Quyết định 21/2011/QĐ-UBND về Quy định tiêu thức xác định giá đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Số hiệu: 21/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu Người ký: Nguyễn Khắc Chử
Ngày ban hành: 12/08/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Đất đai, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2011/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 12 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CÁC TIÊU THỨC XÁC ĐỊNH GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;

Căn cứ Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

Căn cứ Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC ngày 8 tháng 01 năm 2010 của liên Bộ: Tài chính - Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành bảng giá đất và điều chỉnh bảng giá đất thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 307/TTr-STNMT ngày 18/7/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định các tiêu thức xác định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2.

1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 05/11/2008 của UBND tỉnh Lai Châu Ban hành Quy định các tiêu thức chung và phương pháp xác định giá đất trên địa bàn tỉnh;

2. Những nội dung không quy định tại Quyết định này được thực hiện theo: Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004; Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2007; Nghị định số 69/2009//NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ và các Văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành của tỉnh Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Tài Chính; B/c
- Cục KT VBQPPL – Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội;
- TT HĐND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Như Điều 3;
- Báo Lai Châu;
- Đài PT&TH tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu VT, CN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Khắc Chử

 

QUY ĐỊNH

CÁC TIÊU THỨC XÁC ĐỊNH GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2011/QĐ-UBND ngày 12/8/2011 của UBND tỉnh Lai Châu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định các tiêu thức để áp dụng xác định giá các loại đất trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc xác định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Ngoài các từ ngữ đã được giải thích tại Điều 3 của Nghị định 188/2004/NĐ-CP , trong quy định này, các cụm từ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khu dân cư: bao gồm khu dân cư nông thôn, khu dân cư đô thị. Ranh giới được xác định theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; nếu chưa có quy hoạch thì được xác định theo ranh giới của thửa đất có nhà ở ngoài cùng của khu dân cư.

2. Chợ: là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá, các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...ranh giới được xác định theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; đối với nơi chưa có quy hoạch thì xác định theo ranh giới hiện hữu của chợ.

3. Chỉ giới hành lang giao thông đường bộ: theo quy định từ Điều 15 đến Điều 19 của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

4. Yếu tố lợi thế cho sản xuất nông nghiệp bao gồm 4 yếu tố: Địa hình bằng phẳng, độ phì nhiêu của đất cao, điều kiện tưới tiêu chủ động, thời tiết khí hậu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

5. Phân loại các xã: Là việc phân tích, sắp xếp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện, thị xã thành nhóm thông qua điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội dựa trên kết quả điều tra, khảo sát về địa hình, giao thông, cơ sở hạ tầng, các yếu tố lợi thế cho sản xuất, kinh doanh... Các xã có điều kiện tương đồng được đưa vào cùng loại.

Điều 3. Phân vùng miền, phân loại đất và loại đô thị

1. Các xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu là các xã miền núi.

2. Phân loại đất: Các loại đất trên địa bàn tỉnh: Được phân loại theo quy định tại Điều 13 của Luật Đất đai năm 2003, các khoản: 3, 4, 5, 6 Điều 6 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ; cách phân loại chi tiết các loại đất theo quy định tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Phân loại đô thị: Thị xã Lai Châu là đô thị loại IV, các thị trấn trong tỉnh là đô thị loại V.

Điều 4. Phân khu vực, đường phố và vị trí đất

1. Đất ở tại nông thôn và đất phi nông nghiệp tại nông thôn

a) Phân khu vực.

Phân theo các trục đường giao thông chính, khu trung tâm xã, cụm xã, khu thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp, chợ...chia làm 3 khu vực thuộc địa giới hành chính của xã.

b) Phân vị trí đất

Vị trí của từng loại đất trong từng khu vực được căn cứ vào khả năng sinh lợi khoảng cách tới chỉ giới đường giao thông và điều kiện kết cấu hạ tầng thuận lợi cho sinh hoạt kinh doanh và cung cấp dịch vụ.

2. Phân loại đường phố và vị trí đất trong đô thị

a) Phân loại đường phố

- Việc phân loại đường phố trong đô thị để xây dựng giá đất xác định căn cứ vào khả năng sinh lợi, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, mức độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khoảng cách so với trung tâm đô thị, trung tâm thương mại....;

- Những đoạn đường chưa được đặt tên theo quy định, thì có thể đặt tên tạm thời để xác định giá đất.

b) Phân vị trí đất

Mỗi loại đường phố, đoạn phố được phân thành các nhóm vị trí và được xác định căn cứ vào khả năng sinh lợi giá chất chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điêu kiện bình thường, điều kiện kết cấu hạ tầng, khoảng cách so với đường giao thông để định vị trí.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Tiêu thức xác định giá đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tại nông thôn.

