Quyết định 3338/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt quy hoạch rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 - 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành
Số hiệu: 3338/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Hoàng Chí Thức
Ngày ban hành: 10/12/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 3338/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 10 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH RÀ SOÁT, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN  NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2009 - 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số khoản, điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 969/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2009 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt đề cương, dự toán lập Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2006-2020;
Thực hiện thông báo số 31/TB-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2009 của UBND tỉnh Sơn La thông báo kết quả phiên họp 57, UBND tỉnh khoá XII;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 177/TTr-SNN ngày 03 tháng 11 năm 2009 về việc thẩm định và phê duyệt dự án rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2009-2020;
Căn cứ biên bản Hội nghị thẩm định số 04/BB-HĐTĐ ngày 27 tháng 7 năm 2009 của Hội đồng thẩm định dự án rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020;
Theo đề nghị tại Báo cáo thẩm định Quy hoạch rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 - 2010 số 1354/KHĐT-QH ngày 30 tháng 11 năm 2009 của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 - 2020, với nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn phát triển kinh tế nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện.

- Phát triển nông nghiệp nông thôn phải đi đôi với việc giữ vững chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập, phù hợp với kinh tế thị trường.

- Phát triển nông nghiệp nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy ưu thế của từng vùng, từng địa bàn mà phát triển bền vững các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp tập trung chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ tiên tiến mới vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu đáp ứng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Coi khoa học công nghệ như là một động lực chính để thúc đẩy kinh tế phát triển.

- Tập trung thâm canh nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc sản xuất trên đất dốc. Bảo vệ rừng và trồng rừng vùng đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Mã đảm bảo chức năng phòng hộ, tạo nguồn sinh thuỷ cho các công trình thuỷ điện trên địa bàn và hạn chế lũ lụt... giữ gìn, cân bằng môi trường sinh thái khu vực.

- Nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn trên quan điểm đầu tư tập trung đồng bộ và có trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải. Thực hiện các chính sách thu hút đầu tư nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 21,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Phát triển nông nghiệp nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của dân cư nông thôn, giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các vùng còn nhiều khó khăn nhất là đối với 5 huyện nghèo của tỉnh (huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Sốp Cộp, Quỳnh Nhai). Xã hội nông thôn được ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống an ninh chính trị được giữ vững.

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có tính khả năng cạnh tranh cao. Nâng cao giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác. Gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Đảm bảo an ninh lương thực, giảm dần diện tích đất canh tác nương rẫy trên đất dốc chuyển sang trồng cây công nghiệp, trồng rừng có giá trị kinh tế cao. Phát triển các ngành nghề nông thôn nhằm thu hút nguồn lao động, tạo thêm việc làm.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Quy hoạch phát triển trồng trọt        

a) Quy hoạch phát triển sản xuất lương thực

- Cây lúa nước: Thâm canh tăng vụ diện tích lúa ruộng hiện có phấn đấu: Năm 2010 diện tích gieo trồng lúa mùa 15.650 ha, sản lượng 70.425 tấn; lúa đông xuân 8.680 ha, sản lượng 49.476 tấn. Năm 2015 diện tích gieo trồng lúa mùa 16.330 ha, sản lượng 78.384 tấn; lúa đông xuân 11.170 ha, sản lượng 67.020 tấn. Năm 2020 diện tích gieo trồng lúa mùa 16.850 ha, sản lượng 92.675 tấn, lúa đông xuân 11.720 ha, sản lượng 76.180 tấn.

- Lúa nương: Xu hướng chung của tỉnh là giảm diện tích lúa nương chuyển sang trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Phấn đấu năm 2010 diện tích lúa nương giảm còn 11.100 ha (giảm 8.790 ha), sản lượng 13.875 tấn; năm 2015 diện tích lúa nương toàn tỉnh 5.950 ha (giảm 5.150 ha), sản lượng 7.735 tấn; năm 2020 diện tích lúa nương toàn tỉnh 5.050 ha, sản lượng 6.565 tấn.

