Quyết định 2364/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Đề án "Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi"
Số hiệu: | 2364/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Ngãi | Người ký: | Trần Ngọc Căng |
Ngày ban hành: | 30/12/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Môi trường, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2364/QĐ-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 30 tháng 12 năm 2015 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21/11/2007;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22/11/2013.
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất; Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại;
Căn cứ Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 2139/TTr-SCT ngày 24/12/2015 về việc phê duyệt Đề án “Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này đề án “Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.
Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung của Kế hoạch, có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh; Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi; Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và các cơ sở có hoạt động hóa chất chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo Quyết định số 2364/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)
1. Tính cần thiết phải lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Nhằm đáp ứng công cuộc hiện đại hóa, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, hiện nay nhu cầu sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ngày càng lớn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm (gọi chung là hoạt động hóa chất).
Hoạt động hóa chất nói chung luôn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, sự cố hóa chất xảy ra bất kỳ, luôn đi liền với nguy cơ xảy ra sự cố lớn, ngay lập tức tác động trên phạm vi rộng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, tài sản vật chất và môi trường; hóa chất có khả năng phát tán nhanh, trên diện rộng, rất dễ xâm nhập vào cơ thể người và để lại những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe và môi trường bởi khả năng tồn lưu lâu dài khó phân hủy.
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực do sự cố hóa chất gây ra, việc xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất nguy hiểm; phòng ngừa có hiệu quả sự cố hóa chất độc hại tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất an toàn, hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và nêu cao vai trò trách nhiệm của các ngành, các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại địa phương.
2. Căn cứ pháp lý xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
- Luật Hóa chất ngày 21/11/2007;
- Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22/11/2013.
- Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
- Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất;
- Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;
- Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
- Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10/3/2005 của Chính phủ về quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa;
- Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
- Nghị định số 113/2010/NĐ-CP ngày 03/12/2010 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường;
- Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoá chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp;
- Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28/6/2010 của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;
- Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05/8/2013 của Bộ Công Thương quy định về Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp;
- Thông tư số 04/2012/TT-BCT ngày 13/02/2012 của Bộ Công Thương quy định về Phân loại và ghi nhãn hóa chất;
- Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại;
- Công văn số 10362/BCT-HC ngày 13/01/2013 của Bộ Công Thương hướng dẫn về việc xây dựng Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh;
- Công văn số 9574/BCT-HC ngày 29/9/2014 của Bộ Công Thương về việc xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh;
- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Qui phạm an toàn trong sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển;
- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3890:2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng;
- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1364 -79 Các chất độc hại. Phân loại và yêu cầu chung về an toàn.
A. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý
Quảng Ngãi là tỉnh nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, có ảnh hưởng lớn và có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển, giao lưu kinh tế với các khu vực lân cận.
- Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam.
- Phía Nam giáp tỉnh Bình Định.
- Phía Đông giáp biển Đông.
- Phía Tây giáp tỉnh Kon Tum.
Nằm trong khu vực có các tuyến đường giao thông trọng yếu quốc gia đi qua như: đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 1, Quốc lộ 24, đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có cảng biển nước sâu Dung Quất, sát cạnh sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam)
Có vị trí liền kề với vùng Tây Nguyên giàu tiềm năng phát triển, là một trong những cửa ngõ ra biển của hành lang thương mại quốc tế từ các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Bắc Campuchia.
Là một tỉnh ven biển có đảo, có lợi thế về phát triển kinh tế biển; đồng thời, còn là một mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo Quốc gia.
2. Địa hình, khí hậu, thủy văn
Quảng Ngãi là vùng có địa hình tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông với các dạng địa hình đồi núi, đồng bằng ven biển. Phía Tây của tỉnh là sườn Đông của dãy Trường Sơn, tiếp đến là địa hình núi thấp và đồi xen kẽ đồng bằng, có nơi núi chạy sát biển, đồi núi chiếm phần lớn diện tích, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp (trừ đồng bằng thuộc hạ lưu sông Trà Khúc, sông Vệ). Vùng đồng bằng tương đối bằng phẳng, kết cấu địa chất phù hợp để xây dựng các khu công nghiệp, phát triển giao thông, đô thị; các trung tâm thương mại - dịch vụ.
Quảng Ngãi nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa. Một năm chia thành hai mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 01 đến tháng 8, thời tiết khô nóng kéo dài, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, thời tiết lạnh, ẩm ướt. Nhiệt độ trung bình năm từ 25,5 - 26,30C, nhiệt độ cao nhất lên đến 410C và thấp nhất là 120C, nhiệt độ cao nhất trong năm thường rơi vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 (cao nhất là tháng 4: 34,60 C), nhiệt độ thấp nhất từ tháng 12 đến tháng 2 (thấp nhất là tháng 01: 19,20C). Độ ẩm trung bình cả năm khoảng 83,5%. Các tháng trong năm đều có độ ẩm đạt trên 80%, cao nhất là tháng 11 (89,9%) và thấp nhất là tháng 6 (80,7%). Mùa đông, gió thịnh hành là gió Bắc và Đông Bắc, tốc độ gió trung bình 2,4-3,3m/s; mùa hè có gió Đông và gió Đông Nam, tốc độ gió trung bình 2,86 m/s, khi có bão tốc độ gió cao tới 40 m/s. Hàng năm có trên 130 ngày có gió cấp 6 trở lên, số ngày hoạt động khai thác tốt trên biển là 220-230 ngày/năm. Thời kỳ xuất hiện tốc độ gió lớn từ tháng 5 đến tháng 11 với tốc độ cực đại từ 20-40km/h. Quảng Ngãi là tỉnh có lượng mưa trung bình hàng năm 2.287mm, trung bình hàng năm theo ước tính có 129 ngày mưa. Các trận bão thường tập trung vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 12, trung bình mỗi năm có khoảng 1,04 cơn bão gây ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ngãi. Mùa lũ thường tập trung vào các tháng 10 đến tháng 12, nhưng lượng dòng chảy đã chiếm 60-75% lượng dòng chảy trong năm và có module dòng chảy lũ lớn nhất nước ta (khoảng 150-200 l/s/km2), tháng có dòng chảy lớn nhất là tháng 11.
Hệ thống sông ngòi Quảng Ngãi có đặc điểm tổng lượng dòng chảy lớn, riêng lưu vực sông Trà Khúc và sông Vệ đã đạt 7.431.106 m3. Nguồn nước mặt này chủ yếu sử dụng cho nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác. Các sông, đầm lớn của tỉnh Quảng Ngãi gồm có: Sông Trà Bồng, sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Câu, đầm An Khê, đầm Sa Huỳnh. Ngoài ra còn có các sông như: Sông Kinh Giang-Sông Kinh Giang nối dài, sông Trường, sông Thoa, sông Re, sông Rin, sông Tô.
3. Diện tích, dân số và đơn vị hành chính
Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 5.152,95km2.
Dân số toàn tỉnh Quảng Ngãi đến 31/12/2014 là 1.250.000 dân với mật độ 243ng/km2. Dự báo quy mô dân số toàn tỉnh đến năm 2020 là 1.400.000 người, tốc độ tăng dân số 1,49%/năm; đến năm 2030 là 1.580.000 người, tốc độ tăng dân số 1,04%/năm.
Tỉnh Quảng Ngãi có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thành phố Quảng Ngãi, 06 huyện đồng bằng là: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, 06 huyện miền núi là: Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ và huyện đảo Lý Sơn.
B. Hiện trạng kinh tế - xã hội
Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh năm 1994) của tỉnh đạt 6,3%, năm 2012 đạt 7%, năm 2013 đạt 11,5%, năm 2014 chỉ tăng 2,2% do nhà máy lọc dầu Dung Quất nghỉ bảo dưỡng 2 tháng đã ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh (nếu không kể sản phẩm lọc hóa dầu thì GRDP năm 2014 của tỉnh tăng 9,7%).
Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2015 ước đạt 7,2%, thấp hơn so với giai đoạn 2006-2010 (18,52%) và xấp xỉ bằng mức tăng trưởng chung của vùng duyên hải miền Trung (7,5%). Trong đó, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nên đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế với mức tăng trưởng bình quân 12,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,3%, nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,7%.
1. Công nghiệp
Giai đoạn 2011-2015, công nghiệp tiếp tục được xác định là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh. Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 4,6%. Nguyên nhân tăng thấp là do các dự án quan trọng lớn trên địa bàn tỉnh triển khai chưa đúng tiến độ đề ra. So với giai đoạn trước, ngành công nghiệp trong giai đoạn này tăng trưởng chậm, phụ thuộc chủ yếu vào sản lượng dầu sản xuất hàng năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP dao động khoảng từ 44-47%.
2. Thương mại - dịch vụ
Thị trường chuyển biến theo hướng tích cực, ổn định, lành mạnh. Hàng hóa dồi dào, đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn. Không để xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng đột biến về giá, đã chấn chỉnh tình trạng doanh hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các ngành dịch vụ như thương nghiệp, vận tải, bưu chính viễn thông, khách sạn, nhà hàng có bước phát triển khá, nhất là một số ngành như bảo hiểm ngân hàng... Bình quân giai đoạn 2011-2015 giá trị sản xuất ngành Dịch vụ tăng 12,8%.
3. Nông - Lâm - Thủy sản
Trong giai đoạn này, việc phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới diễn ra trong bối cảnh hết sức thuận lợi vì đã có chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết TW 7 khóa X “về nông nghiệp, nông thôn, nông dân” để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có bộ máy chỉ đạo thống nhất từ Trung ương xuống cấp xã với nguồn lực đầu tư đa dạng; bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở nông thôn đã được đầu tư trong nhiều năm qua tạo tiền đề quan trọng để thực hiện đạt các mục tiêu của Chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân, nhất là trận lũ lụt năm cuối 2013. Dịch bệnh gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra tại một số địa phương và tiềm ẩn nguy cơ tái phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp và các ngành sản xuất khác. Trước tình hình đó, tỉnh đã có chủ trương, chỉ đạo kịp thời cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và đã được một số kết quả quan trọng như sau:
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2011-2015 dự kiến là 4,1%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra (Nghị quyết tăng bình quân 4-4,5%/năm), trong nông nghiệp tăng 2,0%, lâm nghiệp tăng 13,5%, thủy sản tăng 6,4%. Cơ cấu đã chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành thủy sản. Năm 2010 tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 63,2% thì đến năm 2015 còn khoảng 57%; ngành thủy sản tăng từ 31,3% lên 35,1%.
4. Đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng
Tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước cho kết cấu hạ tầng giai đoạn 2011-2015 khoảng 64.852 tỷ đồng.
