Quyết định 1621/QĐ-UBND năm 2014 Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình đến 2020 tầm nhìn đến 2030
Số hiệu: 1621/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình Người ký: Nguyễn Văn Quang
Ngày ban hành: 30/10/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1621/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 30 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG  HUYỆN LƯƠNG SƠN ĐẾN NĂM 2020 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26-11-2013;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26-11-2003;

Căn cứ Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24-01-2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết 31/NQ-TTg ngày 14-7-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số huyện và thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình;

Căn cứ Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 11-06-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 25-09-2012 của Ủy ban nhân dân Hòa Bình về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1317/QĐ-UBND ngày 23-6-2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lương Sơn;

Căn cứ Quyết định số 865/QĐ-UBND ngày 01-7-2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục các vùng lãnh thổ, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cần lập, điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2015,

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 1185/BC-SXD ngày 15-10-2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lương Sơn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, như sau:

1. Tên đồ án: Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lương Sơn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030;

2. Phạm vi nghiên cứu, đơn vị hành chính và quy mô dân số:

a) Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ huyện Lương Sơn, tổng diện tích tự nhiên là 36.985 ha, có vị trí địa lý như sau:

- Phía Bắc giáp với huyện Kỳ Sơn;

- Phía Nam giáp với huyện Kim Bôi;

- Phía Đông giáp với Thủ đô Hà Nội;

- Phía Tây giáp với thành phố Hòa Bình.

b) Đơn vị hành chính: Toàn huyện có 20 đơn vị hành chính gồm các xã: Cao Răm, Cư Yên, Hòa Sơn, Hợp Hòa, Lâm Sơn, Liên Sơn, Nhuận Trạch, Tân Vinh, Thành Lập, Tiến Sơn, Trường Sơn, Trung Sơn, Tân Thành, Cao Dương, Hợp Châu, Cao Thắng, Long Sơn, Thanh Lương, Hợp Thành và thị trấn Lương Sơn.

c) Quy mô dân số: 93.000 người.

3. Mục tiêu:

- Điều chỉnh định hướng phát triển không gian vùng huyện Lương Sơn phù hợp với sự thay đổi ranh giới hành chính của huyện; gắn kết các động lực phát triển mới trong bối cảnh quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đã được hình thành.

- Cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, xác định huyện Lương Sơn là vùng động lực phát triển phía Đông Bắc của tỉnh, làm tiền để phát triển không gian vùng huyện Lương Sơn.

- Phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội, ngoại vùng; các thế mạnh về công nghiệp, năng lượng, khoáng sản, nông lâm nghiệp, văn hóa, du lịch sinh thái và cảnh quan trên cơ sở gắn với quy hoạch xây dựng không gian vùng huyện Lương Sơn.

4. Tính chất vùng:

- Là vùng động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; là trung tâm phát triển kinh tế tổng hợp, có vai trò trọng điểm trong sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh;

- Là vùng phát triển về đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại của tỉnh;

- Là vùng phát triển giao thoa giữa vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.

5. Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch:

- Đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng xây dựng đô thị, các nguồn lực phát triển, các khu vực dân cư đô thị - nông thôn, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện; phân tích mối quan hệ liên vùng tỉnh, vùng Thủ đô Hà Nội gắn kết vùng trung du miền núi phía Bắc và các vùng kinh tế trọng điểm khác.

- Nghiên cứu các cơ sở hình thành và phát triển hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn chủ yếu là: Cơ sở kinh tế, kỹ thuật theo quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội được duyệt; dân số, lao động, xã hội và mức độ đô thị hóa; sử dụng đất đai và lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật phát triển phù hợp với chiến lược phân bố dân cư toàn quốc cho các giai đoạn, đặc biệt trong vùng tỉnh Hòa Bình và vùng Thủ đô Hà Nội.

- Rà soát các khu vực quy hoạch đô thị thị trấn, các xã, khu công nghiệp, khu du lịch đã được phê duyệt có liên quan đến các tuyến đường giao thông, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch để nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các điểm đô thị trong tương lai trên địa bàn huyện, xây dựng không gian quy hoạch đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng.

