Quyết định 20/2010/QĐ-UBND ban hành Đề án xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
Số hiệu: 20/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Long An Người ký: Dương Quốc Xuân
Ngày ban hành: 30/06/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 20/2010/QĐ-UBND

Tân An, ngày 30 tháng 6 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TRONG CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 67/2008/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 12/5/2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước trên địa bàn tỉnh Long An;
Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 62/TTr-SVHTTDL ngày 04/6/2010; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại công văn số 540/STP-VBQP ngày 17/6/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Đề án này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Đề án xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động ở các khu, cum công nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT. HĐND tỉnh;
- TT.UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- TT. Tin học- Website;
- Phòng NCVX;
- Lưu: VT, V

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Dương Quốc Xuân

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TRONG CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 20 /2010/QĐ-UBND  ngày 30 /6/ 2010 của UBND tỉnh)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Thực trạng đời sống văn hóa công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp

Đến nay, toàn tỉnh có 23 khu công nghiệp và 42 cụm công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với khoảng 152 doanh nghiệp đăng ký, thu hút trên 40.000 lao động (trong đó nữ chiếm trên 76%). Phần lớn công nhân xuất thân từ nông thôn, chưa qua đào tạo nghề (năm 2010 có 40% công nhân lao động được đào tạo nghề), hiểu biết pháp luật và tác phong công nghiệp còn hạn chế, tiền lương thấp (từ 1,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng) nên cuộc sống khó khăn. Đa số công nhân lao động phải tự thuê nhà ở, nhà trọ không đủ tiện nghi, chật hẹp. Cường độ lao động cao, môi trường lao động, điều kiện an toàn vệ sinh lao động nhiều nơi chưa đảm bảo.

Mức hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí của công nhân lao động còn thấp, cấp độ còn đơn giản, chưa được tiếp nhận thông tin thường xuyên và đầy đủ, ngay cả về chính sách, pháp luật quy định về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đa số công nhân lao động không thường xuyên xem tivi, nghe đài (chiếm tỷ lệ trên 60%), không tập luyện thể dục thể thao (chiếm tỷ lệ trên 75%), việc đọc sách báo, học thêm về văn hóa và chuyên môn chiếm tỷ lệ rất thấp. Một bộ phận công nhân lao động có biểu hiện giảm sút về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện thiếu hiểu biết về pháp luật, dễ bị tác động, lôi kéo vào các vụ việc với mục đích tiêu cực; ứng xử, giao tiếp, xử lý mối quan hệ lao động còn nhiều hạn chế.

Tình hình trên do nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung lo sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm đầu tư và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao dành cho công nhân lao động hầu như không có. Môi trường văn hóa doanh nghiệp ở nhiều nơi còn hạn chế; quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và công nhân lao động chưa thật hài hòa.

2. Sự cần thiết xây dựng Đề án

- Xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp là chăm lo, củng cố nền tảng tinh thần của đội ngũ công nhân lao động trong tỉnh, là vấn đề bức xúc, cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Đây là giải pháp hữu hiệu để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

- Cần phát huy và tổ chức thực hiện tốt các chính sách, pháp luật khuyến khích xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí nhằm đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội.

- Đa dạng hóa nội dung, hình thức, mô hình tổ chức và hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với loại hình doanh nghiệp, với đối tượng công nhân lao động và quy hoạch xây dựng, phát triển khu dân cư, đô thị ở các địa phương trong tỉnh.

3. Những căn cứ xây dựng Đề án

- Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 12/5/2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh Long An.

- Quyết định số 67/2008/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 12/5/2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh Long An.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và toàn xã hội trong đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, tạo bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp, hướng tới xây dựng doanh nghiệp có môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2010-2015:

- Mỗi khu, cụm công nghiệp quy hoạch bố trí quỹ đất để xây dựng Nhà Văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân.

- Xây dựng 02 Nhà Văn hóa tại 02 khu công nghiệp: Tân Đức (huyện Đức Hoà) và Long Hậu (huyện Cần Giuộc).

- Trên 50% doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp có chương trình, kế hoạch và triển khai tổ chức xây dựng đời sống văn hóa phục vụ cho công nhân lao động.

- Trên 50% công nhân lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức tại doanh nghiệp hoặc khu dân cư.

2.2. Định hướng đến năm 2020:

- 100% khu, cụm công nghiệp quy hoạch và xây dựng Nhà văn hóa phục vụ công nhân lao động.

- 100% công nhân lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh.

3. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

3.1. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục

- Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là các doanh nghiệp về vị trí, tầm quan trọng, mục tiêu, nhiệm vụ và trách nhiệm xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp.

- Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chính trị, văn hóa và khoa học - kỹ thuật cho đội ngũ công nhân lao động. Tổ chức thực hiện các phong trào về xây dựng đời sống văn hóa, thu hút, tập hợp công nhân lao động tham gia, coi trọng giáo dục bằng hoạt động thực tiễn thông qua các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

3.2. Đẩy mạnh hoạt động xây dựng đội ngũ công nhân lao động; xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh

- Nâng cao hơn nữa về giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, có ý thức phấn đấu vượt khó vươn lên, không ngừng học tập nâng cao nhận thức về văn hóa, pháp luật, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp; có đạo đức, lối sống lành mạnh, không mắc tệ nạn xã hội; có tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội đoàn thể quần chúng và cộng đồng.

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, các chính sách, pháp luật, đảm bảo môi trường, an toàn vệ sinh lao động, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Có biện pháp tích cực, thường xuyên và hiệu quả nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động.

- Xây dựng quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và công nhân lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động. Tạo điều kiện cho công nhân lao động thành lập tổ chức chính trị- xã hội - nghề nghiệp, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí lành mạnh.

3.3. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân lao động

- Phát huy vai trò của Trung tâm Văn hóa- Thể thao các cấp ở địa phương, vừa phục vụ nhân dân trên địa bàn dân cư, vừa phục vụ công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp.

- Xây dựng và phát triển các mô hình thiết chế văn hóa, thể thao, các khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa theo phương châm xã hội hóa. Chú trọng xây dựng Nhà văn hóa dành cho công nhân lao động tham gia sinh hoạt.

- Gắn xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao với xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khu dân cư, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, cấp thoát nước, giao thông, thông tin, dịch vụ thương mại, công viên sinh thái - văn hóa,… phục vụ công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp.

3.4. Tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ, thông tin và thể thao tại doanh nghiệp và nơi ở tập trung của công nhân lao động

- Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn nghệ quần chúng; tập luyện, thi đấu các môn thể dục thể thao, vui chơi giải trí; sinh hoạt các loại hình CLB sở thích; sinh hoạt đoàn thể (công đoàn, thanh niên, phụ nữ,…); các hoạt động xã hội, cộng đồng, giao lưu, tham quan du lịch và các hoạt động khác.

3.5. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền

- Đưa nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng và chương trình, kế hoạch của chính quyền địa phương, cơ sở.

- Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm.

3.6. Phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng

- Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên tại các doanh nghiệp, thực sự là tổ chức chính trị- xã hội của công nhân lao động, cùng với người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân lao động, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động; tham gia giải quyết và xây dựng quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và công nhân lao động.

- Hỗ trợ các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở về chuyên môn để hình thành các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho công nhân lao động ngay tại doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.

- Đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp và vận động thanh niên công nhân lao động, hưởng ứng mạnh vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và nếp sống văn hóa lành mạnh trong công nhân lao động.

- Tăng cường hoạt động của Ban nữ công, hướng vào việc xây dựng nữ công nhân lao động có sức khoẻ, trí thức, kỹ năng nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống công nhân nữ.

3.7. Đẩy mạnh xã hội hóa đối với hoạt động văn hóa, thể thao

 Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ, kêu gọi và phát huy các nguồn lực xã hội, nhất là các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của công nhân lao động.

3.8. Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng

 Kịp thời biểu dương, khen thưởng công nhân lao động, các doanh nhân, doanh nghiệp, địa phương, cơ sở và cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh và sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Đưa nội dung Đề án vào chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố có khu, cụm công nghiệp.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn nội dụng hoạt động văn hóa, thể thao trong các khu, cụm công nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế và mang tính khả thi; đề ra quy chế hoạt động đối với các Nhà Văn hóa dành cho công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp; chủ động phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật,…với nhiều loại hình đa dạng, phong phú để phục vụ công nhân lao động, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cân đối vốn, phân bổ, giao chỉ tiêu kế hoạch xây dựng các công trình Nhà văn hóa ở các khu, cụm công nghiệp.

4. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc xây dựng, mẫu thiết kế và phê duyệt quy hoạch xây dựng các công trình Nhà văn hóa ở các khu, cụm công nghiệp.

5. Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và các ngành đoàn thể liên quan triển khai các chế độ chính sách đối với doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động; đồng thời đề xuất giải pháp liên kết với các doanh nghiệp đóng góp nguồn lực cùng với nhà nước xây dựng các Nhà Văn hóa, hoạt động chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức việc quy hoạch; thực hiện các chính sách, pháp luật về xã hội hóa và đầu tư hỗ trợ xây dựng các công trình văn hóa - xã hội và cơ sở hạ tầng dành cho công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn mình quản lý; xem xét đầu tư mở rộng một số Trung tâm Văn hóa- Thể thao xã ở gần khu, cụm công nghiệp để phục vụ vui chơi giải trí cho công nhân.

7. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các ngành, các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của công nhân đối với các chủ trương chính sách của đảng và nhà nước về giai cấp công nhân, đồng thời tổ chức các hoạt động hướng dẫn, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ sở và doanh nghiệp triển khai thực hiện Đề án.

8. Giao Ban chỉ đạo Đề án xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động ở các khu, cụm công nghịêp tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, điều hành thực hiện Đề án này. Thường trực Ban chỉ đạo nghiên cứu đề xuất giải pháp khả thi để xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao ở Khu công nghiệp Tân Đức và Long Hậu, quan tâm theo dõi, hướng dẫn thực hiện Đề án và định hàng năm báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

9. Các chủ doanh nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm trong chăm lo cải thiện đời sống vật chất và đời sống văn hóa cho đội ngũ công nhân lao động, quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở và các điều kiện cần thiết phục vụ vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho công nhân.

Căn cứ Đề án này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các Sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện hàng năm tại địa phương, đơn vị mình./.