Quyết định 4113/QĐ-UBND năm 2013 Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ tại địa bàn khu công nghiệp
Số hiệu: 4113/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Đinh Quốc Thái
Ngày ban hành: 16/12/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------

Số: 4113/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 16 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI, PHÒNG CHỐNG CHÁY, NỔ TẠI ĐỊA BÀN KHU CÔNG NGHIỆP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng Dân quân tự vệ với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 100/2010/TTLT-BQP-BCA ngày 22/7/2010 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại Công văn số 1921/BCH-TM ngày 27/11/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ tại địa bàn khu công nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hoà, các Công ty kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, chủ các doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI, PHÒNG CHỐNG CHÁY, NỔ TẠI ĐỊA BÀN KHU CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4113/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp và trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị Dân quân thường trực thuộc Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hoà (sau đây gọi tắt là cấp huyện), Đồn Công an Khu công nghiệp, lực lượng Công an, Dân quân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã), lực lượng tự vệ và bảo vệ chuyên trách tại các khu công nghiệp trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ (ANCT, TTATXH, PCCN) tại địa bàn khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Hoạt động phối hợp giữa các đơn vị Dân quân thường trực (gọi tắt là chốt Dân quân thường trực) của Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ban CHQS cấp huyện) với Đồn Công an Khu công nghiệp, lực lượng Công an, lực lượng Dân quân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) với lực lượng tự vệ và bảo vệ chuyên trách các khu công nghiệp trong công tác giữ gìn ANCT, TTATXH, PCCN vùng giáp ranh và vùng phụ cận khu công nghiệp phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đảng uỷ Công an tỉnh và Huyện uỷ, Thị uỷ, Thành uỷ; sự chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự và Công an cấp huyện.

2. Đồn Công an Khu công nghiệp, Công an cấp xã (nơi chưa có Đồn Công an Khu công nghiệp) là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANCT, TTATXH, PCCN trên địa bàn khu công nghiệp, vùng giáp ranh, vùng phụ cận; lực lượng Dân quân thường trực hoạt động trên địa bàn khu công nghiệp và lực lượng Dân quân vùng giáp ranh, vùng phụ cận là lực lượng phối hợp và độc lập trong hoạt động tuần tra.

3. Bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất; đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Chỉ huy Quân sự, Công an, Phòng cháy và chữa cháy cấp huyện, lực lượng tự vệ, bảo vệ chuyên trách của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng và công việc nội bộ của nhau; giữ bí mật về phương án và các biện pháp xử lý theo quy định và yêu cầu của người chỉ huy có thẩm quyền.

4. Khi xử lý, giải quyết các vụ việc về ANCT, TTATXH phải kiên quyết, thận trọng, tuân thủ theo các quy định của pháp luật, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

5. Cơ chế chỉ đạo, chỉ huy phối hợp hoạt động thực hiện theo Điều 7, Chương II Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ Quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng Dân quân tự vệ với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng (gọi tắt là Nghị định số 74/2010/NĐ-CP).

a) Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm ANCT-TTATXH do Công an chủ trì, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp và chỉ huy lực lượng thuộc quyền phối hợp với lực lượng chốt Dân quân thường trực, Tiểu đội Dân quân thường trực các xã, phường, thị trấn, lực lượng Dân quân tại chỗ giáp ranh và các lực lượng tự vệ, lực lượng bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã và Trung đội trưởng Chốt Dân quân thường trực chỉ huy lực lượng thuộc quyền, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền cùng cấp và Đảng uỷ Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện.

b) Trong trường hợp tình hình ANCT, TTATXH diễn biến phức tạp vượt quá khả năng xử lý của Đồn Công an và Chốt Dân quân thường trực; Chỉ huy Công an và Trung đội trưởng Chốt Dân quân thường trực xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Công an và Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, đồng thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và chỉ huy lực lượng thuộc quyền phối hợp với lực lượng Công an, Dân quân các xã, phường, thị trấn giáp ranh, lực lượng tự vệ, lực lượng bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp tham gia xử lý tình hình theo kế hoạch của cấp trên.

Điều 3. Nội dung phối hợp

1. Phối hợp trong công tác vận động nhân dân, công nhân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng cơ sở an toàn về ANCT, TTATXH.

2. Phối hợp tuần tra giữ gìn ANCT, TTATXH.

3. Phối hợp trong huấn luyện võ thuật, huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn, nắm tình hình, phòng cháy và chữa cháy, điều tiết giao thông.

Điều 4. Phương thức phối hợp

1. Thường xuyên thông báo, giao ban, trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin có liên quan giữa các lực lượng thuộc hai cơ quan quân sự và công an các cấp.

2. Tổ chức tập huấn, kiểm tra, thanh tra liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ và tổ chức diễn tập theo các phương án về bảo đảm ANCT, TTATXH ở cơ sở.

3. Tổ chức sơ kết, tổng kết việc phối hợp hoạt động theo định kỳ

a) Đối với Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Công an cấp xã, Chốt Dân quân thường trực hàng quý tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, do Trưởng Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Trưởng Công an cấp xã chủ trì.

b) Công an và Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện 06 tháng sơ kết một lần, do Trưởng Công an cấp huyện chủ trì.

