Quyết định 2021/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề cương xây dựng Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”
Số hiệu: 2021/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Lê Đình Thọ
Ngày ban hành: 29/06/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2021/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 29 tháng 06 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG XÂY DỰNG DỰ ÁN “MÔ HÌNH CHỢ THÍ ĐIỂM ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM”

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12; luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH2;

Căn cứ Nghị quyết số 34/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Căn cứ Quyết định 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015;

Căn cứ Quyết định số 512/QĐ-TTg ngày 29/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 540/QĐ-BKHĐT ngày 3/5/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ và vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012;

Căn cứ Công văn số 4219/BCT-KHCN ngày 18/5/2011 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn nội dung hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012; Công văn số 4513/BCT-TTTN ngày 28/5/2012 của Bộ Công Thương về việc xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 850/SCT-TTr-QLTT ngày 19/6/2012 về việc đề nghị phê duyệt Đề cương xây dựng dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Đề cương xây dựng Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” với những nội dung chính như sau:

I. Tên dự án: Xây dựng “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”;

II. Cơ quan quản lý dự án: UBND tỉnh Thanh Hóa;

III. Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương;

IV. Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

V. Các chủ thể trong mô hình thí điểm: các cán bộ quản lý và thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ Tây Thành, thành phố Thanh Hóa.

VI. Mục tiêu dự án

1. Xây dựng mô hình chung cho chợ vệ sinh an toàn thực phẩm với hệ thống các tiêu chí đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, góp phần phục vụ nhu cầu ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh và phù hợp với Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua năm 2010 cũng như các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng.

2. Sau khi mô hình thí điểm “Chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” được xây dựng thành công sẽ nhân rộng mô hình tại các vùng miền trong tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo đến năm 2015 có 50% chợ trong quy hoạch được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và đến năm 2020 có 80% các chợ trong quy hoạch được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

VII. Phạm vi thực hiện dự án:

- Chợ Tây Thành, thành phố Thanh Hóa - Chợ hạng I trong Quy hoạch mạng lưới chợ tỉnh Thanh Hóa đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1999/QĐ-UBND ngày 19/7/2006, được lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Các nhóm hàng: nông sản, thủy sản và các loại thực phẩm thiết yếu (tươi sống và đã qua sơ chế, chế biến), bao gồm: thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản; rau, củ, quả....

VIII. Nội dung dự án:

Phần 1

ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2007 - 2011

I. THỰC TRẠNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2007 - 2011

1. Tình hình kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2007 - 2011

1.1. Số lượng chợ (phân theo hạng) hoạt động kinh doanh hàng thực phẩm

1.2. Nguồn hàng thực phẩm cung ứng cho các chợ

1.3. Các mặt hàng thực phẩm chủ yếu được kinh doanh tại các chợ

1.4. Số lượng và tình hình hoạt động của thương nhân (thuộc các thành phần kinh tế) kinh doanh thực phẩm tại các chợ

1.5. Cách thức kiểm tra nguồn hàng thực phẩm vào chợ của thương nhân trong chợ

1.6. Phương thức mua bán hàng thực phẩm trong chợ

1.7. Trang thiết bị của thương nhân kinh doanh hàng thực phẩm tại chợ

1.8. Đối tượng tiêu dùng thực phẩm tại các chợ

1.9. Cơ sở vật chất của chợ phục vụ quá trình kinh doanh hàng thực phẩm: trang thiết bị, hệ thống cấp thoát nước phục vụ cho quá trình kinh doanh hàng thực phẩm...

2. Tình hình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2007 - 2011

2.1. Nhận thức của thương nhân, người tiêu dùng và cán bộ quản lý chợ về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các chợ

2.2. Tình hình thực hiện quy định của pháp luật và nội quy chợ về vệ sinh an toàn thực phẩm của thương nhân kinh doanh trong chợ

2.3. Số vụ vi phạm quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua do cơ quan chức năng phát hiện và xử lý

3. Thực trạng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Tây Thành - thành phố Thanh Hóa

3.1. Kiến thức, kỹ năng thực hành của đội ngũ cán bộ quản lý chợ và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ

3.2. Thực trạng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ tại khu kinh doanh thực phẩm

3.3. Thực trạng về nguồn gốc thực phẩm cung cấp tại chợ

4. Đánh giá chung về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2007 - 2011