- Cây ngô: Đảm bảo diện tích được gieo trồng bằng các giống ngô lai để đạt năng suất bình quân 40 - 50tạ/ha đối với ngô xuân hè, 25tạ/ha với ngô vụ thu. Dự kiến năm 2010 diện tích ngô giảm còn 111.680 ha (giảm 21.010 ha, sản lượng ngô 446.720 tấn; đến năm 2015 diện tích ngô 72.050 ha (giảm 39.630 ha), sản lượng 302.610 tấn; năm 2020 giảm xuống còn 57.500 ha (giảm 14.550 ha), sản lượng 258.750 tấn.

Sản lượng lương thực có hạt đạt 58,12 vạn tấn năm 2010; năm 2015 là 45,27 vạn tấn và đạt 43.24 vạn tấn vào năm 2020. Năm 2020 bình quân lượng thực có hạt đạt 351 kg/người/năm, đảm bảo nguồn lương thực cho nhu cầu tại chỗ và tạo nguồn hàng hoá.

b) Quy hoạch phát triển cây trồng hàng hoá

 - Tập trung đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, trên diện tích các cây công nghiệp chủ lực gắn với công nghiệp chế biến, phát triển diện tích hợp lý ở các vùng có lợi thế trọng tâm phát triển chè, cà phê, mía, đậu tương, cây ăn quả chất lượng cao.

+ Cây mía: Ổn định vùng nguyên liệu mía với quy mô 3.500 ha. Năng suất mía bình quân đạt 70 - 85 tấn/ha, sản lượng mía cây hàng năm đạt 270 - 300 ngàn tấn.

+ Cây sắn: Diện tích sắn toàn tỉnh ổn định 10.000 ha với sản lượng 350.000- 450.000 tấn củ tươi tương đương 87.500-110.000 tấn bột/năm.

+ Cây đậu tương: Dự kiến đến năm 2010, diện tích trồng đậu tương 9.700 ha, sản lượng 12.397 tấn; năm 2015 diện tích 17.700 ha, sản lượng 23.010 tấn; năm 2020 diện tích 20.000 ha, sản lượng 28.610 tấn.

+ Cây chè: Dự kiến quy mô diện tích chè năm 2020 định hình có 10.000 ha, sản lượng đạt 75.000 tấn búp tươi.

+ Cây cà phê: Tăng cường đầu tư thâm canh diện tích cà phê hiện có đưa diện tích cà phê đến năm 2020 toàn tỉnh 5.500 ha trong đó chủ yếu là cà phê chè (Arabica) với giống phổ biến là Catimo có giá trị cao.

+ Cây cao su: Tổng diện tích quy hoạch phát triển cây cao su: 50.000 ha; trong đó giai đoạn 2007 - 2011: 20.000 ha, tầm nhìn đến năm 2020: 30.000 ha.

+ Cây ăn quả: Phát triển cây ăn quả phải phù hợp với điều kiện khí hậu đất đai từng khu vực. Chú trọng cải tạo vườn tạp bằng các giống cây ăn quả chất lượng cao, cải tạo các vườn cây già cỗi. Cây giống phải được qua chọn lọc, trồng khảo nghiệm. Đẩy mạnh việc nhân giống cây sạch bệnh cung cấp cho sản xuất kể cả trồng mới và trồng cải tạo, thay thế giống cũ. Dự kiến năm 2020 diện tích cây ăn quả 27.000 ha, sản lượng đạt 131.085 tấn.

+ Phát triển rau, hoa: Đến năm 2020: Diện tích trồng hoa 470 ha chủ yếu trên địa bàn thành phố Sơn La, Mộc Châu, Ngọc Chiến - Mường La. Diện tích rau đậu các loại: 6.700 ha tập trung ở thành phố Sơn La, Mai Sơn, Mường La, Mộc Châu, Phù Yên.