Trong 04 năm 2011-2014 tại tỉnh có 08 chương trình, dự án trọng điểm được đầu tư xây dựng. Đến cuối năm 2012 đã hoàn thành dự án đường Sông Trường - Trà Bồng - Bình Long với chiều dài hơn 57 km; cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 dự án trường Đại học Phạm Văn Đồng và dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang - Cầu Mới, cấp điện cho Lý Sơn bằng cáp ngầm... Hiện nay, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Di dân tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong, dự án đường ven biển Dung Quất- Sa Huỳnh giai đoạn 1, dự án Tiêu úng thoát lũ sông Thoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi và tiếp tục đầu tư hạ tầng đô thị thành phố Quảng Ngãi; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 24, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...
Hoàn thành nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố và tại các trung tâm huyện. Cơ bản hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp Quảng Phú và thành phố Quảng Ngãi. Hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất cũng dần được hoàn thiện với các dự án lớn đã đưa vào sử dụng như: Đường trục KCN phía Đông Dung Quất, tuyến đường Dốc Sỏi - Nhà máy đóng tàu Dung Quất, cầu cảng cá sông Trà Bồng, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, các tuyến đường phục vụ trong Khu kinh tế... tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
5. Quy hoạch, xây dựng đô thị
Phát triển đô thị là một trong ba nhiệm vụ đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã đã huy động nhiều nguồn vốn để tập trung đầu tư hạ tầng thành phố Quảng Ngãi, hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất và hạ tầng đô thị các huyện. Tuy nhiên, ngay từ những năm 2011 do khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến tình hình kinh tế trong cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị trì trệ, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn nên đã ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 16,5%.
6. Phát triển vùng đồng bằng, ven biển và hải đảo
Đối với vùng đồng bằng: Tỉnh đã tập trung bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh và nhiều nguồn vốn khác để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch, hạ tầng các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Dung Quất và các cụm công nghiệp, làng nghề ở các huyện đồng bằng; đồng thời chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn... Qua đó, góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng đồng bằng trên địa bàn tỉnh.
Về phát triển ven biển và hải đảo: Triển khai việc lập quy hoạch phát triển du lịch và bố trí vốn đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch tại Mỹ Khê và Sa Huỳnh; vận động ngư dân tham gia HTX nghề cá, tổ hợp tác, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển để nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản, đồng thời có thể hỗ trợ nhau trên biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong giai đoạn này, đã triển khai đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; hoàn thành đề án đề án Phát triển Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng an ninh, đồng thời cùng với việc xây dựng hoàn thành dự án cấp điện cho Lý Sơn bằng cáp ngầm. Đặc biệt, Lý Sơn cũng đã được Thủ tướng ban hành một số cơ chế, chính sách tại Quyết định số 1995/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 để hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn, tạo tiền đề quan trọng và mở ra cơ hội đột phá phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo của tỉnh trong thời gian đến.
C. Dự báo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
1. Các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; mở rộng quan hệ hợp tác, kinh tế đối ngoại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đa dạng hóa xuất khẩu. Đẩy mạnh thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá và 03 nhiệm vụ trọng tâm; tăng cường thu hút đầu tư mà trọng tâm vào các ngành có lợi thế so sánh. Đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các giống cây trồng cây trồng chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn. Phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa - xã hội; phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
2. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 6-7%/năm (giá so sánh năm 2010).
(2) Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người khoảng 3.600-4.000 USD.
(3) Cơ cấu kinh tế trong GRDP đến năm 2020:
+ Công nghiệp - xây dựng: 60-61 %,
+ Dịch vụ: 28-29 %,
+ Nông - lâm - ngư nghiệp: 11-12%.
(4) Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm ít nhất 90.000 tỷ đồng.
(5) Phấn đấu thực hiện vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách Trung ương giao hàng năm.
(6) Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 01 tỷ USD.
(7) Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 23%.
(8) Phấn đấu đến năm 2020 có 55 xã và 02 huyện đạt các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
(9) Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề khoảng 55%, trong đó; có bằng cấp, chứng chỉ đạt 80-85%.
(10) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020: Mầm non 35%, Tiểu học 70%, THCS 75%, THPT 60%.
(11) Đến năm 2020, số giường bệnh/vạn dân đạt 24 giường; đạt 07 bác sỹ/vạn dân; tuổi thọ trung bình 75 tuổi; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,92%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 85% dân số.
(12) Đến năm 2020, có 88% gia đình, 78% thôn, tổ dân phố, 96% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
(13) Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm (trong đó: miền núi giảm 4%/năm; đồng bằng giảm 1,6%/năm).
(14) Đến năm 2020, phấn đấu 89% dân cư thành thị sử dụng nước sạch; 95% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 50% sử dụng nước sạch; 60% chất thải nguy hại, trên 85% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia.
(15) Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 52%.
(16) Hàng năm xây dựng 90% xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng, trong đó vững mạnh toàn diện đạt 60%. Hàng năm, phân loại đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” có 80% số xã, phường, thị trấn, cơ quan, nhà trường và 70% doanh nghiệp đạt loại khá trở lên, không có loại yếu.
3. Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực
a) Công nghiệp
Đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến đầu tư, phát huy sự lan tỏa thông tin thông qua các nhà đầu tư truyền thống như Hàn Quốc, Singapore để thu hút đầu tư, tạo ra những cụm nhà máy FDI; đồng thời, xúc tiến đón đầu các dự án công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản đang có xu hướng di chuyển từ Nhật và Trung Quốc sang các quốc gia khác; tập trung vào những ngành có lợi thế của tỉnh, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng tận dụng được ưu thế của cảng biển nước sâu và hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất... Chú trọng các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển, quan tâm xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, các khu kinh tế, các quỹ đất sạch, khu tái định cư... để tăng tính cạnh tranh và kịp thời hấp thụ vốn đầu tư.
Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực phát triển đô thị, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 2-3%/năm, trong đó tốc độ tăng sản phẩm công nghiệp ngoài dầu bình quân 14-15%/năm.
b) Phát triển các Khu, Cụm công nghiệp
- Phát triển các Khu, Cụm công nghiệp theo hướng tập trung, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, củng cố ngành chức năng trong từng KCN; đầu tư đồng bộ: về sản xuất, dịch vụ và nhà ở trong và ngoài KCN. Phát triển các khu công nghiệp của tỉnh gắn với Khu Kinh tế Dung Quất theo hướng hiện đại, đồng bộ. Phấn đấu đến năm 2025 lấp đầy Khu Công nghiệp Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh), Quảng Phú (thành phố Quảng Ngãi), đạt tăng trưởng chung của các khu công nghiệp trên 3,0%/năm.
Tỉnh đã quy hoạch đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 40 Cụm công nghiệp, với tổng diện tích 300ha, đến năm 2030 có từ 669 - 724 ha. Hiện nay đã có 19 Cụm đã được thành lập, trong đó có 12 cụm đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 177 ha.
c) Thương mại, dịch vụ
Đa dạng hóa các loại hình tổ chức kinh doanh thương mại, các phương thức giao dịch và dịch vụ hỗ trợ gắn liền với qui mô và trình độ phát triển sản xuất của tỉnh; phát triển các loại hình dịch vụ gắn liền với các khu công nghiệp; chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, logistics, viễn thông, công nghệ thông tin, khách sạn, nhà hàng, y tế, giáo dục… để trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành Dịch vụ giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 12%/ năm.
Tăng cường xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như các sản phẩm chế biến từ nông, lâm sản; đầu tư công nghệ sản xuất hàng xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, chất xám và giá trị gia tăng cao; bên cạnh các thị trường truyền thông, chú trọng các thị trường tiềm năng mới.
Đầu tư phát triển mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, đặc biệt là kết nối khu vực ven biển các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và các tỉnh vùng duyên hải miền Trung.
Sớm hoàn thành và đưa chợ Quảng Ngãi vào hoạt động. Nâng cao hiệu quả hoạt động các chợ trong tỉnh, nhất là chợ nông thôn; khuyến khích đầu tư xây dựng mới hạ tầng thương mại có qui mô lớn, hiện đại như: chợ đầu mối nông sản thực phẩm, siêu thị, các trung tâm thương mại...nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển nhanh. Xây dựng trung tâm thương mại VinGroup trên diện tích khoảng 1,1 ha với vốn đầu tư khoảng 500 tỉ.
d) Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản
Phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm từ 3,5-4%/năm.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gắn kết chặt chẽ "4 nhà" (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Quy hoạch và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng suất và mang lại giá trị gia tăng cao. Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất bình quân đạt trên 65 triệu đồng/ha; sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 488.850 tấn. Rà soát quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Phát triển đàn gia súc theo hướng chuyển dịch dần sang phương thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại cải thiện chất lượng đàn vật nuôi gắn với an toàn vệ sinh dịch bệnh.
đ) Xây dựng kết cấu hạ tầng
Rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng Khu Kinh tế và các Khu Công nghiệp; hoàn chỉnh Quy hoạch đô thị, trọng tâm là đô thị thành phố Quảng Ngãi mở rộng, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại lâu dài, kết nối và bền vững.
Huy động nguồn lực để tiếp tục đầu tư hạ tầng đô thị thành phố Quảng Ngãi, thị trấn Đức Phổ, thị trấn Di Lăng, huyện lỵ mới huyện Sơn Tịnh...
- Qui hoạch, chỉnh trang kết hợp đầu tư xây dựng mở rộng các thị trấn hiện hữu trực thuộc huyện trên cơ sở khai thác hợp lý tiềm năng phát triển đặc trưng từng đô thị. Đến năm 2020, phấn đấu hình thành các đô thị mới như: Nam Sông Vệ, Ba Vì, Thạch Trụ.
Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 24, Quốc lộ 24B (đoạn qua thị trấn Sơn Tịnh mới). Nâng cấp mở rộng và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của tỉnh.
e) Phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho những người làm việc trong bộ máy công quyền; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; tiếp tục triển khai chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh.
Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Đề án đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở; tăng cường khắc phục việc học sinh bỏ học ở miền núi. Tập trung đẩy nhanh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; thực hiện tốt công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục. Phấn đấu đến năm 2020 có 34,95% trường mầm non, 70% trường Tiểu học, 75% trường THCS, 65% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
III. TỔNG QUAN VỀ HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN
Đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh
1. Tổng hợp dữ liệu hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất của các cơ sở hóa chất
Các doanh nghiệp đã có ý thức đảm bảo các thủ tục hồ sơ cần thiết như: hồ sơ môi trường, chứng nhận về phòng cháy và chữa cháy, chứng từ chứng minh nguồn gốc của các hóa chất đang sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp, cơ sở chưa quan tâm công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất như:
- Cập nhật thông tin về phiếu an toàn hóa chất chưa đầy đủ.
- Chưa chú trọng đến quy định ghi nhãn và việc sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất.
- Kho chứa hóa chất chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định, bố trí kho chưa ngăn nắp.
- Chưa thực hiện huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất cho người lao động tại đơn vị.
- Hoạt động lưu trữ hóa chất của các cơ sở chưa thực hiện tốt, các chỉ định sơ cứu chưa được các cơ sở sản xuất quan tâm.