4.1. Kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm

4.2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

II. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

1. Chủ trương, quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

1.1. Các văn bản chỉ đạo và quy định của tỉnh Thanh Hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm đã ban hành

1.2. Tác động của hệ thống văn bản pháp luật (của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa) đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ

2. Cơ chế, chính sách và biện pháp của tỉnh Thanh Hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm

2.1. Cơ chế, chính sách và các biện pháp của tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để các chủ thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định về việc vệ sinh an toàn thực phẩm

2.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cơ chế, chính sách về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

2.3. Tác động của cơ chế, chính sách đối với việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

2.4. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, cơ chế chính sách về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

2.5. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các chợ

3. Đánh giá chung về công tác quản lý nhà nước đối với vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ

3.1. Kết quả đạt được

3.2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

Phần 2

MỤC TIÊU, PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG “MÔ HÌNH CHỢ THÍ ĐIỂM BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. MỤC TIÊU XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

1. Xây dựng mô hình chung cho chợ vệ sinh an toàn thực phẩm với hệ thống các tiêu chí, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, góp phần phục vụ nhu cầu ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh và phù hợp với Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua năm 2010 cũng như các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng.

2. Sau khi mô hình thí điểm “Chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” được xây dựng thành công sẽ nhân rộng mô hình tại các vùng miền trong tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo đến năm 2015 có 50% chợ trong quy hoạch được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và đến năm 2020 có 80% các chợ trong quy hoạch được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

II. PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

1. Căn cứ để lựa chọn chợ đưa vào mô hình thí điểm

1.1. Chợ nằm trong quy hoạch chợ của địa phương và đang hoạt động có hiệu quả (ưu tiên chợ hạng I, hạng II)

1.2. Có khu kinh doanh hàng thực phẩm riêng biệt

1.3. Chủ thể kinh doanh hàng thực phẩm cố định phải có đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm

1.4. Xác định được nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm chủ yếu đang mua bán trong chợ

1.5. Có tổ chức quản lý chợ (Ban quản lý, Doanh nghiệp, Hợp tác xã) được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập, ưu tiên chợ do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý

1.6. Chợ có nội quy được cấp có thẩm quyền phê duyệt

2. Những tiêu chí chủ yếu của mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

2.1. Tiêu chí về thực phẩm kinh doanh tại chợ:

- Thực phẩm kinh doanh trong chợ có nguồn gốc rõ ràng; những mặt hàng phải công bố chất lượng sản phẩm thì phải có hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền công bố chất lượng sản phẩm; không bày bán thực phẩm giả, thực phẩm đã quá hạn sử dụng, chất lượng không bảo đảm;

- Các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm phải có sự kiểm soát và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền;

- Hàng thực phẩm chế biến được bảo quản trong tủ kính hoặc che đậy, bao gói hợp vệ sinh; phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng ghi đầy đủ trên bao, gói;

- Không sử dụng và bày bán các chất phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế;

- Không sử dụng chất bảo quản thực phẩm và chất tẩy rửa không được phép sử dụng hoặc sử dụng quá mức cho phép;

- Nước sử dụng chế biến thực phẩm phải đạt tiêu chuẩn quy định.

2.2. Tiêu chí về người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ:

- Người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải đạt tiêu chuẩn sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm;

- Có giấy khám sức khỏe định kỳ (hàng năm);

- 100% thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ được phổ biến quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, có giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- 100% thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

2.3. Tiêu chí về cơ sở vật chất, kỹ thuật:

a) Đối với chợ:

- Khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm được chia theo nhóm hàng riêng biệt, để ngăn ngừa ô nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến...;

- Có khu xử lý chất thải trong chợ (khu xử lý nước thải và chất thải rắn) bảo đảm theo quy định;

- Hệ thống cống rãnh phải kín, thoát nước tốt, không gây ô nhiễm các vùng xung quanh; dụng cụ chứa đựng rác thải phải có nắp đậy và được thu gom xử lý hàng ngày;

- Có kho (hoặc thiết bị) lạnh để bảo quản thực phẩm phù hợp với quy mô của chợ;

- Có khu giết mổ gia cầm riêng, cách biệt khu bày bán thực phẩm;

- Có nhà vệ sinh, chậu rửa tay và thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ;

- Có đủ nước sạch sử dụng trong chợ.

b) Đối với thương nhân kinh doanh tại chợ:

* Đối với các thương nhân kinh doanh thực phẩm tươi sống:

- Bàn hoặc giá bày bán thực phẩm cao cách mặt đất ít nhất 60 cm;

- Mặt bàn bày bán thực phẩm tươi sống (gia súc, gia cầm, thủy hải sản...) được chế tạo bằng chất liệu dễ dàng làm vệ sinh (inox, gạch men,...);

- Trang thiết bị, dụng cụ có bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Đồ chứa đựng, dụng cụ, thiết bị chế biến, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh, được rửa sạch, khử trùng trước và sau khi sử dụng, không gây ô nhiễm thực phẩm;

- Sử dụng chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất tiêu độc an toàn, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng của con người và không gây ô nhiễm môi trường.

* Đối với các thương nhân kinh doanh thực phẩm chín và dịch vụ ăn uống tại chợ:

- Có dụng cụ, đồ chứa đựng và khu vực trưng bày riêng biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín;

- Nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm) và thực hiện quy trình chế biến một chiều (từ nguyên liệu đầu vào, sơ chế, chế biến thành sản phẩm đầu ra được bố trí theo một chiều duy nhất, giữa các khâu chế biến phải bảo được tách biệt tránh gây ô nhiễm chéo);

- Có quần áo bảo hộ, có mũ chụp tóc, bao tay trang bị cho người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm;

- Có bàn hoặc giá bày bán thực phẩm cao cách mặt đất ít nhất 60cm;

- Có tủ kính hoặc thiết bị bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng; ngăn được sự xâm nhập của ruồi và các côn trùng, động vật khác;

- Bảo đảm có đủ nước và đá sạch;

- Có dụng cụ chứa đựng rác thải có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày.

2.4. Công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất) việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn chợ được duy trì thường xuyên theo quy định của pháp luật; cán bộ chuyên trách được trang bị thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm kinh doanh trong chợ.

3. Quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể tham gia mô hình (Cán bộ của ban quản lý chợ, HTX, doanh nghiệp quản lý, kinh doanh chợ; thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ)

3.1. Quyền lợi

- Được phổ biến, tuyên truyền và phát miễn phí một số văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Được dự các lớp bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Được hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe;

- Một số thương nhân kinh doanh thực phẩm tiêu biểu được cấp miễn phí một số trang bị bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như: bàn hoặc mặt bàn bán thực phẩm tươi sống, tủ kính đựng thực phẩm chế biến (chủng loại và số lượng tùy theo điều kiện cụ thể của từng chợ và từng địa phương);

- Cán bộ quản lý chợ và một số đại diện thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ được đi tham quan, học kinh nghiệm của các chợ (trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa) làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Cán bộ chuyên trách kiểm tra chất lượng thực phẩm kinh doanh trong chợ của đơn vị quản lý chợ được tập huấn miễn phí về nghiệp vụ kiểm tra và được cấp một số thiết bị kiểm tra;

3.2. Trách nhiệm

a) Trách nhiệm chung

- Tham dự đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và nội quy chợ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Trách nhiệm cụ thể đối với Ban quản chợ, doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, kinh doanh chợ

- Hướng dẫn thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Bố trí, sắp xếp các điểm kinh doanh thực phẩm trong chợ bảo đảm các yêu cầu về trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại và phù hợp với tính chất của mặt hàng thực phẩm;

- Tổ chức các dịch vụ tại chợ nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Xây dựng Nội quy chợ theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ (sau đây gọi là Nghị định 02) và Nội quy mẫu theo Quyết định số 773/2003/QĐ-BTM ngày 24 tháng 6 năm 2003 do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ban hành để trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý chợ, trong đó quy địnhvề công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức điều hành và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền;

- Ngoài ra, thực hiện những trách nhiệm có liên quan khác được quy định tại Điều 9 của Nghị định số 02 và Thông tư 06/2003/TT-BTM ngày 15 tháng 8 năm 2003 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của ban quản lý chợ;

- Sử dụng hệ thống loa truyền thanh tuyên truyền, vận động thương nhân trong chợ chấp hành tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

c) Trách nhiệm cụ thể của thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ

- Cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và Nội quy của chợ về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Không bán hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

- Giữ gìn vệ sinh tại địa điểm kinh doanh;

- Thực hiện đúng các tiêu chí của chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

III. LỘ TRÌNH NHÂN RỘNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

Sau khi mô hình thí điểm “Chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” được xây dựng thành công sẽ nhân rộng mô hình từ năm 2013-2015, mỗi năm ít nhất 2-3 chợ, ưu tiên chợ hạng I, hạng II ở khu vực thành phố, thị xã và trung tâm huyện đại diện các vùng miền trong tỉnh, để sau năm 2015 sẽ triển khai rộng khắp trên địa bàn cả tỉnh.

Phần 3

GIẢI PHÁP HỖ TRỢ THỰC HIỆN DỰ ÁN “MÔ HÌNH CHỢ THÍ ĐIỂM BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM”

1. Nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm

2. Nhóm giải pháp về quy hoạch khu vực nuôi trồng và sản xuất các sản phẩm thực phẩm đảm bảo vệ sinh.

3. Nhóm giải pháp về phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi

4. Nhóm giải pháp về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các chủ thể tham gia mô hình thí điểm

5. Nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ

6. Nhóm giải pháp về hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn

7. Nhóm giải pháp về bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các chủ thể tham gia mô hình thí điểm

8. Nhóm giải pháp về xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm

Phần 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ

I. KẾ HOẠCH VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN DỰ ÁN

STT

NỘI DUNG

THỜI ĐIỂM HOÀN THÀNH

1

Khảo sát thực tế, nghiên cứu lựa chọn chợ đưa vào mô hình thí điểm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng Đề cương, dự toán kinh phí thực hiện Dự án

Đơn vị chủ trì sẽ bố trí lịch trình triển khai thực hiện cho phù hợp; hạn nộp báo cáo tổng kết thực hiện dự án về Bộ Công Thương trong tháng 1/2013

2

Tổ chức hội thảo, góp ý xây dựng Dự án

3

Chỉnh sửa, thẩm định và trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Dự án

4

Triển khai thực hiện Dự án trên thực tiễn

5

Tổng kết, đánh giá tác động về kinh tế, xã hội của việc thực hiện Dự án, báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Công Thương; đồng thời thực hiện kế hoạch nhân rộng mô hình theo lộ trình được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.

II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Công Thương

2. Trách nhiệm của các Sở, ban ngành khác

2.1. Sở Y tế

2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

2.3. Sở Tài chính

2.4. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

2.5. Trách nhiệm của Ban quản lý chợ; doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý và kinh doanh chợ tham gia mô hình thí điểm

III. KIẾN NGHỊ ĐỂ HOÀN THIỆN VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

1. Đối với UBND tỉnh Thanh Hóa

2. Đối với Bộ Công Thương

3. Bộ Y tế

4. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư

5. Đối với Bộ Tài chính

6. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

IX. Thời gian xây dựng và triển khai thực hiện dự án: Từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 12 năm 2012.

X. Sản phẩm của dự án:

- Báo cáo tổng hợp và thuyết minh của dự án;

- Phụ lục hệ thống bảng biểu số liệu kèm theo;

- Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

XI. Đối tượng hưởng lợi dự án:

- Người tiêu dùng các sản phẩm nông sản và thủy sản thực phẩm chủ yếu (tươi sống và đã qua sơ chế, chế biến), bao gồm: thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản; rau, củ, quả.... thông qua việc mua, bán tại chợ Tây Thành, thành phố Thanh Hóa;

- Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh tại chợ.

XII. Kinh phí thực hiện dự án:

- Nhà nước hỗ trợ:

+ Từ nguồn ngân sách Trung ương : 500 triệu đồng (theo Quyết định số 512/QĐ-TTg ngày 29/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012);

+ Từ nguồn ngân sách tỉnh;

- Từ các nguồn khác:

+ Doanh nghiệp đầu tư

+ Hộ kinh doanh đầu tư;

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thông và các đơn vị có liên quan xây dựng Dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”; trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Sở Tài chính căn cứ các quy định của Nhà nước, nghiên cứu, đề xuất việc cấp kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ triển khai Dự án; trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Các Ông/Bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Tài chính và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 (để thực hiện);
- CT, PCT UBND tỉnh (để báo cáo);
- Bộ Công Thương (để báo cáo);
- Lưu: VT, KTTC(2).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đình Thọ

 





Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ Ban hành: 14/01/2003 | Cập nhật: 22/02/2013