2.2. Quy hoạch phát triển chăn nuôi       

Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá vừa giải quyết nguồn thực phẩm thịt, trứng, sữa tại chỗ với số lượng lớn vừa là sản phẩm hàng hoá dễ tiêu thụ và vận chuyển. Phát huy lợi thế của một tỉnh miền núi (đất rộng, nhiều đồi cỏ, rừng nhiều...) tập trung vào hướng chính như sau:

+ Bò sữa: Phát triển đàn bò sữa tập trung tại Mộc Châu gắn với nhà máy chế biến sữa. Quy mô đến năm 2020 nâng tổng đàn lên 10.000 con.

+ Bò thịt: Phát triển đàn bò với đa dạng hoá giống bò vừa bảo tồn phát triển đàn các giống bản địa, vừa tiếp tục đẩy mạnh việc sinh hoá đàn bò: Đến năm 2020 toàn tỉnh có 237.000 con.

+ Đàn trâu: Chú trọng phát triển đàn trâu địa phương giống tốt trọng tâm ở địa bàn Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu và Mai Sơn. Quy mô đàn trâu toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 214.000 con.

+ Phấn đấu đến năm 2020: Đàn dê ổn định 209.600 con; quy mô đàn lợn đạt 858.200 nghìn con; tổng đàn gia cầm đạt 5,64 triệu con.

Sản phẩm chính chăn nuôi: năm 2010 sản lượng thịt hơi các loại 36.336 tấn, sản lượng sữa tươi 16.200 tấn; năm 2015 sản lượng thịt hơi các loại 49.154 tấn, sản lượng sữa tươi 25.200 tấn; năm 2020 sản lượng thịt hơi các loại 59.969 tấn, sản lượng sữa tươi 36.000 tấn.

+ Công tác giống: Củng cố duy trì, đẩy mạnh mạng lưới thụ tinh nhân tạo bò tại các địa phương trong tỉnh, bảo đảm có đội ngũ kỹ thuật trình độ cao các trang thiết bị khá ngang tầm với các địa phương trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu công tác giống của tỉnh.

+ Về thức ăn: Đối với gia súc ăn cỏ, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân trồng cỏ thâm canh, chế biến, dự trữ thức ăn nhằm giải quyết thức ăn trong mùa khô. Dự kiến đất trồng cỏ chăn nuôi: Năm 2010 là 1.800 ha; đến năm 2020 là 2.300 ha.

2.3. Quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản

Đẩy mạnh nghề nuôi cá ao hồ, nuôi cá ruộng. Tận dụng mặt nước tự nhiên hiện có khuyến khích việc nuôi cá lồng bè trên sông suối, trên các hồ thuỷ điện vừa và nhỏ để nuôi trồng thuỷ sản với mục đích hàng hoá. Quy mô phát triển thuỷ sản: Năm 2010: Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 3.040 ha; năm 2015 diện tích tăng lên 3.796 ha; năm 2020 diện tích nuôi trồng thuỷ sản 4.376 ha. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đến năm 2020 ước đạt 7.000 tấn

2.4. Quy hoạch lâm nghiệp        

+ Phấn đấu: Bảo vệ rừng hiện có 597.785,3 ha, trồng rừng mới 12.000 ha, khoanh nuôi tái sinh 180.000 ha, nâng độ che phủ lên 51%, tương đương diện tích có rừng 724.730 ha vào năm 2010; Bảo vệ rừng hiện có 724.730 ha, trồng rừng mới 41.050 ha, khoanh nuôi tái sinh 180.000 ha, nâng độ che phủ lên 55%, tương đương diện tích có rừng 770.000 ha vào năm 2015 và Bảo vệ rừng hiện có 770.000 ha, trồng rừng mới 41.878 ha, nâng độ che phủ lên 60%, tương đương diện tích có rừng 850.000 ha vào năm 2020.

+ Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp đến năm 2020 như sau: Tổng diện tích đất lâm nghiệp 885.000 ha, trong đó đất có rừng 850.000 ha.

Phân theo 3 loại rừng: Rừng phòng hộ: 423.992,7 ha (có rừng 391.971 ha, đất trống 32.021,7 ha); Rừng đặc dụng: 62.978,7 ha (có rừng 60.000 ha, đất trống 2.978,7 ha); Rừng sản xuất: 398.028,6 ha (có rừng 398.028,6 ha).

