Quyết định 39/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công không theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Số hiệu: 39/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Đinh Quốc Thái
Ngày ban hành: 16/06/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2016/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 16 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT BƯỚC ĐẦU CÁC VỤ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ, ĐÌNH CÔNG KHÔNG THEO TRÌNH TỰ, THỦ TỤC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động;

Căn cứ Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 70/TTr-LĐTBXH ngày 05 tháng 5 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công không theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 22/2009/QĐ-UBND ngày 02/4/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp lao động tập thể không theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và hòa giải viên lao động chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT BƯỚC ĐẦU CÁC VỤ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ, ĐÌNH CÔNG KHÔNG THEO TRÌNH TỰ, THỦ TỤC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2016/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp xử lý bước đầu giữa UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các sở, ban, ngành liên quan trong việc giải quyết bước đầu các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công không theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa (gọi tắt là Chủ tịch UBND cấp huyện).

2. Các cơ quan chức năng cấp huyện: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Công an cấp huyện; Đồn Công an các khu công nghiệp; Liên đoàn Lao động cấp huyện; Công đoàn các Khu công nghiệp thành phố Biên Hòa; đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai và các ngành liên quan tại địa phương.

3. Các cơ quan chức năng cấp tỉnh: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh.

4. Hòa giải viên lao động.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Việc hỗ trợ giải quyết các vụ tranh chấp lao động giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được tiến hành công khai, thống nhất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.

2. Người chủ trì giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển sản xuất.

3. Các cơ quan: Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Công an tỉnh khi phối hợp tham gia giải quyết tranh chấp lao động có sự phân công các đơn vị thành viên hợp lý tránh sự chồng chéo trong quá trình giải quyết đình công.

Điều 4. Nội dung phối hợp

1. Phối hợp trong việc thu thập, xử lý thông tin đối với các vụ việc tranh chấp lao động.

2. Tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành pháp luật lao động đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trước, trong và sau khi vụ việc tranh chấp lao động, đồng thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật.

4. Phối hợp trong việc giữ gìn an ninh, trật tự tại các doanh nghiệp, hạn chế tối thiểu ảnh hưởng môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh.

5. Phối hợp đề xuất các phương án giúp các bên thương lượng, giải quyết, tổ chức thực hiện chế độ chính sách pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong tranh chấp.

6. Phối hợp trong báo cáo, trao đổi thông tin, nội dung phục vụ cho công tác giải quyết tranh chấp.

Chương II

TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT VÀ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT BƯỚC ĐẦU CÁC VỤ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG, ĐÌNH CÔNG

Điều 5. Hòa giải viên lao động

Khi tiếp nhận thông tin về tranh chấp lao động tập thể, hòa giải viên lao động là cán bộ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch UBND và các thành viên trong Tổ công tác của cấp huyện để phối hợp xử lý. Đồng thời trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp và công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp (nếu có) hoặc đại diện người lao động để nắm bắt thông tin và hỗ trợ các bên thương lượng, thỏa thuận.

Điều 6. Thành lập Đoàn công tác giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công không đúng pháp luật

1. Đoàn công tác giải quyết tranh chấp lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập. Các thành viên của Đoàn công tác có trách nhiệm chấp hành sự phân công, điều động của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc người được Chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền làm Trưởng đoàn để giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra trên địa bàn quản lý.

2. Khi có yêu cầu của doanh nghiệp hay yêu cầu của tập thể người lao động về việc hỗ trợ giải quyết và những vụ tranh chấp lao động tập thể hoặc những vụ tranh chấp, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp làm Trưởng đoàn công tác giải quyết đình công hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch, Trưởng phòng, ban, ngành cấp huyện làm Trưởng đoàn, có mặt kịp thời và chỉ đạo giải quyết các vụ tranh chấp lao động.

3. Thành viên Đoàn công tác gồm đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an huyện, Liên đoàn Lao động huyện, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (đối với các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp) và các ngành liên quan tại địa phương. Tùy theo tính chất và quy mô của vụ tranh chấp lao động, đình công, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định số thành viên tham gia giải quyết.