- Xây dựng định hướng phát triển không gian hệ thống các đô thị và điểm dân cư nông thôn, tổ chức không gian các cơ sở công nghiệp, du lịch, thương mại chủ yếu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên của từng khu vực, đảm bảo quốc phòng, an ninh và khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản hợp lý của toàn vùng huyện.

- Xây dựng định hướng khung kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên phạm vi toàn huyện và liên vùng.

- Xây dựng kế hoạch đầu tư ưu tiên, các dự án phát triển mang tầm vùng và khu vực.

6. Các nội dung nghiên cứu quy hoạch:

6.1. Yêu cầu về đánh giá hiện trạng vùng huyện Lương Sơn:

- Phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên.

- Đánh giá hiện trạng các nội dung về kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật toàn vùng;

- Các tiền đề phát triển vùng huyện Lương Sơn.

6.2. Định hướng phát triển không gian vùng huyện Lương Sơn trong tỉnh Hòa Bình:

- Phát triển vùng đô thị, công nghiệp thành phố Hòa Bình - huyện Kỳ Sơn - huyện Lương Sơn gắn với hành lang kinh tế Quốc lộ 6 và đường cao tốc Hoà Lạc - thành phố Hoà Bình, liên kết với Thủ đô Hà Nội.

- Tập trung đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ tạo thành trục phát triển mang tính động lực của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh, là động lực kéo theo các vùng khác phát triển.

- Đô thị trung tâm huyện Lương Sơn:

+ Quy mô dân số đô thị năm 2020 khoảng 50.000 người, năm 2030 khoảng 65.000-70.000 người; phấn đấu là đô thị loại IV trước năm 2020.

+ Chức năng đô thị: Trước mắt là đô thị trực thuộc huyện Lương Sơn tiến tới là đô thị trực thuộc tỉnh; là trung tâm công nghiệp dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu kinh tế văn hóa xã hội phía Bắc tỉnh, phát triển các dịch vụ du lịch vùng nam Ba Vì và phát triển công nghiệp công nghệ cao vùng Hà Nội.

- Xây dựng mới đô thị Chợ Bến: Đạt đô thị loại V, là đô thị hành chính, chính trị, kinh tế, xã hội của huyện trong định hướng phát triển quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình.

- Đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp: Khu công nghiệp Lương Sơn, khu công nghiệp Nam Lương Sơn, khu công nghiệp Nhuận Trạch (huyện Lương Sơn).

- Quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến đường Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Lương Sơn) cho phát triển các cụm, điểm công nghiệp, dịch vụ.

6.3. Định hướng chức năng và tổ chức không gian vùng huyện Lương Sơn:

a) Về công nghiệp:

- Phát triển các khu, cụm công nghiệp: Khu công nghiệp Lương Sơn, khu công nghiệp Nam Lương Sơn, khu công nghiệp Nhuận Trạch (huyện Lương Sơn), cụm công nghiệp Vitaco.

- Tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp ở các xã, thị trấn dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6, Quốc lộ 12, thu hút các dự án đầu tư, tiến đến lấp đầy diện tích đất các khu công nghiệp.

b) Về nông, lâm, ngư nghiệp:

- Vê nông nghiệp: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác, phát triển sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm sạch; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao, nhiều sản phẩm có thương hiệu, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là công nghệ sinh học và cơ giới hóa để nâng cao năng xuất lao động và thu nhập cho nhân dân; là khu vực cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch cho khu vực Hà Nội.

- Về lâm nghiệp: Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu từ rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường, cảnh quan cho du lịch sinh thái; tăng cường chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa những giống mới vào sản xuất.

- Về thủy sản: Phát triển thủy sản theo hướng đa dạng, tận dụng tối đa tiềm năng mặt nước; áp dụng quy trình công nghệ nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Kết hợp nuôi thả các giống thủy sản truyền thống với nuôi các loại thủy sản đặc sản; phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên sông, suối tập trung như sông Bùi thuộc xã Tân Vinh, Nhuận Trạch, thị trấn Lương Sơn.

c) Về thương mại:

- Phát triển ngành thương mại của huyện tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế của vùng cửa ngõ của tỉnh với Thủ đô Hà Nội. Phát triển thương mại trở thành đòn bẩy để phát triển ngành sản xuất và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội;

- Hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ thương mại trên địa bàn theo hướng kết hợp giữa phát triển thương mại tại khu vực đô thị với phát triển thị trường nông thôn; phát triển các chợ đầu mối để thu mua sản phẩm của nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại tại đô thị và các trung tâm huyện lỵ, thị trấn...

