Quyết định 2253/QĐ-UBND năm 2013 về Đề án quy hoạch sản xuất Nông - Lâm – Ngư nghiệp và bố trí dân cư giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết 30a/NQ-CP của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: 2253/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
Ngày ban hành: 22/07/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2253/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 22 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP VÀ BỐ TRÍ DÂN CƯ HUYỆN PHƯỚC SƠN, GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/09/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 06/2009/TT-BNN ngày 10/02/2009 của Bộ NN&PTNT về Hướng dẫn xây dựng quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và bố trí dân cư theo Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BNN ngày 26/02/2009 của Bộ NN&PTNT về Hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 86/2009/TT-BNN ngày 30/12/2009 của Bộ NN&PTNT về Hướng dẫn xây dựng Đề án khuyến nông, khuyến ngư thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Quyết định số 3109/QĐ-UBND ngày 14/9/2009 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Phước Sơn, giai đoạn 2009 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 3173/QĐ-UBND ngày 04/10/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt Đề cương và kinh phí lập Quy hoạch sản xuất Nông - Lâm – Ngư nghiệp và bố trí dân cư theo Nghị quyết 30a/NQ-CP, giai đoạn 2011 -2020;

Xét Tờ trình số 39/TTr-UBND, ngày 08/4/2013 của UBND huyện Phước Sơn về việc xin thẩm định, phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp và bố trí dân cư huyện Phước Sơn, giai đoạn 2011 - 2020;

Công văn số 2666/BNN-KTHT ngày 07/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc góp ý quy hoạch sản xuất nông lâm thủy sản và sắp xếp ổn định dân cư huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 -2020;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 215/TTr- SNN&PTNT ngày 18/6/2013, đề nghị phê duyệt Đề án Quy hoạch sản xuất Nông - Lâm – Ngư nghiệp và bố trí dân cư giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết 30a/NQ- CP của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch sản xuất Nông - Lâm – Ngư nghiệp và bố trí dân cư giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết 30a/NQ-CP của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam với các nội dung như sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và sắp xếp bố trí dân cư, giai đoạn 2011 - 2020 huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

2. Đơn vị quản lý, tổ chức thực hiện Đề án và thời gian thực hiện

- Đơn vị quản lý, tổ chức thực hiện Đề án: UBND huyện Phước Sơn.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2012 - 2020

3. Phạm vi, quy mô vùng dự án: Toàn huyện với tổng diện tích tự nhiên là 114.479,31 ha bao gồm 11 xã, 01 thị trấn.

4. Mục tiêu của dự án

- Đánh giá đúng tiềm năng, nguồn lực, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và sắp xếp bố trí dân cư; xác định rõ vai trò, vị thế, quan điểm, mục tiêu phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện phù hợp điều kiện thực tế của huyện, gắn với đồ án quy hoạch xã xây dựng nông thôn mới và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xây dựng phương án phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và sắp xếp bố trí dân cư làm cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai và huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và sắp xếp bố trí dân cư huyện.

- Đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng, đạt tốc độ trung bình đến năm 2020 đạt 10-11%/năm. Tỉ trọng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản trong tổng giá trị sản xuất các ngành của huyện đến năm 2020 còn 21,9%, tỷ lệ che phủ trên địa bàn toàn huyện đạt 67% vào năm 2020.

- Hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng trực tiếp và hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu gián tiếp phục vụ cho sản xuất nông, lâm, thủy sản và sắp xếp bố trí dân cư, đảm bảo đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tỉ lệ nghèo giảm xuống dưới 50% vào năm 2015 và dưới 20% vào năm 2020, gìn giữ trật tự, an ninh quốc phòng trên địa bàn, đạt tiêu chí nông thôn mới trên 50% số xã.

5. Nội dung quy hoạch

5.1. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp

a) Định hướng phát triển

- Kết hợp thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với tiềm năng đất đai của từng xã và thị trường trong và ngoài huyện. Tăng cường công tác thông tin thị trường, khuyến nông, khuyến lâm; chú trọng các tập đoàn giống cây trồng đã được khảo nghiệm cho năng suất cao vào sản xuất. Từng bước thực hiện bán cơ giới hoá trong nông nghiệp; quan tâm phát triển công nghệ sau thu hoạch; đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

- Triển khai thực hiện tốt quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó chú trọng phát triển đàn trâu, bò, heo thịt theo hướng sản xuất hàng hoá, chủ động phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi.