1. Đất nông nghiệp tại nông thôn

1.1. Phân loại xã

Trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, các xã được phân loại thành các nhóm có các điều kiện tương đồng với nhau:

a) Nhóm các xã loại 1 : Các xã thuộc vùng có địa hình tương đối bằng phẳng có điều kiện thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, điều kiện tưới tiêu, thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp;

b) Nhóm các xã loại 2: Các xã có 01 đến 02 trong các điều kiện về địa hình giao thông, cơ sở hạ tầng, điều kiện tưới tiêu, thổ nhưỡng kém thuận lợi hơn nhóm xã loại 1;

c) Nhóm các xã loại 3 : Các xã có 01 đến 02 trong các điều kiện về địa hình giao thông, cơ sở hạ tầng, điều kiện tưới tiêu, thổ nhưỡng kém thuận lợi hơn nhóm xã loại 2;

d) Nhóm các xã loại 4: Các xã còn lại trên địa bàn huyện.

1.2. Phân loại vị trí .

a) Vị trí 1

- Đảm bảo điều kiện có từ một yếu tố khoảng cách trở lên như sau:

+ Đất tiếp giáp khu dân cư đến mét thứ 500.

+ Đất tiếp giáp chợ đến mét thứ 1000.

+ Đất tiếp giáp vỉa hè hành lang bảo vệ đường bộ hoặc mép đường giao thông (đối với nơi chưa có quy hoạch) đến mét thứ 500.

- Kết hợp với ít nhất 2 yếu tố lợi thế sản xuất nông nghiệp.

b) Vị trí 2

- Đất tiếp giáp vị trí 1 đến mét thứ 500;

- Kết hợp với ít nhất một yếu tố lợi thế cho sản xuất nông nghiệp.

Trường hợp vị trí 2, cùng cánh đồng (ruộng lúa), cùng đồi (đất nương) với vị trí 1 và có ít nhất hai yếu tố lợi thế cho sản xuất nông nghiệp được xếp vào vị trí 1 .

c) Vị trí 3 : Vị trí đất nông nghiệp còn lại trên địa bàn xã.

Trường hợp vị trí 3, cùng cánh đồng (ruộng lúa), cùng đồi (đất nương) với vị trí 2 và có ít nhất một yếu tố lợi thế cho sản xuất nông nghiệp được xếp vào vị trí 2.

1.3. Hệ số xác định giá đất giữa các vị trí

Khi tổ chức điều tra, khảo sát xây dựng giá đất trong điều kiện thuận lợi mà có thể điều tra được giá đất của cả ba vị trí thì giá đất được xác định theo giá điều tra thực tế. Trường hợp chỉ xác định được một hoặc hai trong ba vị trí thì được phép sử dụng hệ số điều chỉnh sau:

- Vị trí 1 : Hệ số 1,0.

- Vị trí 2: Hệ số 0,8 đến 0,9 của vị trí 1.

- Vị trí 3 : Hệ số 0,6 đến dưới 0,8 của vị trí 1.

2. Đất phi nông nghiệp tại nông thôn

2.1. Phân loại xã

Trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, các xã được phân loại thành các nhóm có các điều kiện tương đồng với nhau:

a) Nhóm các xã loại 1 : Các xã thuộc vùng có địa hình tương đối bằng phẳng, có điều kiện thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, có điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh;

b) Nhóm các xã loại 2: Các xã có một đến hai trong các điều kiện về địa hình, giao thông, cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất, kinh doanh kém thuận lợi hơn nhóm xã loại 1;

c) Nhóm các xã loại 3 : Các xã có một đến hai trong các điều kiện về địa hình, giao thông, cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất, kinh doanh kém thuận lợi hơn nhóm xã loại 2;

d) Nhóm các xã loại 4: Các xã còn lại trên địa bàn huyện.

2.2. Phân khu vực, vị trí đất phi nông nghiệp tại nông thôn.

Mỗi xã được chia thành 3 khu vực, trong khu vực chia ra các vị trí khác nhau cụ thể như sau:

a. Khu vực 1

Đất thuộc khu vực tiếp giáp với quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, giao thông nông thôn nằm tại trung tâm xã, cụm xã; tiếp giáp khu thương mại, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, bến cảng có khả năng sinh lợi cao, có kết cấu hạ tầng tốt thuận lợi cho sinh hoạt, kinh doanh và cung cấp dịch vụ, được phân thành 03 vị trí

Vị trí 1: Đất tiếp giáp vỉa hè, Chỉ giới giao thông hoặc mép đường giao thông (đối với nơi chưa có quy hoạch) đến mét thứ 40.

