Quyết định 224/2006/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu vực Ngòi – Cầu Trại, tỷ lệ 1/500 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 224/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
Ngày ban hành: 11/12/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 224/2006/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU VỰC NGÒI-CẦU TRẠI, TỶ LỆ 1/500;
Địa điểm: xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 23/11/2006;
Căn cứ Luật Xây dựng;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP , ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19/8/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 14/2000/QĐ-UB ngày 14/02/2000 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết huyện Từ Liêm (phần quy hoạch sử dụng đất và giao thông), tỷ lệ 1/5000;
Căn cứ Quyết định số 61/2003/QĐ-UB , ngày 13/5/2003 của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết hạ tầng kỹ thuật huyện Từ Liêm, tỷ lệ 1/5000;
Căn cứ Quyết định số 4098/QĐ-UBND ngày 19/9/2006 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch Khu vực Ngòi – Cầu Trại, tỷ lệ 1/500;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc tại Tờ trình số 1598/TTr-QHKT ngày 22/9/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu vực Ngòi – Cầu Trại, tỷ lệ 1/500, do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập với các nội dung chính như sau:

1. Vị trí, ranh giới và quy mô nghiên cứu:

1.1. Vị trí:

Khu vực Ngòi-Cầu Trại thuộc địa phận xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

1.2. Ranh giới:

- Phía Bắc giáp khu đô thị mới Trung Văn.

- Phía Tây giáp khu dân cư hiện có và ranh giới hành chính tỉnh Hà Tây.

- Phía Đông giáp thôn Phùng Khoang, xã Trung Văn.

- Phía Nam giáp tỉnh Hà Tây.

1.3. Quy mô:

- Tổng diện tích đất nghiên cứu: 140.380m2 (gần 14,04ha).

- Quy mô dân số (quy hoạch) là: 2.140 người.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ:

- Cụ thể hóa Quy hoạch chi tiết huyện Từ Liêm tỷ lệ 1/5000 đã được UBND Thành phố phê duyệt. Xây dựng một khu ở mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng đô thị với chất lượng ở cao; Khớp nối đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với các dự án lân cận và khu dân cư hiện có, đảm bảo phát triển ổn định, phù hợp với Quy hoạch chung của Thủ đô.

- Phát triển đô thị, tạo quỹ đất, quỹ nhà và đóng góp vào việc phát triển đời sống kinh tế - xã hội của địa phương và của Thành phố.

- Khai thác triệt để quỹ đất lẻ, đất kẹt hiện có để đáp ứng được một phần nhu cầu về nhà ở, trụ sở văn phòng, công trình công cộng và giải quyết những mất cân đối về hạ tầng kỹ thuật và xã hội phục vụ cho khu vực, huy động được nhiều nguồn vốn cùng tham gia đầu tư xây dựng.

- Tạo điều kiện và môi trường sống ổn định, đáp ứng được yêu cầu kinh tế trước mắt, phù hợp với quy hoạch lâu dài và quản lý được quy hoạch kiến trúc ở khu vực vùng giáp ranh với tỉnh Hà Tây.

- Xây dựng Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng và là cơ sở pháp lý để các cơ quan, chính quyền địa phương quản lý xây dựng theo quy định.

3. Nội dung quy hoạch:

3.1. Quy hoạch sử dụng đất:

- Trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch chi tiết Khu vực Ngòi – Cầu Trại, tỷ lệ 1/500 bao gồm các chức năng sử dụng đất chính như sau: Đất công cộng, đất cây xanh, đất hỗn hợp, đất ở cao tầng thấp tầng, đất nhà trẻ, mẫu giáo, đỗ xe…

- Cụ thể như sau:

* Công trình công cộng.

Công trình công cộng khu vực và thành phố, phục vụ chung cho dân cư khu vực Thành phố, bố trí 2 bên trục đường chính đi vào khu đất, được xây dựng cao tầng. Phần đất này hiện đang là nghĩa trang công giáo và vườn cây ăn quả của địa phương. Trước mắt nghĩa trang này có thể tồn tại tạm thời, tuyệt đối không chôn thêm mộ mới, khi Thành phố xác định được vị trí thay thế, sẽ di chuyển để thực hiện theo quy hoạch, (khi lập dự án thi công xây dựng tuyến đường cần khảo sát các công trình ngầm và nổi trong khu vực nghĩa trang để có giải pháp thích hợp, trên nguyên tắc đảm bảo chiều rộng lòng đường theo quy hoạch).