- Quy hoạch các vùng sản xuất theo hướng liên vùng, có những đặc điểm tương đồng về vị trí, đất đai, thổ nhưỡng, gồm:

+ Các xã vùng thấp (3 xã): Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Xuân.

+ Các xã vùng trung (3 xã, 1 thị trấn): Thị trấn Khâm Đức, Phước Đức, Phước Năng, Phước Mỹ.

+ Các xã vùng cao (5 xã): Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc.

b) Quy hoạch ngành trồng trọt

- Sản xuất lương thực: Tăng tỷ trọng diện tích đất chuyên trồng lúa nước (2 vụ) từ 747 ha năm 2011 lên 941 ha năm 2020.

- Cây Bắp: Mở rộng diện tích trồng theo hướng chuyên canh tại các vùng có điều kiện thuận lợi như: Phước Đức, Phước Năng, Phước Chánh, Phước Công, Phước Xuân. Sản lượng bắp toàn huyện đạt trên 1.144 tấn vào năm 2020.

- Cây Sắn: Chủ yếu là sắn nguyên liệu, phát triển tại các xã vùng trung, vùng thấp... năng suất 170 tạ/ha, sản lượng tương ứng 15.390 tấn vào năm 2020.

- Đẩy mạnh phát triển rau, đậu thực phẩm, dự kiến diện tích rau đậu đạt 450 ha năm 2020, sản lượng đạt 450 tấn.

- Cây Quế bản địa: Giữ diện tích ổn định 160 ha quế trồng trên 10 năm, không trồng mới, tiến hành khai thác từ năm 2013, bình quân 7 tấn vỏ/năm.

- Cây Cao su: Định hướng phát triển cây cao su đến năm 2020 là 1.500 ha, trong đó có 500 ha cao su tiểu điền, tập trung tại các xã vùng thấp, vùng trung và một phần xã Phước Chánh, Phước Công.

- Cây Keo lai: Phát triển chủ yếu tại các xã vùng thấp, vùng trung và một phần Phước Chánh, Phước Công; diện tích trong kỳ quy hoạch đạt 1.700 ha.

- Cây Bời lời: Hướng phát triển ở 05 xã vùng cao và một phần tại Phước Năng, Phước Mỹ; diện tích trong kỳ quy hoạch đạt 800 ha.

c) Quy hoạch ngành chăn nuôi

- Chăn nuôi trâu: Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng đàn trâu ở mức 10%/năm, đạt 3.000 con vào năm 2020, tăng 1.570 con so với năm 2011.

- Chăn nuôi bò: Năm 2020 đạt 8.650 con, tăng 3.683 con so với trước kỳ quy hoạch, trung bình tăng 6%/năm.

- Đàn heo: Tập trung phát triển chăn nuôi heo thịt và heo đen địa phương, phấn đấu đạt 19.385 con vào năm 2020, tăng trung bình 14,5%/năm.

- Đàn dê: Tập trung phát triển đàn dê cỏ ở các xã vùng cao, đạt 1.200 con.

- Đàn gia cầm năm 2015 đạt 60.000 con, năm 2020 đạt khoảng 78 ngàn con, tạo nguồn sản phẩm hàng hoá phục vụ tại chỗ, ổn định cung cấp cho thị trường trong huyện.

5.2. Quy hoạch sản suất lâm nghiệp

a) Định hướng phát triển

- Chú trọng công tác khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao độ che phủ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ ở khu vực đầu nguồn nhằm phát huy tác dụng phòng hộ đầu nguồn, tạo nguồn sinh thủy, điều tiết nguồn nước cho các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn.

- Đẩy mạnh trồng rừng sản xuất với cơ cấu cây trồng phù hợp, nhằm tạo ra các vùng rừng sản xuất nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gia dụng; khai thác hợp lý tài nguyên rừng đảm bảo cho rừng sinh trưởng và phát triển bền vững.

- Khuyến khích và hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế rừng và các loại cây dưới tán rừng, cải tạo vườn tạp, phát triển vườn rừng, vườn đồi... để khai thác tốt tiềm năng đất rừng.

b) Quy hoạch sản xuất lâm nghiệp

b.1. Đến năm 2015: 97.869,79 ha, trong đó:

- Rừng đặc dụng: 18.683,52 ha.