- Vị trí 2 : Thửa đất tiếp giáp vị trí 1 đến mét thứ 100.

- Vị trí 3 : Phần diện tích còn lại của thửa đất tiếp giáp vị trí 2.

b) Khu vực 2

Đất thuộc khu vực tiếp giáp với đường giao thông liên xã, liên thông liên bản; đất tiếp giáp khu vực 1 là khu vực đất có khả năng sinh lợi, kết cấu hạ tầng và điều kiện sinh hoạt kinh doanh, cung cấp dịch vụ kém hơn khu vực 1 và được phân thành 02 vị trí,

- Vị trí 1 : Đất tiếp giáp mép đường giao thông đến 40 m.

- Vị trí 2:

+ Đất sau mét thứ 40 của vị trí 1 đến mét thứ 100;

+ Phần diện tích còn lại của thửa đất tiếp giáp với vị trí 1 .

c. Khu vực 3 : Vị trí đất phi nông nghiệp còn lại trên địa bàn xã.

2.3. Hệ số xác định giá đất giữa các vị trí

Khi tổ chức điều tra, khảo sát xây dựng giá đất trong điều kiện thuận lợi mà có thể điều tra được giá đất của cả ba vị trí thì giá đất được xác định theo giá điều tra thực tế. Trường hợp chỉ xác định được giá đất của một hoặc hai trong ba vị trí thì được phép sử dụng hệ số điều chỉnh sau:

a) Khu vực 1

- Vị trí 1 : Hệ số 1,0.

- Vị trí 2: Hệ số 0,7 đến 0,8 của vị trí 1 cùng khu vực.

- Vị trí 3 : Hệ số 0,5 đến dưới 0,7 của vị trí 1 cung khu vực.

b. Khu vực 2

- Vị trí 1 : Hệ số 1,0.

- Vị trí 2: Hệ số 0,5 đến 0,8 của vị trí 1 cùng khu vực.

c) Khu vực 3: Hệ số 0,3 đến dưới 0,5 của vị trí 1 khu vực 2.

Điều 6. Tiêu thức xác định giá đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tại đô thị (các phường, thị trấn)

1. Đất nông nghiệp tại đô thị

1.1. Đất nông nghiệp tại đô thị được phân thành 3 vị trí như sau:

a) Vị trí 1

- Có từ một yếu tố khoảng cách trở lên như sau:

+ Đất tiếp giáp khu dân cư đến mét thứ 500.

+ Đất tiếp giáp chợ đến mét thứ 1000.

+ Đất tiếp giáp vỉa hè, hành lang, bảo vệ đường bộ hoặc mép đường giao thông (đối với nơi chưa có quy hoạch) đến mét thứ 500.

- Kết hợp với ít nhất hai yếu tố lợi thế sản xuất nông nghiệp.

b) Vị trí 2

- Đất tiếp giáp vị trí 1 đến mét thứ 500;

- Kết hợp với ít nhất một yếu tố lợi thế cho sản xuất nông nghiệp.

Trường hợp vị trí 2, cùng cánh đồng (ruộng lúa), cùng đồi (đất nương) với vị trí 1 và có ít nhất hai yếu tố lợi thế cho sản xuất nông nghiệp được xếp vào vị trí 1.

c) Vị trí 3 : Vị trí đất nông nghiệp còn lại trên địa bàn phường, thị trấn.

Trường hợp vị trí 3, cùng cánh đồng (ruộng lúa cùng đồi (đất nương) với vị trí 2 và có ít nhất một yếu tố lợi thế cho sản xuất nông nghiệp được xếp vào vị trí 2.

1.2. Hệ số xác định giá đất giữa các vị trí

Khi tổ chức điều tra khảo sát xây dựng giá đất trong điều kiện thuận lợi mà có thể điều tra được giá đất của cả ba vị trí thì giá đất được xác định theo giá điều tra thực tế. Trường hợp chỉ xác định được giá đất của một hoặc hai trong ba vị trí thì được phép sử dụng hệ số điều chỉnh sau:

- Vị trí 1: Hệ số 1,0.

- Vị trí 2: Hệ số 0,8 đến 0,9 của vị trí 1.

- Vị trí 3 : Hệ số 0,6 đến dưới 0,8 của vị trí 1.

2. Đất phi nông nghiệp tại đô thị

2.1. Đất phi nông nghiệp tại đô thị, giá đất được xác định theo từng tuyến đường và được phân thành 03 vị trí, cụ thể như sau:

- Vị trí 1 : Đất có vị trí tiếp giáp với đường phố, tính từ chỉ giới quy hoạch hành lang an toàn giao thông đến mét thứ 20;

- Vị trí 2: Đất tiếp giáp vị trí 1 đến mét thứ 40; đất tiếp giáp với ngõ, ngách đến mét thứ 20 (mặt đường ngõ, ngách có chiều rộng từ 3m trở lên, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đi lại tương đối thuận tiện...);

Vị trí 3: Vị trí đất phi nông nghiệp còn lại.

