Quyết định 2128/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 2128/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên Người ký: Nguyễn Văn Phóng
Ngày ban hành: 04/10/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2128/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 04 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT NÔNG THÔN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn; số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 862/TTr-STNMT ngày 20/9/ 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2016-2020 bao gồm các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường. Triển khai tổng hợp các biện pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; đẩy mạnh xã hội hóa thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Hạn chế sự gia tăng ô nhiễm môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên, tạo cảnh quan môi trường sống xanh - sạch - đẹp, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- 80% rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển, xử lý.

- 50% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

II. NHIỆM VỤ

1. Thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại 38 thôn, khu dân cư hiện chưa có tổ, đội vệ sinh môi trường; 100% số xã, thị trấn thành lập Hợp tác xã dịch vụ môi trường hoặc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiêm dịch vụ môi trường. Tại các huyện, thành lập Công ty TNHH, đơn vị thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

2. Trang bị 3.150 xe thu gom vận chuyển rác thải cho các tổ, đội vệ sinh môi trường, Hợp tác xã làm dịch vụ môi trường. Lắp đặt 4.000 thùng đựng rác ở nơi tập trung dân cư, khu vực công cộng, khu vui chơi, chợ, di tích….

3. Xây dựng 273 điểm tập kết rác thải quy mô thôn, liên thôn hoặc xã, thị trấn.

4. Xây dựng, lắp đặt 10 lò đốt rác thải sinh hoạt tại các huyện, thành phố.

5. Đẩy mạnh thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

6. Tổ chức thực hiện tốt tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

7. Mở rộng, xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung theo quy hoạch của tỉnh: Khu xử lý chất thải thành phố Hưng Yên, Khu xử lý chất thải Đại Đồng, Khu xử lý chất thải xã Vũ Xá.

8. Kiểm tra, rà soát các điểm tồn đọng rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các huyện; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý chất thải, không để phát sinh mới các điểm tồn đọng rác thải trên địa bàn.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền và chỉ đạo của chính quyền các cấp

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân, khuyến khích tham gia vào các hoạt động phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi ni lông, không đổ rác bừa bãi, phân loại rác thải kết hợp với xử lý rác thải hữu cơ làm phân vi sinh tại hộ gia đình, nộp phí vệ sinh đầy đủ, đổ rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện, người thực hiện thu gom; phát hành các tờ rơi, ấn phẩm tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; xây dựng và tuyên truyền nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các mô hình thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo, xử lý vi phạm về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; đưa công tác bảo vệ môi trường và thu gom xử lý rác thải trở thành tiêu chí thi đua của các cấp, các ngành, các địa phương và các hộ gia đình.

2. Xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ đội vệ sinh môi trường tự quản, đẩy mạnh hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải kết hợp với việc hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phân loại rác thải, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường ở các xã, thị trấn, trong đó có quy định về phân loại, tái chế, tái sử dụng, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại hộ gia đình, thôn, xóm, khu dân cư.

Khuyến khích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

3. Giải pháp về quy hoạch - kế hoạch

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 cho phù hợp.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các điểm tập kết, khu xử lý rác thải trên địa bàn các huyện, thành phố, lồng ghép với quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với thực tế ở từng địa phương.

4. Giải pháp về khoa học công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xử lý rác thải; lựa chọn, tổ chức triển khai mô hình xử lý rác thải phù hợp, hiệu quả ở khu vực nông thôn, nhân rộng các mô hình trên địa bàn.

Tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương trong tỉnh, tăng cường tái chế, tái sử dụng, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp.

5. Nguồn lực tài chính và cơ chế chính sách

Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý rác thải; đầu tư cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị để phục vụ công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ tài chính cho công tác phân loại, tái chế, tái sử dụng, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn.

Có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải tập trung.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các dự án, nhiệm vụ chủ yếu

Tổng kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ chủ yếu triển khai thực hiện Đề án: 1.564,460 tỷ đồng (Một nghìn năm trăm sáu mươi bốn tỷ bốn trăm sáu mươi triệu đồng). Trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 150,0 tỷ đồng.

- Ngân sách tỉnh: 578,291 tỷ đồng.

- Ngân sách huyện: 103.134,6 tỷ đồng.

- Ngân sách xã, thị trấn và huy động đóng góp của nhân dân: 68,756 tỷ đồng.

- Đóng góp của nhân dân: 314,278 tỷ đồng.

- Vốn doanh nghiệp: 350,000 tỷ đồng.

(Các dự án, nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án được trình bày chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

2. Phân công nhiệm vụ

2.1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp bãi rác Dị Sử, huyện Mỹ Hào, đầu tư lò đốt rác thải trong năm 2016. Các năm tiếp theo đầu tư lò đốt rác thải tại các huyện, thành phố. Giao Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường tổ chức quản lý vận hành lò đốt rác thải ở các huyện sử dụng nguồn vốn của Ngân sách trung ương và đối ứng của ngân sách sự nghiệp môi trường tỉnh.

