Quyết định 2096/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Số hiệu: 2096/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Lê Văn Trúc
Ngày ban hành: 24/12/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2096/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 24 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG RỪNG GIỐNG, VƯỜN GIỐNG, VƯỜN ƯƠM GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 về việc phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020; số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; số 147/2007/QĐ- TTg ngày 10/9/2007 về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015; số 122/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BKHĐT-BNNPTNT-BTC ngày 05/06/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ;

Căn cứ các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 62/2006/QĐ-BNN ngày 16/8/2006 về Chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020; số 1238/QĐ-BNN-TCLN ngày 28/5/2012 phê duyệt Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-UBND ngày 02/11/2011 của UBND Tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ các văn bản của UBND Tỉnh về lập Quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống lâm nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Thông báo số 491/TB-UBND ngày 19/07/2011 về việc cho phép lập Quy hoạch; Quyết định số 1686/QĐ-UBND ngày 17/10/2012 về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện Quy hoạch;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Báo cáo số 643/BC- SKHĐT ngày 16/12/2014; kèm theo biên bản họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch ngày 17/9/2014, đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 274/TTr-SNN-LN ngày 25/11/2014 và Báo cáo tổng hợp Quy hoạch),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

I. TÊN QUY HOẠCH

Quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA QUY HOẠCH

1. Quan điểm phát triển

1.1. Giống cây trồng lâm nghiệp phải được coi là yếu tố quan trọng làm tăng năng suất và hiệu quả trồng rừng.

1.2. Xây dựng hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp để đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn Tỉnh. Tạo nguồn giống đảm bảo chất lượng, cân đối đủ nguồn giống hom, mô, hạt, nguồn giống gỗ lớn, gỗ nhỏ phục vụ cho mục tiêu phát triển đồng bộ các loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

1.3. Đầu tư phát triển Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên làm hạt nhân chính trong phát triển các loại giống cây trồng lâm nghiệp có chất lượng trên địa bàn Tỉnh.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn Tỉnh bảo đảm cung cấp giống có chất lượng phục vụ trồng rừng, hình thành hệ thống sản xuất dịch vụ giống cây lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ, phù hợp với cơ chế thị trường.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2016, cung cấp 60% giống từ nguồn giống được công nhận, trong đó 50% giống từ nhân giống sinh dưỡng (vô tính); đến năm 2020, cung cấp 80% giống từ nguồn giống được công nhận, trong đó 80% giống từ nhân giống sinh dưỡng (vô tính) và đến năm 2030, cung cấp trên 90% giống từ nguồn giống được công nhận, trong đó trên 90% giống từ nhân giống sinh dưỡng (vô tính) cho trồng rừng phòng hộ, sản xuất trên địa bàn Tỉnh.

- Đến năm 2016, hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống theo hướng xã hội hóa nghề giống cây lâm nghiệp với nhiều thành phần kinh tế; 100% các nguồn giống và cơ sở sản xuất kinh doanh giống được kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo thủ tục giám sát chuỗi hành trình giống đối với toàn bộ các loài cây trồng chính.

- Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm đủ số cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

3. Định hướng phát triển hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp

3.1. Về loài cây ưu tiên phát triển giống

Chọn lọc các loài cây trồng phù hợp với mục đích trồng rừng (gỗ lớn, gỗ nhỏ, lâm sản ngoài gỗ…), sớm cho thu hoạch, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao, tiềm năng thị trường lớn. Đối với rừng phòng hộ (đầu nguồn, chống cát, chắn sóng lấn biển) có khả năng phòng hộ theo từng mục đích phòng hộ cụ thể.

- Nhóm cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế:

+ Gỗ lớn: Dầu rái, sao đen, muồng đen, xoan ta, thanh thất….

+ Gỗ nhỏ: Các giống được công nhận của các loài bạch đàn, keo lai, keo lá tràm, keo tai tượng...

- Nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng lại rừng phòng hộ, đặc dụng: Dầu rái, sao đen, muồng đen, gõ đỏ, gụ lau, gụ mật, bằng lăng...

- Nhóm loài cây lâm sản ngoài gỗ, đặc sản: Sa nhân, mây và các loài tre.

- Nhóm loài cây trồng rừng phòng hộ đặc dụng:

+ Phòng hộ đầu nguồn: Dầu rái, sao đen, muồng đen, giáng hương, gụ lau, gụ mật, keo lá tràm, keo tai tượng.

+ Phòng hộ đất cát ven biển: Phi lao, chai lá cong, neem, bàng biển.

- Nhóm loài cây trồng ngập mặn: Đước, sú vẹt, tràm, bần, mấm.

3.2. Về xây dựng hệ thống nguồn giống:

Xây dựng hệ thống vườn giống, rừng giống, vườn cây đầu dòng và tuyển chọn cây mẹ nhằm quản lý tốt hệ thống nguồn giống trong Tỉnh để đảm bảo cung cấp đủ giống cho nhu cầu trồng rừng; đồng thời các nguồn giống cũng là nơi cung cấp những vật liệu cơ bản cho chương trình cải thiện, nâng cao chất lượng giống cây rừng.

a) Trồng vườn giống: Diện tích khoảng 10 ha tại huyện Tây Hòa, trong đó: Keo lá tràm khoảng 05 ha; keo tai tượng khoảng 05 ha.

b) Chuyển hóa rừng giống từ rừng tự nhiên: Diện tích khoảng 10 ha, trong đó: Dầu rái khoảng 05 ha tại huyện Sông Hinh; gõ đỏ khoảng 05 ha tại huyện Sơn Hòa.

c) Chuyển hóa rừng giống từ rừng trồng: Diện tích khoảng 30 ha, trong đó: Dầu rái khoảng 15 ha, sao đen khoảng 10 ha tại huyện Tây Hòa; keo tai tượng khoảng 05 ha tại huyện Sơn Hòa.

d) Thu hái giống từ cây mẹ trong rừng tự nhiên: Giáng hương (huyện Sơn Hòa); chai lá cong (thị xã Sông Cầu); gụ lau (huyện Sông Hinh); sa nhân (huyện Sơn Hòa); mây nếp (huyện Tây Hòa, huyện Sông Hinh); huỷnh (huyện Sông Hinh); ké (huyện Sơn Hòa); thanh thất (huyện Sơn Hòa); bằng lăng (huyện Sơn Hòa)...

đ) Thu hái từ cây mẹ rừng trồng, cây phân tán: Muồng đen (huyện Tây Hòa); dó bầu (huyện Tây Hòa); xoan ta (huyện Sông Hinh); tre (huyện Tây Hòa); me (thị xã Sông Cầu).

e) Xây dựng vườn cây đầu dòng: Xây dựng vườn cây đầu dòng tại các địa điểm: Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Bàn Thạch (diện tích khoảng 1,4 ha, loài cây keo lai, bạch đàn); Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu (diện tích khoảng 1,4 ha, loài cây keo lai, bạch đàn); Trạm Thực nghiệm giống lâm nghiệp thuộc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên (diện tích khoảng 0,64 ha, loài cây keo lai, bạch đàn, phi lao và một số loài khác); Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên (diện tích khoảng 0,6 ha, loài cây keo lai, bạch đàn, phi lao…) và các thành phần kinh tế khác.

3.3. Xây dựng hệ thống vườn ươm, nuôi cấy mô:

a) Vườn ươm quy mô lớn (quy mô > 1.000.000 cây giống/năm): Đầu tư nâng cấp Vườn ươm Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu và Vườn ươm Trạm thực nghiệm giống lâm nghiệp thuộc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên, diện tích khoảng 03 ha/vườn. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới vườn ươm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Bàn Thạch, diện tích khoảng 03 ha/vườn và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng vườn ươm tại huyện Tây Hòa.

b) Vườn ươm quy mô trung bình (quy mô từ 500.000 - 1.000.000 cây giống/năm): Đầu tư xây dựng mới 03 vườn để sản xuất cây sinh dưỡng tại các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và Đồng Xuân.

c) Vườn ươm quy mô nhỏ: Duy trì các vườn ươm có năng lực và kinh nghiệm sản xuất giống để cung cấp giống cây trồng lâm nghiệp cho hộ gia đình trồng rừng, diện tích bình quân 0,5 -1,0 ha.

3.4. Về nghiên cứu giống cây trồng lâm nghiệp:

Tập trung vào các loài cây trồng rừng kinh tế chủ lực cả cây nguyên liệu mọc nhanh lẫn cây gỗ lớn và cây lâm sản ngoài gỗ, cả cây nhập nội lẫn cây bản địa; kết hợp nghiên cứu chọn giống với nghiên cứu biện pháp lâm sinh để tăng năng suất rừng trồng. Các loài cây ưu tiên nghiên cứu:

- Nhóm loài cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế: Gỗ lớn như dầu rái, sao đen, muồng đen, xoan ta, thanh thất…. Gỗ nhỏ như cây mọc nhanh: Bạch đàn, bạch đàn lai, keo lai, keo tai tượng, keo lá tràm.

- Nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi rừng phòng hộ, đặc dụng: Dầu rái, sao đen, giáng hương, muồng đen, bằng lăng...

- Nhóm loài cây đặc sản và lâm sản ngoài gỗ: Dó bầu, tre, sa nhân.

- Nhóm loài cây trồng rừng phòng hộ:

+ Phòng hộ đầu nguồn: Dầu rái, sao đen, muồng đen, gụ lau, gụ mật, huỷnh, chò, keo lá tràm, keo tai tượng...

+ Phòng hộ đất cát ven biển: Chai lá cong, phi lao, neem, bàng biển...

+ Phòng hộ đất ngập nước: Tràm, đước, bần, mấm trắng, sú vẹt...

3.5. Các dự án ưu tiên đầu tư:

a) Dự án Hỗ trợ đầu tư nâng cấp nhà nuôi cấy mô Trạm Giống cây trồng lâm nghiệp thuộc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên và Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên. Hỗ trợ xây dựng vườn ươm cho các ban quản lý rừng phòng hộ tại các huyện, thị xã.

b) Dự án Xây dựng rừng giống chuyển hóa; trồng rừng giống; chọn lọc cây mẹ từ rừng tự nhiên; chọn lọc cây mẹ từ rừng trồng, cây phân tán.

c) Dự án Đào tạo ứng dụng công nghệ mô, chọn loài, khảo nghiệm giống mới cho cán bộ thuộc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên. Đào tạo công tác quản lý giống cho các chủ vườn ươm và cán bộ quản lý cấp huyện, xã.

4. Các giải pháp chủ yếu thực hiện Quy hoạch

4.1. Giải pháp về huy động vốn đầu tư:

a) Nhu cầu vốn đầu tư: Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch khoảng 37 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2015-2020: 35,8 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2030: 1,2 tỷ đồng.

b) Dự kiến các nguồn vốn đầu tư:

- Vốn ngân sách Trung ương: Chiếm 18,14% tổng vốn đầu tư. Đây là nguồn vốn cơ bản, cần tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thông qua các chương trình phát triển lâm nghiệp để hỗ trợ đầu tư xây dựng vườn cây đầu dòng, trồng vườn giống, chuyển hóa rừng giống. Hỗ trợ Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên nâng cấp, xây dựng mới vườn ươm.

- Vốn ngân sách địa phương: Chiếm 3,86% tổng vốn đầu tư. Ngân sách Tỉnh hỗ trợ đầu tư cho hoạt động quản lý, đào tạo, mua sắm trang thiết bị cho các trung tâm giống và các ban quản lý rừng phòng hộ.

- Vốn vay tín dụng và thương mại: Chiếm 50% tổng vốn đầu tư. Thông qua các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, hộ gia đình vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển giống cây trồng lâm nghiệp.

- Vốn tự có của các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất và huy động từ các tổ chức khác: Chiếm 28% tổng vốn đầu tư. Đây là nguồn vốn có ý nghĩa lâu dài, có tính quyết định đến sự phát triển nghề giống lâm nghiệp của Tỉnh. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, Chủ Quy hoạch triển khai công bố rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế. Phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư.

4.2. Giải pháp tổ chức quản lý sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp:

- Tổ chức quản lý sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp theo hướng dẫn của Trung ương về công tác quản lý sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp. Thường xuyên tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; thủ tục đăng ký chứng nhận, công bố tiêu chuẩn chất lượng giống lâm nghiệp; Danh mục giống được phép nhập, sản xuất tại Việt Nam; ghi chép sổ theo dõi giống lâm nghiệp cho các đơn vị, cá nhân có liên quan.

- Nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và áp dụng rộng rãi các qui trình công nghệ sản xuất giống mới, sạch bệnh; phổ biến chuyển giao rộng rãi các mô hình, công nghệ sản xuất giống mới có hiệu quả; tham gia công tác tuyên truyền để người dân thực hiện đúng các quy định về sản xuất, kinh doanh giống của Nhà nước.

4.3. Giải pháp về khoa học công nghệ:

- Quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ thuật trong việc sản xuất giống cây lâm nghiệp, nhất là phương pháp nuôi cấy mô. Điều tra, tuyển chọn, khảo nghiệm giống mới góp phần làm phong phú tập đoàn giống cây trồng rừng trên địa bàn Tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của Trung ương để phát huy lợi thế sẵn có về cơ sở vật chất, trang thiết bị để nghiên cứu chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu về giống cây trồng lâm nghiệp có hiệu quả.

- Hoàn thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất giống cho từng dòng (cả mô và hom). Thiết lập hệ thống vườn giống cây đầu dòng, vườn giống vô tính, hữu tính được thực hiện theo các nguyên tắc và phương pháp trong quy phạm xây dựng rừng giống và vườn giống.

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị cho Trạm Giống cây lâm nghiệp thuộc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên để nâng cao công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả của công tác chọn tạo giống.

4.4. Giải pháp về đào tạo phát triển nhân lực:

- Quan tâm đào tạo cán bộ chuyên làm công tác giống của Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên về giâm hom, nuôi cấy mô; cán bộ nhân viên kỹ thuật của các chủ rừng giống, vườn giống về thu hái, bảo quản, kiểm nghiệm, đóng gói...

- Thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác giống ở các địa phương nhằm bổ sung kiến thức về chọn giống và nhân giống. Đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề về nhân giống sinh dưỡng, về kỹ thuật xây dựng các loại nguồn giống; thu hái, chế biến, kiểm nghiệm, bảo quản hạt giống, công nghệ sinh học cho các địa phương.

- Tập huấn kỹ thuật cho các chủ vườn ươm, phương pháp tài liệu hóa nguồn giống, vật liệu giống, hệ thống ghi chép sổ sách và các thủ tục liên quan khác.

5. Các nội dung khác

Cụ thể theo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chịu trách nhiệm tổ chức công bố rộng rãi Quy hoạch đến các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế bằng các hình thức phù hợp, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Quy hoạch; vận động nhân dân tham gia thực hiện Quy hoạch. Chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương liên quan tham mưu, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch. Định kỳ hàng năm đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND Tỉnh và các cơ quan chức năng theo quy định.

Chủ động huy động, đề xuất các nguồn vốn để đầu tư, phát triển hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn Tỉnh đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu Quy hoạch đã đề ra.

2. Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Văn Trúc