* Đất công trình hỗn hợp:

Đất xây dựng công trình hỗn hợp bao gồm văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà ở trung và cao cấp. Trong đó sử dụng tầng hầm hoặc tầng 1 cho nhu cầu đỗ xe và hệ thống kỹ thuật và các dịch vụ công cộng, thương mại, dành khoảng 30% của phần diện tích sàn còn lại cho nhà ở; 70% dành cho văn phòng, trụ sở cơ quan. Đây là cụm công trình cao tầng, tạo điểm nhấn cho khu vực, bố trí dọc theo tuyến đường trục chính 21,25m đi qua khu đất.

(ô đất HH2 có một phần đất do sư đoàn 361 quản lý, sử dụng khi lập dự án đầu tư xây dựng Chủ đầu tư cần làm việc cụ thể với Bộ Quốc phòng, sư đoàn 361 và Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc để cùng phối hợp thực hiện theo quy hoạch).

* Đất ở chung cư cao tầng:

Bố trí dọc theo các tuyến đường chính và tập trung tại khu vực trung tâm của khu đất, các công trình có tầng cao từ 5 đến 9 tầng.

* Đất ở thấp tầng:

- Các lô đất được bố trí thành từng cụm, xen kẽ với các cụm cây xanh, vườn hoa dọc theo tuyến đường nhánh 13,5 m ở phía Nam khu dự án.

(Ô đất TT4 có tổng diện tích: 5090m2, trong đó có 4735m2 của dự án khu vực Ngòi – Cầu Trại và 355m2 thuộc dự án khu nhà ở Phùng Khoang do Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc làm chủ đầu tư – thực hiện theo quy hoạch mặt bằng dự án khu nhà ở Phùng Khoang, đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận tháng 4/2005 và dự án đầu tư xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Khi lập dự án đầu tư xây dựng Chủ đầu tư cần phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc để thực hiện theo quy hoạch).

3.2. Các chỉ tiêu quy hoạch:

BẢNG TỔNG HỢP CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT

Tổng số người: 2.140 người

Hạng mục

Diện tích

Tỷ lệ

Chỉ tiêu

(m2)

(%)

(m2/ng)

Tổng diện tích đất

140.380

100

 

- Đất công trình công cộng TP

18.170

12,9

8,5

- Đất cây xanh, vườn hoa

2.050

1,5

1,0

- Đất nhà trẻ, mẫu giáo

8.980

6,4

4,2

- Đất công trình hỗn hợp

18.800

13,4

8,8

- Đất nhà ở cao tầng

28.260

20,1

13,2

- Đất nhà ở thấp tầng, nhà liền kế có vườn

30.080

21,5

14,1

- Đất đường nhánh (MCN >=13,5m)

34.040

24,2

15,9

Ghi chú: Diện tích đỗ xe được cân đối trong đất xây dựng công trình có khoảng 3.750m2.

CÁC CHỈ TIÊU CHO PHẦN NHÀ Ở TRONG KHU VỰC DỰ ÁN

Hạng mục

Nhà ở cao tầng, công trình hỗn hợp

Nhà ở thấp tầng, nhà liền kế có vườn

Tổng

Chỉ tiêu

Tỷ lệ

Chỉ tiêu

Tỷ lệ

Chỉ tiêu

Tỷ lệ

Diện tích đất

47.060 m2

61,0%

30.080 m2

39%

77.140 m2

100%

Diện tích xây dựng

17.820 m2

68,5%

8.200 m2

31.5%

26.020 m2

100%

Tổng diện tích sàn

108.810 m2

81,6%

24.600 m2

18.4%

133.410 m2

100%

Diện tích sàn nhà ở

54.030 m2

68,7%

24.600 m2

31.3%

78.630 m2

100%

Mật độ xây dựng

37,9 %

 

27,3%

 

33,7%

 

Hệ số sử dụng đất

2,3 lần

 

0,8 lần

 

1,7 lần

 

Tầng cao bình quân

6,1 tầng

 

3 tầng

 

5,1 tầng

 

Số người đạt được

1.696 người

 

444 người

 

2.140 người

 

* Quỹ đất giao lại cho Thành phố:

Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-UBND ngày 31/8/2006 của UBND Thành phố thì quỹ đất 20% trả lại cho Thành phố để tạo quỹ nhà ở phục vụ các đối tượng chính sách của thành phố được xác định gồm 2 ô đất có ký hiệu CT1 và CT2 có tổng diện tích là 12.400m2 (chiếm hơn 20% quỹ đất ở, thống nhất với đề nghị của Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội tại công văn số 639/CV-HANHUD ngày 11/10/2006).

* Cho phép điều chỉnh cục bộ so với quy hoạch chi tiết huyện Từ Liêm, tỷ lệ 1/5000 như đề nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc tại tờ trình số 1598/TTr-QHKT, ngày 22 tháng 9 năm 2006.

