Thông tư 15/2005/TT-BXD hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng do Bộ xây dựng ban hành
Số hiệu: 15/2005/TT-BXD Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Xây dựng Người ký: Nguyễn Tấn Vạn
Ngày ban hành: 19/08/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 30/09/2005 Số công báo: Số 45
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2005/TT-BXD

Hà nội, ngày 19 tháng 08 năm 2005 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng được quy định tại mục I, II, III, IV, V chương II - Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định 08/2005/NĐ-CP), như sau:

Mục 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Khi lập quy hoạch xây dựng mà chưa có đủ các căn cứ để lập quy hoạch xây dựng (đã được quy định tại Điều 7, Điều 15, Điều 23 của Nghị định số 08/2005/NĐ-CP) gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành có liên quan, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn; hoặc đã có các quy hoạch nêu trên được duyệt nhưng không phù hợp về thời hạn và nội dung thì phải căn cứ các chủ trương chính sách của Chính phủ, định hướng lớn của các ngành, các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương và các nhân tố kinh tế xã hội ảnh hưởng đến khu vực lập quy hoạch xây dựng để làm căn cứ lập quy hoạch xây dựng.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng trong địa giới hành chính mình quản lý; Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng trong địa giới hành chính xã. Nhiệm vụ quy hoạch có thể được điều chỉnh trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng để phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của mỗi địa phương.

3. Ban quản lý các khu công nghệ cao, khu kinh tế có chức năng đặc biệt có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng thuộc phạm vi ranh giới do mình quản lý và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư này.

4. Ban quản lý các dự án do Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự án thuỷ điện, dự án khai thác, chế biến khoảng sản,...) có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch xây dựng các khu dân cư, tái định cư,... (nếu có) và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư này.

5. Đối với quy hoạch xây dựng các khu vực có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - chính trị - xã hội - an ninh - quốc phòng đã được xác định tại nhiệm vụ quy hoạch xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng phải xin ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp trước khi phê duyệt các quy hoạch xây dựng đó.

6. Quy hoạch xây dựng (cho các giai đoạn 5, 10 năm hoặc dài hơn) mang tính dự báo, vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện khi xuất hiện các yếu tố tác động làm thay đổi các dự báo của quy hoạch xây dựng, thì Uỷ ban nhân dân các cấp phải tổ chức điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Khi phải điều chỉnh thì chỉ tập trung vào những nội dung điều chỉnh, những nội dung không điều chỉnh của đồ án đã được phê duyệt vẫn được giữ nguyên giá trị pháp lý và phải được tiếp tục thực hiện để đảm bảo quy hoạch xây dựng có tính liên tục và thường xuyên.

7. Đồ án quy hoạch xây dựng phải đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng và nhiệm vụ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

8. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các cấp có trách nhiệm phê duyệt quy hoạch xây dựng bằng văn bản với các nội dung được hướng dẫn tại mục V của Thông tư này. Hồ sơ lưu trữ (phần bản vẽ theo đúng tỷ lệ) kèm theo quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng phải được cơ quan thẩm định quy hoạch xây dựng cùng cấp xác nhận.

9. Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương được thực hiện theo các văn bản pháp luật hiện hành.

10. Quy cách thể hiện hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng phải tuân thủ theo Quyết định số 21/2005/QĐ-BXD ngày 22/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

11. Nội dung thuyết minh và các bản vẽ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng được hướng dẫn tại phụ lục số 1, 2 của Thông tư này;

12. Việc tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng được quy định tại các mục II, III, IV, V, VI của Thông tư này, trừ những trường hợp có quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

Mục 2:

LẬP QUY HOẠCH XÂY DỰNG

I. QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG

1. Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng

Nội dung nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng cần xác định rõ phạm vi, mục tiêu và các yêu cầu cần nghiên cứu theo quy định tại Điều 6 và danh mục hồ sơ bản vẽ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP .

Phạm vi lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng được xác định trên cơ sở đánh giá các yếu tố tác động trực tiếp hoặc gián tiếp và có ý nghĩa quyết định hoặc ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng có thể theo địa giới hành chính, hoặc theo phạm vi ảnh hưởng mà không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính của vùng.

2. Đồ án quy hoạch xây dựng vùng

Nội dung đồ án quy hoạch xây dựng vùng thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP và tuỳ theo từng đối tượng cụ thể cần tập trung vào các nội dung sau:

a) Đối với vùng liên tỉnh, vùng đô thị lớn, vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện cần xác định các tiềm năng và động lực phát triển vùng; dự báo về xu hướng, tốc độ đô thị hoá, tổ chức không gian, phân vùng chức năng, phân bố dân cư; xác định các công trình đầu mối hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật có ý nghĩa vùng.

b) Đối với các vùng chức năng hoặc vùng chuyên ngành như vùng công nghiệp, vùng nghỉ mát, vùng bảo vệ di sản, cảnh quan thiên nhiên,... cần xác định các tiềm năng, động lực, quy mô phát triển, phân khu chức năng, tổ chức phân bố các điểm dân cư và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với mục tiêu phát triển vùng.

c) Đối với các vùng lãnh thổ dọc theo các trục tuyến giao thông - hành lang phát triển kinh tế thì cần xác định các tiềm năng và động lực phát triển của từng vùng trên dọc tuyến; xác định quy mô và tổ chức, phân bố các cơ sở sản xuất, kinh tế. Xác định việc cải tạo, phát triển hoặc hình thành các điểm dân cư đô thị (hoặc đô thị mới) và sự kết nối mạng lưới hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của các điểm dân cư đô thị trên dọc tuyến.

II. QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG ĐÔ THỊ

1. Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị

Nội dung nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị cần tập trung làm rõ mục tiêu, quan điểm phát triển đô thị, ranh giới nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng; xác định các tiềm năng, động lực phát triển; các yêu cầu cần nghiên cứu theo quy định tại Điều 14 và danh mục hồ sơ bản vẽ theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP .

Ranh giới nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng bao gồm cả vùng nội đô thị và vùng ngoại đô thị (sau đây gọi là nội thị, ngoại thị). Vùng ngoại thị được nghiên cứu và được thể hiện trong nội dung đồ án nhằm xác định các khu vực dự trữ phát triển đô thị cho các giai đoạn dài hạn và ngắn hạn, bố trí các công trình kỹ thuật hạ tầng đầu mối, không gian cây xanh bảo vệ đô thị, các khu vực nghỉ ngơi, giải trí phục vụ đô thị…, đồng thời có giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang đối với các điểm dân cư nông thôn ở khu vực ngoại thị.

2. Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị

Nội dung đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị được thực hiện theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP , đồng thời nghiên cứu các khu vực lân cận có yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực lập quy hoạch chung xây dựng và tuỳ theo đối tượng cụ thể cần tập trung vào những vấn đề sau:

a) Đối với đô thị trực thuộc Trung ương cần nghiên cứu những định hướng lớn về phân bố dân cư, phân khu chức năng, tổ chức không gian; xác định hệ thống các trung tâm (hành chính, chính trị, thương mại - dịch vụ, văn hoá, y tế, giáo dục,...) cấp đô thị; hệ thống các công trình kỹ thuật đầu mối và tổ chức mạng lưới hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chính, đặc biệt là hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm có quy mô lớn (đường tàu điện ngầm, đường ô tô, bãi đỗ xe, hệ thống thoát nước...) có mối quan hệ đến việc tổ chức không gian kiến trúc đô thị trên mặt đất và tạo cơ sở cho việc lập quy hoạch chung xây dựng các quận.

b) Đối với các quận của các đô thị trực thuộc Trung ương cần cụ thể hoá định hướng tổ chức không gian và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đã được quy định trong đồ án quy hoạch chung xây dựng toàn đô thị; xác định việc sử dụng đất và tổ chức không gian kiến trúc đô thị thuộc ranh giới quận theo định hướng của toàn đô thị; tổ chức các mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội cụ thể trong phạm vi quận kết nối với khu vực và toàn đô thị;

c) Đối với đô thị cải tạo, chỉnh trang cần tập trung phân tích, đánh giá hiện trạng ; xác định rõ các khu vực và các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang; đề xuất các giải pháp điều chỉnh về sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đối với từng khu vực; giải pháp về cải tạo mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển;

d) Đối với các đô thị mới liên tỉnh và các đô thị mới cần phân tích và làm rõ cơ sở hình thành và phát triển của đô thị; nghiên cứu về mô hình phát triển không gian, kiến trúc, môi trường phù hợp với tính chất, chức năng của đô thị; xác định các giai đoạn phát triển, kế hoạch thực hiện, các dự án có tính chất tạo động lực hình thành phát triển đô thị mới và mô hình quản lý phát triển đô thị;

e) Đối với các khu công nghệ cao và khu kinh tế có chức năng đặc biệt và các khu chức năng khác ngoài đô thị (khu du lịch, khu di sản, bảo tồn di tích, công nghiệp địa phương,...) có quy mô trên 500 ha cần làm rõ tính chất, chức năng, tính đặc thù và mục tiêu phát triển; phân khu chức năng và bố trí các cơ sở chuyên ngành; tổ chức các khu dân cư đô thị, điểm dân cư nông thôn phù hợp với các giai đoạn phát triển;

g) Nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị cần tập trung nghiên cứu và đề xuất các quy định về kiến trúc cảnh quan chung cho toàn đô thị, các trục không gian chính, quảng trường lớn, các khu trung tâm, các điểm nhấn của đô thị theo các quy định tại Điều 30 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP

III. QUY HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG ĐÔ THỊ

1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị

Thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật Xây dựng và được hướng dẫn rõ thêm về cơ quan tổ chức lập quy hoạch chi tiết như sau:

a) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đối với các khu chức năng của các đô thị loại đặc biệt, loại 1, 2, 3; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500 đối với các khu vực có phạm vi lập quy hoạch chi tiết xây dựng liên quan tới địa giới hành chính hai quận, hai huyện trở lên; các khu chức năng khác ngoài đô thị (khu du lịch, khu di sản, bảo tồn di tích, công nghiệp địa phương,...) có quy mô nhỏ hơn 500 ha; các khu chức năng thuộc đô thị mới; các khu chức năng trong đô thị mới liên tỉnh có phạm vi lập quy hoạch chi tiết xây dựng thuộc địa giới hành chính một tỉnh;

Đối với các khu chức năng trong đô thị mới liên tỉnh nhưng có phạm vi lập quy hoạch chi tiết xây dựng thuộc địa giới hành chính hai tỉnh trở lên thì Uỷ ban nhân dân các tỉnh có liên quan có trách nhiệm phối hợp tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500.

b) Uỷ ban nhân dân cấp huyện

Tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 đối với các khu chức năng thuộc đô thị loại 4, loại 5; quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với các khu chức năng của đô thị từ loại đặc biệt đến loại 5, trừ các quy hoạch chi tiết xây dựng được quy định tại tiết a điểm 1 khoản III mục II của Thông tư này;

c) Chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 thuộc phạm vi dự án do mình quản lý.

2. Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng xây dựng đô thị

a) Nội dung nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 cần tập trung làm rõ mục tiêu, yêu cầu phát triển đô thị về sử dụng đất, cảnh quan - kiến trúc - môi trường và sự kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật với khu vực lân cận phù hợp với quy hoạch chung xây dựng được duyệt và các yêu cầu cần được nghiên cứu quy định tại Điều 22 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP ;

b) Nội dung nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cần cụ thể hoá mục tiêu, yêu cầu đầu tư xây dựng theo quy hoạch, sự kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật với khu vực xung quanh phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 được duyệt và các yêu cầu cần được nghiên cứu quy định tại Điều 22 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP.

c) Phạm vi ranh giới lập quy hoạch chi tiết xây dựng được xác định trên cơ sở nhu cầu quản lý và đầu tư xây dựng, phù hợp với các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phát triển đô thị.

d) Danh mục hồ sơ bản vẽ theo quy định tại Điều 26 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP.

3. Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị

Nội dung đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP và được thể hiện đối với từng loại quy hoạch chi tiết xây dựng như sau:

- Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 thì các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được quy định đối với từng ô phố; mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật được xác định đến các trục đường phân khu vực.

- Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 thì các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được quy định đối với từng lô đất; mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật được xác định đến các đường vào nhà.

a) Quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo, chỉnh trang cần đánh giá toàn bộ hiện trạng về các công trình xây dựng (nhà ở, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật,...), các yếu tố về văn hoá - xã hội, môi trường của khu vực thiết kế để có giải pháp quy hoạch phù hợp về kiến trúc cảnh quan và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được duyệt.

b) Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo hai bên trục đường chính trong đô thị phải xác định phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 50 m mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ. Đối với quốc lộ hoặc tỉnh lộ là các trục hành lang phát triển phải xác định phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 100m mỗi bên kể từ phía ngoài hành lang bảo vệ đường bộ.

c) Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng thuộc khu công nghệ cao, khu kinh tế có chức năng đặc biệt và các khu chức năng khác ngoài đô thị (khu du lịch, khu di sản, bảo tồn di tích, công nghiệp địa phương,...) có quy mô nhỏ hơn 500 ha thì ngoài các quy định chung cần xác định quy mô, ranh giới khu vực lập quy hoạch chi tiết xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; đề xuất vị trí, quy mô các khu tái định cư và các khu ở và dịch vụ công cộng của các khu chức năng trên.

d) Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực bảo tồn, di sản cần xác định phạm vi bảo vệ các khu vực, các công trình bảo tồn, di sản, đảm bảo giữ gìn và phát huy giá trị của di sản, danh lam thắng cảnh nhưng không làm cản trở tới sự phát triển kinh tế - xã hội.

e) Nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng

- Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 cần tập trung nghiên cứu và quy định các chỉ tiêu khống chế về khoảng lùi, hình khối kiến trúc công trình, cảnh quan đô thị dọc các trục đường chính, khu trung tâm; các khu vực không gian mở; các công trình điểm nhấn và từng ô phố trong khu vực thiết kế.

- Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 thì thực hiện theo các quy định tại Điều 31 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP ;

IV. QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN

Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn bao gồm hai nội dung là quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn trên địa bàn hành chính xã và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. Nội dung nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn thực hiện theo quy định tại Điều 33, 34 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn

a) Đối với quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn cần xác định ranh giới, quy mô đất xây dựng, dự báo quy mô dân số trên địa bàn xã và của các điểm dân cư theo từng giai đoạn quy hoạch; các yêu cầu về bố trí mạng lưới điểm dân cư, mạng lưới các công trình công cộng, công trình phục vụ sản xuất; các yêu cầu quy hoạch mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối các điểm dân cư với nhau; yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường trong điểm dân cư; danh mục hồ sơ bản vẽ.

b) Đối với quy hoạch xây dựng trung tâm xã hoặc điểm dân cư nông thôn cần xác định ranh giới, vị trí, nội dung cần cải tạo, chỉnh trang trong trung tâm xã hoặc điểm dân cư như: các khu ở, các công trình phục vụ công cộng, phục vụ sản xuất; các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật chủ yếu về đất đai xây dựng và hạ tầng kỹ thuật; yêu cầu mở rộng đất đai xây dựng; yêu cầu về quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy hoạch mạng lưới điểm dân cư trên địa bàn xã; danh mục hồ sơ bản vẽ.

2. Nội dung quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn

a) Đối với quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn

- Căn cứ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện nghiên cứu ảnh hưởng từ bên ngoài tác động đến sự phát triển các điểm dân cư, quy mô các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn xã. Phát hiện các lợi thế đặc thù của điều kiện tự nhiên, xã hội để xác định động lực phát triển, xu thế đô thị hoá, dự báo quy mô dân số, dự báo sử dụng quỹ đất xây dựng cho từng điểm dân cư.

- Sắp xếp, bố trí mạng lưới điểm dân cư, các công trình công cộng, công trình phục vụ sản xuất; xác định mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối các điểm dân cư; các nội dung cần cải tạo, chỉnh trang khu ở, các công trình phục vụ công cộng, phục vụ sản xuất; các yêu cầu mở rộng đất đai xây dựng; hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật trong các điểm dân cư nông thôn hoặc các khu tái định cư nông thôn.

b) Đối với quy hoạch xây dựng trung tâm xã hoặc điểm dân cư nông thôn

- Quy hoạch xây dựng cải tạo các điểm dân cư nông thôn hiện có: cần căn cứ các yêu cầu đã được xác định tại quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn trên địa bàn hành chính xã để xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cụ thể, các giải pháp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo vệ môi trường; xác định vị trí và quy mô các công trình phục vụ công cộng như các công trình hành chính, giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ....; nêu các nội dung cần cải tạo, chỉnh trang hoặc xây dựng mới phù hợp với sự phát triển của mỗi khu dân cư nông thôn trong từng giai đoạn.

- Quy hoạch xây dựng mới các điểm dân cư nông thôn hoặc các khu tái định cư nông thôn: cần tập trung nghiên cứu các giải pháp quy họach sử dụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bố trí các lô đất theo chức năng sử dụng với quy mô phù hợp với tình hình phát triển của từng giai đoạn quy hoạch.

Mục 3:

LẤY Ý KIẾN VỀ QUY HOẠCH XÂY DỰNG

Việc lấy ý kiến đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng được thực hiện theo quy định tại các Điều 15, 17, 19, 21, 23, 26 của Luật Xây dựng; Điều 25 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP và những hướng dẫn cụ thể sau:

1. Trong quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị, tổ chức tư vấn có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn có liên quan trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt;

2. Trên cơ sở hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng và báo cáo về kết quả lấy ý kiến, cơ quan phê duyệt quy hoạch xây dựng lựa chọn và quyết định phương án quy hoạch xây dựng theo nguyên tắc phải đảm bảo phục vụ mục tiêu lâu dài và lợi ích của nhà nước, địa phương, cộng đồng trong khu vực lập quy hoạch.

Mục 4:

THẨM ĐỊNH VÀ TRÌNH DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG

I. Thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng

Thực hiện theo quy định tại các Điều 17, 21, 25, 30 của Luật Xây dựng; các Điều 11, 19, 28, 36 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP và một số hướng dẫn cụ thể về cơ quan thẩm định, cơ quan trình duyệt quy hoạch xây dựng như sau:

1. Cơ quan thẩm định

a) Bộ Xây dựng

Thẩm định các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ gồm quy hoạch xây dựng vùng trọng điểm, vùng liên tỉnh, các vùng phải lập quy hoạch xây dựng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; quy hoạch chung xây dựng các khu công nghệ cao, khu kinh tế có chức năng đặc biệt, các đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2, các đô thị mới có quy mô dân số tương đương với đô thị loại 2 trở lên và các đô thị mới liên tỉnh;

b) Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (đối với các tỉnh, thành phố có Sở Quy hoạch - Kiến trúc)

Thẩm định các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, gồm:

- Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện và vùng liên huyện, các vùng khác trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh (vùng cảnh quan, vùng bảo tồn di sản,...); quy hoạch chung xây dựng các đô thị loại 3, loại 4, loại 5 và các đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại 3, loại 4, loại 5; quy hoạch chung xây dựng các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, các khu chức năng khác ngoài đô thị (du lịch, bảo tồn di sản, khu di tích, công nghiệp địa phương,...) có quy mô lớn hơn 500 ha;

- Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng của đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2, loại 3; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500 đối với các khu vực có phạm vi lập quy hoạch chi tiết thuộc địa giới hành chính từ hai quận, huyện trở lên; các khu chức năng khác ngoài đô thị (khu du lịch, khu di sản, bảo tồn di tích, khu công nghiệp địa phương,...) có quy mô nhỏ hơn 500 ha, các khu chức năng thuộc khu công nghệ cao, khu kinh tế có chức năng đặc biệt; các khu chức năng thuộc đô thị mới; các khu chức năng trong đô thị mới liên tỉnh có phạm vi lập quy hoạch chi tiết thuộc địa giới hành chính một tỉnh;

c) Cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện thẩm định các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, gồm quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng thuộc các đô thị loại 4 và loại 5; quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các khu chức năng của các đô thị từ loại đặc biệt đến loại 5; quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, (trừ quy hoạch chi tiết xây dựng được quy định tại tiết a điểm 1 khoản III mục II của Thông tư này).

2. Hình thức tổ chức thẩm định

Tuỳ theo tính chất, quy mô của từng đồ án, cơ quan thẩm định quy hoạch xây dựng có thể thực hiện tổ chức thẩm định theo một trong các hình thức sau:

a) Tổ chức hội đồng thẩm định và quyết định thành phần, số lượng các thành viên tham gia hội đồng. Cơ cấu của hội đồng thẩm định đảm bảo có 3 thành phần chủ yếu gồm các cơ quan chức năng quản lý nhà nước có liên quan, chính quyền địa phương và các hội nghề nghiệp có liên quan.

b) Thẩm định của cơ quan chuyên môn các cấp.

3. Các nội dung thẩm định

a) Các căn cứ pháp lý để lập đồ án quy hoạch xây dựng;

b) Quy cách hồ sơ theo quy định của Bộ Xây dựng; thành phần hồ sơ quy hoạch xây dựng theo quy định và theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt;

c) Các nội dung chính của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng được quy định tại phụ lục 1 và 2.

4. Thời gian thẩm định

Thực hiện theo quy định tại các Điều 11, 19, 28, 36 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP , đối với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng thời gian thẩm định là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

II. Trình duyệt quy hoạch xây dựng

1. Cơ quan trình duyệt

a) Bộ Xây dựng

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng trọng điểm, vùng liên tỉnh; quy hoạch chung xây dựng các Khu công nghệ cao, Khu kinh tế có chức năng đặc biệt; quy hoạch chung xây dựng đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2 và các đô thị mới có quy mô dân số tương đương với đô thị loại 2 trở lên, đô thị mới liên tỉnh và các quy hoạch xây dựng khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;

b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2, các đô thị mới có quy mô dân số tương đương với đô thị loại 2 trở lên và quy hoạch chung xây dựng các Khu công nghệ cao, Khu kinh tế có chức năng đặc biệt;

Đối với các khu chức năng trong đô thị mới liên tỉnh có phạm vi lập quy hoạch chi tiết thuộc địa giới hành chính hai tỉnh trở lên thì Uỷ ban nhân dân các tỉnh có liên quan đồng trình Bộ Xây dựng phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500;

c) Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (đối với các tỉnh, thành phố có Sở Quy hoạch kiến trúc) trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng:

- Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện, và các vùng khác trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh (vùng cảnh quan, vùng bảo tồn di sản,...);

- Quy hoạch chung xây dựng các đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại 3, loại 4 và loại 5 và các khu chức năng khác ngoài đô thị (du lịch, bảo tồn, khu di tích, công nghiệp địa phương,...) có quy mô lớn hơn 500 ha;

- Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng của đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2, loại 3; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500 đối với các khu vực có phạm vi lập quy hoạch chi tiết thuộc địa giới hành chính từ hai quận, huyện trở lên; các khu chức năng khác ngoài đô thị (khu du lịch, khu di sản, bảo tồn di tích, công nghiệp địa phương,...) có quy mô nhỏ hơn 500 ha; các khu chức năng thuộc đô thị mới; các khu chức năng trong đô thị mới liên tỉnh có phạm vi lập quy hoạch chi tiết thuộc địa giới hành chính của tỉnh;

d) Uỷ ban nhân dân cấp huyện

Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng các đô thị loại 3, loại 4 và loại 5; quy hoạch chung xây dựng các quận của thành phố trực thuộc Trung ương;

e) Cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện

Trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt các duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng thuộc đô thị loại 4, loại 5; quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các khu chức năng của các đô thị từ loại đặc biệt đến loại 5 và quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung (trừ quy hoạch chi tiết xây dựng được quy định tại tiết a điểm 1 khoản III mục II của Thông tư này);

g) Uỷ ban nhân dân xã trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.

h) Ban quản lý các khu công nghệ cao, khu kinh tế có chức năng đặc biệt trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, tỷ lệ 1/500 các khu chức năng thuộc phạm vi ranh giới do mình quản lý.

i) Ban quản lý các dự án do Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự án thuỷ điện, dự án khai thác, chế biến khoảng sản,...) trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư, tái định cư,... thuộc phạm vi dự án do mình quản lý.

k) Chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 thuộc phạm vi dự án do mình quản lý.