- Hằng năm, chủ trì tổng hợp nhu cầu kinh phí sự nghiệp môi trường cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh.

- Hướng dẫn, tập huấn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các huyện về khu xử lý rác thải và hướng dẫn thủ tục về đất đai, môi trường theo quy định.

2.2. Sở Xây dựng: Hướng dẫn cấp huyện, cấp xã lựa chọn, bố trí hạ tầng kỹ thuật đối với các điểm tập kết, khu xử lý rác thải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

2.3. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương trong tỉnh trong năm 2017.

- Tham mưu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người lao động ở các tổ, đội vệ sinh môi trường các thôn, xóm, khu dân cư đóng bảo hiểm y tế để khuyến khích người lao động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn.

2.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở liên quan cân đối và phân bổ kinh phí thực hiện dự án đầu tư các khu xử lý rác thải của các huyện; tham mưu UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; ban hành cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư khu xử lý chất thải tập trung; đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án xây dựng khu xử lý chất thải xã Vũ Xá.

2.5. Sở Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh việc tiếp cận các công nghệ mới trong lĩnh vực môi trường, nhất là công nghệ xử lý rác thải; phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp với điều kiện của tỉnh.

2.6. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện tham mưu kiện toàn tổ vận hành xe ô tô thu gom, vận chuyển rác thải của các huyện; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường cấp xã.

2.7. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người lao động tham gia tổ đội vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải.

2.8. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên và các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác vệ sinh môi trường nông thôn.

2.9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên: Xây dựng phóng sự tuyên truyền, ghi hình, đưa tin, bài về các hoạt động thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và phát sóng trên “Khung giờ vàng” của Truyền hình Hưng Yên chương trình về phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Nêu gương những tổ chức, cá nhân làm tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Chỉ đạo các Đài Truyền thanh cấp huyện dành thời lượng để tuyên truyền tại địa phương.

2.10. UBMTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn: Tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; vận động nhân dân thực hiện tốt thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ, đổ rác thải đúng thời gian, đúng nơi quy định, nộp phí vệ sinh môi trường đầy đủ; tham gia tích cực vào công tác xã hội hóa về công tác thu gom, vận chuyển rác thải ở khu vực nông thôn; phối hợp với UBND các cấp kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

2.11. Công an tỉnh: Tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, trinh sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, thải rác thải sinh hoạt không đúng quy định.

2.12. UBND các huyện, thành phố

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn trên địa bàn.

- Thu gom, vận chuyển, xử lý các điểm tồn đọng rác thải trên địa bàn. Xóa bỏ các điểm tập kết rác thải tự phát tại các khu vực công cộng, chấm dứt tình trạng vứt rác thải bừa bãi trên địa bàn.

- Tổ chức thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn có hiệu quả, giảm thiểu tối đa lượng rác thải vận chuyển xử lý. Giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn về số hộ triển khai thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện. Tự cân đối kinh phí hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ, chế phẩm vi sinh cho các hộ gia đình để thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ trên cơ sở kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ, kinh phí thuộc ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, ưu tiên việc hỗ trợ chế phẩm vi sinh cho các hộ gia đình có vườn tự đào hố xử lý rác thải.

- Rà soát, kiện toàn hoạt động của các Hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường thu gom rác thải trên địa bàn. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn hoàn thành việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của tổ, đội hoặc tổ tự quản vệ sinh môi trường ở các thôn, khu dân cư đảm bảo 100% các thôn của các xã, thị trấn có tổ, đội vệ sinh môi trường trong năm 2016, duy trì hoạt động hiệu quả các Hợp tác xã, tổ, đội vệ sinh môi trường trên địa bàn. Rà soát, lập danh sách người lao động thu gom, vận chuyển rác thải ở các tổ, đội tự quản vệ sinh môi trường đề nghị hỗ trợ bảo hiểm y tế. Kiện toàn, tổ chức vận hành có hiệu quả xe ô tô thu gom, vận chuyển rác thải của các huyện. Thành lập tổ chức thực hiện các dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn.

- Rà soát thực trạng, có kế hoạch hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển rác cho các Hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường trên địa bàn. Lắp đặt thùng đựng rác tại các khu vực công cộng, vui chơi, di tích, chợ…

- UBND các huyện đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung của huyện theo công nghệ lò đốt, giảm thiểu diện tích đất sử dụng.

- Chỉ đạo UBND cấp xã:

+ Ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, hộ gia đình trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn lồng ghép trong quy ước, hương ước của các làng, thôn. Đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vào việc bình xét các danh hiệu “Làng văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

+ Tổ chức thu phí vệ sinh môi trường trên địa bàn theo quy định của UBND tỉnh.

