Quyết định 27/2012/QĐ-UBND về Quy định Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Thuận
Số hiệu: 27/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Lê Tiến Phương
Ngày ban hành: 16/07/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 27/2012/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 16 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 09 tháng 01 năm 2003;

Căn cứ Căn cứ Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số ngày 27 tháng 12 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số;

Căn cứ Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi Khoản 6, Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số;

Thực hiện Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 26/2012/NQ-HĐND ngày 02 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, kỳ họp thứ 4 về Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Thuận;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 04/2005/QĐ-UBBT ngày 20 tháng 01 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Quy định về Chính sách Dân số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TỈNH BÌNH THUẬN
(Kèm theo Quyết định số 27/2012/QĐ-UBND ngày 16/7/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy định về Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Thuận nhằm góp phần thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số; Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhằm: duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý.

2. Quy định này áp dụng trên phạm vi địa bàn tỉnh Bình Thuận.

3. Mọi tổ chức, công dân Việt Nam cư trú, sinh sống, công tác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này.

Phần II

NỘI DUNG CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Điều 2. Về số con của mỗi cặp vợ chồng (áp dụng cho cả vợ và chồng)

Thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể:

Mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một hoặc hai con. Trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, được nêu tại Điều 3 Quy định này.

Điều 3. Những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con

Thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số; Điều 1 Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi Khoản 6, Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);

b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Điều 4. Chế độ đối với người thực hiện kế hoạch hóa gia đình và cán bộ làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình cấp xã

1. Đối với người thực hiện kế hoạch hóa gia đình:

a) Những người thực hiện các biện pháp tránh thai tại các cơ sở y tế Nhà nước thuộc tỉnh được miễn phí 100%;

b) Những người thực hiện các biện pháp tránh thai tại các cơ sở y tế Nhà nước, nếu bị tác dụng phụ hoặc tai biến thì được khám và điều trị miễn phí 100% các bệnh do thực hiện các biện pháp tránh thai gây ra, tại các cơ sở y tế Nhà nước thuộc tỉnh;

c) Ngoài khoản tiền bồi dưỡng theo mức quy định của Trung ương, ngân sách tỉnh chi bồi dưỡng thêm cho mỗi ca triệt sản là 150.000 đồng/ca; phụ nữ đặt vòng là 50.000 đồng/ca.

2. Đối với cán bộ làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình cấp xã:

a) Mỗi xã, phường, thị trấn được bố trí một viên chức làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tiêu chuẩn viên chức dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp xã theo quy định của Bộ Y tế;

b) Số lượng và nhiệm vụ của cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình ở mỗi xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình ngoài khoản thù lao do Trung ương quy định, được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 100.000 đồng/người/tháng.

Điều 5. Chính sách nâng cao chất lượng dân số, cơ cấu dân số, giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh

1. Nam, nữ trước khi kết hôn được khám sức khỏe và tư vấn miễn phí tại cơ sở y tế Nhà nước thuộc tỉnh.

Việc xác định thời điểm cụ thể trước khi kết hôn được khám sức khỏe và tư vấn miễn phí thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tư pháp.

Việc xác định cụ thể nội dung khám sức khỏe và tư vấn miễn phí thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế.

2. Phụ nữ là người dân tộc thiểu số cư trú tại các xã miền núi, xã vùng cao, xã khó khăn, xã hải đảo được miễn phí khi khám và điều trị các bệnh phụ khoa thông thường theo hướng dẫn của Sở Y tế; khám thai, sinh đẻ tại các trạm y tế, các cơ sở y tế Nhà nước thuộc tỉnh.

3. Khuyến khích các cặp vợ chồng thực hiện sinh con có khoảng cách từ lần sinh thứ nhất đến lần sinh thứ hai ít nhất là 03 năm.

4. Thực hiện sàng lọc sơ sinh để chẩn đoán sớm bệnh ở trẻ em:

Ngoài khoản tiền bồi dưỡng do Trung ương quy định, ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm cho y, bác sỹ lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh khi trẻ vừa sinh ra để gửi đi xét nghiệm: 5.000 đồng/ca.

5. Nghiêm cấm các hành vi chẩn đoán giới tính thai nhi, nạo phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi, tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 6. Chế độ khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Khen thưởng:

a) Đối với phường, thị trấn mỗi năm vận động, tuyên truyền các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn dưới 10% và ở xã còn dưới 15% thì được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen kèm tiền thưởng theo chế độ thi đua, khen thưởng hiện hành;

b) Đối với cơ quan, đơn vị trong năm không có người vi phạm Điều 2 Quy định này thì mới được xem xét, khen thưởng thành tích thi đua hàng năm;

c) Người trực tiếp vận động và đưa đối tượng đến cơ sở y tế Nhà nước thực hiện đình sản (triệt sản) thành công thì được thưởng 100.000 đồng/ca đối với đối tượng ở địa bàn các xã và 50.000 đồng/ca đối với đối tượng ở địa bàn phường, thị trấn;

d) Những người thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình và vận động trong năm được 30 cặp vợ chồng (đối với địa bàn phường, thị trấn) và 25 cặp vợ chồng (đối với địa bàn các xã) trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp triệt sản, đặt vòng thì được khen thưởng 400.000 đồng/người. Nếu vận động đạt mức cao hơn, thì cứ tăng thêm 10 cặp vợ chồng (tương ứng với từng địa bàn) thì được thưởng thêm 150.000 đồng/người.