4. Trường hợp xảy ra cùng lúc nhiều vụ tranh chấp lao động trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp huyện (Trưởng đoàn công tác) phân công các thành viên trong Đoàn công tác thành các Tổ công tác để giải quyết tranh chấp lao động ở các địa điểm, khu vực do Phó Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Trưởng phòng, ban, ngành của huyện làm Tổ trưởng giải quyết tranh chấp lao động.

5. Trưởng đoàn công tác có thể đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan cấp tỉnh tham gia phối hợp hỗ trợ giải quyết đối với những vụ tranh chấp lao động tập thể có tình tiết phức tạp hoặc có xu hướng chuyển biến phức tạp như: Xảy ra tại các doanh nghiệp có đông lao động (trên 5.000 lao động); các vụ tranh chấp lao động tập thể kéo dài trên 05 ngày mà giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa thỏa thuận, thương lượng được; các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra do bị kích động, lôi kéo bởi các đối tượng ngoài doanh nghiệp; các vụ tranh chấp có biểu hiện quá khích, đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ…

Các cơ quan chức năng của tỉnh, khi tham gia phối hợp giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo đề nghị của Trưởng đoàn công tác có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn công tác.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn công tác

1. Ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động. Giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

2. Hướng dẫn và yêu cầu các bên tranh chấp lao động thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về lao động đối với những nội dung tranh chấp.

3. Đề xuất các phương án và hỗ trợ các bên thương lượng, thỏa thuận trên tinh thần nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

4. Trong quá trình giải quyết nếu Đoàn công tác phát hiện một trong các bên tranh chấp có hành vi vi phạm pháp luật lao động thì lập biên bản, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử phạt theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 95/2013/NĐ-CP (việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện sau khi tranh chấp lao động tập thể đã được giải quyết xong).

Điều 8. Mối quan hệ phối hợp giải quyết các vụ tranh chấp lao động

1. Thành viên Đoàn công tác có trách nhiệm đề ra và thực hiện các phương pháp giải quyết ổn định vụ việc trong thời gian sớm nhất theo sự phân công của Trưởng đoàn.

2. Khi nhận được thông báo của Chủ tịch UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, có trách nhiệm cử cán bộ tham gia hỗ trợ Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp theo quy định của Quy chế này.

3. Tùy tính chất, mức độ vụ việc, khi xét thấy vụ tranh chấp lao động thuộc trường hợp hoãn đình công theo quy định của pháp luật thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hoãn cuộc đình công hoặc khi xét thấy cuộc đình công đang diễn ra thuộc các trường hợp ngừng đình công theo quy định của pháp luật thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc ngừng đình công. Ngay sau khi nhận được thông báo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ngừng đình công, đồng thời gửi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian chờ quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn công tác giải quyết tranh chấp lao động cấp huyện và các cơ quan chức năng của tỉnh tham gia phối hợp giải quyết đình công có trách nhiệm ổn định trật tự, đồng thời giải thích, hướng dẫn và yêu cầu các bên thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Điều 9. Quy trình xử lý bước đầu các vụ đình công không đúng pháp luật lao động

1. Khi nhận được thông tin có xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công không đúng quy định của pháp luật lao động, Đoàn công tác được cử đến ngay hiện trường để ổn định tình hình an ninh trật tự và ngăn chặn kịp thời những trường hợp quá khích, không để gây rối, làm thiệt hại đến tài sản doanh nghiệp, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công để đưa ra phương án giải quyết.

2. Trưởng đoàn công tác phân công thành viên tiếp cận với chủ doanh nghiệp, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (đối với các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở) và người lao động để xác định nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động, ghi nhận các kiến nghị, yêu cầu của tập thể lao động; tham gia ổn định trật tự; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện quá khích; có biện pháp xử lý nhanh, đạt hiệu quả, không để lan tỏa vụ tranh chấp lao động hoặc đình công sang khu vực lân cận.