- Rừng phòng hộ: 47.604,76 ha.

- Rừng sản xuất: 31.581,51 ha.

b.2. Đến năm 2020: 97.869,79 ha, trong đó:

- Rừng đặc dụng: 18.683,52 ha.

- Rừng phòng hộ: 47.604,76 ha.

- Rừng sản xuất: 31.581,51 ha.

c) Độ che phủ của rừng: Độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện Phước Sơn đến năm 2015 là 65% và đến năm 2020 sẽ đạt 67%.

5.3. Quy hoạch sản xuất thủy sản

a) Định hướng phát triển

- Tận dụng các loại hình mặt nước, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nuôi với phương thức thâm canh, bán thâm canh bằng cách xây dựng các mô hình nuôi cá lồng, cá bè trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi.

- Nghiên cứu, dẫn nhập nuôi một số loài cá đặc hữu, có giá trị kinh tế cao như cá Tầm, cá Măng, bên cạnh đó bảo tồn và phát triển loại cá đặc sản địa phương như cá niên, cá chình nhằm đa dạng hóa mô hình nuôi trồng thủy sản.

b) Quy hoạch cụ thể:

- Phát triển thuỷ sản nhằm tạo sản phẩm cho tiêu dùng tại chỗ, một phần cung cấp cho các thị trường trong huyện, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

- Đến năm 2015 diện tích nuôi trồng thủy sản là 30 ha, sản lượng trung bình đạt 45 tấn; đến năm 2020 đạt 40 ha, sản lượng trung bình đạt 60 tấn.

5.4. Quy hoạch sắp xếp dân cư và bố trí đất đai khu tái định cư

a) Quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư

Tổng số hộ cần bố trí sắp xếp là 2.014 hộ; 5.532 nhân khẩu trên địa bàn 11 xã, thị trấn.

+ Giai đoạn 2011 - 2015 số hộ cần di dời tập trung là 331 hộ, di dời xen ghép 167 hộ và 128 hộ di dời phát triển khu công nghiệp.

+ Giai đoạn 2016 - 2020 số hộ cần di dời là 1.388 hộ, trong đó có 130 hộ di dời xen ghép.

b) Bố trí cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất vùng bố trí dân cư mới

- Bố trí cơ sở hạ tầng cho các điểm tái định cư đảm bảo cuộc sống như: San ủi mặt bằng khu dân cư, xây dựng giao thông nội bản, xây dựng thủy lợi nhỏ, xây dựng công trình nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, xây dựng lớp học, nhà mẫu giáo.

- Bố trí đất đai cho các hộ tái định cư: bình quân từ 400 - 500 m2/hộ.

- Khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang, phấn đấu bố trí đất ruộng cho các hộ tái định cư có bình quân từ 1.000 – 2.000 m2/hộ.

- Thực hiện giao đất, giao rừng đảm bảo mỗi hộ có từ 3 - 5 ha rừng.

5.5. Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng:

5.5.1. Cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ sản xuất:

a) Quy hoạch phát triển thủy lợi: Xây dựng mới các công trình

+ Công trình thủy lợi, nước sinh hoạt thôn 4 Phước Chánh.

+ Thủy lợi thôn 7 xã Phước Lộc.

+ Thủy lợi thôn 6, Phước Hòa.

+ Thủy lợi Xà Mun, Phước Công.

+ Thủy lợi Xà Miên, Phước Thành.

+ Thủy lợi Nước Xoan, Phước Thành.

+ Nâng cấp, sửa chữa hệ thống các công trình thủy lợi hiện có (25 công trình).

b) Quy hoạch hệ thống nước sinh hoạt nông thôn:

- Xây mới hệ thống nước sạch thị trấn Khâm Đức phần mở rộng.

- Xây mới hệ thống nước sinh hoạt liên thôn, Phước Kim.

- Nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt tại các xã (30 công trình).

5.5.2. Cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất:

- Đường GTNT thôn 6 Phước Lộc- Đường GTNT thôn 6 Phước Lộc.

- Đường GTNT thôn 7 Phước Lộc.

- Đường GTNT thôn 3 Phước Thành.

- Đường GTNT thôn 2 Phước Thành.

- Đường GTNT thôn Trà Văn A, Phước Kim.

- Đường GTNT thôn Triên, Luông B, Phước Kim.