3.3. Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan:

- Các khu vực có không gian và tầm nhìn lớn được bố trí các công trình cao tầng tạo bộ mặt kiến trúc cho khu vực.

- Khu nhà ở thấp tầng, nhà liền kế có vườn bố trí ở dải đất phía Nam, được tổ chức thành từng cụm, xen kẽ với cây xanh, vườn hoa, đường dạo dọc theo tuyến đường nhánh tạo thành quần thể kiến trúc, đóng góp cho cảnh quan chung khu vực.

- Hình thức kiến trúc các công trình, khi thiết kế cụ thể, cần được nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu hiện đại, hài hòa với cảnh quan khu vực. Tận dụng các ô đất nhỏ xen kẹt để tổ chức thiết kế cây xanh, đường dạo và bãi đỗ xe nhằm khai thác triệt để quỹ đất, đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu vực.

3.4. Quy hoạch mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật:

3.4.1. Quy hoạch giao thông:

* Mạng đường:

Gồm các cấp đường sau:

- Tuyến đường nhánh có mặt cắt ngang điển hình từ 13,5 đến 21,25m gồm lòng đường rộng từ 7,5m đến 11,25m, vỉa hè mỗi bên rộng từ 3 đến 5m.

- Các đường nhánh vào công trình có mặt cắt ngang 7,5m-11,5m.

- Đối với phần đường giao thông nằm trong đất do sư đoàn 361 quản lý, sử dụng, Chủ đầu tư cần làm việc cụ thể với Bộ Quốc phòng, sư đoàn 361 và Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc để thống nhất và cùng phối hợp nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch, tránh chồng chéo.

* Bãi đỗ xe:

- Các công trình công cộng, các chung cư cao tầng và nhà liền kế có vườn phải đảm bảo nhu cầu đỗ xe cho bản thân các công trình này theo quy định.

- Đối với bãi đỗ xe công cộng.

- Tổng diện tích bãi đỗ xe công cộng là 3.750m2, gồm 4 vị trí bãi đỗ.

* Giao thông công cộng:

Xe buýt: Xe buýt hoạt động trên tuyến đường có mặt cắt ngang rộng 21,25m, dọc theo tuyến đường này bố trí các điểm đỗ xe buýt, khoảng cách giữa các điểm đỗ này từ 350m đến 500m, khi lập dự án cần bố trí các điểm đỗ một cách hợp lý.

- Một số chỉ tiêu chính:

+ Tổng diện tích đất nghiên cứu: 140.380m2 (100%)

+ Đất đường nhánh: 34.040m2 (24,25%)

+ Diện tích bãi đỗ xe tập trung: 3.750 m2 (2,67%)

3.4.2. San nền, thoát nước mưa:

* San nền:

- Cao độ khống chế từ 6,60m ÷ 6,90m dốc dần về phía Tây Bắc trong từng ô đất nền san tạo mái với độ dốc nền i≥0,004 ra các tuyến đường có bố trí hệ thống cống thoát nước để đảm bảo yêu cầu thoát nước cho ô đất xây dựng công trình.

- Tiếp giáp với khu vực đã xây dựng khi lập dự án đầu tư xây dựng cần có giải pháp hợp lý để đảm bảo khớp nối và không gây úng ngập.

* Thoát nước mưa:

- Hệ thống thoát nước mưa được thiết kế là hệ thống riêng hoàn toàn giữa thoát nước mưa và thoát nước bẩn. Nước mưa trong ô đất xây dựng công trình được thoát vào các tuyến cống thoát nước mưa dự kiến xây dựng dọc các trục đường xung quanh ô đất rồi chảy vào tuyến cống thoát nước mưa chính được đấu nối với đường cống thoát nước của các dự án khu đô thị mới Trung Văn, của Công ty XD số 4 ở phía Tây và Bắc ô đất … tới trạm bơm Trung Văn để thoát ra sông Nhuệ.

- Xây dựng hệ thống thoát nước tại vị rí tiếp giáp với khu dân cư lân cận để tránh gây úng ngập cho các khu dân cư này. Trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng, cần phối hợp với các dự án khác như: dự án Khu đô thị mới Trung Văn, Công ty xây dựng số 2 VINACONEX, Công ty XD số 4, Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc, Sư đoàn 361… để xây dựng đồng bộ, tránh chồng chéo, phù hợp với nền và hệ thống thoát nước chung của khu vực.