- Một số cơ sở trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy còn sơ sài hoặc rất cũ, hư hỏng.
a) Hoạt động sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất
Các đơn vị có hoạt động sản xuất hóa chất nguy hiểm chủ yếu tập trung ở Khu kinh tế Dung Quất. Sản phẩm chủ yếu là xăng dầu phục vụ nhu cầu trong nước: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung. Ngoài ra còn có: CN Công ty CP Dịch vụ Công nghiệp Hàng hải tại Quảng Ngãi, CN Công ty TNHH Khí Công nghiệp Đại Thành; Công ty CP Hóa phẩm Dầu khí DMC - Miền Trung, Nhà máy sản xuất Phân bón Dung Quất của Công ty TNHH Trúc Mai, Công ty CP Hóa chất Quảng Ngãi, Công ty CP VCTT ...
b) Hoạt động kinh doanh hóa chất:
Hoạt động kinh doanh hóa chất tập trung chủ yếu ở Khu Công nghiệp Tịnh Phong, Khu kinh tế Dung Quất, sản phẩm chủ yếu là khí hóa lỏng LPG. Các điểm kinh doanh xăng dầu rải rác trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn các đơn vị nhỏ lẻ kinh doanh hóa chất nằm trên địa bàn thành phố, các đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khác.
Về kinh doanh các sản phẩm khí dầu mỏ hóa lỏng, đơn vị lớn gồm có: Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam - CN Quảng Ngãi, Công ty CP Kinh doanh và Phân phối Gas Thành Tài - CN Quảng Ngãi, Công ty CP TM Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí Miền Trung và một số đơn vị khác với quy mô nhỏ hơn. Để phục vụ nhu cầu kinh doanh, công ty có một bể tồn trữ khí gas hóa lỏng với hình cầu dung tích tối đa khoảng 100.000 lít.
Về kinh doanh hóa chất có: Công ty CP Hóa phẩm Dầu khí DMC - Miền Trung, DNTN Thương mại và Dịch vụ Quảng Nguyên Long, Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Ánh ...
Về kinh doanh khí công nghiệp có: Công ty TNHH MTV Kinh Doanh Vinh Quang, CN Công ty CP Dịch vụ Công nghiệp Hàng hải tại Quảng Ngãi, CN Công ty TNHH Khí Công nghiệp Đại Thành, Công ty TNHH TM DV Tiến Phát...
Về kinh doanh Xăng dầu có: Công ty CP Xăng dầu Dầu khí PV Oil Miền Trung, Công ty CP Xăng Dầu TM Sông Trà, Công ty Thương mại Vận tải Xăng dầu Vạn Lợi...
Về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có: Công ty TNHH MTV Phát Nông, Công ty CP Bảo vệ Thực vật 1 Trung Ương - CN Quảng Ngãi, Cửa hàng Vật tư Nông nghiệp Lam Ấn, Công ty CP Vật tư Kỹ thuật NLN Quảng Ngãi ...
Về kinh doanh Vật liệu nổ công nghiệp có kho chứa thuốc nổ của Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng và CN Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Quảng Ngãi.
c) Sử dụng hóa chất để phục vụ cho sản xuất:
Qua khảo sát, các đơn vị sử dụng hóa chất để phục vụ cho sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phân bố trong nhiều ngành nghề: may mặc, khoáng sản, thép, gỗ công nghiệp, giấy, dầu khí, thực phẩm ...
d) Vận chuyển hóa chất
Mọi hoạt động về hóa chất đều phải có quá trình vận chuyển từ nguồn cung đến nơi tiêu thụ. Phần lớn các cơ sở sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều được các nhà cung cấp vận chuyển hóa chất đến tận kho. Tại một địa phương có hoạt động hóa chất sôi động như Quảng Ngãi, các hoạt động vận chuyển hóa chất luôn được diễn ra thường xuyên để đảm bảo nguồn cung hóa chất cho các cơ sở hoạt động. Một số cơ sở có hoạt động vận chuyển hóa chất với lượng lớn:
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn: nhập dầu thô qua đường biển, xuất xăng thành phẩm qua xe bồn, qua đường biển.
Công ty CP Xăng dầu Dầu khí PV Oil Miền Trung: xuất nhập xăng dầu qua xe bồn.
Công ty TNHH MTV Kinh Doanh Vinh Quang, CN Công ty CP Dịch vụ Công nghiệp Hàng hải tại Quảng Ngãi, CN Công ty TNHH Khí Công nghiệp Đại Thành: nhập khí công nghiệp qua xe bồn, xuất các bình khí công nghiệp qua xe vận tải thông thường.
Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam - CN Quảng Ngãi, Công ty CP TM Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí Miền Trung, Công ty TNHH TM DV Tiến Phát: nhập LPG qua xe bồn, xuất bình khí qua xe vận tải thông thường.
Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc Phòng - Công ty Vật liệu nổ công nghiệp, CN Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Quảng Ngãi: vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bằng xe chuyên dụng.
2. Đánh giá tình hình sự cố hóa chất đã xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua trên cơ sở thông tin thu thập
Các đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh đã lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và đã được Bộ Công Thương phê duyệt là: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung, Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam - CN Quảng Ngãi, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam.
a) Với các đơn vị có hoạt động hóa chất nói chung:
Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố hóa chất lớn nào gây tác động đến sức khỏe con người cũng như thiệt hại về của cải vật chất ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên tại một số doanh nghiệp vẫn xảy ra những trường hợp rò rỉ hóa chất ở mức độ nhỏ và các cơ sở đã nhanh chóng khắc phục.
b) Với hoạt động vận chuyển:
Theo quy định, khi chuyên chở hoá chất nguy hiểm, đơn vị chuyên chở phải được cấp phép vận chuyển hoá chất nguy hiểm, có đầy đủ về năng lực, nhân lực, lái xe, nhân viên áp tải hàng hóa phải qua đào tạo huấn luyện cơ bản về an toàn hoá chất. Hiện tại chưa ghi nhận sự cố nào xảy ra trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, hoạt động vận chuyển hóa chất trên địa bàn tỉnh trên thực tế chưa có thống kê và khó kiểm soát vì các lý do sau: Việc cấp phép vận chuyển hóa chất do các Bộ quản lý theo Nghị định số 104/2009/NĐ-CP nhưng chưa có quy định về việc khi vận chuyển hóa chất qua địa bàn phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý địa phương. Ý thức chấp hành quy định cũng như nhận thức mối nguy hiểm của việc vận chuyển hóa chất chưa cao, thậm chí không có hiểu biết tối thiểu về hóa chất chuyên chở của chủ phương tiện vận chuyển sẽ là một trong các nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất trên đường vận chuyển. Nhiều cơ sở hoạt động hoá chất hợp đồng thuê đơn vị vận chuyển hoá chất nhưng không nắm rõ thông tin về việc đơn vị vận chuyển có chức năng chuyên chở hoá chất nguy hiểm hay không, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những sự cố trong quá trình vận chuyển, có thể gây ra những tai nạn không lường trước.
Các doanh nghiệp khi vận chuyển hóa chất phục vụ sản xuất, kinh doanh phải đạt yêu cầu theo quy định. Người lái xe, người áp tải hàng phải được đào tạo, huấn luyện cơ bản về an toàn hoá chất. Sở Công Thương căn cứ Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương Quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa tổ chức hoạt động đào tạo cho đối tượng này trên địa bàn.
c) Các đơn vị sử dụng hóa chất
Trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị sử dụng hóa chất với khối lượng lớn. Các doanh nghiệp hóa chất đều đã thực hiện công tác đào tạo an toàn hóa chất cho các đối tượng cán bộ quản lý, công nhân trực tiếp tiếp xúc với hóa chất, một số đơn vị đã có quy định trong việc ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật. Tuy vậy số lượng doanh nghiệp chưa thực hiện diễn tập ứng phó sự cố hóa chất còn nhiều. Một số doanh nghiệp vẫn xảy ra những trường hợp rò rỉ, tràn đổ hóa chất ở mức độ nhỏ.
d) Về tổ chức thực hiện hoạt động diễn tập ứng phó sự cố hóa chất
Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất là công việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất, đồng thời giúp doanh nghiệp rèn luyện thuần thục các kỹ năng ứng phó với tình huống xảy ra sự cố hóa chất, xử lý tình huống tốt, giảm thiệt hại về vật chất, tài sản, tính mạng công nhân và nhân dân...
Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào thực hiện diễn tập biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định.
3. Đánh giá năng lực về con người, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố hóa chất
a) Doanh nghiệp
Hàng năm các doanh nghiệp đã bố trí cho những người làm việc liên quan trực tiếp đến hóa chất tham gia các lớp huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất do Sở Công Thương tổ chức, tham gia tập huấn về công tác PCCC cũng như tổ chức diễn tập về PCCC tại đơn vị. Tuy nhiên do lực lượng CS PCCC địa phương còn thiếu về cơ sở, nhân lực, đặc biệt là phương tiện; hơn nữa, địa bàn quản lý rộng, các cơ sở sản xuất hóa chất lại nằm cách xa các đơn vị PCCC nên việc thực tập Phương án PCCC hàng năm chưa được đầy đủ theo quy định.
Các đơn vị kinh doanh xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng,... và nhiều đơn vị khác, đa số chưa lưu ý về việc phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố. Ngoài ra các cửa hàng bố trí quá gần với khu dân cư, việc bố trí này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng của sự cố hóa chất (cháy, nổ tại các vị trí này) đến các khu dân cư xung quanh; các đơn vị sử dụng hóa chất với quy mô nhỏ, lẻ vẫn còn bố trí xen kẽ trong khu dân cư, chưa có thiết bị xử lý chất thải, chất độc hại... dẫn đến ảnh hưởng của hóa chất đến sức khỏe con người, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hầu hết các đơn vị đều chưa đầu tư các trang thiết bị ứng phó hoặc phòng ngừa sự cố hóa chất, quần áo bảo hộ lao động loại chuyên dụng.
b) Cơ quan chức năng
Về trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất của các cơ quan chức năng nhìn chung còn sơ sài, chủng loại trang thiết bị không phù hợp cho ứng phó sự cố hóa chất.
c) Sở Công Thương
Sở Công Thương Quảng Ngãi là cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp về các hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh. Phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường của Sở tham mưu cho Lãnh đạo Sở về quản lý nhà nước các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật an toàn trên địa bàn toàn tỉnh. Sở đã công bố các bộ thủ tục hồ sơ hướng dẫn có liên quan đến lĩnh vực hóa chất nói chung và an toàn hóa chất nói riêng một cách công khai để các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, có nhu cầu tìm hiểu và tuân thủ. Mọi thắc mắc trực tiếp của doanh nghiệp đều được lãnh đạo Sở, Phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường giải đáp tận tình, phổ biến đầy đủ.