- Quy hoạch và nâng cấp hệ thống chợ nông thôn; xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị ở khu trung tâm và khu vực đầu mối giao thông tại thị trấn Lương Sơn, các thị trấn, trung tâm cụm xã.

d) Về du lịch:

- Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện, của tỉnh, nhất là vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, môi trường sinh thái để đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, của tỉnh.

- Phát triển du lịch của tỉnh gắn với du lịch vùng Bắc Bộ, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và cả nước. Gắn phát triển du lịch với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương, tôn tạo các khu di tích lịch sử.

- Phát huy lợi thế địa phương có Sân golf Phượng Hoàng (Lương Sơn), đây là một trong các sân golf lớn nhất cả nước, là điểm thu hút khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa có thu nhập cao, góp phần đẩy du lịch của huyện cũng như của tỉnh phát triển.

đ) Định hướng phát triển hệ thống đô thị:

- Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa của huyện trên cơ sở mở rộng các đô thị hiện có và xây dựng các đô thị mới, gắn với phát triển các khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch.

- Quy hoạch và chuẩn bị tốt các điều kiện để thị trấn Lương Sơn đủ điều kiện là đô thị loại IV trước năm 2020; phát triển hạ tầng, nâng cấp và hình thành thị trấn mới tại khu vực Chợ Bến.

- Phát triển đô thị gắn liền với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trong đó quan tâm đến công nghiệp sạch và các dịch vụ du lịch, thương mại, bưu chính viễn thông, khách sạn nhà hàng, vui chơi giải trí, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng khác.

e) Định hướng phát triển nông thôn:

- Rà soát, xây dựng mới và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; quy hoạch phát triển nông thôn; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề; quy hoạch phát triển giao thông nông thôn..., bảo đảm tính thống nhất và khả thi của các đồ án quy hoạch; khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong công tác quy hoạch, dành quỹ đất để phát triển khu công nghiệp, du lịch và dịch vụ.

- Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, trọng tâm là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; xây dựng mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật ở cơ sở, hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản và bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

- Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Lồng ghép nguồn vốn của các chương trình dự án để đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng đồng bộ hệ thống hồ chứa, công trình thuỷ lợi, kênh mương nội đồng, nhằm nâng cao hiệu quả của các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất.

- Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa nông thôn, phát triển các thị trấn, thị tứ, mở mang các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tại các tụ điểm dân cư tập trung ở khu vực nông thôn, tạo các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa - xã hội, hỗ trợ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

f) Định hướng các khu kinh tế, hành chính: Đề xuất tổ chức hệ thống mạng lưới đô thị, điểm dân cư nông thôn; phân cấp, phân loại theo không gian lãnh thổ và quản lý hành chính; xây dựng mô hình phát triển hệ thống mạng lưới đô thị, điểm dân cư nông thôn, các vùng, các trục hành lang đô thị hóa.

g) Định hướng hệ thống các trung tâm, công trình hạ tầng xã hội:

- Đề xuất các trung tâm giáo dục, đào tạo, văn hóa, nghệ thuật, y tế, thể dục thể thao, ... có quy mô lớn, mang ý nghĩa vùng huyện, tỉnh.

- Các trung tâm thương mại, dịch vụ cấp huyện, tỉnh.

- Các vùng hoặc khu du lịch, nghỉ dưỡng, các khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường và các di tích văn hóa - lịch sử có giá trị.

6.4. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

a) Chuẩn bị kỹ thuật:

- Phân tích, đánh giá về địa hình, các biến đổi địa chất như: Động đất, sụt lún, trượt, xói lở núi, sông, suối, … cảnh báo các vùng cấm và hạn chế xây dựng;

- Các giải pháp về phòng chống và xử lý các tai biến địa chất, ngập lụt.

- Xác định lưu vực, hướng thoát nước chính.