2. Hồ sơ trình duyệt

a) Hồ sơ trình duyệt đồ án quy hoạch xây dựng gồm tờ trình đề nghị phê duyệt, thuyết minh, các bản vẽ thu nhỏ, các văn bản pháp lý có liên quan.

b) Số lượng hồ sơ trình duyệt theo yêu cầu của cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng trên cơ sở tính chất, quy mô của từng loại quy hoạch xây dựng nhưng không ít hơn 20 bộ.

c) Hồ sơ để thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng gồm tờ trình đề nghị phê duyệt, thuyết minh, các phụ lục tính toán kèm theo, các bản vẽ thu nhỏ in màu, các văn bản pháp lý có liên quan; số lượng hồ sơ tối thiểu là 03 bộ.

d) Hồ sơ lưu trữ gồm thuyết minh tổng hợp, các bản vẽ đúng tỷ lệ theo quy định, đĩa CD lưu toàn bộ nội dung thuyết minh và bản vẽ. Số lượng hồ sơ tối thiểu là 7 bộ.

3. Lưu trữ hồ sơ

Hồ sơ quy hoạch xây dựng đã phê duyệt được lưu trữ tại các cơ quan sau:

a) Hồ sơ quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ được lưu trữ tại Bộ Xây dựng, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng cấp tỉnh có liên quan;

b) Hồ sơ quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được lưu trữ tại cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng cấp tỉnh (Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc), Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã có liên quan trực tiếp;

c) Hồ sơ quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, được lưu trữ tại cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng cấp tỉnh, cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã có liên quan;

Mục 5:

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG

I. CƠ QUAN PHÊ DUYỆT

Thực hiện theo các quy định tại Điều 11, 19, 28, 36 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP và những hướng dẫn cụ thể sau:

1. Bộ Xây dựng

Phê duyệt các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ khi được uỷ quyền và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, tỷ lệ 1/500 đối với các khu chức năng trong đô thị mới liên tỉnh có phạm vi lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính nhiều tỉnh.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

a) Phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện và các vùng khác trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh (vùng cảnh quan, vùng bảo tồn di sản,...);

b) Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng các đô thị loại 3, loại 4 và loại 5, đô thị mới có quy mô dân số tương đương với đô thị loại 3, loại 4 và loại 5, quy hoạch chung xây dựng các quận của thành phố trực thuộc Trung ương và các khu chức năng khác ngoài đô thị (du lịch, bảo tồn, khu di tích, công nghiệp địa phương,...) có quy mô lớn hơn 500 ha;

c) Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng của đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2, loại 3; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500 đối với các khu vực có phạm vi lập quy hoạch liên quan tới địa giới hành chính hai quận, huyện trở lên; các khu chức năng khác ngoài đô thị (khu du lịch, khu di sản, bảo tồn di tích, công nghiệp địa phương,...) có quy mô nhỏ hơn 500 ha; các khu chức năng thuộc đô thị mới; các khu chức năng thuộc khu công nghệ cao, khu kinh tế có chức năng đặc biệt;

d) Đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500 các khu chức năng trong đô thị mới liên tỉnh có phạm vi lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính một tỉnh phải có ý kiến thống nhất về chuyên môn của Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt;

3. Uỷ ban nhân dân cấp huyện

a) Phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 đối với các khu chức năng của đô thị loại 4 loại 5; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu chức năng của đô thị từ loại đặc biệt đến loại 5; quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung; quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn (trừ những quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị quy định tại tiết a điểm 1 khoản III mục II của Thông tư này).

b) Đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng thuộc đô thị loại 4 là trung tâm tỉnh lỵ thì trước khi phê duyệt Uỷ ban nhân dân cấp huyện cần phải xin ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và có ý kiến thống nhất về chuyên môn của Sở Xây dựng.

c) Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư, tái định cư,...thuộc các dự án do Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự án thuỷ điện, dự án khai thác, chế biến khoảng sản,...); quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung sau khi có ý kiến thống nhất về chuyên môn của Sở Xây dựng.

