Quyết định 1645/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020
Số hiệu: 1645/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Cầm Ngọc Minh
Ngày ban hành: 05/08/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1645/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 05 tháng 8 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẾN THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 09/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 355/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh Sơn La về việc Thông qua Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 12/01/2011 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 811/TTr-SGTVT ngày 09/7/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, với những nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Quan điểm phát triển

- Quy hoạch phát triển hệ thống bến thủy nội địa trên toàn tỉnh đi trước một bước, tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh giai đoạn 2013 - 2020; Phù hợp với quy hoạch đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không đã được phê duyệt.

- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải bền vững, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, vật liệu mới vào các lĩnh vực thiết kế, xây dựng. Coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển ngành.

- Xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

Toàn bộ mạng lưới giao thông vận tải đường thủy của tỉnh phải được gắn kết thành một hệ thống thống nhất, hình thành mạng lưới liên hoàn kết nối các vùng kinh tế động lực trong tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm, đảm bảo mối liên hệ với hệ thống giao thông của vùng, cả nước và đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2020; Phát triển giao thông vận tải đường thủy đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cho công tác phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu sản xuất phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh và khu vực Tây Bắc; Tạo điều kiện thúc đẩy và hội nhập kinh tế với cả nước và khu vực.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Xây dựng đồng bộ các cảng, bến trên Sông Đà, Sông Mã gắn liền với phát triển dịch vụ liên vận đường bộ - đường thuỷ hành khách, hàng hoá từ Lai Châu - Sơn La về Hoà Bình và ngược lại, kết hợp với vận tải khách du lịch trên vùng hồ Sông Đà.

- Tổ chức khoa học mạng lưới vận tải đường bộ, đường thuỷ trong tỉnh, tạo thành một mạng lưới vận tải thông suốt và cơ động. Phối hợp chặt chẽ giữa các loại hình và lực lượng tham gia vận tải đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

- Đảm nhận khối lượng vận tải hàng hoá và hành khách đặc biệt hàng hóa với khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng. Đáp ứng và kết nối thuận lợi với các phương thức vận tải khác.

- Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các tuyến vận tải thuỷ. Từng bước xây dựng các cảng, bến thuỷ nội địa kết nối với hệ thống giao thông vận tải toàn tỉnh, khu vực.

II. QUY HOẠCH BẾN THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020

Đến năm 2020, tổng số cảng, bến thuỷ nội địa là 200 cảng, bến; trong đó: 01 cảng tổng hợp; 07 cảng hàng hóa và hành khách; 07 cảng chuyên dùng; 67 bến hàng hóa, bến khách ngang sông; 118 bến khách ngang sông.

1. Các loại cảng

Tổng số cảng thuỷ nội địa đến năm 2020 là 15 cảng, trong đó: 01 cảng tổng hợp, 07 cảng hàng hóa và hành khách, 07 cảng chuyên dùng. Cụ thể:

- Nâng cấp cảng bản Két, xã Ít Ong huyện Mường La là cảng tổng hợp hàng hoá, chuyên dùng cấp IV và hành khách cấp III.

- Nâng cấp cảng Tà Hộc, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn là cảng hàng hóa cấp IV và hành khách cấp III.

- Nâng cấp cảng Vạn Yên, xã Tân Phong, huyện Phù Yên là cảng hàng hóa cấp cấp IV và hành khách cấp III.

- Nâng cấp 05 bến là cảng hàng hoá cấp IV, hành khách cấp III, có khả năng tiếp nhận tầu hàng < 400T, tầu khách >50 chỗ ngồi tại các vị trí cảng Pá Uôn xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai; Cảng Bản Tả xã Chiềng Hoa, huyện Mường La và cảng Tà Chiềng xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn; Cảng đầu cầu Tạ Khoa (Km 425, QL.37) xã Song Pe, huyện Bắc Yên và cảng Bản Giăng xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu.

- Nâng cấp 07 bến thành cảng chuyên dùng cấp IV có khả năng tiếp nhận tầu < 400T, tại các vị trí: Cảng bản Sa, xã Liệp Tè và bản Nà Cưa, xã Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu; bến Hua Trai, xã Hua Trai và bến Suối Chiến, huyện Mường La; Bến bản Phúc xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên; Bến Lồi xã Suối Bàng và bến Sao Tua xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu.

2. Bến hàng hóa và hành khách: Là bến phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách. Vị trí quy hoạch tại các địa điểm thuận lợi gần giao thông đường bộ, có địa hình, thuỷ văn ổn định để đảm bảo phương tiện ra vào thuận tiện, trung tâm cụm bản và các chợ ven sông. Cụ thể, đến năm 2020 có 67 bến, trong đó: huyện Quỳnh Nhai có 06 bến, huyện Mường La có 08 bến, huyện Thuận Châu có 09 bến, huyện Mai Sơn có 07 bến, huyện Bắc Yên có 14 bến, huyện Phù Yên có 08 bến, huyện Mộc Châu có 08 bến, huyện Sông Mã có 07 bến.

3. Bến khách ngang sông: Là bến thuỷ nội địa phục vụ vận tải hành khách ngang sông. Tổng bến khách ngang sông đến năm 2020 là 118 bến, trong đó: huyện Quỳnh Nhai có 69 bến, huyện Thuận Châu có 14 bến, huyện Mường La có 24 bến, huyện Bắc Yên có 04 bến, huyện Phù Yên có 05 bến, huyện Mộc Châu có 02 bến.

III. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2013 - 2015

Đầu tư xây dựng 136 bến, cảng, trong đó: 01 cảng hàng hóa và hành khách, 01 cảng chuyên dùng, 16 bến hàng hoá và hành khách, 118 bến khách ngang sông, trong đó có 01 cảng và 16 bến phân kỳ đầu tư giai đoạn 2015 - 2020.

2. Giai đoạn 2016 - 2020

Đầu tư xây dựng 64 bến, cảng, trong đó: 01 cảng tổng hợp, 06 cảng hàng hóa và hành khách, 06 cảng chuyên dùng, 51 bến hàng hoá và hành khách.

IV. DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

1. Cảng thủy nội địa

Cảng hàng hóa và hành khách Pá Uôn xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai; Cảng chuyên dùng bản Phúc, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên.

2. Bến thủy nội địa

- Bến hàng hóa và hành khách: Gồm 14 bến, cụ thể: Bến bản Dáng xã Nậm Ét, bến Chiềng Bằng, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai; bến bản Hát Hay, xã Chiềng Hoa, bến bản Áng, bến bản Nà Mong, xã Chiềng Lao, huyện Mường La; bến bản Tăng, xã Chiềng Sại, bến bản Đồng Giàng, bến bản Cải B, xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên; bến Vàng B, xã Đá Đỏ, bến bản Bắc Băn, xã Bắc Phong, huyện Phù Yên; bến Pơ Nang, xã Tân Hợp, bến Lòm, xã Quang Minh, huyện Mộc Châu; bến bản Nà, xã Chiềng Khương, bến bản Chiêng, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.

- Bến hàng hóa và hành khách ngang sông: Gồm 02 bến, cụ thể: Bến bản Kiểng và bến Bản Si, xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn.

V. KHÁI TOÁN NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

1. Tổng nhu cầu vốn đầu tư

907,73 tỷ đồng (chưa kể vốn đầu tư phương tiện vận tải thuỷ nội địa do các tổ chức, cá nhân tự đầu tư).

Đơn vị tính: Tỷ đồng

TT

Nội dung đầu tư

Tổng số

Phân kỳ đầu tư

Nguồn vốn

Giai đoạn 2013-2015

Giai đoạn 2015-2020

NSNN

Từ các thành phần kinh tế

01

Khảo sát, lập quy hoạch

0,40

0,40

 

0,40

 

02

Cảng các loại

391,13

45,66

345,47

138,98

252,15

03

Bến hàng hóa và hành khách

337,2

78,96

258,24

16,86

320,34

04

Bến ngang sông

179,00

179,00

 

179,00

 

 

Tổng số

907,73

304,02

603,71

335,24

572,49

2. Nguồn vốn thực hiện

- Các cảng hàng hoá và hành khách (gồm cảng Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai, cảng đầu cầu Tạ Khoa, huyện Bắc Yên và cảng bản Giăng, huyện Mộc Châu): Là các cảng công cộng trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng, trong nước và quốc tế, đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước.

- Các cảng hàng hoá và hành khách, các cảng chuyên dùng khác và bến hàng hoá và hành khách khác phục vụ cho việc kinh doanh của các thành phần kinh tế: Nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng (khoảng 5%), vốn huy động từ nguồn xã hội hoá (khoảng 95%) tổng giá trị đầu tư xây dựng.

- Cảng Bản Két, huyện Mường La, cảng Tà Hộc, huyện Mai Sơn, cảng Vạn Yên, huyện Phù Yên: Nhà nước đầu tư bằng vốn ODA theo Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2013 của Bộ Giao thông vận tải.

- Các bến khách ngang sông theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ: Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn di dân tái định cư thủy điện Sơn La.

- Các bến khách ngang sông theo Quyết định số: 1460/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ: Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ổn định di dân phát triển kinh tế xã hội vùng lòng hồ Hoà Bình (Đề án 1460).

- Các bến khách ngang sông thuộc đề án xây dựng nông thôn mới được đầu tư bằng vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia.

VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thuỷ nội địa

Tranh thủ các nguồn vốn do các bộ, ngành Trung ương để đầu tư phát triển cở sở hạ tầng giao thông đường thuỷ. Kết hợp chặt chẽ nguồn vốn của Trung ương, vốn của địa phương và vốn của các nhà đầu tư; tập trung ưu tiên các công trình trọng điểm, các công trình thuộc danh mục ưu tiên đầu tư; Xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2020. Trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút tốt các doanh nghiệp, chú trọng khai thác nguồn vốn ODA. Đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO; Cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục đầu tư; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn, minh bạch, phù hợp với các quy định của pháp luật.

2. Phát triển công nghiệp giao thông vận tải thuỷ

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp giao thông vận tải mở rộng liên doanh, liên kết trong và ngoài nước để huy động vốn, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và thực hiện lộ trình nội địa hóa; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các nguồn tài chính, công nghệ, phương tiện kỹ thuật mới.

3. Đổi mới tổ chức quản lý, cải cách hành chính

Sắp xếp lại các đơn vị quản lý theo mô hình chức năng, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thuỷ; Đổi mới quản lý hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thuỷ bằng phương pháp ứng dụng tin học và tiêu chuẩn quốc tế (ISO); Áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn, quy phạm ... trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì, vật liệu, công nghệ được sử dụng trong giao thông vận tải đường thuỷ. Khuyến khích áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới; Hiện đại hóa phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ; áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến.

4. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Mở rộng các hình thức đào tạo, đào tạo lại. Xã hội hoá công tác đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức và người lao động. Áp dụng chế độ tuyển dụng công khai qua thi cử, thử việc...; Cần có sự đầu tư tập trung nâng cao năng lực và trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, để nâng cao trình độ nguồn lực. Thường xuyên tổ chức các khoá học tập huấn hướng dẫn các tiêu chuẩn kỹ thuật, các nghị quyết, chế độ chính sách cho các công chức và viên chức đang thực hiện nhiệm vụ để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trình độ quản lý nhà nước; Có chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi đối với người lao động trong điều kiện lao động đặc thù của ngành giao thông vận tải thuỷ, ở các vùng ven lòng hồ Sông Đà và Sông Mã.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải

Tổ chức công bố, công khai quy hoạch để các tổ chức, cá nhân được biết, thực hiện theo nội dung quy hoạch được duyệt; Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

2. Các sở, ban, ngành của tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện trong việc chỉ đạo thực hiện và quản lý quy hoạch.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Hàng năm cân đối và bố trí vốn ngân sách nhà nước để thực hiện quy hoạch.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Bố trí quỹ đất để thực hiện quy hoạch, kiểm tra việc bảo vệ môi trường tại bến và tuyến đường thuỷ nội địa.

- Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông: Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, vận tải đường thủy nội địa, phương tiện, thuyền viên và người lái.

3. UBND các huyện, thành phố

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, UBND các huyện, thành phố tổ chức quản lý, bảo vệ hành lang, bảo vệ luồng tuyến, bến bãi thuộc địa phận quản lý. Bảo vệ trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương, bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

4. Đối với các nhà đầu tư

Trong quá trình quản lý, khai thác Nhà nước tạo điều kiện cho tất các thành phần kinh tế khác nhau tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong bến, khi thỏa mãn những điều kiện về kinh doanh vận tải, tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Ưu tiên những doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy cùng tham gia quản lý khai thác.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ; (Báo cáo)
- TT HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- TT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT. KTN, Văn. 50 bản.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cầm Ngọc Minh