Điều 5. Chế độ trao đổi thông tin và giao ban

1. Chế độ trao đổi thông tin: Thực hiện theo Điều 8, Chương II Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng Dân quân tự vệ với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn ANCT, TTATXH, trong công tác bảo vệ rừng.

a) Công an cấp huyện, Đồn Công an Khu công nghiệp và Công an cấp xã giáp ranh khu công nghiệp có trách nhiệm trao đổi với Ban Chỉ huy Quân sự cùng cấp, chốt Dân quân thường trực và lực lượng tự vệ, bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp những thông tin cần thiết về ANCT, TTATXH trong khu công nghiệp và địa bàn giáp ranh, vùng phụ cận khu công nghiệp. Ban Chỉ huy Quân sự các xã giáp ranh, Chốt Dân quân thường trực, Đồn Công an Khu công nghiệp, Công an các xã giáp ranh và cán bộ phụ trách bảo vệ của Công ty Kinh doanh hạ tầng các Khu công nghiệp thường xuyên nắm tình hình, trao đổi thông tin liên quan đến việc phối hợp giữa các lực lượng để báo cáo với cấp Ủy, chính quyền cùng cấp có chỉ đạo thống nhất.

b) Việc trao đổi thông tin về ANCT, TTATXH phải bảo đảm bí mật, kịp thời, chính xác. Trường hợp các lực lượng có thông tin khác nhau về một vụ việc, hiện tượng thì phải phối hợp xác minh, kết luận thống nhất trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

2. Chế độ giao ban: Thực hiện theo Điều 5, Chương II Thông tư liên tịch số 100/2010/TTLT-BQP-BCA ngày 22/7/2010 của Bộ Quốc phòng - Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định phối hợp hoạt động giữa lực lượng Dân quân tự vệ với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn ANCT, TTATXH.

a) Giao ban công tác phối hợp hoạt động của Chốt Dân quân thường trực, Đồn Công an Khu công nghiệp, Công an cấp xã và lực lượng tự vệ, lực lượng bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp tổ chức mỗi tuần một lần.

b) Thành phần giao ban hàng tuần: Đồn Công an Khu công nghiệp (Công an cấp xã), cán bộ sỹ quan, cơ quan quân sự cấp huyện được giao nhiệm vụ phụ trách chốt, cán bộ Trung đội trưởng Chốt Dân quân thường trực, cán bộ chỉ huy đơn vị tự vệ và cán bộ chỉ huy lực lượng bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp.

Thành phần giao ban tháng có mở rộng đến đại diện lãnh đạo Công an, Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, Ban Quản lý Khu công nghiệp và đại diện Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã giáp ranh, khi cần thiết mời lãnh đạo cấp uỷ, Uỷ ban nhân dân cấp huyện tham dự chỉ đạo.

c) Địa điểm tổ chức giao ban: Do Công an thống nhất với các lực lượng có liên quan chọn địa điểm phù hợp với địa bàn hoạt động để thuận tiện trong việc triển khai nhiệm vụ.

d) Sau mỗi kỳ giao ban, Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Công an cấp xã và Chốt Trung đội Dân quân thường trực báo cáo về cơ quan chỉ huy cấp trên để tổng hợp báo cáo cấp Ủy, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh.

đ) Khi có nhiệm vụ đột xuất hoặc tình hình phức tạp về ANCT, TTATXH; Chỉ huy Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Công an cấp xã, cán bộ sỹ quan phụ trách Chốt Dân quân thường trực phải chủ động phối hợp bằng các hình thức phù hợp như: Họp bất thường, báo cáo qua điện thoại hoặc văn bản, tổ chức kíp trực liên ngành để phối hợp giải quyết trong công tác giữ gìn ANCT, TTATXH và nắm tình hình chung.

Chương II

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP

Điều 6. Phối hợp trong công tác vận động nhân dân, công nhân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng địa bàn cơ sở an toàn về ANCT, TTATXH

1. Công an cấp huyện chỉ đạo Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với Chốt Dân quân thường trực, lực lượng Dân quân và các ban, ngành, đoàn thể các xã, phường, thị trấn giáp ranh, lực lượng tự vệ, lực lượng bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp tuyên truyền, giáo dục nhân dân, công nhân nâng cao cảnh giác; phát huy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm; phòng chống âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và bọn tội phạm, làm trong sạch địa bàn; xây dựng khu dân cư, địa bàn Khu công nghiệp an toàn về ANCT, TTATXH góp phần xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở cơ sở.

2. Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện chỉ đạo Chốt Dân quân thường trực chủ trì, phối hợp lực lượng Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Công an cấp xã, lực lượng bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp vận động nhân dân, công nhân nâng cao cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; vận động nhân dân, công nhân tham gia xây dựng khu công nghiệp vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

3. Lực lượng tự vệ và lực lượng bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp có trách nhiệm tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, công nhân, người lao động nâng cao ý thức cảnh giác, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, của nhà nước; tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Điều 7. Phối hợp tuần tra giữ gìn ANCT, TTATXH

1. Công an cấp huyện chỉ đạo Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với Chốt Dân quân thường trực, chỉ huy đơn vị tự vệ, chỉ huy lực lượng bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp xây dựng phương án tuần tra, hoạt động theo sự chỉ đạo của cơ quan Công an cấp trên và tổ chức hiệp đồng giữa lực lượng Công an với Chốt Dân quân thường trực, lực lượng Dân quân các xã, phường, thị trấn giáp ranh, lực lượng tự vệ, lực lượng bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp trong giữ gìn ANCT, TTATXH trên địa bàn khu công nghiệp và các vùng giáp ranh, phụ cận.

2. Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện chỉ đạo Trung đội trưởng (hoặc Tiểu đội trưởng) Chốt Dân quân thường trực phối hợp với Trưởng Đồn Công an Khu công nghiệp, chỉ huy đơn vị tự vệ, chỉ huy lực lượng bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp và lực lượng Dân quân các xã, phường, thị trấn giáp ranh khu công nghiệp xây dựng kế hoạch tuần tra, hoạt động dưới sự chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân và Đảng uỷ Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện. Khi xảy ra các tình huống về ANCT, TTATXH; Chốt Dân quân thường trực phối hợp với Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Công an cấp xã và các lực lượng khác xử lý theo chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định.

3. Các kế hoạch tuần tra, hoạt động của Chốt Dân quân thường trực và Đồn Công an Khu công nghiệp phải được Ban Chỉ huy Quân sự và lãnh đạo Công an cấp huyện phê duyệt.

4. Chỉ huy đơn vị Tự vệ và Chỉ huy lực lượng Bảo vệ chuyên trách Khu công nghiệp xây dựng kế hoạch hoạt động, phương án tuần tra, phân công lực lượng tự vệ, lực lượng bảo vệ chuyên trách thuộc quyền phối hợp với lực lượng Chốt Dân quân thường trực và Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Công an cấp xã trình Thủ trưởng cơ quan phê duyệt.

5. Trường hợp giải quyết các vụ việc về ANCT, TTATXH có liên quan đến người nước ngoài, Trưởng Đồn Công an Khu công nghiệp (Công an cấp xã) và Trung đội trưởng Chốt Dân quân thường trực báo cáo lãnh đạo Công an, Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện tham mưu cho cấp uỷ, Uỷ ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có liên quan phối hợp với lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Chủ đầu tư để xử lý theo chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định.

Điều 8. Phối hợp trong huấn luyện võ thuật, huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn nắm tình hình, phòng cháy chữa cháy, điều tiết giao thông

1. Công an cấp huyện, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Công an cấp xã, Đội hoặc Tổ Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khu công nghiệp hướng dẫn cho lực lượng Chốt Dân quân thường trực kiến thức liên quan đến ANCT, TTATXH ở cơ sở; kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy; phương pháp lập biên bản xử lý ban đầu các vụ việc về ANCT, TTATXH; cách sử dụng công cụ hỗ trợ, các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và huấn luyện võ thuật theo đề nghị của Chốt Dân quân thường trực.

2. Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, Chốt Dân quân thường trực hướng dẫn cho lực lượng Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Công an cấp xã những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sử dụng các loại vũ khí quân dụng được trang bị và các nội dung khác theo đề nghị của lực lượng Đồn Công an Khu công nghiệp.

3. Chỉ huy đơn vị tự vệ và chỉ huy lực lượng bảo vệ chuyên trách khu công nghiệp giúp huấn luyện võ thuật cho lực lượng Chốt Dân quân thường trực theo đề nghị của Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện.

Chương III

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, KINH PHÍ BẢO ĐẢM

Điều 9. Chế độ chính sách trang phục của Dân quân thường trực

Trang phục của của Dân quân thường trực trên địa bàn khu công nghiệp quy định tại Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 04/01/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng lực lượng quân tự vệ và bảo đảm chế độ chính sách, trang phục cho lượng lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2010 - 2015".

Điều 10. Kinh phí bảo đảm

1. Ngân sách huyện, thị xã, thành phố và tỉnh chi cho Dân quân thường trực theo Điều 52 Luật Dân quân tự vệ, Điều 47 Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ và Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 04/01/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai.

2. Nguồn đóng góp của các Công ty Kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, chủ các doanh nghiệp trên địa bàn các khu công nghiệp để hỗ trợ tiền ăn cho lực lượng Dân quân thường trực, kinh phí bảo đảm phương tiện cơ động, mua sắm công cụ hỗ trợ, thiết bị thông tin liên lạc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của Chốt Dân quân thường trực.

3. Các Công ty Kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm một phần quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở của Chốt Dân quân thường trực.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự và Công an cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này. Hàng quý, vào ngày 15 tháng cuối quý báo cáo kết quả hoạt động cho UBND tỉnh.

Điều 12. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự và Công an cấp huyện có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức triển khai cho Đồn Công an Khu công nghiệp hoặc Công an cấp xã, chốt Dân quân thường trực, lực lượng Dân quân và lực lượng Công an cấp xã giáp ranh khu công nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này./.

 





Nghị định 58/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ Ban hành: 01/06/2010 | Cập nhật: 04/06/2010