+ Thành lập Hợp tác xã dịch vụ riêng về môi trường hoặc kết hợp với các dịch vụ khác, xây dựng quy chế hoạt động của hợp tác xã.

+ Bố trí mặt bằng, đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp rác thải đối với những thôn không thuận tiện về việc thu gom, vận chuyển rác thải xử lý tại khu xử lý chất thải tập trung; xây dựng điểm tập kết rác thải của xã. Tổ chức quản lý vận hành, bố trí người trông coi các bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải không để tình trạng đổ rác thải bừa bãi, ô nhiễm môi trường, đổ trộm rác thải công nghiệp.

+ Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn. Bố trí cán bộ xã, thôn phụ trách thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, vận động các hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ.

+ Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thành phố về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn.

Điều 3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan phổ biến nội dung Đề án, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Đề án đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án; định kỳ hàng năm (trước 30/11) tổng hợp kết quả triển khai thực hiện báo cáo UBND tỉnh.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Phóng

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ DỰ ÁN, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT NÔNG THÔN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Quyết định số
2128
/QĐ-UBND ngày 04/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

TT

Tên nhiệm vụ/dự án/kế hoạch

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Kinh phí thực hiện (triệu đồng)

Thời gian thực hiện

Nguồn vốn

2016

2017

2018

2019

2020

1

Đầu tư xây dựng các điểm tập kết rác thải trên địa bàn các xã, thị trấn (273 điểm)

UBND các xã, thị trấn

Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND các huyện/thành phố

218.400

4.800

53.400

53.400

53.400

53.400

Ngân sách sự nghiệp môi trường tỉnh, nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách huyện/TP, ngân sách xã, thị trấn và huy động từ người dân

2

Đầu tư xây dựng, lắp đặt 10 lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô liên xã, huyện

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các huyện

300.000

30.000

60.000

90.000

90.000

30.000

50% ngân sách sự nghiệp môi trường tỉnh, 50% ngân sách trung ương

3

Đầu tư xe vận chuyển rác thải cho các tổ đội vệ sinh môi trường, HTX dịch vụ môi trường.

UBND các huyện, thành phố

Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường

12.600

200

3.100

3.100

3.100

3.100

Ngân sách sự nghiệp môi trường tỉnh, ngân sách huyện/TP, ngân sách xã, thị trấn

4

Lắp đặt 4.000 thùng nhựa HDPE chứa rác, loại 240 lít tại nơi tập trung dân cư, khu vực công cộng

UBND các huyện, thành phố

Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường

6.800

0

1.700

1.700

1.700

1.700

Ngân sách sự nghiệp môi trường tỉnh

5

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến công tác thu gom, phân loại rác thải, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đối với cộng đồng

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn

10.000

2.000

2.000

2.000

2.000

2.000

Ngân sách sự nghiệp môi trường tỉnh

6

Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn từ điểm tập kết rác thải đến khu xử lý rác thải tập trung

UBND các huyện

Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan

189.600

24.600

35.000

40.000

45.000

45.000

Ngân sách sự nghiệp môi trường tỉnh

7

Thu gom, vận chuyển rác thải từ các hộ gia đình đến điểm tập kết, bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại các thôn, xã

UBND cấp xã

Tổ đội vệ sinh môi trường

314.278

62.856

62.856

62.856

62.856

62.856

Đóng góp của nhân dân

8

Hỗ trợ thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ hộ gia đình

UBND các huyện/thành phố

Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan

112.782

19.900

31.441

31.441

15.000

15.000

Ngân sách sự nghiệp môi trường tỉnh, nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách huyện/TP, ngân sách xã, thị trấn và huy động từ người dân

9

Dự án mở rộng Khu xử lý chất thải tập trung thành phố Hưng Yên

Công ty TNHH MTV Công trình đô thị và môi trường Hưng Yên

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND thành phố Hưng Yên và các sở, ngành có liên quan

50.000

 

 

 

 

 

Ngân sách tỉnh

10

Dự án mở rộng Khu xử lý chất thải Đại Đồng huyện Văn Lâm

Công ty CP môi trường đô thị và công nghiệp 11 -URENCO 11

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND huyện Văn Lâm và các sở, ngành có liên quan

150.000

30.000

50.000

70.000

 

 

Vốn của doanh nghiệp

11

Khu xử lý chất thải Vũ Xá huyện Kim Động

Công ty

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND huyện Kim Động và các sở, ngành có liên quan

200.000

 

 

 

 

 

Vốn của doanh nghiệp

Tổng

1.564.460

 

 

 

 

 

 

 

 





Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu Ban hành: 24/04/2015 | Cập nhật: 04/05/2015

Nghị định 59/2007/NĐ-CP về việc quản lý chất thải rắn Ban hành: 09/04/2007 | Cập nhật: 14/04/2007