẽm 60%ZnO/năm);

- Các cơ sở tuyển thô khác: Đối với các mỏ có trữ lượng nhỏ, ở phân tán thì khâu chế biến (tuyển rửa và phân loại) được bố trí ngay sau khâu khai thác của mỏ; đối với các mỏ nằm tập trung, trữ lượng trên 100.000 tấn, tính chất quặng giống nhau có thể xây dựng khâu chế biến chung. Chỉ cấp mỏ quặng Chì Kẽm cho các đơn vị đã đầu tư dây chuyền tuyển quặng Chì Kẽm trên địa bàn tỉnh.

- Giai đoạn 2008-2020 nên ưu tiên đầu tư các xưởng: Tuyển thô, tinh quặng chì kẽm; sản xuất bột ôxít kẽm 60%ZnO; sản xuất Chì kim loại. Còn đối với sản xuất Kẽm kim loại đã mất cân đối so với nguồn nguyên liệu hiện có, nên không cho đầu tư tiếp nhà máy.

4. Vốn đầu tư.

Tổng vốn đầu tư cho cả giai đoạn 2008-2015: 370 tỷ đồng (toàn bộ là vốn huy động từ các nguồn của doanh nghiệp), chia ra:

- Vốn đầu tư cho công tác thăm dò quặng Chì Kẽm: 54,5 tỷ đồng.

- Vốn đầu tư cho hoạt động khai thác quặng Chì Kẽm: 235 tỷ đồng.

-Vốn đầu tư cho hoạt động chế biến quặng Chì Kẽm: 80,5 tỷ đồng.

- Khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn đổi mới, áp dụng kỹ thuật công nghệ tiến tiến phục vụ cho khai thác, chế biến sâu quặng Chì Kẽm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về hạ tầng cơ sở.

- Gắn quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng Chì, Kẽm trên địa bàn tỉnh với quy hoạch các ngành có liên quan của tỉnh.

- Tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện có phục vụ cho công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến.

2. Giải pháp về vốn

- Huy động vốn từ các nguồn: vay tín dụng; tư nhân, hỗn hợp, cổ phần, FDI... để đầu tư vào khâu thăm dò, khai thác, chế biến sâu quặng Chì Kẽm;

- Lựa chọn phương án đầu tư hợp lý, có trọng điểm vào các mỏ phù hợp với quy hoạch này và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Thu hút cán bộ, công nhân có chuyên môn, kỹ thuật cao.

- Ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, lao động của các hộ bị ảnh hưởng và các hộ trong diện di dời tái định cư bởi hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

- Hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho công nhân trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản theo qui chế hiện hành của tỉnh.

4. Giải pháp về kỹ thuật và công nghệ

- Sử dụng công nghệ và thiết bị trong nước để khai thác và tuyển rửa quặng, chỉ nhập một số thiết bị nước ngoài có chất lượng nổi trội hẳn và đặc thù riêng đối với quặng Chì, Kẽm nhưng phải đồng bộ, tận thu tối đa tài nguyên và không gây tác động ảnh hưởng đến môi trường.

- Có phương án đầu tư mới hoặc cải tạo nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Lựa chọn công nghệ kỹ thuật tiên tiến hiện đại trên thế giới. Trang bị đầy đủ thiết bị phân tích, kiểm tra... Thiết bị bảo vệ và xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất.

5. Giải pháp bảo vệ môi trường và sinh thái.

- Vấn đề bảo vệ môi trường phải đặt lên hàng đầu, chỉ bố trí trong các khu công nghiệp; không bố trí gần các khu đô thị, khu đông dân cư; phải có các biện pháp công nghệ để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, nhất là việc quản lý chất thải độc hại sau chế biến (vận chuyển, chôn lấp...) phải đúng các quy định hiện hành.

- Các dự án đầu tư vào khai thác, chế biến, luyện kim Chì Kẽm bắt buộc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực hiện triệt để và nghiêm túc các giải pháp bảo vệ môi trường. Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp để xảy ra sự cố môi trường, nhưng không có giải pháp khắc phục hữu hiệu sẽ bị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động.

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường, có sự phối hợp, phân công, phân cấp rõ ràng. Những khu vực có cơ sở khai thác và chế biến quặng Chì Kẽm phải có chế độ quản lý đặc biệt, quan trắc thường xuyên về môi trường xung quanh.

- Các cơ sở khai thác, chế biến phải ký quỹ phục hồi môi trường và nộp phí bảo vệ môi trường, phí nước thải. Thực hiện nghiêm túc việc đóng của mỏ theo quy định của pháp luật.

6. Giải pháp quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản

- Thực hiện nghiêm túc Kết luận số 96-TB/TU ngày 23/8/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Đề án quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động khoáng sản

- Xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản qui phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo đúng qui định của pháp luật.

- Nâng cao vai trò tham mưu và trách nhiệm đề xuất, thẩm định của Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường trong quản lí hoạt động khoáng sản. Tăng cường sự phối hợp quản lí của các ngành, các cấp về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

- Thanh tra, kiểm tra các hoạt động khoáng sản, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh. Xác định rõ vai trò trách nhiệm của các đội quản lý liên ngành về khoáng sản.

- Tăng cường biên chế và cơ cấu tổ chức, trang bị điều kiện làm việc cho hệ thống quản lý Nhà nước về các hoạt động khoáng sản đến cấp huyện.

- Việc lập dự án đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; lập thiết kế cơ sở và thiết kế mỏ phải do các đơn vị tư vấn chuyên ngành có đủ kinh nghiệm và điều kiện hoạt động xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Quy hoạch này các quy định của pháp luật liên quan khác là cơ sở điều chỉnh mọi hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì kẽm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc các Sở, Ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung, điều chỉnh.

Điều 3. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan công bố, hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nội dung Quy hoạch này.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Vượng