Quyết định 418/QĐ-UBND năm 2014 Quy định quản lý, sử dụng tiền thu được từ việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: 418/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Lê Phước Thanh
Ngày ban hành: 07/02/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 418/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 07 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN THU ĐƯỢC TỪ VIỆC XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH BỊ TỊCH THU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 35/TTr- STC ngày 17/01/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định quản lý, sử dụng tiền thu được từ việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, với các nội dung như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng mức khoán chi phí:

a) Phạm vi điều chỉnh: Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính.

b) Đối tượng áp dụng:

- Các cơ quan nhà nước thuộc các ngành, các cấp có thẩm quyền ra quyết định hoặc cơ quan chủ trì gồm Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Cảnh sát biển, …và các cơ quan, lực lượng khác (của Trung ương, tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn) tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, tịch thu tài sản, hàng hóa, vật phẩm, lâm sản,… (gọi chung là tang vật, phương tiện) do vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh.

- Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố (gọi chung là cơ quan Tài chính): Tham gia Hội đồng định giá tang vật, phương tiện để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, bán, thanh lý, tiêu hủy tang vật, phương tiện bị tịch thu, chủ trì hoặc tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại,… theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện, thành phố và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Quy định mức khoán chi phí:

a) Mức khoán chi phí cho cơ quan, đơn vị tại quy định này được xác định theo tỷ lệ % (phần trăm) trên số tiền thu từ bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu là tài nguyên bị tịch thu phải trừ khoản nộp tiền thuế tài nguyên trước khi trích khoán chi phí theo quy định.

b) Số tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu, khoản tiền đặt trước không hoàn lại cho người tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 38, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ), phải nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính (các khoản do cơ quan Trung ương và cấp tỉnh thực hiện thu, nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính; cấp huyện trở xuống nộp vào tài khoản tạm giữ của phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện) mở tại Kho bạc Nhà nước. Mức khoán chi phí cho các công việc của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cụ thể như sau:

- Cơ quan Tài chính:  5 %.

- Cơ quan Kiểm lâm (Chi cục Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng; Hạt Kiểm lâm;…): 40%.

Trường hợp, đối với tang vật, phương tiện do cơ quan có thẩm quyền thuộc các ngành, các cấp phát hiện, điều tra, trực tiếp bắt giữ chuyển giao hồ sơ vụ việc, tang vật, phương tiện cho cơ quan Kiểm lâm ra quyết định tịch thu hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, thì tỷ lệ mức khoán chi phí 40% nêu trên được phân phối như sau:

+ Cơ quan phát hiện, điều tra, trực tiếp bắt giữ:             33%.

+ Cơ quan Kiểm lâm:                                                    7%.

- Cơ quan Quản lý thị trường:                                        30%.

- Cơ quan Công an:                                                      30%.

- Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển:                              40%.

- Cơ quan Hải quan:                                                      30%.

- Các cơ quan khác trực tiếp bắt giữ xử lý:                    30%.

c) Mức khoán chi phí cho các cơ quan, đơn vị được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) nêu trên, nhưng tổng mức khoán chi phí tối đa không quá 200 triệu đồng/01 vụ việc. Đối với những vụ việc do cơ quan Bộ đội Biên phòng, Vùng Cảnh sát biển phát hiện, điều tra, xử phạt, tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì mức khoán chi phí tối đa không quá 500 triệu đồng/01 vụ việc.

Riêng, đối với tang vật, phương tiện do cơ quan Cảnh sát biển tịch thu trong trường hợp đặc biệt, có những vụ việc nghiêm trọng, thời gian điều tra xác minh dài, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố và có giá trị tang vật, phương tiện lớn từ 3 tỷ đồng trở lên, thì cơ quan ra quyết định tịch thu tổng hợp chi phí, có văn bản trình UBND tỉnh xem xét cho chủ trương giải quyết thanh toán vụ việc theo chi phí thực tế quy định.

3. Nội dung chi phí đối với tiền khoán: Mức khoán chi phí cho các cơ quan, đơn vị tại khoản 2, Điều này nhằm đảm bảo kịp thời các khoản chi phí trong quản lý, xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 9, Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính.

4. Quản lý, sử dụng, hạch toán, kế toán và thanh, quyết toán mức khoán chi phí từ xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính:

a) Căn cứ số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước, theo đề nghị của cơ quan, đơn vị xử phạt; chậm nhất trong thời gian không quá 30 ngày làm việc, cơ quan Tài chính các cấp có trách nhiệm xem xét, thanh toán kịp thời cho các cơ quan, đơn vị theo mức khoán tại khoản 2, Điều này.

b) Số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính, sau khi trừ mức khoán chi phí cho cơ quan, đơn vị có liên quan tại khoản 2, Điều này. Số tiền còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Thông tư số 173/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

c) Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được khoán chi phí thực hiện:

- Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và tự cân đối cho từng vụ việc có số thu và các vụ việc không có số thu hoặc số thu thấp.