- Cập nhật quy hoạch thủy lợi của vùng nghiên cứu.

b) Giao thông:

- Nghiên cứu chiến lược phát triển giao thông quốc gia liên quan trực tiếp đến vùng.

- Phân tích mô hình phát triển và xác định các hành lang giao thông quan trọng.

- Tổ chức mạng lưới và xác định quy mô các tuyến giao thông đường bộ. Xác định tính chất, quy mô các công trình giao thông: Bãi đỗ xe ô tô, bến xe, ...

- Đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và hành lang bảo vệ các công trình giao thông.

- Quy hoạch giao thông đô thị và nông thôn.

c) Cấp nước:

- Xác định trữ lượng nguồn nước trong vùng huyện bao gồm: Chất lượng nguồn nước, trữ lượng và đánh giá tài nguyên nước mặt, nước dưới đất (kể cả nước nóng).

- Các chỉ tiêu và tiêu chuẩn áp dụng.

- Dự báo tổng hợp các nhu cầu dùng nước (sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ...).

- Giải pháp cân bằng nguồn nước.

- Xác định các phương án kinh tế kỹ thuật lựa chọn nguồn nước và phân vùng cấp nước.

- Đề xuất các giải pháp cấp nước.

- Xác định quy mô các công trình đầu mối, dây chuyền công nghệ xử lý nước, hệ thống truyền tải nước chính.

- Đưa ra các giải pháp về bảo vệ nguồn nước và các công trình đầu mối cấp nước.

d) Cấp điện:

- Xác định chỉ tiêu và tiêu chuẩn cấp điện.

- Dự báo nhu cầu sử dụng điện.

- Xác định nguồn điện: Các nhà máy điện, trạm biến áp nguồn.

- Các giải pháp cấp điện lưới, truyền tải và phân phối điện.

e) Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang:

- Xác định các chỉ tiêu nước thải, chất thải rắn, đất nghĩa trang theo loại đô thị.

- Dự báo tổng khối lượng nước thải, chất thải rắn, nhu cầu đất nghĩa trang.

- Các giải pháp lớn về lựa chọn hệ thống thoát nước thải các đô thị, các khu chức năng lớn.

7. Đánh giá môi trường chiến lược của đồ án:

- Dự báo, đánh giá tác động đối với môi trường của các phương án quy hoạch xây dựng vùng, làm cơ sở lựa chọn phương án quy hoạch tối ưu, đảm bảo phát triển bền vững.

- Các vấn đề môi trường đã và chưa được giải quyết trong đồ án quy hoạch.

- Kiến nghị các phương án tổng thể giải quyết các vấn đề môi trường còn tồn tại trong đồ án quy hoạch.

8. Các dự án ưu tiên đầu tư: Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư chủ yếu có ý nghĩa tạo động lực phát triển đô thị về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội và bảo vệ môi trường; sắp xếp danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên, xác định về quy mô xây dựng, phân kỳ đầu tư, dự báo nhu cầu vốn và kiến nghị nguồn vốn đầu tư.

9. Cơ chế quản lý phát triển vùng huyện: Phân tích đánh giá tổng hợp và đưa ra cơ chế phát triển vùng.

10. Hồ sơ sản phẩm quy hoạch: Thực hiện theo Báo cáo thẩm định số 1185/BC-SXD ngày 15-10-2014 của Sở Xây dựng.

11. Kinh phí, nguồn vốn lập quy hoạch:

a) Kính phí lập quy hoạch: 2.136.000.000 đồng (Bằng chữ: Hai tỷ, một trăm ba mươi sáu triệu đồng chẵn). Trong đó:

- Chi phí khảo sát: 336.000.000 đồng.

- Chi phí lập quy hoạch: 1.800.000.000 đồng.

b) Nguồn vốn: Vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách tỉnh từ năm 2015.

12. Tổ chức thực hiện:

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2014 (Thời gian lập quy hoạch 12 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lương Sơn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt.

- Đơn vị chủ đầu tư: Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình;

- Cơ quan thẩm định: Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình;

- Cơ quan phê duyệt: Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình;

- Đơn vị tư vấn: Thực hiện theo quy định.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lương Sơn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quang

 





Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng Ban hành: 24/01/2005 | Cập nhật: 06/12/2012