3. Đoàn công tác thống nhất đánh giá việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp liên quan đến nội dung tranh chấp, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục ngay vi phạm (nếu có) và giải quyết các kiến nghị chính đáng, hợp pháp của tập thể lao động (kiến nghị về quyền). Đối với các yêu cầu của tập thể lao động cao hơn mức quy định của pháp luật hiện hành (yêu cầu về lợi ích), Đoàn công tác thống nhất phương án giải quyết để đưa ra trong cuộc họp giữa các bên tranh chấp.

4. Tổ chức cuộc họp giữa các bên tranh chấp: Đoàn công tác tổ chức cuộc họp và yêu cầu Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tập thể lao động cử đại diện tham dự cuộc họp để cùng trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động về hướng giải quyết từng nội dung kiến nghị, yêu cầu theo phương án giải quyết của các ngành chức năng trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên. Trong trường hợp một trong các bên tranh chấp không đồng ý theo phương án giải quyết và trong quá trình thương lượng cũng không thỏa thuận được thì Đoàn công tác phối hợp Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở giải thích, vận động, thuyết phục người lao động và người sử dụng lao động thực hiện phương án giải quyết tranh chấp lao động.

a) Trong trường hợp các bên tự hòa giải thành hoặc chấp thuận phương án giải quyết tranh chấp của Đoàn công tác, thì Đoàn công tác hướng dẫn hai bên lập biên bản thống nhất phương án giải quyết tranh chấp lao động. Các bên có nghĩa vụ chấp hành các thỏa thuận ghi trong biên bản.

b) Trường hợp tập thể người lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với phương án giải quyết của Đoàn công tác thì hướng dẫn cho các bên thực hiện trình tự giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật lao động.

5. Đoàn công tác hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp ra thông báo về kết quả thương lượng, giải quyết những yêu cầu của người lao động.

6. Báo cáo kết quả giải quyết

a) Đoàn công tác từ lúc bắt đầu thực hiện nhiệm vụ cho đến khi kết thúc nhiệm vụ thường xuyên thông tin nhanh về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi.

b) Khi vụ việc phức tạp kéo dài, vượt quá khả năng giải quyết thì Đoàn công tác báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để báo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh gồm đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan đến hỗ trợ giải quyết.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp kết quả giải quyết vụ tranh chấp lao động, lập báo cáo theo mẫu gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh sau khi đã có kết quả giải quyết, đồng thời tiếp tục theo dõi doanh nghiệp tổ chức thực hiện những nội dung đã thống nhất trong biên bản giải quyết của các ngành.

Điều 10. Công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các cam kết sau tranh chấp lao động

1. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi việc thực hiện các cam kết và báo cáo kết quả thực hiện cam kết về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; xử lý theo thẩm quyền hoặc có văn bản đề nghị Thanh tra lao động xử lý đối với những doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm các quy định pháp luật về lao động.

2. Công an tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời đúng pháp luật đối với những đối tượng có hành vi kích động, xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác tham gia tranh chấp lao động hoặc đình công không đúng pháp luật; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong và sau khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật.

3. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo công đoàn các cấp phổ biến để người lao động hiểu rõ các chính sách lao động, động viên người lao động thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan quản lý về lao động các hành động mang tính trả đũa từ phía doanh nghiệp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc người được ủy quyền

a) Tổ chức ngay Đoàn công tác đến địa điểm xảy ra tranh chấp lao động, chủ trì và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động.

b) Chủ trì tiếp xúc với chủ doanh nghiệp và đại diện người lao động, đồng thời trực tiếp kiểm tra các hồ sơ và sự việc có liên quan đến nội dung đang tranh chấp, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật lao động đối với những nội dung có liên quan đến quyền và hướng dẫn các bên tranh chấp thực hiện việc thương lượng, thỏa thuận những nội dung liên quan đến lợi ích.

c) Đề xuất và thống nhất với các thành viên Đoàn công tác về phương án giải quyết, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp và đại diện người lao động triển khai phương án. Trong trường hợp chưa có sự thống nhất nội dung phương án giải quyết tranh chấp lao động giữa các thành viên tham gia Đoàn công tác thì phương án sẽ do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.

d) Đối với những vụ tranh chấp lao động có những tình tiết phức tạp, Chủ tịch UBND cấp huyện thông báo cho các sở, ban, ngành chức năng cấp tỉnh có liên quan biết để phối hợp hỗ trợ giải quyết.