- Sử dụng nguồn thu này với nguồn kinh phí ngân sách cấp chi thường xuyên và kinh phí khác để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

d) Hồ sơ, chứng từ gốc thanh toán các chi phí từ mức khoán này được bảo quản, lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị theo chế độ Nhà nước quy định.

đ) Hằng năm, cơ quan, đơn vị được khoán chi phí có trách nhiệm quyết toán sử dụng mức khoán chi phí này cùng với quyết toán sử dụng kinh phí của cơ quan, đơn vị với cơ quan Tài chính theo niên độ ngân sách Nhà nước quy định.

e) Cơ quan của người có thẩm quyền quyết định tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc cơ quan trình cấp thẩm quyền ra quyết định tịch thu, cơ quan, đơn vị được khoán chi phí, Phòng Tài chính -Kế hoạch huyện, thành phố tổng hợp, báo cáo tình hình quản lý, kết quả xử lý, sử dụng số thu được từ tiền bán tang vật, phương tiện bị tịch thu về Sở Tài chính, chậm nhất trước ngày 31/01 hằng năm.

Trường hợp, cơ quan, đơn vị trên không tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình quản lý, kết quả xử lý, sử dụng số thu được từ tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu cho phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố, Sở Tài chính thì Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố, Sở Tài chính sẽ tạm dừng thanh toán khoán chi phí cho cơ quan, đơn vị cho đến khi nhận được tổng hợp, báo cáo.

5. Các nội dung còn lại về quản lý, sử dụng, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu: Thực hiện theo Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 và các văn bản hiện hành liên quan khác đến lĩnh vực này của Bộ Tài chính quy định.

* Trong quá trình thực hiện, có phát sinh vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị báo cáo, kiến nghị về Sở Tài chính để hướng dẫn và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định số 3486/QĐ-UBND ngày 31/10/2012 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành: Tài chính, Tư pháp, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảnh sát biển, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (B/c);
- TTTU, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, NC, KTN, KTTH (Mỹ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Phước Thanh

 

- Điều này được sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 1721/QĐ-UBND

Điều 1. Sửa đổi một số nội dung quy định tại Điều 1, Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 07/02/2014 của UBND tỉnh, như sau:

1. Các tiết từ tiết thứ 2 đến tiết thứ 7 (-), điểm b, khoản 2, Điều 1:

- Cơ quan Kiểm lâm và các ngành, các cấp khác: 30%.

Trường hợp, đối với tang vật, phương tiện do cơ quan có thẩm quyền thuộc các ngành, các cấp phát hiện, điều tra, trực tiếp bắt giữ chuyển giao hồ sơ vụ việc, tang vật, phương tiện cho cơ quan Kiểm lâm ra quyết định tịch thu hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, thì tỷ lệ mức khoán chi phí 40% nêu trên được phân phối như sau:

+ Cơ quan phát hiện, điều tra, trực tiếp bắt giữ: 20%.

+ Cơ quan Kiểm lâm: 10%.

- Cơ quan Quản lý thị trường: 10%.

- Cơ quan Công an: 35%.

- Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển: 35%.

- Cơ quan Hải quan: 25 %.

- Các cơ quan khác trực tiếp bắt giữ xử lý: 25%.

2. Điểm b, khoản 2, Điều 1:

c) Mức khoán chi phí cho các cơ quan, đơn vị được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) nêu trên, nhưng tổng mức khoán chi phí tối đa không quá 200 triệu đồng/01 vụ việc. Đối với những vụ việc do cơ quan Bộ đội Biên phòng, Vùng Cảnh sát biển phát hiện, điều tra, xử phạt, tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì mức khoán chi phí tối đa không quá 500 triệu đồng/01 vụ việc.

Riêng, đối với tang vật, phương tiện do cơ quan Cảnh sát biển tịch thu trong trường hợp đặc biệt, có những vụ việc nghiêm trọng, thời gian điều tra xác minh dài, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố và có giá trị tang vật, phương tiện lớn từ 02 tỷ đồng trở lên, thì cơ quan ra quyết định tịch thu tổng hợp chi phí, có văn bản trình UBND tỉnh xem xét cho chủ trương giải quyết thanh toán vụ việc theo chi phí thực tế quy định.

Xem nội dung VB




Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản Ban hành: 04/03/2010 | Cập nhật: 10/03/2010

Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước Ban hành: 06/06/2003 | Cập nhật: 06/12/2012