Với những công cụ là các văn bản pháp lý kể từ khi Luật Hóa chất ra đời cùng các văn bản dưới luật khác như Nghị định số 108/2008/NĐ-CP , Nghị định số 26/2011/NĐ-CP , Thông tư số 28/2008/TT-BCT, Thông tư số 20/2013/TT-BCT... ban hành, Sở Công Thương đã có hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến các văn bản pháp luật trong hoạt động hóa chất khiến cho việc quản lý và đảm bảo an toàn hoạt động hóa chất của các doanh nghiệp chưa cao. Nguyên nhân của tình trạng này là do:
- Về nhân lực: đây là lĩnh vực mới nên công tác quản lý hiện nay còn khó khăn do thiếu nhân sự và chuyên môn. Cán bộ trực tiếp quản lý về hóa chất của Sở Công Thương quá mỏng.
- Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Luật Hóa chất ra đời muộn hơn các Luật khác, lĩnh vực hóa chất có tính liên quan đến các ngành khác. Tuy nhiên, về phân cấp quản lý thì chỉ có Bộ Công Thương là quản lý trực tiếp, trong khi đó các vấn đề sự cố xảy ra trong hoạt động sản xuất, vận chuyển hay tiêu thụ hóa chất thì cần phải có các bộ khác tham gia. Hiện tại cơ chế và văn bản liên Bộ - liên ngành phối hợp trong công tác quản lý hóa chất chưa được hoàn thiện. Theo Khoản 6 Điều 14 Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật về khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay quy chuẩn kỹ thuật này chưa được ban hành nên các đơn vị chưa có cơ sở kỹ thuật và căn cứ pháp lý để tính toán khoảng cách an toàn.
- Chưa có chế tài xử phạt thích hợp, lực lượng mỏng, ít được đào tạo, kinh phí không đủ để vận hành.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của pháp luật và để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cũng như tính mạng cho người lao động. Sở Công Thương đã và đang cố gắng từng bước điều chỉnh, đưa hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp. Sở đã nắm bắt các doanh nghiệp hoạt động hóa chất, đôn đốc yêu cầu các đơn vị này gửi báo cáo về tình hình sản xuất, sử dụng hóa chất để có dữ liệu phục vụ quản lý, hàng năm tổ chức các lớp huấn luyện an toàn hóa chất cho cán bộ công nhân viên theo yêu cầu của các đơn vị. Sở Công Thương kiểm tra hoạt động hóa chất theo định kỳ.
d) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi
Chức năng nhiệm vụ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đến nay chưa được quy định rõ ràng đối với nhiệm vụ phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất nói riêng. Cho đến nay, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi có nhiệm vụ tham gia hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt bão.
Hiện nay khi có sự cố hóa chất xảy ra, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm chính là tổ chức điều hành sơ tán dân ra khỏi khu vực có khả năng bị nhiễm độc hóa chất.
đ) Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy
Hiện tại lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Quảng Ngãi chưa được trang bị các trang thiết bị để ứng phó với các sự cố hóa chất. Chưa có các thiết bị bảo hộ cho CBCS khi tham gia xử lý sự cố hóa chất.
Tổng số cán bộ thuộc lực lượng phòng cháy chữa cháy của tỉnh là 100 đồng chí. Tuy nhiên khi xảy ra sự cố, lực lượng tối đa huy động được là 60 người. Hiện tại, chưa có đội cứu nạn cứu hộ riêng nhưng đã có một tiểu đội chuyên về cứu nạn cứu hộ gồm 12 người, trong đó có 5 người được huấn luyện đào tạo chuyên sâu về cứu nạn cứu hộ
Hiện nay, mỗi nhà máy hóa chất đều phải trình phương án phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên trong các phương án đã được phê duyệt chưa có phương án cho cứu nạn.
Cho đến nay, chưa có diễn tập chuyên sâu về ứng phó sự cố hóa chất.
e) Sở Tài nguyên và Môi trường
Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có các trang thiết bị để xử lý sự cố môi trường do hóa chất gây ra.
Sở chưa có kế hoạch cụ thể cho việc bổ sung các trang thiết bị và phương tiện chuyên dụng để xử lý sự cố môi trường do hóa chất gây ra.
g) Sở Y tế
Danh sách các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
STT |
Cơ sở y tế |
Địa chỉ |
Điện thoại |
1 |
Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi |
Lê Hữu Trác, thành phố Quảng Ngãi |
Điện thoại thường trực: 055 3823070 Điện thoại cấp cứu: 115 hoặc 055 3822888 |
2 |
Trung tâm Phòng chống Phong - Da liễu tỉnh Quảng Ngãi |
|
Điện thoại: 055 3823887 |
3 |
Trung tâm Nội tiết tỉnh Quảng Ngãi |
Đường Bùi Thị Xuân, thành phố Quảng Ngãi |
Điện thoại: 055 3823540 |
4 |
Bệnh viện Lao và bệnh phổi |
|
|
5 |
Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi |
Tổ 4 - Phường Nghĩa Lộ - thành phố Quảng Ngãi |
ĐT: 055 3826149 |
6 |
Trung tâm Phòng chống Sốt rét tỉnh Quảng Ngãi |
77 Quang Trung, thành phố Quảng Ngãi |
Điện thoại: 055 3823680, 055 3829267 Fax: 055 3829267 |
7 |
Trung tâm Mắt tỉnh Quảng Ngãi |
10 Nguyễn Trãi, Tp. Quảng Ngãi |
Điện thoại: 055 3823911 |
8 |
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Quảng Ngãi |
442 Nguyễn Du, Tp. Quảng Ngãi |
Điện thoại: 055 3825528 Fax: 055 3828761 |
9 |
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi |
Đường Bùi Thị Xuân, thành phố Quảng Ngãi |
Điện thoại: 055 3823539 |
10 |
Trung tâm Truyền thông giáo dục Sức khỏe |
51 Trương Quang Giao, thành phố Quảng Ngãi |
Điện thoại: 055 3824864 Fax: 055 3827337 |
11 |
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi |
78B Quang Trung, Tp. Quảng Ngãi |
Điện thoại: 055 3822829 Fax: 055 3825212 |
12 |
Trung tâm Giám định Y khoa |
477 Quang Trung, Tp. Quảng Ngãi |
Điện thoại: 055 3828099 |
13 |
Bệnh viện Đa khoa thành phố Quảng Ngãi |
444 Nguyễn Du, Tp. Quảng Ngãi |
Điện thoại: 055 3822056 |
14 |
Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh |
Xã Tịnh Ấn Tây - Tp. Quảng Ngãi - tỉnh Quảng Ngãi |
Điện thoại: 055.3842195 |
15 |
Bệnh viện Đa khoa huyện Nghĩa Hành |
Thị trấn Chợ Chùa - Huyện Nghĩa Hành - tỉnh Quảng Ngãi |
Giám đốc: B.sĩ Phạm Văn Túc DĐ: 0914.068092 Phó Giám đốc: B.sĩ Nguyễn Đợi DĐ: 0914.096969 |
16 |
Trung tâm Y tế Dự phòng các huyện |
|
|
h) Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống lụt bão, thiên tai, cứu nạn cứu hộ trên sông, biển.
i) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Hàng năm, theo kế hoạch, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Đoàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tần suất kiểm tra 01 - 02 lần/cơ sở/năm. Qua kiểm tra cho thấy, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp hay cơ sở nào hoạt động trong lĩnh vực sang chiết đóng chai thuốc bảo vệ thực vật, riêng các cơ sở kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa trang bị thiết bị bảo hộ cũng như thiết bị kiểm tra.
IV. KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA SỰ CỐ HÓA CHẤT
A. Giải pháp quản lý
1. Quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh
a) Nguyên tắc chung
* Đánh giá rủi ro hóa chất trong quy hoạch sử dụng hóa chất
Nguyên tắc chung để xác định khoảng cách an toàn từ các công trình hóa chất đến khu vực dân cư sinh sống của hầu hết các nước có công nghiệp hóa chất phát triển là dựa vào các phương pháp đánh giá rủi ro hóa chất.
Rủi ro hóa chất là rủi ro liên quan đến các đặc trưng nguy hại của hóa chất như dễ cháy, dễ nổ, dễ phản ứng hay gây độc cho con người hay các hệ sinh thái khác khi kết hợp các tính chất nguy hại đó với nhau hay vì một lý do nào đó bị thoát ra khỏi bao bì, bồn chứa, thiết bị phản ứng, đường ống hay kho chứa.
Đánh giá rủi ro hóa chất sẽ phụ thuộc vào bản chất nguy hại của hóa chất và lượng hóa chất có chứa tại thời điểm đang xem xét và khoảng cách từ nơi có hóa chất đến các đối tượng nhạy cảm (con người, thiết bị, môi trường).
Rủi ro hóa chất được lượng hóa bằng tích số giữa tính nguy hại của hóa chất và xác suất xảy ra sự cố. Nếu xác suất xảy ra sự cố hóa chất bằng 0, rủi ro hóa chất sẽ bằng không và khi đó không cần xem xét đến khoảng cách an toàn. Khi đã định lượng được rủi ro, thì cần tính đến mức rủi ro nào đó mà một đối tượng có thể chấp nhận được.
* Tiêu chí chấp nhận rủi ro
Tiêu chí chấp nhận rủi ro thường được dựa trên một giả định rằng RỦI RO đã được tính toán sẽ không được làm tăng thêm mức RỦI RO vốn đã tồn tại hàng ngày. Thường người ta xem một hoạt động nguy hiểm nào đó làm cho xác suất gây chết người tăng đến 1% là mức không thể chấp nhận được. Khi đó, tiêu chí để xem mức RỦI RO là chấp nhận được sẽ phải nhỏ hơn 10 hay 100 lần mức không thể chấp nhận được. Trong khoảng giữa mức RỦI RO không chấp nhận được và chấp nhận được, ta phải tìm mọi giải pháp giảm rủi ro đến mức mong muốn.
Mặt khác, rủi ro hóa chất cũng phụ thuộc vào tính nguy hại của hóa chất. Do đó, để xác định khoảng cách an toàn của một công trình hóa chất cần có phương pháp phân loại nguy hiểm của các hóa chất.
Rủi ro hóa chất thường liên quan đến một cơ sở có hoạt động hóa chất (facility) có tồn tại các hóa chất nguy hại (hazardous), nghĩa là các hóa chất dễ cháy, dễ phản ứng, dễ nổ, độc, đặc biệt là khi các hóa chất có đồng thời hai hay nhiều các tính chất nguy hại nói trên hoặc là các hóa chất đó rất dễ hình thành các đám mây nguy hiểm khi thoát ra khỏi bao bì hay vật dụng chứa hóa chất đó.
