Quyết định 20/2012/QĐ-UBND quy định trình tự triển khai công tác bảo trì đường bộ, thủy nội địa sử dụng vốn sự nghiệp giao thông đối với công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Số hiệu: 20/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Lê Thanh Cung
Ngày ban hành: 11/06/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2012/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một , ngày 11 tháng 6 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA SỬ DỤNG VỐN SỰ NGHIỆP GIAO THÔNG ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính Phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ;

Căn cứ Nghị định 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình ;

Căn cứ Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ Xây dựng về việc qui định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về Quy chế quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 10/2008/TTLT/BTC-BGTVT ngày 30/01/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế quản lý, bảo trì đường bộ;

Căn cứ Thông tư 10/2010/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ Giao thông Vận tải Quy định về quản lý và bảo trì đường bộ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 75/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 06/6/2011 của Bộ Tài chính – Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn lập và quản lý giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước;

Theo đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 414/TTr-GTVT ngày 24/4/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định trình tự triển khai công tác bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa sử dụng vốn sự nghiệp giao thông đối với các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương, như sau:

1. Đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên cầu đường bộ (kiểm tra, đăng kiểm hệ thống đường giao thông, lắp đặt mới, bổ sung, chỉnh sửa hệ thống tín hiệu giao thông, phát quang, tỉa cành, duy tu dặm vá nền, mặt đường, …), đường thủy nội địa: Đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy tu, sửa chữa cầu đường bộ (là đơn vị công ích hoặc các doanh nghiệp có chức năng được chọn đặt hàng đầu năm), đường thủy nội địa kết hợp với chủ đầu tư (Sở Giao thông Vận tải đối với hệ thống cầu đường bộ, đường thủy nội địa do tỉnh quản lý; Ủy ban nhân dân các huyện - thị đối với hệ thống cầu, đường bộ, đường thủy do huyện - thị quản lý), tiến hành xác định khối lượng cần phải duy tu, sửa chữa. Trên cơ sở đó, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý lập hồ sơ dự toán (hồ sơ dự toán phải có thuyết minh chi tiết gắn với đoạn đường, khối lượng, kinh phí, tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu, … và không tính chi phí lập dự toán). Đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy tu, sửa chữa cầu đường bộ, đường thủy nội địa trình chủ đầu tư thẩm định, ra quyết định phê duyệt dự toán và tiến hành các công việc tiếp theo.

2. Đối với các công tác sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất; cải tạo, thay thế hoặc tăng khẩu độ cống; cải tạo mở rộng giao lộ, đường cong; …, xử lý “điểm đen”: Đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy tu, sửa chữa cầu đường bộ, đường thủy nội địa tiến hành kiểm tra, kiến nghị đơn vị quản lý (chủ đầu tư). Chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn khảo sát và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy tu, sửa chữa cầu đường bộ, đường thủy nội địa trình chủ đầu tư thẩm định, ra quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và tiến hành các công việc tiếp theo.

3. Định mức:

a. Đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên cầu đường bộ, đường thủy nội địa: Sử dụng Định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 3479/2001/QĐ-BGTVT ngày 19/10/2001 của Bộ Giao thông Vận tải; Thông tư số 48/2011/TT-BGTVT ngày 20/7/2011 của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật quản lý, bảo trì đường thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 39/2004/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải .

b. Đối với các công tác sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất; cải tạo, thay thế hoặc tăng khẩu độ cống; cải tạo mở rộng giao lộ, đường cong; …, xử lý “điểm đen” đường bộ, đường thủy nội địa: Áp dụng định mức như quy định đối với công trình xây dựng cơ bản.

4. Đơn giá: Sử dụng đơn giá theo qui định hiện hành về công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ, đường thủy nội địa, đơn giá xây dựng cơ bản; Đối với những hạng mục công việc không có trong đơn giá ( đơn giá duy tu sửa chữa, đơn giá xây dựng cơ bản ) thì được lập đơn giá riêng.

5. Tiêu chuẩn nghiệm thu:

a. Đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ: Áp dụng Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 1527/2003/QĐ-BGTVT ngày 28//5/2003 của Bộ Giao thông Vận tải và các qui định khác có liên quan .

b. Đối với công tác sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất; cải tạo, thay thế hoặc tăng khẩu độ cống; cải tạo mở rộng giao lộ, đường cong; …, xử lý “điểm đen” đường bộ, đường thủy nội địa: Áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật như quy định đối với công trình xây dựng cơ bản.

6. Tổng hợp dự toán cho công tác bảo dưỡng thường xuyên; công tác sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất; cải tạo, thay thế hoặc tăng khẩu độ cống; cải tạo mở rộng giao lộ, đường cong; …, xử lý “điểm đen” đường bộ, đường thủy nội địa (đính kèm phụ lục).