5.6. Đầu tư xây dựng các mô hình hỗ trợ sản xuất:

- Đầu tư hỗ trợ trồng trọt: 213 mô hình.

- Đầu tư hỗ trợ chăn nuôi: 50 mô hình.

- Đầu tư hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp: 56 mô hình.

- Đầu tư hỗ trợ sản xuất ngư nghiệp: 40 mô hình.

6. Vốn và nguồn vốn, phân kỳ đầu tư:

6.1. Vốn và nguồn vốn:

a) Tổng vốn đầu tư và hỗ trợ 535.000 triệu đồng, trong đó:

- Giai đoạn 2011-2015:   245.658,1 triệu.

- Giai đoạn 2016-2020:   289.341,9 triệu.

Chia ra theo từng lĩnh vực:

- Hỗ trợ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: 288. 372,50 triệu.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng: 85.200,0 triệu.

- Quy hoạch bố trí dân cư: 135.990,0 triệu.

- Đào tạo nghề và xuất khẩu lao động: 25.437,5 triệu.

b) Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn Nghị quyết 30a: 214.000 triệu đồng, chiếm 40% tổng vốn.

- Vốn theo Quyết định 193/TTg (1776/TTg): 13.500 triệu đồng, chiếm 2,5%

- Vốn theo Quyết định số 33/TTg: 27.000 triệu đồng, chiếm 5,0%.

- Vốn Chương trình MTQG XD NTM: 48.150 triệu đồng, chiếm 9,0%.

- Vốn từ CT các tỉnh KV Tây Nguyên: 85.150 triệu đồng, chiếm 15,9%.

- Vốn NS địa phương và đóng góp của dân:102.200 triệu đồng, chiếm 19,1%.

- Vốn huy động đóng góp cơ quan, các tổ chức NGO: 45.000 chiếm 8,5%

6.2. Phân kỳ đầu tư:

Phân kỳ vốn đầu tư theo các giai đoạn Đơn vị tính: triệu đồng)

Hạng mục

Tổng số

2011-2015

2016-2020

Tổng cộng

535.000,0

245.658,1

289.341,9

A. Hỗ trợ sản xuất nông lâm ngư nghiệp

288.372,50

138.243.1

150.125,4

1. Đầu tư sản xuất nông nghiệp

64.951,8

37.400,2

27.55,6

a. Trồng trọt

25.771,8

13.400,2

12.371,6

- Hỗ trợ khai hoang, phục hóa, cải tạo đất

3.620

1.700,0

1.920,0

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

12.331,8

7.125,2

5.206,6

- Các mô hình sản xuất

9.820,0

4.575,0

5.245,0

b. Chăn nuôi

39.180,0

24.000,0

15.180,0

- Hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi

3.736,0

3.736,0

 

- Hỗ trợ con giống gia súc, gia cầm

26.744,0

16.744,0

10.000,0

- Mô hình chăn nuôi

7.500,0

3.000,0

4.500,0

- Hỗ trợ vắc xin tiêm phòng GS, GC

1.200,0

520,0

680,0

2. Đầu tư sản xuất lâm nghiệp

181.482,80

81.200,0

100.282,8

- Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng

178.121,8

79.160,0

98.962,8

- Mô hình khuyến lâm

3.360,0

2.040,0

1.320,0

3. Đầu tư sản xuất ngư nghiệp

2.639,4

1764,4

875,0

- Nuôi trồng thuỷ sản

1.239,4

1.239,4

 