3.4.3. Quy hoạch cấp nước:

* Nguồn nước:

- Nguồn nước cấp cho khu dự án được lấy hệ thống cấp nước của thành phố, thông qua tuyến ống cấp nước truyền dẫn xây dựng dọc theo đường quy hoạch. Thuộc khu vực được thực hiện theo dự án đầu tư xây dựng cấp nước của Công ty Cổ phần và Kinh doanh nước sạch, Chủ đầu tư cần liên hệ với công ty để có kế hoạch xây dựng đường ống này, đảm bảo nguồn cấp nước theo quy hoạch. Trước mắt khi tuyến ống cấp nước truyền dẫn chưa được xây dựng thì có thể giải quyết cấp tạm từ hệ thống cấp nước hiện có và được xem xét quyết định trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng.

* Mạng lưới đường ống:

- Mạng lưới cấp nước cho khu vực dự án trước mắt là mạng cụt, lâu dài phối hợp với các dự án lân cận để xây dựng hình thành mạng vòng, các công trình thấp tầng cấp nước trực tiếp từ mạng phân phối, công trình cao tầng cấp nước thông qua trạm bơm, bể chứa, được xây dựng đáp ứng yêu cầu của công trình.

* Cấp nước chữa cháy:

- Các họng cứu hỏa được bố trí gần ngã ba, ngã tư hoặc trục đường lớn thuận lợi cho các công tác phòng cháy, chữa cháy.

- Khoảng cách các họng cứu hỏa, theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, khoảng 150m.

3.4.4. Thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường:

* Quy hoạch thoát nước bẩn:

- Hệ thống thoát nước bẩn là hệ thống cống riêng giữa nước mưa và nước bẩn.

- Trước mắt nước bẩn của công trình phải được xử lý bên trong ô đất đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, thoát ra các tuyến cống thoát nước bẩn xây dựng dọc các tuyến đường để về trạm bơm chuyển bậc (xây dựng trong khu đất dự án) và thoát tạm vào hệ thống thoát nước mưa bên ngoài ô đất.

- Giai đoạn sau khi hệ thống thoát nước bẩn của thành phố được xây dựng hoàn chỉnh, nước bẩn từ trạm bơm này được bơm vào tuyến cống chính thành phố để về trạm xử lý Yên Xã.

* Rác thải:

- Đối với khu vực xây nhà cao tầng phải xây dựng hệ thống thu gom rác từ trên cao xuống bể rác cho từng đơn nguyên.

- Đối với khu vực nhà ở thấp tầng có thể giải quyết rác theo hai phương thức:

+ Đặt các thùng rác nhỏ dọc theo các tuyến đường, khoảng cách giữa các thùng rác là 50m/1 thùng để thuận tiện cho dân đổ rác.

+ Xe chở rác thu gom theo giờ cố định, các hộ dân trực tiếp đổ rác vào xe

- Đối với các cơ quan và các công trình công cộng, rác được thu gom thông qua hợp đồng với công ty Môi trường Đô thị Hà Nội.

3.4.5. Quy hoạch cấp điện:

- Nguồn trung thế cấp cho các trạm hạ thế trong khu vực là điện áp 22KV. Các tuyến 22KV dùng cáp ngầm.

- Nguồn điện cấp cho khu đất lấy từ trạm 110/22KV Thanh Xuân ở phía Đông Bắc khu đất, thông qua tuyến cáp 22KV xây dựng dọc đường quy hoạch phía Bắc khu vực dự án. Trước mắt khi chưa xây dựng được tuyến cáp này thì có thể lấy nguồn tạm từ hệ thống hiện có, chi tiết cụ thể sẽ do ngành điện xem xét giải quyết.

3.4.6. Quy hoạch hệ thống thông tin:

- Được phục vụ từ tổng đài vệ sinh 5000 số (TĐ1) xây dựng phía Bắc khu vực nghiên cứu.

- Mạng lưới cáp từ tủ cáp đến các thuê bao, vị trí tủ cáp và hệ thống thông tin bưu điện sẽ do cơ quan chuyên ngành giải quyết.

Điều 2. Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố và pháp luật về chất lượng hồ sơ thẩm định; xác nhận hồ sơ, bản vẽ quy hoạch chi tiết phù hợp với quyết định này trong vòng 15 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực; Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm, Công ty Cổ phần Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết Khu vực Ngòi – Cầu Trại, tỷ lệ 1/500 tại xã Trung Văn, huyện Từ Liêm được duyệt cho các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và xử lý việc xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở: Quy hoạch Kiến trúc, Sở kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông công chính, Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung Văn; Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội; Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội; Thủ trưởng các Sở, Ngành, các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều III.
- Văn phòng Chính phủ.
- Bộ Xây dựng
- Bộ KH&ĐT
- Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Chủ tịch UBND TP
- Các PCT UBND TP
- Các PVP, TH, XD, NN, Xn
- Lưu VP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Triệu

 

 





Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng Ban hành: 24/01/2005 | Cập nhật: 06/12/2012