7. Ngoài các nội dung trên, các công việc khác còn lại thực hiện theo hướng dẫn chế độ quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế quản lý, bảo trì đường bộ tại Thông tư Liên tịch số 10/2008/TTLT/BTC-BGTVT của Liên Bộ Tài chính - Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 30/5/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định thủ tục và trình tự triển khai các công trình giao thông sử dụng vốn sự nghiệp giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Sở Tài chính triển khai, hướng dẫn việc thực hiện Quyết định này cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Cung

 

PHỤ LỤC I

BẢNG TỔNG HỢP DỰ TOÁN CHO CÔNG TÁC BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN ; CÔNG TÁC SỬA CHỮA ĐỊNH KỲ VÀ SỬA CHỮA ĐỘT XUẤT, CẢI TẠO THAY THẾ HOẶC TĂNG KHẨU ĐỘ CỐNG, CẢI TẠO THAY THẾ HOẶC TĂNG KHẨU ĐÔ CỐNG, CẢI TẠO MỞ RỘNG GIAO LỘ, ĐƯỜNG CONG, …, XỬ LÝ "ĐIỂM ĐEN"

(Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /2012/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

1. Kết cấu giá sản phẩm, dịch vụ công ích:

TT

Nội dung

Cách tính

1

Chi phí vật liệu (VL)

2

Chi phí nhân công (NC)

3

Chi phí máy (M)

4

Chi phí trực tiếp khác (TT)

(Riêng công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hầm đường bộ, chi phí trực tiếp khác được tính tối đa bằng 4,0% tổng chi phí vật liệu, nhân công, chi phí máy)

5

Chi phí chung (C)

 

 

- Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ; quản lý, bảo trì thường xuyên đường thuỷ nội địa:

NC x 66%

 

- Sửa chữa vừa, sửa lớn đường bộ; sửa chữa không thường xuyên đường thuỷ nội địa:

(VL+NC+M+TT) x 5,3%

6

Thu nhập chịu thuế tính trước (TL)

7

Giá sản phẩm, dịch vụ công ích trước thuế (GTT)

8

Thuế giá trị gia tăng (TGTGT)

9

Giá sản phẩm, dịch vụ công ích sau thuế (G)

- Trong đó :

+ Qj là khối lượng công tác quản lý, bảo trì thứ j (j=1¸n).

+ DjVL, DjNC, DjM là chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy của công tác quản lý, bảo trì thứ j. Chi phí vật liệu (DjVL), chi phí nhân công (DjNC), chi phí máy thi công (DjM) được tính toán chi tiết theo Phụ lục số 02 của Quyết định này.

+ Knc, Kmtc là hệ số điều chỉnh nhân công, máy (nếu có).

+ GTT: Giá sản phẩm, dịch vụ công ích trước thuế.

+ TGTGT: Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa.

+ G: Giá sản phẩm, dịch vụ công ích sau thuế.

2. Đối với các chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 4 của Thông tư liên tịch số 75/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 06/6/2011 của Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải, được tính riêng cho từng nhiệm vụ cụ thể.

 

PHỤ LỤC SỐ 02

BẢNG TỔNG HỢP DỰ TOÁN CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2012/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

1. Chi phí nguyên, vật liệu, năng lượng (sau đây gọi chung là vật liệu)

Chi phí vật liệu được xác định theo công thức:

Trong đó:

- Di : Lượng vật liệu thứ i (i=1÷n) tính cho một đơn vị khối lượng công việc quy định trong định mức kinh tế kỹ thuật.

- GVLi : Giá tại hiện trường của một đơn vị vật liệu thứ i (i=1÷n), được xác định như sau:

+ Được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật liệu sử dụng, gắn với vị trí nơi thi công. Giá vật liệu xác định trên cơ sở giá thị trường, từ các nguồn thông tin: do tổ chức có chức năng cung cấp, hoặc báo giá của nhà sản xuất, hoặc thông tin giá của nhà cung cấp, hoặc giá của loại vật liệu có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự đã và đang được áp dụng cho công trình khác và được tính đến hiện trường công trình;

+ Đối với những vật liệu không có trên thị trường nơi thi công thì giá vật liệu bằng giá mua gốc xác định theo giá thị trường phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng và xuất xứ hàng hóa, cộng chi phí vận chuyển đến hiện trường và các chi phí khác có liên quan. Việc tính chi phí vận chuyển đến hiện trường và các chi phí khác có liên quan thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

+ Giá vật liệu sử dụng để tính toán là giá vật liệu chưa bao gồm thuế giá trị tăng.

- KVL : Hệ số tính chi phí vật liệu khác so với tổng chi phí vật liệu chính quy định trong định mức kinh tế kỹ thuật.

- Trường hợp chi phí năng lượng (điện, xăng, dầu) vận hành máy, thiết bị đã tính trong đơn giá ca máy thì không tính trong khoản chi phí này.

2. Chi phí nhân công

Chi phí nhân công được xác định theo công thức:

NC = B x gNC

Trong đó:

- B: lượng hao phí lao động tính bằng ngày công trực tiếp theo cấp bậc bình quân cho một đơn vị khối lượng công việc quy định trong định mức kinh tế kỹ thuật.

- gNC: đơn giá ngày công của công nhân trực tiếp được xác định trên cơ sở lương tối thiểu vùng, lương cấp bậc, các khoản phụ cấp lương; khoản lương phụ tính bằng 12% lương cơ bản; một số chi phí có thể khoán trực tiếp cho người lao động tính bằng 4% lương cơ bản; các phụ cấp khác nếu có.

- Trường hợp chi phí tiền công của công nhân vận hành máy, thiết bị đã tính trong đơn giá ca máy thì không tính trong khoản chi phí này.

3. Chi phí máy

Chi phí máy, thiết bị thi công được xác định bằng công thức sau:

        n

M = S(Mi x giMTC) (1 + KMTC)

       i=1

Trong đó:

- Mi: Lượng hao phí ca máy của loại máy, thiết bị thi công chính thứ i (i=1÷n) tính cho một khối lượng công việc quy định trong định mức kinh tế kỹ thuật.

- giMTC: Giá ca máy của loại máy, thiết bị thi công thứ i (i=1÷n) theo bảng giá ca máy và thiết bị thi công của công trình hoặc giá thuê máy xác định theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

- KMTC : Hệ số tính chi phí máy khác (nếu có) so với tổng chi phí máy, thiết bị chính quy định trong định mức kinh tế kỹ thuật.

- Giá ca máy sử dụng để tính toán là giá chưa bao gồm thuế giá trị tăng.

4. Chi phí trực tiếp khác

Chi phí trực tiếp khác bao gồm chi phí cho những công tác cần thiết phục vụ trực tiếp nhiệm vụ được giao như: di chuyển lực lượng lao động, máy thiết bị trong nội bộ công trường, bảo vệ môi trường cho người lao động và môi trường xung quanh, an toàn lao động, đảm bảo giao thông và chi phí khác chưa xác định trong định mức tiêu hao vật tư, nhân công, máy thiết bị.

Chi phí trực tiếp khác được tính tối đa bằng 1% tổng chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí máy. Riêng công tác quản lý, bảo trì dưỡng thường xuyên hầm đường bộ, chi phí trực tiếp khác được tính tối đa bằng 4,0% tổng chi phí vật liệu, nhân công, chi phí máy.

5. Chi phí chung

Chi phí chung bao gồm: chi phí tiền lương và các khoản chi có tính chất lương, các khoản đóng góp và các chế độ khác cho bộ máy quản lý; các khoản đóng góp và các chế độ khác của lao động trực tiếp sản xuất (chưa tính trong chi phí nhân công trực tiếp sản xuất); chi phí điện, nước, điện thoại, xăng xe, công tác phí, văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ cho bộ máy quản lý; chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ bộ máy quản lý đối với doanh nghiệp; chi hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết của đơn vị; chi phí chuyển quân, chi phí làm nhà tạm (hoặc thuê nhà trọ) cho lực lượng thi công và các chi phí khác mang tính chất quản lý có liên quan đến việc thực hiện. Chi phí chung được tính như sau:

- Đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc nhiệm vụ quản lý, bảo trì thường xuyên đường thuỷ nội địa: tối đa bằng 66% chi phí nhân công trực tiếp sản xuất.

- Đối với sản phẩm dịch vụ công ích thuộc nhiệm vụ sửa chữa không thường xuyên đường thuỷ nội địa: tối đa bằng 5,3% chi phí trực tiếp (bao gồm chi phí vật liệu, nhân công, máy và chi phí trực tiếp khác).

- Đối với các nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão; ứng phó thiên tai, thảm hoạ: nếu phát sinh các khoản chí phí đãi ngộ cho các lực lượng tham gia theo quy định (nằm ngoài chi phí nhân công đã được quy định) thì chi phí chung sau khi xác định theo tỷ lệ nêu trên được bổ sung thêm các khoản chí phí đãi ngộ cho các lực lượng tham gia theo quy định.

6. Thu nhập chịu thuế tính trước:

Được tính tối đa bằng 6% tổng chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy, chi phí trực tiếp khác và chi phí chung.

7. Thuế giá trị gia tăng: Áp dụng theo quy định hiện hành.





Quyết định 18/2008/QĐ-UBND quy định giải thưởng Báo chí Ban hành: 09/05/2008 | Cập nhật: 24/07/2013