+ Khai thác gỗ trong rừng: Hàng năm khai thác tận dụng 10% diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên; 15% diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng; khai thác 10% diện tích rừng sản xuất.

+ Dịch vụ môi trường

Giai đoạn 2011 - 2015 hướng đến năm 2020: Diện tích quy hoạch dịch vụ môi trường 724.730 ha.Dự kiến nguồn thu từ dịch vụ môi trường:

- Giai đoạn 2008-2010: Bình quân 1 năm đạt 60 - 80 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2011-2015: Bình quân hàng năm đạt 100 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016-2020: Bình quân hàng năm đạt 120 - 150 tỷ đồng.

2.5. Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến

Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản một phần nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông lâm nghiệp, làm tăng giá trị hàng hoá, kim ngạch xuất khẩu; mặt khác góp phần đắc lực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân thúc đẩy công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Công nghiệp chế biến bảo quản nông lâm sản phải được gắn với các vùng cung cấp nguyên liệu tập trung đã được quy hoạch theo từng địa bàn, theo các cụm công nghiệp:

+ Cụm Thành phố Sơn La: Chế biến cà phê, lâm sản, bia, hoa quả.

+ Cụm Mai Sơn: Chế biến đường, các sản phẩm sau đường, chế biến chè, tinh bột sắn cà phê, chế biến hoa quả, chế biến cao su.

+ Cụm Mộc Châu: Chế biến hoa quả, chế biến chè, sữa các loại, lâm sản...

 Ngoài ra tại các huyện, các trung tâm cụm xã đang dần phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến phù hợp với tiềm năng phát triển của huyện như Thuận Châu: chế biến cà phê, chè, tinh bột sắn; huyện Yên Châu: chế biến hoa quả, chè; huyện Phù Yên: Chế biến chè, lâm sản; huyện Sông Mã: Chế biến hoa quả, lâm sản.

Công nghệ chế biến: Tiếp tục khuyến khích đầu tư chiều sâu, đổi mới, cải tạo nâng cấp, sử dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại nhằm tiết kiệm nguyên liệu, điện, nước... bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và xuất khẩu.

2.6. Quy hoạch mạng lưới dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp

+ Hệ thống bảo vệ thực vật, thú y: Tiếp tục củng cố hệ thống thú y, bảo vệ thực vật ở dưới cơ sở (xã, bản) để theo dõi kiểm soát được bệnh gia súc, gia cầm, tình hình sâu bệnh hại cây trồng ... nhằm chủ động trong công tác phòng trừ mỗi trạm biên chế từ 4 - 6 cán bộ/trạm, mỗi xã có 1 cán bộ chuyên môn.

+ Hệ thống khuyến nông: Tổ chức tốt mạng lưới khuyến nông cơ sở, mỗi xã bố trí ít nhất một cán bộ khuyến nông, bản có 1 khuyến nông viên. Xây dựng các câu lạc bộ khuyến nông để mọi người trao đổi, học tập kinh nghiệm, truyền đạt cách làm từ các mô hình sản xuất có hiệu quả, những yêu cầu của người dân ...dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 550 câu lạc bộ khuyến nông thường xuyên hoạt động.

+ Hệ thống cung ứng vật tư kỹ thuật: giai đoạn tới cần củng cố hệ thống cung ứng vật tư nhằm phục vụ đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho sản xuất đảm bảo cả về khối lượng lẫn chất lượng vật tư. Mở rộng các hình thức cung ứng vật tư trên địa bàn các xã, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

+ Quy hoạch mạng lưới dịch vụ du lịch, buôn bán hàng thủ công truyền thống: Đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các điểm du lịch vùng Mộc Châu, thành phố Sơn La, Mai Sơn và vùng hồ sông Đà. Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, phát triển các loại hình du lịch: Du lịch văn hoá, sinh thái, thăm quan di tích lịch sử, nghỉ dưỡng, thể thao... các cửa hàng bán đồ lưu niệm hàng thủ công truyền thống nhằm thu hút, lưu giữ khách du lịch.

