Quyết định 26/2003/QĐ-UB Quy chế quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đường giao thông nông thôn
Số hiệu: 26/2003/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Đoàn Bá Nhiên
Ngày ban hành: 05/11/2003 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Giao thông, vận tải, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2003/QĐ-UB

Lạng sơn, ngày 5 tháng 11 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp ngày 21/6/1994;

Căn cứ các Nghị quyết số 34/NQ-HĐND-KXIII, ngày 05/8/2002 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê chuẩn đề án phát triển giao thông từ nay đến năm 2005;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn tại Tờ trình số 1031/TT-GT, ngày 27 tháng 10 năm 2003,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý Đầu tư xây dựng và phát triển đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp
- Bộ GTVT;
- T.T.Tỉnh uỷ
- TT.HĐND tỉnh ( b/c)
- CT, các PCT UBND tỉnh
- Các ban của Đảng, đoàn thể
- Như điều 3 (để thi hành)
- Các PVP, các tổ CV
- Lưu VT

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH




Đoàn Bá Nhiên

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG NÔNG THÔN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2003/QĐ-UB ngày 5 tháng 11 năm 2003 của UBND tỉnh Lạng Sơn)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích yêu cầu và đối tượng áp dụng.

1/ Mục đích, yêu cầu:

a- Đây là hình thức đầu tư xây dựng lâu dài, liên tục trong nhiều năm, nhằm huy động sức dân cùng với Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

b- Phân định rõ chức năng nhiệm vụ của các cấp tỉnh, huyện, xã.

c- Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân đúng mục đích, đúng đối tượng, tránh thất thoát và lãng phí.

2/ Quy chế này áp dụng cho các loại đường giao thông nông thôn (GTNT):

a- Đường từ trung tâm xã tới các thôn, bản, đường liên thôn.

b- Đường trong thôn, bản, ngõ xóm, khu dân cư.

c- Quy chế này không áp dụng cho các loại đường khác.

d- Nghiêm cấm sử dụng kinh phí xây dựng đường GTNT vào các việc khác.

Điều 2. Giải thích từ ngữ: Các cụm từ sau đây được hiểu như sau:

1- UBND huyện, thành phố sau đây gọi chung là UBND cấp huyện.

2- UBND xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là UBND cấp xã.

3- Các phòng Kế hoạch-Tài chính-Thương mại cấp huyện, thành phố sau đây gọi là phòng Kế hoạch-Tài chính-Thương mại cấp huyện. Phòng Giao thông-Công nghiệp-Xây dựng của huyện và phòng Quản lý đô thị thành phố sau đây gọi chung là phòng GT-CN-XD cấp huyện.

4- Đường từ trung tâm xã đến các thôn bản, đường liên thôn được hiểu là đường nối từ UBND xã hoặc nối từ các đường trục trên địa bàn xã đến các thôn bản và đường nối giữa các thôn bản trong xã.

5- Đường thôn bản, ngõ xóm được hiểu là đường trong từng thôn bản, đường nối từ các trục đường chính trong thôn bản đến các khu có dân cư sinh sống nhiều nhà, tập trung và đường trong các khu dân cư đó.

Điều 3. Nguồn vốn.

1- Vốn do UBND cấp huyện quản lý:

a- Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước xây dựng đường GTNT được tỉnh cân đối ngân sách hàng năm trên cơ sở báo cáo kế hoạch của các huyện, theo luật Ngân sách.

b- Nguồn vốn thuộc chương trình 135 tại Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa" và vốn theo Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ "V/v phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tuyến biên giới Việt-Trung đến năm 2010".

c- Kinh phí đóng góp của cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn mỗi người 02 ngày lương/một năm, theo Nghị quyết số 34/NQ-HĐND KXIII ngày 05/8/2002 của Hội đồng nhân dân tỉnh "V/v phê chuẩn đề án phát triển GTNT từ nay đến năm 2005".