II. NỘI DUNG PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG

1. Đối với quy hoạch xây dựng vùng

a) Nội dung quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng bao gồm: Ranh giới và phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng vùng; xu hướng và tỉ lệ đô thị hoá trong vùng theo các giai đoạn phát triển; phân vùng chức năng; các yêu cầu nghiên cứu tổ chức không gian hệ thống các điểm dân cư đô thị và nông thôn; các khu vực chức năng chuyên ngành; các cơ sở sản xuất; hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có ý nghĩa vùng; danh mục hồ sơ, bản vẽ.

b) Nội dung quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm: Ranh giới và phạm vi vùng; tính chất và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính phát triển vùng; các cực phát triển, các trục đô thị hóa và xu hướng di dân; quy mô dân số đô thị, nông thôn của toàn vùng theo các giai đoạn phát triển; vị trí, tính chất, chức năng, cấp, loại và quy mô dân số của từng đô thị trong vùng theo các giai đoạn phát triển; tổ chức không gian các khu vực chức năng chuyên ngành; các cơ sở sản xuất; hệ thống hạ tầng xã hội; nguồn và công trình hạ tầng kỹ thuật có ý nghĩa vùng; các vấn đề có liên quan đến quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và dự kiến nguồn lực thực hiện; các vấn đề về tổ chức thực hiện.

2. Đối với quy hoạch chung xây dựng đô thị

a) Nội dung quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng chung xây dựng đô thị bao gồm: Ranh giới và phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng đô thị; tính chất đô thị; một số chỉ tiêu cơ bản dự kiến về dân số, đất đai và hạ tầng kỹ thuật; các yêu cầu và các nguyên tắc chủ yếu để nghiên cứu hướng phát triển đô thị, tổ chức cơ cấu không gian, các nguồn, công trình đầu mối và giải pháp chính tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; danh mục hồ sơ, bản vẽ.

b) Nội dung quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị bao gồm: Ranh giới và phạm vi đô thị; tính chất, chức năng của đô thị; quy mô dân số, đất đai đô thị theo các giai đoạn phát triển; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu và hướng phát triển đô thị; cơ cấu tổ chức không gian và ranh giới hành chính nội thành, ngoại thành, nội thị, ngoại thị; cơ cấu sử dụng đất theo các chức năng; vị trí, quy mô các khu chức năng chính; nguồn cung cấp, vị trí, quy mô, công suất các công trình đầu mối và mạng lưới chính của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; quy định về kiến trúc, cảnh quan đô thị; các vấn đề có liên quan đến quốc phòng, an ninh và môi trường; các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện; các vấn đề về tổ chức thực hiện.

3. Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng

a) Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị bao gồm các nội dung sau:

- Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000: Phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch chi tiết; một số chỉ tiêu cơ bản dự kiến về đất đai, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; các yêu cầu về không gian, kiến trúc, kết nối hạ tầng kỹ thuật và những yêu cầu nghiên cứu khác đối với từng ô phố;

- Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500: Phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch chi tiết; một số chỉ tiêu cơ bản dự kiến về đất đai, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; các yêu cầu về không gian, kiến trúc, kết nối hạ tầng kỹ thuật và những yêu cầu nghiên cứu khác đối với từng lô đất; danh mục các công trình cần đầu tư xây dựng trong khu vực quy hoạch;

b) Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị bao gồm các nội dung sau:

- Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000: Phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch chi tiết; các chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật chủ yếu; các giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc, thiết kế đô thị; cơ cấu sử dụng đất; nguồn cung cấp và giải pháp tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật; mạng lưới hạ tầng kỹ thuật được xác định đến các trục đường phân khu vực; giải pháp tổ chức tái định cư ( nếu có); giải pháp bảo vệ môi trường; những hạng mục ưu tiên đầu tư và nguồn lực để thực hiện; các vấn đề về tổ chức thực hiện.

- Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500: Phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch chi tiết; các chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật chủ yếu; giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc, thiết kế đô thị cho từng lô đất; cơ cấu sử dụng đất; nguồn cung cấp và giải pháp tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật; mạng lưới hạ tầng kỹ thuật được xác định đến các trục đường ngõ phố; giải pháp tổ chức tái định cư (nếu có); giải pháp bảo vệ môi trường; những hạng mục ưu tiên đầu tư và nguồn lực để thực hiện; các vấn đề về tổ chức thực hiện; danh mục các công trình xây dựng trong khu vực quy hoạch (đối với đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500);

4. Đối với quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn

a) Quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn

- Nội dung quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn bao gồm: Ranh giới, quy mô xã; một số chỉ tiêu cơ bản dự kiến về dân số, đất đai và hạ tầng kỹ thuật; yêu cầu bố trí mạng lưới các điểm dân cư, khu chức năng, các công trình chính, các yêu cầu về nguồn cung cấp điện, nước ... các yêu cầu nghiên cứu khác nhằm thực hiện mục tiêu phát triển; danh mục hồ sơ, bản vẽ.