2.7. Quy hoạch hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp

+ Phát triển thuỷ lợi tưới tiêu, cấp nước phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và các ngành kinh tế xã hội:

Tập trung kiên cố hoá các hệ thống thuỷ lợi hiện có để phát huy và tăng tối đa năng lực thiết kế.

Xây dựng các công trình thủy lợi, thuỷ điện vừa và nhỏ ở các lưu vực suối phục vụ đa mục tiêu cấp nước tưới cho nông nghiệp, thuỷ sản, sinh hoạt, các ngành công nghiệp, phát điện, phòng chống lũ bão... đảm bảo sử dụng tổng hợp và bảo vệ nguồn nước

+ Tập trung đầu tư sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới từng bước hoàn thiện các công trình thuỷ lợi, phấn đấu đến năm 2010 có 50 - 60% các công trình đầu mối và 60 - 70% chiều dài kênh mương được xây dựng kiên cố và có ống dẫn bền vững; đến năm 2015 có 90% các công trình thuỷ lợi được kiên cố hoá và có đường ống bền vững.

+ Các công trình dự kiến: 778 công trình trong đó:            Thuỷ lợi: 545 công trình; Hồ chứa: 44 công trình; Phai đập: 171 công trình; Kè chống sạt lở: 2 công trình; Giếng khoan tưới ẩm: 15 giếng; Kiên cố hoá kênh mương: 800 km

2.8. Quy hoạch phát triển nông thôn

Xây dựng một xã hội nông thôn mới phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi cả về đời sống tinh thần và vật chất.

+ Quy hoạch cấp nước sinh hoạt: Đảm bảo đến năm 2010: 75% số dân nông thôn được dùng nước sạch; năm 2015 tăng lên 90% và đến năm 2020 số dân nông thôn được dùng nước sạch đạt 100%.

Dự kiến các công trình xây dựng:

Giai đoạn đến năm 2010: Cấp nước tập trung 240 công trình; Giếng đào 1.409 công trình; Lu, bể nước mưa 9.528 công trình.

Giai đoạn 2011-2015: Cấp nước tập trung 277 công trình; Giếng đào 1.542 công trình; Lu, bể nước mưa 6.402 công trình.

 Giai đoạn 2016-2020: Trong giai đoạn này ngoài việc xây dựng mới các công trình cần tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình giai đoạn trước (20%) tương đương khoảng 100 công trình.

+ Quy hoạch vệ sinh môi trường: Xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp nhằm nâng cao sức khoẻ cộng đồng góp phần đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Dự kiến xây dựng các công trình vệ sinh qua các giai đoạn như sau:

Giai đoạn đến năm 2010: Đảm bảo 50% số hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% các cơ sở y tế, trường học, trạm xá, trụ sở xã có công trình vệ sinh hợp vệ sinh, xây dựng các mô hình xử lý chất thải; tuyên truyền vận động nhân dân 50% số chuồng trại chăn nuôi được sử lý chất thải hợp vệ sinh

Giai đoạn năm 2011-2015: 75% số hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 75% số chuồng trại chăn nuôi được sử lý chất thải hợp vệ sinh, xây dựng công trình xử lý chất thải tại 36 xã thuộc 11 huyện, Thành phố.

Giai đoạn năm 2016-2020: 100% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% số hộ gia đình chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; xây dựng 50 công trình xử lý chất thải.

+ Hợp tác xã và ổn định dân cư: Tập trung chỉ đạo rà soát, củng cố các HTX đã chuyển đổi và thành lập mới, tiếp tục việc thành lập mới các HTX Nông nghiệp và PTNT có chất lượng phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Triển khai tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ chủ chốt HTX.

+ Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn:

Khôi phục các làng nghề truyền thống, thúc đẩy nhân cấy nghề mới, xây dựng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp quy mô hộ gia đình như chế biến màu, sao sấy bảo quản nông sản, mộc gia dụng, cơ khí sửa chữa... Giúp đỡ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm đối với các ngành nghề hiện có nhằm tạo việc làm cho người lao động và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn.

IV. TỔNG HỢP VỐN ĐẦU TƯ VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

1. Vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn Sơn La giai đoạn 2009 - 2020 là: 56.863.945 triệu đồng

Đầu tư theo hạng mục : 56.863.945 triệu đồng

- Đầu tư trồng trọt : 16.221.500 triệu đồng

- Đầu tư chăn nuôi : 27.760.000 triệu đồng

- Đầu tư lâm nghiệp  : 3.036.748 triệu đồng

- Đầu tư cho dịch vụ nông nghiệp : 715.000 triệu đồng

- Đầu tư thuỷ lợi : 7.124.310 triệu đồng

- Đầu tư nước sinh hoạt nông thôn : 1.086.113 triệu đồng

- Đầu tư điện nông thôn : 730.024 triệu đồng

- Đầu tư phát triển TTCN, làng nghề : 750 triệu đồng

- Đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến : 189.500 triệu đồng

Phân theo nguồn vốn : 56.863.945 triệu đồng

- Vốn các chương trình mục tiêu quốc gia : 8.995.058 triệu đồng

- Vốn địa phương  : 1.311.442 triệu đồng

- Vốn tín dụng : 34.561.878 triệu đồng

- Vốn huy động trong dân : 11.995.567 triệu đồng

2. Các chương trình ưu tiên đầu tư

- Chương trình phát triển nông sản hàng hoá: Phát triển các vùng sản xuất nông lâm nghiệp tập trung gắn với công nghiệp chế biến.

+ Phát triển trồng cây công nghiệp (cà phê, chè, mía, cao su ...).

+ Phát triển trồng cây ăn quả.

+ Phát triển trồng rừng sản xuất (tre măng, nguyên liệu giấy).

+ Phát triển chăn nuôi (bò sữa, bò thịt).

- Chương trình phát triển nông thôn tổng hợp

+ Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản.

+ Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn.

+ Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống, phục vụ sản xuất (thuỷ lợi, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, điện nông thôn...).

+ Phát triển dịch vụ: Dịch vụ sản xuất; dịch vụ thương mại - du lịch.

3. Các dự án ưu tiên đầu tư

+ Dự án phát triển vùng nguyên liệu chè lên 10.000 ha (Mộc Châu, Thuận Châu, Bắc Yên, Phù Yên, Yên Châu, Mai Sơn).

+ Dự án phát triển cà phê lên 5.500 ha (Mai Sơn, thành phố Sơn La, Thuận Châu).

+ Dự án phát triển cây cao su 50.000 ha, ưu tiên tập trung tại các huyện (Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã).

+ Dự án trồng rừng sản xuất 67.441 ha chủ yếu tại các huyện (Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Yên Châu, Mường La).

+ Dự án chế biến nông lâm sản gắn với các vùng nguyên liệu (chè, cà phê, măng tre, cao su, hoa quả, bột giấy, ván nhân tạo...). Chế biến lâm sản (Mộc Châu, Phù Yên, Thành phố Sơn La; Mai Sơn); chế biến Cà phê (Mai Sơn, Thuận Châu, Thành phố Sơn La); chế biến chè (Mộc Châu, Thuận Châu, Bắc Yên); chế biến hoa quả (Mộc Châu, thành phố Sơn La, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên, Mường La, Sông Mã); chế biến măng tre (Sốp Cộp).

+ Dự án xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến thịt gia súc, gia cầm (Mai Sơn)

+ Dự án thuỷ lợi phục vụ sản xuất: Xây dựng hồ bản Mòng - Thành phố Sơn La; thuỷ lợi suối Chiến - Mường La; thuỷ lợi Lái Bay - Phỏng Lái - Thuận Châu; thuỷ lợi Huổi Vanh - Yên Châu; thuỷ lợi suối Sập - Bắc Yên; thuỷ lợi suối Chiếu – Phù Yên.

+ Dự án cấp n­ước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

V. HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ

Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển Nông nghiệp nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 - 2020 là cơ sở hoạch định kế hoạch dài hạn, trung hạn và kế hoạch hàng năm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp; là cơ sở lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La.

1. Hiệu quả kinh tế

Sau khi quy hoạch, bố trí sản xuất các ngành nghề thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, sự đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ sản suất phục vụ đời sống đã từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nông thôn.