UBND huyện quản lý và điều phối nguồn vốn, Kho bạc Nhà nước huyện thực hiện chức năng kiểm soát và thanh toán.

2- Vốn do UBND cấp xã trực tiếp quản lý:

a- Đóng góp bằng lao động công ích 04 ngày công/người/năm theo Nghị quyết số 34 của HĐND tỉnh (trong tổng số 10 ngày công/LĐ/năm như Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích năm 1999 quy định), được tính trực tiếp vào công trình. Ngoài ra nếu có điều kiện có thể huy động thêm các nguồn nhân công khác.

b- Huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các tổ chức kinh tế xã hội.

c- Các nguồn vốn huy động khác.

Điều 4. Hình thức đầu tư xây dựng.

1- Đường từ trung tâm xã đến các thôn bản, nhân dân làm là chủ yếu, Nhà nước chỉ hỗ trợ công kỹ thuật và những loại vật tư cần thiết để xây dựng cống thoát nước, cầu, kè đá v.v…

2- Đường thôn bản, ngõ xóm thực hiện bê tông xi măng hoá. Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật liệu và tự làm. Huyện hướng dẫn kỹ thuật (thi công nền đường, lắp đặt cống, rãnh, quy cách và tỷ lệ trộn vật liệu).

Điều 5. Trách nhiệm quản lý.

1- Cấp tỉnh:

a- Căn cứ kế hoạch của các huyện trình, từng năm HĐND tỉnh cân đối ngân sách, UBND tỉnh quyết định tổng kinh phí hỗ trợ và lượng xi măng cấp trực tiếp cho các huyện làm đường GTNT.

b- Sở GTVT là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và chỉ đạo các huyện tổ chức thực hiện.

2- Cấp huyện:

a- Lập Ban điều hành xây dựng và phát triển đường GTNT của huyện do đ/c Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) UBND huyện làm Trưởng ban, lãnh đạo phòng GT-CN-XD cấp huyện làm Phó trưởng ban thường trực, thành viên gồm: Lãnh đạo các Phòng KH-TC-TM, Công an huyện, Huyện đội, Chi nhánh Kho bạc huyện, lãnh đạo các đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

b- Phòng GT-CN-XD cấp huyện là Văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo huyện, có trách nhiệm chỉ đạo về kỹ thuật và tổng hợp lập các báo cáo theo quy định.

3- Cấp xã:

Lập Ban quản lý dự án xây dựng và phát triển đường GTNT của xã do đ/c Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) UBND xã làm Trưởng ban, thành viên gồm cán bộ phụ trách giao thông xã, đại diện Mặt trận Tổ quốc, Xã đội, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn TNCSHCM và Trưởng thôn có công trình, để huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân, đồng thời giám sát quá trình xây dựng và quyết toán công trình.

Chương II

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG

Điều 6. Trình tự đầu tư và xây dựng.

1- Xây dựng quy hoạch: Các huyện phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển GTNT trên địa bàn huyện, xã trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã được duyệt.

2- Kế hoạch hàng năm: Căn cứ quy hoạch được duyệt và danh mục đề nghị của các xã (Nghị quyết HĐND xã, phường), Phòng GT-CN-XD cấp huyện tổng hợp trình UBND huyện phê duyệt danh mục, quy mô, chủ đầu tư và mức hỗ trợ. UBND huyện tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và các Sở Giao thông vận tải, Kế hoạch đầu tư, Tài chính để cùng phối hợp quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Điều 7. Chuẩn bị đầu tư xây dựng.