Rủi ro cho cộng đồng thường được thể hiện dưới dạng xác suất chết : hàng năm do bị tiếp xúc với nguồn nguy hiểm. Xác suất chết (hay cơ hội) tính cho một năm là 1 trên 1 triệu (1.000.000) (10-6) được xem là mức chấp nhận được, Mức xác suất chết 1 trên 10.000 (10-4 /năm) được xem là mức không chấp nhận được. Mức rủi ro này được sử dụng để quy hoạch sử dụng đất liên quan đến các công trình nguy hiểm. Dưới đây thể hiện mối quan hệ giữa các tiêu chí trong quy hoạch sử dụng đất với các tiêu chí về mức rủi ro chấp nhận được và rủi ro không chấp nhận được.
Hình 2.1: Phân vùng sử dụng đất
Các đường đồng mức về Rủi ro là dựa trên cách tiếp cận về rủi ro cá nhân - Individula Risk: Individual Risk là rủi ro chết người hay bị thương nặng đối với người tiếp xúc với nguồn gây rủi ro tính theo đơn vị hàng năm. Mức Indiviual Risk ở hầu hết các quốc gia nằm trong khoảng từ 10-4 đến 10-6.
b) Khuyến cáo trong việc sử dụng đất
Với phương pháp tiếp cận về mức rủi ro chấp nhận được và không chấp nhận được như vậy, người ta có thể xây dựng được các phân vùng theo đường đồng mức rủi ro như sau:
Trong vùng rủi ro lớn hơn 10-4: không cho phép bất kỳ loại hình sử dụng đất nào ngoài chính nguồn gây nguy hiểm, các hệ thống đường ống hay hành lang bảo vệ.
Trong vùng rủi ro từ 10-4 đến 10-5: là các công trình liên quan đến một số hạn chế lượng người và phải dễ dàng thoát hiểm, ví dụ như không phải là không gian kín như vườn hoa, sân golf, khu bảo tồn, đường rừng, tuy nhiên không bao gồm các khu vực giải trí như sân vận động, nhà kho, nhà máy chế biến.
Trong vùng rủi ro từ 10-5 đến 10-6: là những loại hình sử dụng đất mà người ta có thể đến thường xuyên, nhưng phải dễ dàng sơ tán, ví dụ như khu thương mại, khu dân cư ít người, văn phòng.
Khu vực rủi ro nhỏ hơn 10-6: là khu vực tất cả các loại hình sử dụng đất đều không bị hạn chế như cơ quan, trường học, khu dân cư đông đúc, Khi rủi ro ở mức bằng hay nhỏ hơn 10-6, có thể coi như là không cần tính đến rủi ro
Như đã nói ở trên, rủi ro còn phụ thuộc vào tính nguy hiểm của hóa chất. Hóa chất được nhóm thành các các nhóm theo đặc trưng nguy hiểm, tùy theo tính chất nguy hiểm của từng hoá chất có thể xác định các khoảng cách các vùng 1, 2, 3, 4 để sử dụng trong việc lựa chọn địa điểm cho các dự án hoá chất đồng thời cũng nên sử dụng trong việc quy hoạch sử dụng đất, cấp phép đầu tư cho các dự án gần các cơ sở hoá chất đã tồn tại.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước
Xây dựng, thiết kế hệ thống phần mềm quản lý số hóa bản đồ khoanh vùng ảnh hưởng, phân bố lực lượng tham gia ứng phó sự cố hóa chất và mô tả phạm vi ảnh hưởng và bố trí trang thiết bị, nguồn lực khác ứng cứu khi sự cố xảy ra để thuận lợi trong công tác chỉ đạo ứng phó.
Đẩy mạnh công tác quản lý các hoạt động liên quan đến hóa chất trên địa bàn tỉnh:
+ Sản xuất hóa chất.
+ Kinh doanh hóa chất.
+ Sử dụng hóa chất.
+ Vận chuyển hóa chất trên địa bàn tỉnh.
Tiến hành rà soát lập Kế hoạch và xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và các thủ tục quản lý hóa chất khác.
Phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động hóa chất ghi nhãn hóa chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu GHS.
3. Cơ chế phối hợp và trách nhiệm chung của các cơ quan quản lý địa phương
Thành lập Ban chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh Quảng Ngãi với cơ cấu tổ chức như sau:
Cơ cấu tổ chức Ban chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
(Trong đó: Sở Công Thương làm Thường trực BCĐ)
a) Quy trình thông tin liên lạc
Sơ đồ thông tin liên lạc trong Ban chỉ đạo UPSC
- Người phát hiện sự cố ngay lập tức phải báo cho Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy theo số điện thoại 114. Cung cấp các thông tin về:
+ Vị trí xảy ra sự cố.
+ Số lượng và chủng loại hóa chất.
+ Tình trạng hiện tại: rò rỉ, tràn đổ, cháy...
+ Số nạn nhân quan sát được.
- Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thông báo cho Thường trực Ban chỉ đạo là Sở Công Thương.
- Sở Công Thương có trách nhiệm thông tin đầy đủ cho các cơ quan liên quan để triển khai kế hoạch ứng cứu đồng thời thông báo và tham vấn ý kiến Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Bộ Công Thương và đề nghị hỗ trợ khi cần thiết.
- Sau khi xử lý, khắc phục sự cố, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo cho Trưởng Ban chỉ đạo về hiện trạng môi trường đã trở lại an toàn để xem xét kết thúc hoạt động ứng cứu, thông báo cho các cơ sở, người dân trở lại hoạt động bình thường.
b) Cơ chế phối hợp chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất
- Lãnh đạo Công an tỉnh:
+ Tiếp nhận thông tin xảy ra sự cố (qua Cảnh Sát PCCC tỉnh);
+ Ra quyết định huy động lực lượng phương tiện của các đơn vị có liên quan để tham gia giải quyết sự cố (PC66, PC65, PC49, Công an huyện);
+ Tham mưu cho BCĐ sự cố cấp tỉnh các phương án xử lý cụ thể đối với từng trường hợp;
+ Tổ chức thành lập đoàn khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân sự cố, tổ chức bảo vệ hiện trường.
- Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh Quảng Ngãi:
+ Trực tiếp nhận thông tin, thông báo cho Ban chỉ đạo.
+ Huy động lực lượng, sử dụng trang thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp trực tiếp tiến hành xử lý sự cố tại hiện trường.
+ Trong trường hợp sự cố cấp quốc gia hoặc các tình huống bất ngờ có thể huy động tất cả các lực lượng ứng cứu của các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế.
- Công an tỉnh Quảng Ngãi:
+ Huy động các lực lượng Cảnh sát cơ động, công an khu vực và các lực lượng khác của địa phương sơ tán toàn bộ người dân trong vùng cách ly ban đầu.
+ Tổ chức các trạm gác không cho người không có phận sự xâm nhập vào vùng cách ly.
+ Thông báo cho người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng cuối hướng gió để có các giải pháp an toàn hoặc sơ tán toàn bộ cho đến khi sự cố được khắc phục hoàn toàn.
- Sở Công Thương:
+ Liên lạc với các thành viên trong Ban chỉ đạo.
+ Xác định rõ tính chất vật lý, tính chất nguy hiểm, độc tính và các tính chất nguy hại khác của hóa chất để cung cấp cho lực lượng cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy.
+ Xác định khu vực cần cách ly ban đầu, khu vực phát tán theo hướng gió đối với từng sự cố để thông báo cho các lực lượng tại hiện trường.
+ Liên hệ với Bộ Công Thương (Cục Hóa chất: 0422205057), Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (0437342690 - 0437344273) để tham vấn các vấn đề về tính chất nguy hại, giải pháp khắc phục sự cố trong trường hợp sự cố đối với các hóa chất chưa xác định rõ hoặc cần có sự hỗ trợ từ các lực lượng Trung ương.
- Sở Tài nguyên và Môi trường:
+ Phối hợp với Sở Công Thương để cung cấp các tính chất nguy hại của hóa chất cho lực lượng hiện trường.
+ Chủ trì xây dựng phương án khắc phục các ảnh hưởng lâu dài của sự cố sau khi ứng phó, kế hoạch quan trắc, giám sát môi trường. Thông báo cho Trưởng ban Ban chỉ đạo sau khi môi trường đã an toàn cho người dân.
- Sở Y tế:
+ Nhận được thông báo từ Thường trực Ban chỉ đạo về thông tin sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn, Sở Y tế chuẩn bị phương án cấp cứu, sơ cứu nạn nhân.
+ Tổ chức trạm sơ cứu ban đầu tại khu vực sự cố ngoài phạm vi vùng cách ly ban đầu và vùng chịu ảnh hưởng cuối hướng gió.
+ Tổ chức cấp cứu tất cả các nạn nhân, kiểm tra sức khỏe cho những người được sơ tán khỏi vùng cách ly ban đầu, tiếp tục theo dõi những người có biểu hiện nhiễm độc hóa chất hoặc chịu các tác động khác đến sức khỏe do sự cố hóa chất.
+ Phối hợp với chính quyền địa phương giám sát sức khỏe những người có mặt trong vùng cách ly ban đầu sau khi sự cố được khắc phục để đảm bảo phát hiện và cứu chữa kịp thời tất cả các nạn nhân.
- Ban Quản lý các Khu Công nghiệp:
+ Trường hợp sự cố hóa chất xảy ra trong các Khu Công nghiệp, tiến hành thông báo cho các công ty lân cận để tiến hành sơ tán hoặc tham gia ứng cứu.
+ Huy động các trang thiết bị hiện có tham gia ứng cứu dưới sự chỉ huy của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy.
- Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất:
+ Trường hợp sự cố hóa chất xảy ra trong Khu kinh tế Dung Quất, tiến hành thông báo cho các công ty lân cận để tiến hành sơ tán hoặc tham gia ứng cứu.
+ Huy động các trang thiết bị hiện có tham gia ứng cứu dưới sự chỉ huy của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy.
4. Giải pháp nâng cao năng lực phòng ngừa sự cố hóa chất
a) Giải pháp nâng cao nhận thức
Sở Công Thương kết hợp với các ban, ngành tổ chức hội thảo giới thiệu về Hệ thống hài hòa toàn cầu về ghi nhãn hóa chất và Thông tư số 04/2012/TT-BCT cho cán bộ phụ trách an toàn các công ty và những cán bộ làm việc tại các sở, ban ngành có liên quan. Nội dung cụ thể:
+ Phân loại hóa chất theo các nguy hại vật lý.
+ Phân loại hóa chất theo các nguy hại tới sức khỏe con người.
+ Phân loại hóa chất theo các nguy hại tới môi trường.
+ Hướng dẫn ghi nhãn hóa chất.
+ Hướng dẫn xây dựng phiếu an toàn hóa chất.
Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các cán bộ làm việc gián tiếp tại các công ty có sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, đảm bảo tất cả các công ty liên quan đều có cán bộ được đào tạo.
Yêu cầu tất cả các công ty phải lập Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tổ chức diễn tập kết hợp với diễn tập phòng cháy chữa cháy, có sự chứng kiến của đại diện Sở Công Thương.
b) Nâng cao năng lực phòng ngừa sự cố hóa chất từ phía các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức và tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất theo đúng quy định.
Xây dựng Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy định pháp luật.