- Nội dung quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn bao gồm: Ranh giới, quy mô dân số, quy mô đất xây dựng theo các giai đoạn phát triển; các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật chủ yếu về đất đai và hạ tầng kỹ thuật; vị trí, quy mô trung tâm xã, trung tâm cụm xã (nếu có), các điểm dân cư nông thôn tập trung khác; các khu chức năng, các công trình trọng điểm; nguồn cung cấp điện, nước và giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường; các dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện; các vấn đề về tổ chức thực hiện.

b) Quy hoạch xây dựng trung tâm xã hoặc điểm dân cư nông thôn

- Nội dung quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng trung tâm xã hoặc điểm dân cư nông thôn bao gồm: Ranh giới, phạm vi lập quy hoạch; một số chỉ tiêu cơ bản về dân số, đất xây dựng và hạ tầng kỹ thuật, yêu cầu về sử dụng đất, các công trình chính; quy mô dân số, đất đai, giải pháp quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật; danh mục hồ sơ, bản vẽ phù hợp với nội dung nhiệm vụ.

- Nội dung quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng trung tâm xã hoặc điểm dân cư nông thôn bao gồm: Ranh giới, quy mô của trung tâm xã, trung tâm cụm xã (nếu có), điểm dân cư nông thôn; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu về dân số, đất xây dựng và hạ tầng kỹ thuật; cơ cấu sử dụng đất theo các chức năng, phân khu chức năng, giải pháp tổ chức không gian; vị trí, quy mô các công trình chính; nguồn cung cấp điện, nước và quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, môi trường; các dự án đầu tư và nguồn vốn thực hiện; các vấn đề về tổ chức thực hiện.

III. THỜI GIAN PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG

Thực hiện theo quy định tại các Điều 11, 19, 28, 36 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP , nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng thời gian phê duyệt là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của cơ quan thẩm định.

Mục 6:

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG

 

Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng được quy định tại các Điều 12, 20, 29 và 37 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP và hướng dẫn cụ thể một số nội dung như sau:

1. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra rà soát việc thực hiện quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Căn cứ tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố tác động tới quá trình phát triển đô thị, người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng quyết định về thời hạn và nội dung điều chỉnh quy hoạch xây dựng;

2. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng là sự thay đổi một hoặc một số trong các nội dung về tính chất, chức năng, quy mô, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật,... của một hoặc vài khu vực đã được xác định tại quy hoạch xây dựng trước nhưng không làm thay đổi các định hướng phát triển lớn về kinh tế xã hội, bố cục không gian kiến trúc, bố trí mạng lưới hạ tầng kỹ thuật chính đã đựơc xác định tại quy hoạch xây dựng trước.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tuỳ theo từng trường hợp cụ thể có thể uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng cục bộ thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình.

Mục 7:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này thay thế cho các văn bản sau:

a) Quyết định số 322/BXD - ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về lập đồ án quy hoạch xây dựng đô thị;

b) Thông tư số 25/BXD - KTQH ngày 22/8/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn xét duyệt đồ án quy hoạch xây dựng đô thị;

c) Thông tư số 03/BXD - KTQH ngày 04/6/1997 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, xét duyệt đồ án quy hoạch xây dựng các thị trấn và thị tứ;

d) Văn bản số 772/BXD-KTQH ngày 05/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về triển khai thực hiện chỉ thị số 30/1999/CT-TTg hướng dẫn lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn.

2. Các đồ án quy hoạch xây dựng đã tổ chức thực hiện từ trước thời điểm Nghị định 08/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì thực hiện như sau:

a) Nội dung đồ án quy hoạch xây dựng được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản nêu tại khoản 1 mục này;

b) Đối với những đồ án quy hoạch xây dựng chưa được thẩm định, phê duyệt thì thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 08/2005/NĐ-CP ;

c) Các cơ quan quản lý dự án khảo sát quy hoạch xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thanh quyết toán vốn quy hoạch xây dựng theo quy định của các văn bản pháp lý hiện hành;

d) Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí vốn thực hiện việc công bố và cắm mốc ngoài thực địa các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 08/2005/NĐ-CP .

3. Vụ Kiến trúc, quy hoạch xây dựng – Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch Kiến trúc của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên, định kỳ tình hình lập quy hoạch xây dựng và việc phát triển đô thị nông thôn theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt;

4. Các cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng các cấp ở các địa phương có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản theo định kỳ 6 tháng và hàng năm về kế hoạch, chương trình lập quy hoạch xây dựng và tình hình quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn, cụ thể như sau:

a) Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng cấp huyện có trách nhiệm báo cáo Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch Kiến trúc và Uỷ ban nhân dân cấp huyện các nội dung trên trong phạm vi lãnh thổ do cấp huyện quản lý (huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh);

b) Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm báo cáo Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh các nội dung trên trong phạm vi lãnh thổ của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo mẫu báo cáo do Bộ Xây dựng quy định.

5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo./

 

Nơi nhận:  
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
- HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
- Văn phòng Quốc hội
- Văn phòng Chủ tịch nước
- Văn phòng Chính phủ
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
- Toà án nhân dân tối cao
- Các Tổng công ty 91 - Công báo
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
- Sở QHKT TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh
- Lưu VP, Vụ KTQH (20), Vụ PC
Vụ KHTK, Vụ HTKT, Vụ TCKT.

 

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Tấn Vạn