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (giá so sánh) tăng từ 1.651.508 triệu đồng năm 2008 lên 2.785.588 triệu đồng vào năm 2020, tăng bình quân cả giai đoạn 4,45%/năm.

Giá trị sản xuất/1 ha đất canh tác bình quân đạt 25 - 30 triệu đồng/ha

Lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 351 kg/người/năm.

Góp phần làm tăng thu nhập bình quân đầu người từ 4,21 triệu đồng (2005) lên 9,7 triệu đồng (2010) và đạt 18 - 20 triệu đồng (2020).

2. Hiệu quả xã hội

Kinh tế phát triển, trình độ dân trí người dân được mở mang, trình độ thâm canh sản xuất của người lao động được nâng cao thông qua quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế sản xuất trong nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá phù hợp với kinh tế thị trường.

Hàng năm tạo việc làm cho hàng ngàn lao động hoạt động trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản, trong chế biến, ngành nghề nông thôn ... Kinh tế phát triển góp phần làm giảm và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

3. Hiệu quả môi trường

Quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn trên cơ sở khai thác sử dụng hợp lý hiệu quả các nguồn tài nguyên góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, độ che phủ của rừng tăng từ 42% hiện nay lên 60% năm 2020 đáp ứng yêu cầu về phòng hộ.

Qua các hoạt động sản xuất trong nông lâm nghiệp, từng bước sử dụng các công nghệ tiên tiến đạt tiêu chuẩn về môi trường sẽ cải thiện tốt điều kiện môi trường. Các tập quán như chăn thả rông gia súc, du canh du cư ... từng bước được hạn chế đẩy lùi sẽ góp phần bảo vệ môi trường.

VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Về cơ chế, chính sách

Ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh đối với ngành nông nghiệp phù hợp với đặc thù hoạt động của ngành, tập trung vào các vấn đề:

- Chính sách đất đai: Xem xét miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, liên hiệp HTX thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, các hộ gia đình và cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hoá như xây dựng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, nhà làm việc, nhà ở công nhân trong thời gian thực hiện dự án.

- Được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi). Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.

- Các nhà đầu tư được trực tiếp giao dịch với các tổ chức tín dụng để vay vốn, để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá trên địa bàn. Việc vay vốn theo quy chế cho vay hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng sau khi đã thẩm định, tiếp cận các dự án, tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay vốn.

2. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư

Để có đủ nhu cầu nguồn vốn cho việc triển khai thực hiện quy hoạch cần tranh thủ, thu hút tối đa vốn đầu tư từ các nguồn vốn: ngân sách Nhà nước TW, tỉnh, huyện, xã, Vốn các dự án chư­­­ơng trình mục tiêu quốc gia­­; nguồn vốn xã hội hóa huy động từ các đơn vị kinh tế trong và ngoài tỉnh, nguồn vốn đóng góp của nhân dân, của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Nguồn vốn phát triển Tái định cư thủy điện Sơn La. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Nguồn vốn tài trợ của các chính phủ, tổ chức n­ước ngoài thông qua các chư­ơng trình dự án đầu t­ư từ các nguồn: WB, ODA, ADB, KFW7...

3. Giải pháp phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất trọng tâm là công tác giống cây trồng, vật nuôi nó quyết định đến năng suất, chất l­ượng sản phẩm đặc biệt là các giống có chất l­ượng cao, có khả năng thích nghi với điều kiện từng khu vực.

Trong trồng trọt: Áp dụng quy trình công nghệ cao trong thâm canh nâng cao năng suất, chất l­ượng từ khi trồng cho đến khi thu hái sản phẩm, phân loại, bảo quản, chế biến, đóng gói ...đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.

Trong chăn nuôi: Đối với chăn nuôi gia súc lớn - phát triển mạng lưới thụ tinh nhân tạo, tại các vùng sâu, vùng xa sử dụng đực giống để cho phối trực tiếp. Lai kinh tế bò thịt, bò thịt cao sản ôn đới với bò lai sind, bò thịt cao sản nhiệt đới với bò lai sind; chọn lai và nhân giống bò nội; chọn lọc và sử dụng trâu đực nội ngoại hình to để cải tạo đàn trâu nội nhỏ.