2.2. Hệ số xác định giá đất giữa các vị trí

Khi tổ chức điều tra, khảo sát xây dựng giá đất trong điều kiện thuận lợi mà có thể điều tra được giá đất của cả ba vị trí thì giá đất được xác định theo giá điều tra thực tế. Trường hợp chỉ xác định được một hoặc hai trong ba vị trí thì được phép sử dụng hệ số điều chỉnh sau:

- Vị trí 1: Hệ số 1,0.

- Vị trí 2: Hệ số 0,6 đến 0,8 của vị trí 1.

- Vị trí 3 : Hệ số 0,5 đến dưới 0,6 của vị trí 1 .

Trường hợp thửa đất có vị trí tiếp giáp ngã ba ngã tư đường giao thông giá đất được xác định bằng 1,2 lần giá đất cùng vị trí đó; trường hợp thửa đất tiếp giáp nhiều đoạn đường thì giá đất được xác định bằng 1,2 lần giá đất của đất tiếp giáp với đoạn đường có giá đất cao nhất.

Điều 7. Tiêu thức xác định giá một số loại đất Chính phủ không quy định khung giá và các quy định khác

1. Đất nông nghiệp

a) Đất sản xuất nông nghiệp khác, giá đất được xác định bằng giá đất sản xuất nông nghiệp liền kề; trường hợp liền kề nhiều loại đất sản xuất nông nghiệp thì căn cứ vào loại đất sản xuất nông nghiệp có giá thấp nhất.

b) Đất nương rẫy canh tác thường xuyên, liên tục, giá đất được xác định bằng 80% giá của loại đất trồng cây tương ứng trong cùng xã, phường, thị trấn; đất nương rẫy canh tác không thường xuyên (theo tập quán), giá đất được tính bằng 60% giá của loại đất trồng cây tương ứng trong cùng xã, phường, thị trấn.

2. Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp; đất quốc phòng an ninh; đất phi nông nghiệp khác, giá đất bằng 80% giá đất ở cùng vị trí và khu vực.

3. Đất sử dụng vào mục đích công cộng, giá đất bằng 70% giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cùng vị trí và khu vực.

4. Đất nghĩa trang, nghĩa địa giá đất bằng 80% giá đất liền kề. Nếu liền kề với nhiều loại đất khác nhau thì căn cứ vào giá của loại đất có mức giá thấp nhất; trường hợp không có các loại đất đã định giá liền kề thì tính bằng 40% giá đất ở cùng vị trí và khu vực.

5 . Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng sử dụng vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản, giá đất được xác định bằng 80% giá đất nuôi trồng thuỷ sản; sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng khai thác thuỷ sản thì giá đất được xác định bằng 80% giá đất phi nông nghiệp cùng vị trí và khu vực.

6. Đất chưa sử dụng khi cần định giá thì giá đất bằng 20% giá đất liền kề. Khi đất chưa sử dụng được cấp có thẩm quyền cho phép đưa vào sử dụng thì giá đất được xác định bằng giá đất cùng loại, cùng vị trí và khu vực.

Điều 8. Tiêu thức xác định giá đất tại khu vực giáp ranh

Đất phi nông nghiệp thuộc khu vực giáp ranh được xác định theo đường địa giới hành chính giữa các huyện, thị xã vào mỗi bên 100 m, đối với đất nông nghiệp vào mỗi bên 200 m và được xác định trọn thửa đất (trường hợp thửa đất có một phần diện tích nằm ngoài giới hạn khoảng cách), giá đất được xác định như sau:

a) Trường hợp thửa đất khu vực giáp ranh thuộc đơn vị hành chính có giá đất thấp hơn thì giá đất được xác định bằng trung bình giá đất cùng loại, cùng vị trí của hai đơn vị hành chính giáp ranh;

b) Trường hợp thửa đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính thì giá đất được xác định bằng giá đất cùng vị trí và khu vực của đơn vị hành chính giáp ranh có giá đất cao nhất;

c) Trường hợp các đơn vị hành chính được ngăn cách bởi song, suối, đồi, núi, đèo thì không xếp loại đất giáp ranh./.





Quyết định 26/2008/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 93/2005/QĐ-UB Ban hành: 22/05/2008 | Cập nhật: 05/04/2013

Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai Ban hành: 29/10/2004 | Cập nhật: 10/12/2012