đ) Tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả giải quyết tranh chấp lao động, đình công với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thường xuyên tổng hợp báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ tình hình tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn về Sở Lao động - Thương binh Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn tỉnh.

e) Xử lý theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật lao động trước, trong và sau khi xảy ra tranh chấp lao động.

g) Chỉ đạo lực lượng công an có biện pháp xử lý những đối tượng có hành vi kích động, lôi kéo, cản trở người khác thực hiện các quy định của pháp luật và những nội dung thông báo của Trưởng đoàn công tác.

h) Đảm bảo kinh phí, phương tiện phục vụ cho Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ; chịu trách nhiệm về nội dung khi cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Tham gia, hỗ trợ Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc hướng dẫn giải quyết các vụ tranh chấp lao động, đình công có những tình tiết phức tạp (khi có đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện).

c) Hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp và người lao động thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có) đối với các doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp.

d) Xử lý theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật lao động trước, trong và sau khi xảy ra tranh chấp lao động, đình công.

đ) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và giải quyết tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp.

e) Tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giải quyết tranh chấp lao động, đình công tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

g) Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này trên địa bàn tỉnh.

3. Ban Quản lý các Khu công nghiệp

a) Phát hiện, thông báo kịp thời với Chủ tịch UBND cấp huyện, các cơ quan chức năng có liên quan về các vụ tranh chấp lao động, đình công xảy ra tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

b) Phối hợp với Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc hướng dẫn giải quyết tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

c) Hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp và người lao động thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có).

d) Tham gia kiểm tra các hồ sơ liên quan đến nội dung đang tranh chấp lao động; phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động thực hiện các quy định của pháp luật lao động.

đ) Cung cấp cho Đoàn công tác các thông tin về tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động.

e) Tham gia góp ý về phương án giải quyết tranh chấp lao động và phối hợp với các sở, ban, ngành, doanh nghiệp triển khai thực hiện phương án.

g) Tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tranh chấp lao động, đình công và giải quyết tranh chấp lao động, đình công tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

4. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng công an theo thẩm quyền cùng Đoàn công tác phối hợp với công an địa phương để thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Ổn định tình hình an ninh, trật tự tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh xảy ra tranh chấp lao động.

b) Chỉ đạo cho các lực lượng công an ở cơ sở nắm tình hình phát hiện và thông báo kịp thời cho Chủ tịch UBND cấp huyện nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động.

c) Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi kích động, gây rối, cưỡng ép người lao động đình công và thông báo kết quả xử lý cho Chủ tịch UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành liên quan và doanh nghiệp biết.

d) Đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn trong quá trình Đoàn công tác, chủ doanh nghiệp và người lao động giải quyết tranh chấp lao động.

5. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh

a) Chỉ đạo công đoàn cơ sở các cấp nắm tình hình phát hiện và thông báo kịp thời cho công đoàn cấp trên và Chủ tịch UBND cấp huyện nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động.

b) Làm việc với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở (nếu có) hoặc đại diện người lao động và tiếp xúc với người lao động để biết rõ nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động.

c) Tuyên truyền, vận động và giải thích cho người lao động hiểu rõ và thực hiện các quy định của pháp luật lao động về quan hệ lao động và nội quy lao động của doanh nghiệp.

d) Tham gia góp ý về phương án giải quyết vụ tranh chấp lao động.

đ) Giải thích, vận động, thuyết phục người lao động trở lại vị trí làm việc và giám sát việc thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có).

Điều 12. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế này, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các cơ quan, đơn vị có liên quan sửa đổi, bổ sung và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 





Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động Ban hành: 12/01/2015 | Cập nhật: 16/01/2015