1- Lập thủ tục hồ sơ xây dựng:

a- Căn cứ kế hoạch đầu tư và xây dựng đã được UBND cấp huyện phê duyệt, các xã tiến hành lập thủ tục hồ sơ xây dựng công trình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b- Trình tự thiết kế: Đây là các công trình có kỹ thuật đơn giản, chỉ thiết kế một bước (thiết kế kỹ thuật-thi công). Hồ sơ thiết kế có thể do các tổ chức, cá nhân có trình độ chuyên môn (được UBND cấp huyện cho phép) thiết kế hoặc sử dụng thiết kế mẫu của ngành GTVT, tiêu chuẩn ngành (TCN) các loại.

c- Các dự án lớn, cần được phân kỳ đầu tư, phù hợp với việc huy động sức dân hàng năm. Nếu công trình có quy mô và đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, cần có sự tham gia ý kiến của Sở GTVT.

d- Nội dung và số lượng hồ sơ thiết kế theo hướng dẫn của Sở GTVT.

2- Thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán:

a- Các dự án đều do Phòng GT-CN-XD huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định phê duyệt.

b- Trường hợp các công trình có dạng kết cấu phức tạp có thể đề nghị Sở GTVT thẩm định, sau đó Chủ tịch UBND huyện quyết định phê duyệt.

Điều 8. Thi công xây dựng.

1- Các công trình chủ yếu do nhân dân trực tiếp thi công. Những nơi huy động được ngày công lao động bằng tiền thì Ban quản lý dự án xã có thể hợp đồng với các doanh nghiệp có đủ năng lực trên địa bàn để thi công xây dựng.

2- Các dự án có tổng dự toán lớn, nhất thiết phải xây dựng ngay trong một năm thì phải tổ chức thực hiện các bước đầy đủ theo quy định XDCB như chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế.

Điều 9. Giám sát thi công xây dựng công trình.

Các xã tự tổ chức giám sát thi công công trình, kết hợp với sự giám sát của phòng chuyên môn huyện và đại diện nhân dân nơi có công trình để thực hiện xây dựng.

Chương III

KẾT THÚC XÂY DỰNG

Điều 10. Tổ chức nghiệm thu bàn giao.

1- Công tác nghiệm thu bàn giao phải được tiến hành từng đợt. Các hạng mục công trình sẽ bị các hạng mục khác che lấp, khi làm xong phải được nghiệm thu theo quy định sau đó mới được xây dựng tiếp các hạng mục sau. Công trình hoàn thành phải được tổng nghiệm thu, thanh quyết toán theo quy định của Nhà nước.

2- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công trình với sự tham gia của các thành phần: Đại diện UBND cấp xã, tư vấn thiết kế, giám sát thi công, đơn vị xây lắp, đại diện nhân dân nơi có công trình, phòng chuyên môn cấp huyện…

3- Hồ sơ nghiệm thu theo hướng dẫn của Sở GTVT.

Điều 11. Thẩm định và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.

Các dự án theo Quy chế này đều do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đầu tư, do vậy Phòng KH-TC-TM cấp huyện thẩm định trình UBND cấp huyện quyết định phê duyệt quyết toán.

Điều 12. Công khai kết quả đầu tư.

Sau khi quyết toán Chủ đầu tư phải báo cáo công khai kinh phí hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, kinh phí nhân dân đóng góp và các nguồn khác. Hình thức công khai theo qui định hiện hành của Nhà nước.

1- Công khai trước cuộc họp nhân dân nơi có công trình.

2- Báo cáo tại kỳ họp HĐND xã.

Điều 13. Bàn giao quản lý và khai thác.

Các công trình đường GTNT sau khi xây dựng xong, được UBND xã quyết định giao cho các thôn, bản chịu trách nhiệm quản lý và duy tu bảo dưỡng. Hàng năm các thôn, bản tự huy động nhân dân để sửa chữa.

Điều 14. Phân công trách nhiệm.

1- Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm triển khai đến mọi người dân để thực hiện Quy chế này.

2- Sở Giao thông vận tải phối hợp với các Ban, ngành của tỉnh hướng dẫn thực hiện./.

 





Nghị quyết 34/NQ-HĐND năm 2012 về kế hoạch biên chế năm 2013 Ban hành: 06/12/2012 | Cập nhật: 04/05/2013