2. Xử lý vi phạm:

a) Những cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh có người vi phạm Điều 2 Quy định này; vi phạm về hành vi lựa chọn giới tính thai nhi thì tập thể cơ quan, đơn vị và thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó không được xét khen thưởng các danh hiệu thi đua trong năm vi phạm;

b) Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và Đoàn thể trên địa bàn tỉnh; cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố; cán bộ và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nếu vi phạm Điều 2 Quy định này thì bị xử lý như sau:

- Sinh con thứ 03 (ba) thì bị kỷ luật với hình thức khiển trách;

- Sinh con thứ 04 (bốn) thì bị cách chức nếu có chức vụ; bị cảnh cáo nếu không có chức vụ;

- Sinh con thứ 5 (năm) thì bị buộc thôi việc.

Trong trường hợp Bộ, ngành Trung ương có quy định riêng về hình thức xử lý kỷ luật cán bộ công chức, viên chức do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình để áp dụng trong phạm vi ngành, nếu mức xử lý vi phạm cao hơn Quy định này thì các cơ quan, đơn vị thực hiện xử lý theo quy định của ngành;

c) Các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh nếu sinh con thứ 03 trở lên thì không được

xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa trong 03 (ba) năm liền (bắt đầu kể từ năm

vi phạm).

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Các giải pháp thực hiện

1. Công tác tuyên truyền:

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, người hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và Đoàn thể trên địa bàn tỉnh; cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố; cán bộ và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhận thức và hiểu biết sâu sắc việc thực hiện Chính sách Dân số và

Kế hoạch hóa gia đình, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương và của từng hộ gia đình, từng cá nhân. Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông dân số, đa dạng về hình thức nhằm đảm bảo triển khai thực hiện tốt mục tiêu và nội dung nghị quyết đã đề ra.

2. Tổ chức tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chú ý chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số. Xây dựng và phát triển

hệ thống dịch vụ dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, hạn chế thấp nhất các tai biến cho người áp dụng các biện pháp phòng tránh thai.

3. Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác dân số - kế hoạch hóa

gia đình từ tỉnh đến cơ sở.

4. Ngoài ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách Trung ương, nguồn vốn huy động sự đóng góp của cộng đồng, của quốc tế, hàng năm ngân sách tỉnh cân đối một phần kinh phí đảm bảo chi cho công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình theo Chính sách này.

Điều 8. Nhiệm vụ của các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Thủ trưởng các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức quán triệt, phổ biến cụ thể Quy định này đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nhận thức, hiểu biết sâu sắc việc thực hiện Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình theo Quy định này; phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Giao Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức Đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông dân số tới các đối tượng, các vùng, miền với những hình thức thích hợp, động viên các cặp vợ chồng chấp nhận quy mô gia đình có 01 hoặc 02 con, không phân biệt con trai hay con gái, không lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện tốt Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật liên quan đến tuyên truyền lựa chọn giới tính, chẩn đoán giới tính thai nhi, nạo phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi, nhằm giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh;

- Tổ chức tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; quan tâm hơn nữa đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe người dân tộc thiểu số. Xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hạn chế thấp nhất các tai biến cho người áp dụng các biện pháp phòng tránh thai;

- Phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, kiện toàn hệ thống làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình;

- Tổ chức thẩm định hồ sơ khen thưởng chuyên đề về thực hiện Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình trước khi đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng (thông qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh);

- Hướng dẫn cụ thể nội dung khám sức khỏe và tư vấn miễn phí; khám và điều trị các bệnh phụ khoa thông thường… theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 thuộc Điều 5 Quy định này.

3. Giao Sở Tài chính:

- Giúp UBND tỉnh bảo đảm nguồn kinh phí để thực hiện công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh hàng năm. Ngoài ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách Trung ương, nguồn vốn huy động sự đóng góp của cộng đồng, của quốc tế, hàng năm đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh dành một khoản kinh phí hợp lý để bổ sung thực hiện công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình;

Trường hợp các nguồn ngân sách của Trung ương chưa kịp phân bổ vào đầu năm kế hoạch, Sở Tài chính đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ứng trước từ ngân sách tỉnh để bảo đảm chi cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh;

- Hướng dẫn Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quản lý tốt và có hiệu quả kinh phí được đầu tư cho công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình. Toàn bộ nguồn kinh phí dành cho công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình phải được phân bổ công khai và quản lý đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thông báo rộng rãi cho nhân dân biết.

5. Giao Sở Tư pháp:

Phối hợp với Sở Y tế xác định thời điểm cụ thể trước khi kết hôn để được khám sức khỏe và tư vấn miễn phí tại cơ sở y tế Nhà nước theo Khoản 1 thuộc Điều 5 Quy định này.

6. Giao Sở Nội vụ:

- Nghiên cứu, bổ sung tiêu chí thực hiện Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình theo Quy định này vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm của tỉnh;

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí đủ biên chế cán bộ làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình cấp xã theo Khoản 2, Điều 4 Quy định này.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể tỉnh:

Tổ chức phổ biến nội dung Quy định này đến các tổ chức thành viên của Mặt trận và đến toàn thể đoàn viên, hội viên thuộc tổ chức mình. Đồng thời, có biện pháp động viên, khuyến khích, giáo dục cho đoàn viên, hội viên nghiêm túc chấp hành Quy định.

8. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh căn cứ Quy định này, hàng năm tổ chức khen thưởng và xử lý vi phạm kịp thời đối với tập thể, cá nhân đúng theo thẩm quyền và đúng quy định.

9. Quá trình tổ chức thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề phát sinh hoặc cần điều chỉnh, bổ sung nội dung Quy định cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của Trung ương, các sở, ngành, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Y tế để tổng hợp) để xem xét, giải quyết./.