Phát triển một số cây thức ăn thích hợp để chăn nuôi (trồng cỏ thâm canh). Chế biến dự trữ thức ăn xanh nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng và đảm bảo thức ăn đủ, đều quanh năm. Chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn gia súc lớn.

Trong lâm nghiệp: Đưa một số loài cây kinh tế chủ lực đã được tuyển chọn để trồng rừng kinh tế, chủ yếu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng chống sâu bệnh, khô hạn.

Sử dụng hoá chất và các biện pháp sinh học để bảo quản lâm sản kéo dài thời gian sử dụng.

Áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại trong chế biến gỗ để đa dạng hoá sản phẩm sản xuất các mặt hàng gia dụng cao cấp.

Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đối với cơ sở, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, mở các lớp tập huấn để chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

4. Giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn cần phải có kế hoạch đào tạo nhất là đào tạo nghề để tạo ra những con người có tay nghề kỹ thuật cao áp dụng trong sản xuất. Bên cạnh việc đào tạo theo các hệ chính quy cần đa dạng hoá thêm các hình thức đào tạo, mở thêm các lớp đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kỹ thuật cho cán bộ thôn bản, phổ biến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân.

Các cơ sở cần phối kết hợp với các trường: Trường trung cấp Nông lâm nghiệp, trường Đại học Tây Bắc, trường Dạy nghề Sơn La... để đào tạo lao động kỹ thuật, lao động quản lý phục vụ cơ sở.

Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lực lượng lao động trong doanh nghiệp để nâng cao trình độ, tay nghề nhất là những lao động địa phương chưa qua đào tạo.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ công chức từ cấp xã trở lên phù hợp với yêu cầu mới. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ đội ngũ cán bộ trong hệ thống quản lý.

Phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm 30%, tỷ lệ này tăng lên 65 - 70% vào năm 2020.  

5. Giải pháp về mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm

Trong nền sản xuất nông nghiệp nông thôn, hàng hoá sản xuất ra phải đáp ứng đúng yêu cầu thị trường về: Lượng, giá, chất lượng, thời điểm cung cấp. Nếu không đáp ứng một hay nhiều yêu cầu đó thì hàng hoá sản xuất ra không có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá trước hết:

- Xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá sản xuất ra và những sản phẩm dự định phát triển. Trong từng loại sản phẩm cần xác định cơ cấu sản phẩm chất lượng cao, chất lượng trung bình

- Không nên sản xuất ra những mặt hàng chưa đủ sức cạnh tranh hoặc không có thị trường tiêu thụ.

Cần đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, sản xuất ra hàng hoá đạt tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo phát triển bền vững.

- Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Nắm bắt thông tin hàng ngày và thường kỳ, nghiên cứu thị trường tiêu thụ thông qua các hệ thống thông tin. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiết lập mạng lưới phân phối, tìm kiếm đối tác hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh thúc đẩy lưu thông hàng hoá.

- Xây dựng tên gọi, xuất xứ hàng hoá một số sản phẩm tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy trì và bảo vệ thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

- Cần phải phân định rõ ràng trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên ngành trong chiến lược chung về xây dựng thương hiệu.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT (chủ đầu tư) chịu trách nhiệm phổ biến quy hoạch này đến các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể có liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, Thành phố để triển khai, thực hiện.

Trên cơ sở quy hoạch chung, theo chức năng nhiệm vụ đuợc giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố cụ thể hoá các nội dung đưa vào kế hoạch hàng năm và 5 năm để tổ chức triển khai quy hoạch đảm bảo tuân thủ theo các nội dung đã phê duyệt và từng bước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- TT UBND tỉnh;
- Các tổ chức Đoàn thể tỉnh;
- Huyện uỷ các huyện, TP;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, KTN, H. Châu (01), 100b.

CHỦ TỊCH




Hoàng Chí Thức