Kiểm tra, thực hiện và khắc phục các điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm.
Trang bị đầy đủ các thiết bị bảo vệ cá nhân, ứng phó sự cố theo yêu cầu của Hội đồng Thẩm định Kế hoạch và đoàn kiểm tra, xác nhận Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố. Khi có thay đổi quy mô, vị trí sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến nội dung bản Kế hoạch hoặc Biện pháp cần thông báo, xin ý kiến đơn vị thẩm định, xác nhận.
Thông báo, phối hợp diễn tập với các cơ sở xung quanh, đặc biệt là các cơ sở nằm trong phạm vi chịu tác động của sự cố hóa chất.
Thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo theo các quy định của pháp luật về quản lý hóa chất.
B. Kế hoạch kiểm tra, giám sát nguồn nguy cơ
1. Kế hoạch kiểm tra
a) Đối với hoạt động vận chuyển hóa chất
Công an tỉnh thực hiện chuyên đề kiểm tra các xe chở hóa chất, LPG trên đường bao gồm các nội dung sau:
- Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được các cơ quan có thẩm quyền cấp phù hợp với các hóa chất đang chuyên chở. Danh mục hàng nguy hiểm được quy định tại Phụ lục I Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ.
+ Các hàng nguy hiểm loại hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 phải có giấy phép của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh cấp.
+ Các hàng hóa nguy hiểm loại 5, loại 7, loại 8 phải có giấy phép của Sở Khoa học và Công nghệ cấp.
+ Các hóa chất độc dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng phải có giấy phép của Sở Y tế.
+ Thuốc bảo vệ thực vật phải có giấy phép vận chuyển do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp.
- Kiểm tra việc đóng gói, dán nhãn hóa chất khi vận chuyển.
- Kiểm tra các Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm của người vận chuyển.
- Phương án ứng cứu khẩn cấp đối với hàng công nghiệp nguy hiểm có yêu cầu lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp.
- Xử phạt nghiêm tất cả các trường hợp không đủ hồ sơ, điều kiện quy định đối với vận chuyển hàng nguy hiểm theo đúng quy định của pháp luật.
- Thông báo với Sở Công Thương các cơ sở vận chuyển vi phạm, các chủ hàng và các đơn vị mua hàng.
* Sở Công Thương thực hiện các việc sau:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra các cơ sở vi phạm theo thông báo của Công an (Cảnh sát) theo đúng quy định pháp luật.
- Thông báo, hướng dẫn các cơ sở sử dụng hóa chất về các quy định liên quan đến vận chuyển hàng nguy hiểm.
- Tổ chức rà soát, thống kê, huấn luyện cho người vận chuyển của các đơn vị hoạt động vận chuyển hóa chất trong phạm vi quản lý theo quy định của Thông tư số 44/2012/TT-BCT .
- Hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chỉ ký hợp đồng vận chuyển, mua hàng đối với các cơ sở có đầy đủ giấy phép vận chuyển theo đúng quy định của pháp luật.
b) Đối với các cơ sở LPG
Sở Công Thương thực hiện các nội dung sau:
- Xây dựng quy hoạch các cơ sở chiết nạp, kinh doanh, tồn chứa LPG trên địa bàn tỉnh.
- Kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (Nghị định số 107/2009/NĐ-CP), Quy định về quản lý an toàn trong lĩnh vực khí dầu mỏ hoá lỏng (Thông tư số 41/2011/TT-BCT) và các văn bản khác có liên quan; quy định về kiểm định các các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
- Yêu cầu, giám sát các cơ sở chưa đảm bảo khoảng cách an toàn về các giải pháp khắc phục (trong thời gian chưa có Quy định về khoảng cách an toàn đối với các cơ sở hóa chất nguy hiểm, tạm thời áp dụng theo Thông tư 11/2013/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu).
- Thống kê, lập phương án xử lý các cơ sở không đủ điều kiện và chưa khắc phục được các tồn tại, báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.
- Hướng dẫn, nhắc nhở, giám sát các đơn vị LPG xây dựng Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất và các quy định khác về quản lý hoạt động LPG. Tổ chức thanh tra, kiểm tra xử phạt nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
c) Đối với cơ sở sử dụng hóa chất
Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung sau:
- Hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị huấn luyện an toàn hóa chất cho người lao động làm việc trực tiếp liên quan đến hóa chất.
- Kiểm tra điều kiện tồn chứa hóa chất, việc thực hiện quy định kiểm định hệ thống làm lạnh, bình chịu áp lực, quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm...
- Yêu cầu các đơn vị xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong đó xác định rõ khoảng phạm vi, đối tượng chịu ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất và phương án phối hợp ứng phó, khắc phục.
- Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cộng đồng doanh nghiệp trong phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất, đặc biệt là việc quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hoá chất theo quy định của Luật Hoá chất.
- Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất cho tất cả các đối tượng quản lý tại các doanh nghiệp đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức lớp cho các học viên là người lao động trực tiếp với hóa chất. Kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị đào tạo Kỹ thuật an toàn hóa chất cho tất cả các đối tượng theo quy định của Thông tư số 36/2014/TT-BCT .
- Tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị xây dựng Kế hoạch, Biện pháp Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo đúng quy định tại Thông tư số 20/2013/TT-BCT. Tổ chức đoàn kiểm tra và xử phạt nghiêm các đơn vị chưa thực hiện.
- Thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp về việc đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm đặc biệt là các quy định của TCVN 5507:2002 .
- Thống kê toàn bộ các cơ sở không đảm bảo điều kiện, đặc biệt là các cơ sở có sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hạn chế sản xuất, kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và đề xuất phương án xử lý báo cáo UBND tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, tăng cường công tác kiểm tra đối với các loại hàng hóa hóa chất lưu thông trên thị trường về nhãn hàng hóa, xuất xứ, điều kiện kinh doanh...
V. KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT
A. Phân cấp các sự cố trên địa bàn tỉnh
1. Phân cấp sự cố hóa chất
Căn cứ vào phạm vi, mức độ nguy hiểm của các trường hợp sự cố hóa chất có thể xảy ra, phương án ứng phó được lập tương ứng với 3 cấp độ như sau:
Cấp 1 (cấp cơ sở)
Sự cố hóa chất xảy ra ở cơ sở, sự cố không lập tức gây nguy hại đối với tính mạng, tài sản, môi trường, sản xuất và kinh tế. Các tình huống này có thể kiểm soát được bởi các biện pháp xử lý tại chỗ. Trong trường hợp này chủ cơ sở phải tổ chức chỉ huy lực lượng của đội ứng phó sự cố hóa chất cấp cơ sở để triển khai thực hiện việc ứng cứu kịp thời. Đơn vị cơ sở chịu trách nhiệm huy động lực lượng và thực hiện các biện pháp xử lý nói trên.
Trường hợp sự cố hoá chất vượt quá khả năng của cơ sở, nguồn lực tại chỗ không đủ khả năng tự ứng cứu thì chủ cơ sở phải kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo UPSCHC cấp tỉnh. Chủ cơ sở xảy ra sự cố hóa chất chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường.
Cấp 2 (cấp khu vực)
Trường hợp sự cố hóa chất gây nên những nguy hiểm nhất định đối với tính mạng, tài sản và môi trường (cháy, nổ nhỏ, nhiễm độc hóa chất...). Để kiểm soát được các tình huống này, ngoài việc triển khai các biện pháp ứng cứu bằng lực lượng ứng cứu của các đơn vị cơ sở còn phải có sự phối hợp, hỗ trợ ứng cứu của các lực lượng, phương tiện sẵn có gần kề khu vực xảy ra sự cố theo các phương án đã thỏa thuận trước.
Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng cứu của cơ sở hoặc của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì Ban chỉ đạo UPSCHC cấp tỉnh tổ chức ứng cứu theo kế hoạch, đồng thời đề xuất huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các khu vực trong tỉnh và phối hợp các tỉnh tiếp giáp với tỉnh Quảng Ngãi để ứng cứu.
Cấp 3 (cấp quốc gia)
Trường hợp sự cố hóa chất gây nên mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với cuộc sống con người, môi trường hoặc có khả năng gây thiệt hại toàn bộ công trình (chết người, cháy lớn, nổ lớn...). Tình huống này có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc xuất phát từ các tình huống, sự cố thấp hơn do không kiểm soát được và phát triển theo xu hướng ngày càng xấu đi nghiêm trọng. Khi mức độ nguy hiểm vượt quá khả năng ứng phó của Ban chỉ đạo UPSCHC cấp tỉnh, Trường trực Ban chỉ đạo (Sở Công Thương) tham mưu ngay Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, Chính phủ và các các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức ứng phó.
Bảng 3.1. Phân cấp tình huống sự cố hóa chất
2. Phân cấp xung quanh các cơ sở hóa chất trên địa bàn tỉnh
Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của các hóa chất, vị trí địa lý của các doanh nghiệp xung quanh, có thể phân vùng mức độ nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như sau:
- Sự cố cấp cơ sở: Có thể xảy ra ở bất kỳ đơn vị nào có hoạt động hóa chất như kinh doanh, vận chuyển, tồn trữ hay sử dụng hóa chất như: sự cố tràn, đổ, rò rỉ, rách, thủng bao, thùng chứa các loại hóa chất Natri hydroxit, axit clohydric, xăng, dầu... với khối lượng nhỏ.
- Sự cố cấp khu vực: Sự cố tràn dầu với khối lượng không nhiều trên vịnh Dung Quất, sự cố cháy, nổ bồn chứa hóa chất (xăng; dầu) trên đường vận chuyển, sự cố cháy, nổ tại các công ty kinh doanh xăng, dầu, gas...
- Sự cố cấp quốc gia: Sự cố cháy, nổ, tràn với quy mô lớn, có khả năng hủy hoại tài sản của doanh nghiệp, tính mạng con người, có khả năng ảnh hưởng đến các công trình, các kho chứa của các doanh nghiệp lân cận và gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường, các sự cố này xảy ra ở các điểm sau: sự cố cháy nổ bồn xăng thành phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Sự cố nổ bồn LPG của Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam - CN Quảng Ngãi, sự cố nổ bồn LPG của Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam ..., sự cố tràn dầu với khối lượng trên vịnh Dung Quất.
3. Sơ đồ thông tin liên lạc
Bản Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố cấp tỉnh đề cập đến các sự cố lớn vượt quá khả năng ứng cứu của cơ sở hoặc của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sơ đồ thông tin liên lạc chung đối với các sự cố cấp 2, cấp 3 như sau:
B. Cách phân vùng mức độ nguy hiểm xung quanh cơ sở hóa chất
1. Phân vùng theo giới hạn nồng độ tiếp xúc của con người (AEGL)
AEGL là các giá trị nồng độ của hóa chất trong không khí được nghiên cứu để giúp cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp đánh giá được tình trạng phơi nhiễm trong trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ làm phát tán khí độc hay các sự cố nghiêm trọng khác.
Có 3 mức độ nồng độ AEGL được định nghĩa như sau:
AEGL-1: là nồng độ trong không khí của một chất mà tại nồng độ đó người tiếp xúc có thể cảm thấy khó chịu, kích thích, hoặc không có triệu chứng nhất định. Tuy nhiên, những tác động chỉ là tạm thời và hồi phục khi ngừng tiếp xúc.
AEGL-2: là nồng độ trong không khí của một chất mà tại nồng độ đó người tiếp xúc có thể phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài thậm chí không thể phục hồi ngay khi thoát ra khỏi khu vực đó.
AEGL-3: là nồng độ trong không khí của một chất mà tại nồng độ đó người tiếp xúc có thể bị đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng hoặc tử vong.
2. Phân vùng theo nồng độ ngay lập tức nguy hiểm đến sức khỏe con người (IDLH)
IDLH là giá trị nồng độ hóa chất trong không khí mà người tiếp xúc có thể tử vong ngay lập tức hoặc phải chịu hậu quả vĩnh viễn.
Giá trị IDLH thường được sử dụng trong việc lựa chọn trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho công nhân hay nhân viên cứu hộ cứu nạn trong các tình huống cụ thể.
3. Phân vùng khả năng cháy, nổ và cường độ bức xạ nhiệt
Hai phương án để đánh giá ảnh hưởng của một sự cố đó là:
- Đánh giá ảnh hưởng sau khi sự cố đã xảy ra.
- Tính toán mô phỏng bằng các công cụ hỗ trợ.
Dựa trên kết quả đánh giá các tổ chức cá nhân có thể lập được kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với con người và tài sản.
Hiện tại, có nhiều phần mềm mô phỏng dựa trên các công cụ máy tính dễ sử dụng. Một số phần mềm này có thể mô phỏng kết quả của sự phơi nhiễm trong thời gian dài. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch trong trường hợp khẩn cấp yêu cầu phải đánh giá được tình trạng phơi nhiễm tức thời nghĩa là phơi nhiễm một lần với nồng độ cao. Do vậy, hiện nay phần mềm phù hợp nhất để mô phỏng ảnh hưởng của sự cố hóa chất là phần mềm Aloha.
Các quy ước trong phần mềm Aloha:
• Khả năng bắt cháy được chia thành hai vùng: Vùng kí hiệu màu đỏ có nồng độ hơi hóa chất lớn hơn 60% nồng độ giới hạn nổ dưới (LEL) là vùng có khả năng xảy ra cháy nổ cao khi tiếp xúc với nguồn lửa. Vùng kí hiệu màu vàng là vùng ước tính nồng độ hóa chất có thể vượt quá 10% nồng độ giới hạn nổ dưới (LEL) và nhỏ hơn 60% nồng độ giới hạn nổ dưới.
• Nguy cơ nổ chia làm 3 vùng: Vùng kí hiệu màu đỏ là vùng có áp suất nổ vượt quá áp suất khí quyển 8 psi (0.562 at), vùng ký hiệu màu cam là vùng có áp suất nổ vượt quá áp suất khí quyển 3.5 psi (0.246 at), vùng ký hiệu màu vàng là vùng có áp suất nổ vượt quá áp suất khí quyển 1 psi (0.0703 at).
• Mức độ nguy hiểm do bức xạ nhiệt (cháy) chia thành ba cấp độ:
Vùng kí hiệu màu đỏ, ước tính phạm vi ảnh hưởng nặng nhất với cường độ bức xạ nhiệt lớn hơn 10 KW/m2, trong vùng này nếu không có trang bị bảo hộ phù hợp, con người sẽ chết trong vòng 60 giây.
Vùng kí hiệu màu cam, ước tính phạm vi có mức độ ảnh hưởng trung bình với cường độ bức xạ nhiệt từ 5 đến 10 KW/m2, trong vùng này nếu không có trang bị bảo hộ phù hợp, con người sẽ bị bỏng độ 2 trong vòng 60 giây.
Vùng kí hiệu màu vàng, ước tính phạm vi có mức độ ảnh hưởng nhẹ với cường độ bức xạ nhiệt từ 2 đến 5 KW/m2, trong vùng này nếu không có trang bị bảo hộ phù hợp, con người sẽ bị thương nhẹ trong vòng 60 giây.
C. Xây dựng kịch bản, phân vùng nguy hiểm và phương án ứng phó
1. Kịch bản sự cố hóa chất trên vận tải đường biển.
2. Kịch bản xảy ra sự cố rò rỉ, tràn đổ cháy kho xăng dầu.
3. Kịch bản xảy ra rò rỉ, tràn đổ, cháy nổ LPG.
4. Kịch bản xảy ra rò rỉ, cháy nổ khí công nghiệp.
5. Kịch bản xảy ra cháy nổ kho vật liệu nổ công nghiệp.
6. Kịch bản sự cố xảy ra với khí Clo tại Nhà máy Nước Dung Quất.
7. Kịch bản xảy ra sự cố đối với Amoniac tại Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy.
8. Kịch bản cháy Lưu huỳnh tại Công ty CP Hóa phẩm Dầu khí DMC - Miền Trung.
D. Kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó hóa chất
1. Giải pháp nâng cao năng lực con người trong ứng phó hóa chất
- Tổ chức khóa đào tạo chuyên về ứng cứu sự cố hóa chất.
- Sở Y tế lên kế hoạch cho cán bộ y tế được huấn luyện, diễn tập về ứng cứu nạn nhân nhiễm độc hóa chất.
- Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tìm hiểu tham gia các khóa huấn luyện về ứng cứu sự cố hóa chất trong nước và nước ngoài.
- Lực lượng cứu nạn, cứu hộ phải được huấn luyện thành thục kỹ năng cứu người trong sự cố cháy nổ hoá chất:
+ Kỹ thuật cứu người ra khỏi vùng nhiễm độc.
+ Kỹ thuật cứu người ra khỏi vùng đang cháy và vùng có nguy cơ nổ.
+ Kỹ thuật cứu người bị chôn vùi trong đống vật liệu xây dựng bị đổ sập do cháy nổ.
+ Kỹ thuật cứu nhiều người đang bị nạn trong các tình huống nêu trên.
+ Kỹ thuật cứu người khi nạn nhân đang bị cháy vật lý và cháy hoá chất.
+ Kỹ thuật cứu người bị ngộ độc cấp tính đối với từng loại hoá chất cháy nổ.
+ Kỹ thuật sơ cứu nạn nhân bị bỏng vì ngọn lửa và bị bỏng hoá chất.
+ Kỹ thuật tiêu tẩy chất độc cho mình và cho nạn nhân bị nhiễm độc (đối với từng loại hóa chất cụ thể) trong và ngoài cơ thể.
+ Kỹ thuật khống chế và tiêu tẩy chất độc phát tán, lan ra môi trường xung quanh.
+ Kỹ thuật tác nghiệp một mình và tác nghiệp hợp đồng với toàn đội hình chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trong sự cố cháy nổ hoá chất.
2. Giải pháp nâng cao năng lực trang thiết bị trong ứng phó hóa chất
Để công việc cứu hộ cứu nạn trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất đạt được hiệu quả cao, các đơn vị cần có các trang thiết bị sau:
a) Trang thiết bị với lực lượng phòng cháy chữa cháy
Số TT |
Tên thiết bị |
Số lượng |
Chủng loại |
1 |
Quần áo chống hóa chất |
12 |
Mức A |
2 |
Găng tay chống hóa chất |
12 |
Mức A |
3 |
Bơm lấy mẫu không khí |
3 |
Tham khảo tại đề án chi tiết. |
4 |
Đầu dò xác định nồng độ amoniac |
3 |
Tham khảo tại đề án chi tiết. |
5 |
Đầu dò xác định nồng độ khí clo |
3 |
Tham khảo tại đề án chi tiết. |
6 |
Đầu dò xác định nồng độ khí NO, NO2 |
3 |
Tham khảo tại đề án chi tiết. |
b) Trang thiết bị với Sở Công Thương
Số TT |
Tên thiết bị |
Số lượng |
Chủng loại |
1 |
Quần áo chống hóa chất |
2 bộ |
Mức B |
2 |
Găng tay chống hóa chất |
2 bộ |
Mức B |
3 |
Bình khí thở độc lập |
1 bộ |
Mức B |
c) Trang bị đối với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi
- Ít nhất 2 xe trinh sát phóng xạ hóa học, được trang bị khí tài cá nhân đầy đủ, sử dụng các loại máy phát hiện và xác định nồng độ hơi, hóa chất độc công nghiệp.
- Ít nhất 5 cán bộ được huấn luyện thêm về chuyên môn ứng phó sự cố hóa chất.
d) Trang bị đối với Sở Nông nghiệp và PTNT
- Đầu tư xây dựng các bể thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng tại các vùng sản xuất hàng hóa lớn như vùng chuối, dứa, vùng sản xuất chè, ngô... để ngăn ngừa các sự cố về ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, cụ thể:
+ Quy cách: Dung lượng 1 m3/bể, xây gạch đỏ trát xi măng, có nắp đổ bê tông cốt thép đậy kín, cửa bỏ bao bì bên hông kích thước 40x40cm.
+ Số lượng bể: Đề nghị xây tại các vùng sản xuất hàng hóa lớn, sử dụng TBVTV nhiều, nguy cơ ô nhiễm cao
- Hỗ trợ về các trang thiết bị phòng chống độc, bảo hộ lao động cho kho chứa thuốc BVTV do Sở quản lý nhằm ngăn ngừa các sự cố xảy ra trong quá trình quản lý, bảo quản.
+ Quần áo bảo hộ, khẩu trang chống độc: 3 bộ.
+ Bình PCCC 10 cái.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ
A. Trách nhiệm của từng sở, ban ngành đối với việc triển khai thực hiện Kế hoạch
1. Thành lập Ban chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh:
Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh (theo hướng dẫn, quy định của cấp có thẩm quyền) nhằm phối hợp các lực lượng, chỉ đạo thống nhất các hoạt động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó sự cố hóa chất của các cơ sở và thực hiện ứng phó khi có tình huống tràn đổ, cháy nổ hóa chất (vượt quá khả năng ứng cứu của doanh nghiệp, cơ sở) trên địa bàn.
2. Sơ đồ tổ chức chung, trách nhiệm và cơ chế phối hợp các cơ quan có trách nhiệm ứng cứu sự cố hóa chất của tỉnh
a) Sở Công Thương:
- Thực hiện công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Hóa chất.
- Thực hiện công tác tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất trong ngành công nghiệp chấp hành đúng các quy định pháp luật về hóa chất.
- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố các quy định và thủ tục cần thiết về quản lý an toàn hóa chất của các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong ngành công nghiệp theo quy định.
- Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thuộc “Danh mục hóa chất nguy hiểm ” phải xây dựng Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thiết lập khoảng cách an toàn theo quy định.
- Tổ chức đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất cho các cơ quan quản lý; các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong ngành công nghiệp; tổ chức, cá nhân liên quan vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.
- Rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về hóa chất của các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong việc thực hiện an toàn hóa chất; kiểm tra việc xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và năng lực ứng phó phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất; xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất vi phạm các quy định trong lĩnh vực hóa chất.
- Hàng năm, lập báo cáo về các sự cố đã xảy ra trong năm, mức độ thiệt hại, các kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố.
- Liên hệ với Bộ Công Thương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để tham vấn các vấn đề về tính chất nguy hại, giải pháp khắc phục sự cố trong trường hợp sự cố đối với các hóa chất chưa xác định rõ hoặc cần có sự hỗ trợ từ các lực lượng Trung ương.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Tăng cường công tác quản lý việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hóa chất, sử dụng hóa chất; việc xử lý, thải bỏ hóa chất độc tồn dư trong sản xuất, kinh doanh, hóa chất độc tồn dư của chiến tranh, hóa chất độc không rõ nguồn gốc và hóa chất độc bị tịch thu.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hóa chất.
- Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hóa chất; hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định.
- Phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra, theo dõi việc xử lý, thải bỏ hóa chất theo quy định pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hóa chất. Hướng dẫn, xử lý, thải bỏ hóa chất độc tồn dư trong sản xuất, kinh doanh hóa chất.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý việc đảm bảo môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất.
c) Sở Y tế:
- Tăng cường công tác quản lý hóa chất sử dụng trong lĩnh vực dược; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế, hóa chất sử dụng trong trang thiết bị y tế; hóa chất dùng làm phụ gia thực phẩm.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất; trong ngành y tế, ngành thực phẩm trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng nguy hiểm là hóa chất, chế phẩm duyệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế theo quy định tại Thông tư số 08/2012/TT-BYT ngày 17/5/2012 của Bộ Y tế.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Rà soát, đánh giá thực trạng để xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản chế biến nông sản, lâm sản, thủy - hải sản... Tăng cường công tác quản lý hóa chất sử dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
đ) Sở Khoa học và Công nghệ:
- Tăng cường công tác quản lý hóa chất sử dụng trong nghiên cứu khoa học.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất đảm bảo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hóa chất theo quy định; triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu, phát triển, áp dụng, công nghệ phù hợp với việc sử dụng hóa chất ít nguy hiểm.
e) Sở Giao thông vận tải:
Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định của pháp luật về hóa chất và pháp luật khác có liên quan khi tham gia hoạt động vận chuyển hóa chất nguy hiểm bằng đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
g) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Tăng cường công tác quản lý việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động tham gia hoạt động hóa chất; quản lý việc sử dụng hóa chất trong các cơ sở dạy nghề, các trung tâm thuộc ngành theo quy định của pháp luật.
h) Sở Giáo dục và Đào tạo:
Tăng cường công tác quản lý việc sử dụng hóa chất, an toàn hóa chất trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của pháp luật.
i) Công an tỉnh:
- Quản lý, kiểm tra hóa chất, sản phẩm hóa chất trong lĩnh vực an ninh; hóa chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan phát hiện, điều tra, xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động hóa chất theo quy định.
k) Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy:
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan chuẩn bị lực lượng, thiết bị và lập phương án ứng phó khi có sự cố hóa chất xảy ra, việc phối hợp với lực lượng quân đội, chính quyền địa phương sơ tán dân khỏi những vùng nguy hiểm và tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất; huy động các lực lượng Cảnh sát cơ động, công an khu vực và các lực lượng khác của địa phương sơ tán toàn bộ người dân trong vùng cách ly ban đầu khi có sự cố hóa chất.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra tình hình xây dựng các kế hoạch công tác huấn luyện, diễn tập, ứng phó sự cố hóa chất của các doanh nghiệp, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng lượng lớn hóa chất, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất.
l) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
- Quản lý, kiểm tra hóa chất, sản phẩm hóa chất trong lĩnh vực quốc phòng: phối hợp với các sở, ngành liên quan phát hiện, điều tra, xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động hóa chất theo quy định;
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan hóa học cấp trên xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng phương tiện sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ ứng cứu các tình huống khẩn cấp về sự cố hóa chất, thực hiện tìm kiếm cứu nạn và tham gia ứng cứu khi có sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn.
m) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi:
- Phối hợp với Sở Công Thương, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về hóa chất, kiến thức về an toàn hóa chất, nguy cơ, tác hại và trách nhiệm phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hóa chất; công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng trường hợp vi phạm trong hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ, tác hại của sự cố hóa chất và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.
n) Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi:
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban ngành có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn hóa chất cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
- Nhắc nhở, đôn đốc các doanh nghiệp báo cáo định kỳ theo đúng quy định.
- Thông tin cho Sở Công Thương khi có doanh nghiệp mới hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký theo quy định.
o) UBND các huyện, thành phố:
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn quản lý thực hiện các quy định pháp luật về hóa chất theo đúng quy định. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh, các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động hóa chất trên địa bàn quản lý. Đặc biệt là kiểm tra việc ghi nhãn hóa chất, điều kiện về nhà xưởng, kho tàng, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển, việc xây dựng Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển.
- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công Thương rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm kinh doanh, kho cất giữ bảo quản hóa chất nguy hiểm (bao gồm cả hỗn hợp hóa chất nguy hiểm). Hướng dẫn thực hiện các Quy chuẩn xây dựng về kết cấu công trình, thiết kế kho hóa chất... phải đảm bảo tiêu chuẩn phòng chống cháy nổ.
3. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất
a) Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về hóa chất; tăng cường, kiểm tra nghiêm ngặt việc thực hiện các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật trong kinh doanh, cất giữ, bảo quản và sử dụng hóa chất nhất là các hóa chất nguy hiểm.
b) Đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất trong ngành công nghiệp phải tuân thủ và thực hiện tốt các điều kiện về nhà xưởng, kho tàng, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển, vận hành an toàn theo quy định tại Nghị định số 108/2008/NĐ-CPngày 07/10/2008 của Chính phủ, Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28/6/2010 của Bộ Công Thương, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển; các điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất tại Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/04/2011 của Chính phủ và các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành có liên quan.
c) Xây dựng Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất. Đảm bảo đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy, nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại theo quy định và đảm bảo khả năng ứng phó tại chỗ khi sự cố hóa chất xảy ra.
d) Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trữ hóa chất quy mô lớn phải lập phương án ứng phó sự cố và định kỳ thực hành diễn tập.
đ) Cử cán bộ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên quản lý, chuyên trách về an toàn, áp tải hàng, thu kho, bốc xếp, vận chuyển, bảo vệ và những người lao động tiếp xúc trực tiếp với hóa chất tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất theo quy định tại Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 của Chính phủ.
e) Thực hiện chế độ báo cáo về an toàn hóa chất gửi Sở Công Thương trước ngày 15/01 hàng năm theo quy định tại Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05/08/2013 của Bộ Công Thương.
4. Kinh phí: Hàng năm, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch tổ chức diễn tập phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
B. KIẾN NGHỊ
Trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất nghiêm trọng hoặc sự cố hóa chất xảy ra trong khu vực cần ưu tiên bảo vệ khi vượt quá khả năng của địa phương, đề nghị Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Công Thương hỗ trợ về nhân lực, phương tiện kỹ thuật... để phối hợp ứng phó kịp thời.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền cho phép, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các ngành có liên quan để tổng hợp tham mưu, đề xuất ý kiến trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời./.
Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí Ban hành: 18/01/2021 | Cập nhật: 19/01/2021
Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2020 về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt Ban hành: 16/01/2020 | Cập nhật: 18/01/2020
Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2019 thực hiện Nghị quyết 582/NQ-UBTVQH14 về nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài Ban hành: 30/01/2019 | Cập nhật: 31/01/2019
Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2018 về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới Ban hành: 19/01/2018 | Cập nhật: 20/01/2018
Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2017 về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội Ban hành: 25/01/2017 | Cập nhật: 06/02/2017
Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2016 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020 Ban hành: 03/02/2016 | Cập nhật: 05/02/2016
Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2015 tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản Ban hành: 30/03/2015 | Cập nhật: 01/04/2015
Quyết định 1995/QĐ-TTg năm 2014 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015 - 2020 Ban hành: 04/11/2014 | Cập nhật: 04/11/2014
Thông tư 36/2014/TT-BCT về huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất Ban hành: 22/10/2014 | Cập nhật: 28/10/2014
Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi Ban hành: 31/07/2014 | Cập nhật: 01/08/2014
Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2014 tăng cường chỉ đạo và thực hiện biện pháp kiểm soát, bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm Ban hành: 20/02/2014 | Cập nhật: 21/02/2014
Quyết định 1995/QĐ-TTg năm 2013 hỗ trợ tỉnh Nghệ An khắc phục hậu quả cơn bão số 10 Ban hành: 01/11/2013 | Cập nhật: 02/11/2013
Nghị định 163/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp Ban hành: 12/11/2013 | Cập nhật: 18/11/2013
Thông tư 20/2013/TT-BCT quy định về Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp Ban hành: 05/08/2013 | Cập nhật: 07/08/2013
Thông tư 11/2013/TT-BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu Ban hành: 18/06/2013 | Cập nhật: 20/06/2013
Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2013 tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại Ban hành: 05/03/2013 | Cập nhật: 08/03/2013
Thông tư 44/2012/TT-BCT quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa Ban hành: 28/12/2012 | Cập nhật: 04/01/2013
Thông tư 08/2012/TT-BYT hướng dẫn việc vận chuyển hàng nguy hiểm trong lĩnh vực y tế bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ Ban hành: 17/05/2012 | Cập nhật: 05/06/2012
Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2012 về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước Ban hành: 17/01/2012 | Cập nhật: 30/01/2012
Thông tư 04/2012/TT-BCT quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất Ban hành: 13/02/2012 | Cập nhật: 15/02/2012
Nghị định 26/2011/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 108/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất Ban hành: 08/04/2011 | Cập nhật: 16/04/2011
Nghị định 113/2010/NĐ-CP quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường Ban hành: 03/12/2010 | Cập nhật: 07/12/2010
Quyết định 1995/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 Ban hành: 02/11/2010 | Cập nhật: 04/11/2010
Thông tư 28/2010/TT-BCT quy định cụ thể một số điều của Luật hóa chất và Nghị định 108/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất Ban hành: 28/06/2010 | Cập nhật: 06/07/2010
Nghị định 104/2009/NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ Ban hành: 09/11/2009 | Cập nhật: 16/11/2009
Nghị định 108/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Hóa chất Ban hành: 07/10/2008 | Cập nhật: 11/10/2008
Nghị định 29/2005/NĐ-CP quy định danh mục hàng hoá nguy hiểm và việc vận tải hàng hoá nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa Ban hành: 10/03/2005 | Cập nhật: 11/12/2009