- Mô hình khuyến ngư

1.400,0

525,0

875,0

4. Đầu tư các mô hình khuyến công

33.298,5

14.878,5

18.420,0

- Trợ cấp khuyến nông viên các thôn

7.920,0

4.520,0

3.400,0

- Xây dựng mô hình

6.000,0

2.250,0

3.750,0

- Tập huấn, huấn luyện

6.706,0

2.706,0

4.000,0

- Thông tin, tuyên truyền

867,5

367,5

500,0

- Chi khác

85,0

35,0

50,0

- Xây dựng CSVC khuyến nông

11.720,0

5.000,0

6.720,0

5. Đầu tư các mô hình khác

5.000,0

2.500,0

2.500,0

6. Hỗ trợ công tác khuyến nông, lâm, ngư cơ sở và xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm

1.000,0

500,0

500,0

B. Đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư phục vụ sản xuất và dân sinh

85.200,0

25.300,0

56.900,0

C. Quy hoạch bố trí dân cư

135.990,0

71.240,0

64.750,0

- Hỗ trợ di dời dân

16.240,0

6.240,0

10.000,0

- Đầu tư cơ sở hạ tầng

119.750,0

65.000,0

54.750,0

D. Đào tạo nghề và xuất khẩu lao động

25.437,5

10.875,0

14.562,5

- Đào tạo nghề

17.437,5

7.875,0

9.562,5

- Xuất khẩu lao động

8.000,0

3.000,0

5.000,0

7. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về tuyên truyền, vận động

- Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tuyên tuyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện dự án để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tuyên truyền về công tác XĐGN để nâng cao nhận thức tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giảm nghèo, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, các chủ trương của tỉnh và huyện, các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả về giảm nghèo, để tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chương trình XĐGN.

- Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở tổ chức

tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn dân hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động hỗ trợ giúp đỡ xã nghèo, giảm nghèo nhanh và bền vững, động viên khích lệ tính tự chủ của người dân vươn lên thoát nghèo.

b) Giải pháp quản lý và sử dụng vốn đầu tư

- Vốn thực hiện qui hoạch sản xuất và bố trí dân cư được huy động từ các nguồn ngân sách Nhà nước, tín dụng đầu tư, đóng góp của doanh nghiệp và dân cư; vốn thực hiện lồng ghép từ các Chương trình, dự án theo kế hoạch hàng năm và 5 năm.

- Tập trung và ưu tiên các nguồn vốn đầu tư, phối hợp và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện để đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như đường giao thông nông thôn, các công trình thuỷ lợi, cơ sở dịch vụ sản xuất nông nghiệp, trường học, công trình cấp nước sinh hoạt...

- Đối với các công trình XDCB có tổng mức đầu tư lớn hoặc có yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp do UBND huyện làm chủ đầu tư; đối với những công trình nhỏ, không đòi hỏi kỹ thuật cao do UBND các xã làm chủ đầu tư.

- Sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách hàng năm (bao gồm vốn cân đối ngân sách địa phương và hỗ trợ từ ngân sách Trung ương), vốn trái phiếu Chính phủ, vốn từ các chương trình, dự án, vốn ODA để ưu tiên đầu tư phát triển nhanh hệ thống hạ tầng sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp.

c) Giải pháp về đất đai

- Đẩy mạnh thực hiện chương trình giao đất, giao rừng, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Giao đất giao rừng đến tận người dân để từng diện tích rừng thực sự có chủ và người chủ diện tích rừng đó nhằm từng bước ổn định cuộc sống dựa vào rừng đồng thời tài nguyên rừng không bị hủy hoại mà ngày càng phát triển.

- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ, tổ chức, cá nhân, tăng cường công tác quản lý đất khó giao, đất công ích, đất lâm nghiệp hiện xã đang quản lý để sử dụng có hiệu quả và quản lý theo quy hoạch được duyệt.

- Hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ theo luật đất đai, đặc biệt là việc góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để cùng các doanh nghiệp thực hiện các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa tập trung như:

Dự án trồng cao su, dự án trồng rừng nguyên liệu v.v...

- Đối với những xã quy hoạch là vùng phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc tập trung, diện tích dành cho chăn thả gia súc phải xa vùng sản xuất lương thực, xa khu vực dân cư. Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp.

d) Giải pháp về thị trường và tiêu thụ sản phẩm

- Từng bước xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung có giá trị sản phẩm cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường nội ngoại huyện.

- Rà soát lại hệ thống chợ nông thôn trên địa bàn huyện để lập quy hoạch chi tiết mở rộng, nâng cấp, cải tạo sửa chữa; quy hoạch các điểm bán hàng hiện có trong thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã, cụm dân cư nông thôn theo hướng bán hàng, bán sản phẩm và kinh doanh tổng hợp.

- Khuyến khích các hộ mở cửa hàng kinh doanh, thu mua hàng hóa nông sản; thành lập các HTX cổ phần sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao vai trò tổ chức của các HTX dịch vụ nông nghiệp. Quy hoạch và xây dựng 2-3 khu giết mổ tập trung ở những tụ điểm tiêu thụ lớn, để giữ vệ sinh môi trường và thuận tiện cho việc kiểm dịch.

- Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ cho từng loại nông sản, đảm bảo cân bằng cung cầu trong sản lượng trồng nông sản cung ứng cho thị trường. Tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản phẩm để động viên, khuyến khích phát triển.

đ) Giải pháp về áp dụng khoa học kỹ thuật và công tác khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư

- Xây dựng trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để áp dụng vào sản xuất nông lâm nghiệp, có nhiệm vụ cung cấp kiến thúc về quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho nông dân; mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân, kết hợp xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp; tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông.

- Đưa những tiến bộ kỹ thuật theo các chương trình dự án khuyến nông khuyến lâm vào sản  xuất; xây dựng các mô hình trình diễn trong sản xuất nông lâm, thủy sản tại địa bàn các xã; tổ chức tham quan, học tập các mô hình tiên tiến từ mô hình trình diễn, rút kinh nghiệm thực tế, thảo luận, bàn bạc để đánh giá kết quả và hiệu quả của mô hình, bàn biện pháp nhân ra diện rộng.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ thuật, kinh tế thị trường cho cán bộ khuyến nông cơ sở.

e) Giải pháp về đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực

- Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy đội ngũ cán bộ cơ sở. Tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ cơ sở trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển hướng sản xuất. Thay đổi tư duy từ một nền sản xuất thuần nông, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ phù hợp với đối tượng cán bộ từng cấp, chú trọng đào tạo cán bộ cơ sở, cán bộ thôn, cán bộ nguồn, cán bộ là người dân tộc. Chủ động liên kết mở các lớp chuyên môn tại huyện; ngoài ra cử cán bộ, công chức của huyện, xã theo học tại các trường của tỉnh, Trung ương. Làm tốt việc cử tuyển con em đồng bào các dân tộc theo học tại các trường chuyên nghiệp theo chỉ tiêu được giao.

- Tăng cường cán bộ của tỉnh cho cơ sở; đối với huyện, thường xuyên tăng cường, luân chuyển cán bộ từ huyện về xã, có chính sách cụ thể thu hút sinh viên, trí thức trẻ có trình độ đào tạo cơ bản về công tác tại huyện.

- Mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, triển khai đồng bộ quy chế đánh giá, sử dụng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ.

g) Giải pháp về thực hiện quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư

- Đối với điểm tái định cư tập trung:

+ Bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình đến khu tái định cư mới với diện tích tối thiểu theo mức quy định của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn.

+ Đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu khu tái định cư mới chuyển các hộ đến bao gồm: San gạt đất ở, khai hoang đất sản xuất, xây dựng đường giao thông, điện, thủy lợi nhỏ, hệ thống nước sinh hoạt, lớp học bản, nhà mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng.

+ Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các hộ di chuyển đến điểm tái định cư tập trung bao gồm: làm nhà, phát triển sản xuất, 6 tháng lương thực, giống cây trồng, di chuyển.

+ Hỗ trợ cán bộ phát triển cộng đồng tại các điểm tái định cư tập trung gồm: Cán bộ y tế, khuyến nông, khuyến lâm.

- Đối với các hộ xen ghép:

+ Bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ xen ghép với diện tích tối thiểu theo mức quy định nhà nước về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn.

+ Hỗ trợ cho xã với mức 20 triệu đồng/hộ để sử dụng vào việc bồi thường đất ở, đất sản xuất cho hộ dân sở tại bị thu hồi giao cho hộ dân định canh định cư theo chế độ quy định và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã.

+ Hỗ trợ cho các hộ xen ghép bao gồm: làm nhà, phát triển sản xuất, 6 tháng lương thực, giống cây trồng vật nuôi, di chuyển, mức hỗ trợ giống như các hộ đến khu tái định cư tập chung.

Điều 2. Giao trách nhiệm UBND huyện Phước Sơn căn cứ vào nội dung Đề án quy hoạch được duyệt, trong từng thời kỳ, dựa vào kế hoạch phát triển chung của tỉnh, trên cơ sở quy hoạch được duyệt tiến hành lập dự án trình Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo tỉnh bố trí vốn triển khai thực hiện quy hoạch. Chủ trì phối hợp cùng các Sở, Ban ngành liên quan triển khai thực hiện đúng các mục tiêu, yêu cầu của quy hoạch, đúng quy định hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành, đoàn thể và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phước Sơn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang