Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2018 về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới
Số hiệu: | 03/CT-TTg | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Trương Hòa Bình |
Ngày ban hành: | 19/01/2018 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 30/07/2018 | Số công báo: | Từ số 813 đến số 814 |
Lĩnh vực: | Hành chính tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2018 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Sau 06 năm thi hành Luật nuôi con nuôi, công tác nuôi con nuôi về cơ bản đã được thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo chất lượng và nâng cao tính chuyên nghiệp, giúp cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình thay thế phù hợp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác này vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Vẫn còn tình trạng nuôi con nuôi thực tế do người dân tự ý đem trẻ em bị bỏ rơi về chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc tự ý thỏa thuận cho trẻ em làm con nuôi mà không tiến hành thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền; thiếu sự giám sát và quản lý việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ của cha mẹ nuôi, tổ chức con nuôi đối với cơ sở trợ giúp xã hội; chưa đáp ứng được nhu cầu cần tìm gia đình thay thế của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống trong cộng đồng và ở các cơ sở trợ giúp xã hội; để tồn tại số lượng lớn trẻ em sống lâu dài trong các cơ sở trợ giúp xã hội làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình bền vững để phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Trên toàn quốc đến nay mới chỉ có 1,7% số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở cơ sở trợ giúp xã hội được giải quyết cho làm con nuôi. Hiện còn có 170.000 trẻ em được gia đình, cá nhân nhận chăm sóc thay thế nhưng chưa được rà soát, đánh giá nhu cầu để thực hiện việc chuyển đổi sang hình thức nuôi con nuôi. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa nhân đạo của công tác nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nên chưa quan tâm đúng mức tới việc tổ chức thực thi các quy định pháp luật về nuôi con nuôi. Ngoài ra, một số quy định pháp luật về nuôi con nuôi còn chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn trong việc thực hiện.
Trong thời gian tới, nhằm khắc phục cơ bản tình trạng nói trên, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác nuôi con nuôi, đặc biệt là đối với các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo:
a) Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật nuôi con nuôi và khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi;
b) Rà soát và đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố; thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho cơ sở trợ giúp xã hội, không phân biệt cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trong việc giải quyết nuôi con nuôi theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi;
c) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội thuộc các cơ sở trợ giúp xã hội về công tác giải quyết việc nuôi con nuôi; về các điều ước quốc tế về nuôi con nuôi và quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên;
d) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi ở địa phương nhằm thực hiện tốt công tác tìm gia đình thay thế; đẩy mạnh công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi;
đ) Tăng cường công tác giám sát, quản lý việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ liên quan đến việc nuôi con nuôi nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và đúng pháp luật;
e) Thanh tra, kiểm tra thường kỳ và đột xuất việc tiếp nhận và giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm ngăn ngừa và phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật;
g) Thực hiện các biện pháp cụ thể phù hợp nhằm thúc đẩy công tác nuôi con nuôi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng;
h) Giải quyết, cấp đầy đủ, kịp thời kinh phí giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 114/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về lệ phí đăng ký nuôi con nuôi.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm:
a) Tiếp tục chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến thường xuyên và sâu rộng về ý nghĩa nhân đạo và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đối với công tác giải quyết nuôi con nuôi;
b) Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về nuôi con nuôi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi;
c) Chỉ đạo, tăng cường công tác tập huấn và hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình, có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương:
a) Rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em; củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cơ sở trợ giúp xã hội trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em;
b) Đôn đốc các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá nhu cầu và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi theo đúng quy trình, nghiệp vụ công tác xã hội và quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.
4. Giao Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này; hàng năm đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị theo đề nghị của Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |