Quyết định 1606/QĐ-UBND năm 2013 về Đề án Đẩy mạnh hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2013-2015 và tầm nhìn đến năm 2020
Số hiệu: 1606/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Lê Phước Thanh
Ngày ban hành: 17/05/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngoại giao, điều ước quốc tế, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1606/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 17 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2013-2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế;

Xét đề nghị của Sở Ngoại vụ tại Tờ trình số 76/TTr-SNgV ngày 09/5/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Đẩy mạnh hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2013-2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

Điều 2. Giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo mục đích và yêu cầu đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Ngoại giao;
- TT TU, HĐND, UBND, UBMTQTVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, NC, KTN, KTTH, VX, KSTTHC, TH.

E:\TRAM TH\2013\QD\de an day manh HNQT\QD ban hanh de an HNQT.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Phước Thanh

 

ĐỀ ÁN

ĐẨY MẠNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2013-2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1606 /QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2013 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Nhằm triển khai thực hiện chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; UBND tỉnh đề ra Đề án “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013-2015 và tầm nhìn đến năm 2020” như sau:

Phần I

KHÁI QUÁT VỀ TỈNH QUẢNG NAM VÀ HOẠT ĐỘNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2002 - 2012

I. KHÁI QUÁT VỀ TỈNH QUẢNG NAM

Tỉnh Quảng Nam nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với diện tích 10.406 km2, dân số gần 1,5 triệu người. Phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, đô thị trung tâm lớn nhất miền Trung. Phía Nam giáp Khu kinh tế Dung Quất, khu liên hợp lọc hóa dầu và công nghiệp nặng lớn của Việt Nam. Phía Tây giáp tỉnh Sê Kông (Lào), địa bàn chiến lược trong hành lang kinh tế Đông – Tây 2. Phía Đông là cửa ngõ ra Biển Đông với 125 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, thuận lợi cho phát triển du lịch, có cảng nước sâu, thuận lợi cho giao thương bằng đường hàng hải. Quảng Nam cũng là địa bàn có đường bộ, đường sắt quốc gia nối 2 đầu tổ quốc chạy qua; là nơi có truyền thống cách mạng kiên cường, con người xứ Quảng cần cù, ham học, mảnh đất của “Ngũ Phụng Tề Phi”, giàu bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và sớm hội nhập với kinh tế quốc tế qua thương cảng Hội An nổi tiếng từ thế kỷ 16, 17. Ngoài ra, Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Khu Kinh tế mở Chu Lai (khu Kinh tế mở đầu tiên của cả nước) với nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư, những làng nghề truyền thống đặc sắc và các lễ hội độc đáo…

Quảng Nam trong những năm gần đây đã có bước phát triển đáng kể, tăng trưởng kinh tế bình quân 12,5%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ. GDP bình quân đầu người năm 2012 đạt gần 1.300 USD/người/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn năm 2012 đạt trên 500 triệu USD. Môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể. Thu hút hơn 2,5 triệu khách du lịch/năm, trong đó có gần 1,5 triệu khách quốc tế. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 300 triệu USD/năm. Các lĩnh vực xã hội được quan tâm đầu tư phát triển.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đang ra sức thi đua lao động, phát huy truyền thống anh hùng, bản sắc văn hoá Quảng Nam; nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; tập trung đầu tư tạo đột phá, phấn đấu đưa Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

II. HOẠT ĐỘNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2002-2012

Phát huy những điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế, kể từ sau khi tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1997, tỉnh Quảng Nam với ý chí và quyết tâm cao đã khắc phục mọi khó khăn, từng bước xây dựng và phát triển mạnh mẽ, bền vững, đạt được những thành quả đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đặc biệt, qua từng năm, công tác hội nhập quốc tế của địa phương dần được chú trọng và quan tâm triển khai thực hiện.

1. Kết quả hoạt động hội nhập quốc tế

a) Hội nhập về chính trị, quốc phòng - an ninh

- Tỉnh Quảng Nam chú trọng duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác truyền thống đặc biệt với tỉnh bạn Sê Kông nhằm giúp đỡ nhau cùng phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Hai tỉnh thường niên tổ chức hội nghị đại biểu cấp cao nhằm đánh giá tình hình hợp tác trong năm qua và bàn phương hướng hợp tác trong năm đến.

Các lực lượng chức năng của hai tỉnh đã phối hợp tốt trong công tác tuần tra, bảo đảm an ninh biên giới, thực hiện dự án tôn tạo và tăng dày hệ thống mốc giới, đến cuối tháng 9/2012 đã hoàn thành xây dựng 60/60 cột mốc trên thực địa (sớm hơn kế hoạch 3 tháng); hoạt động hợp tác giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương của tỉnh với các cơ quan, địa phương của tỉnh Sê Kông diễn ra sôi nổi, đến nay đã có trên 10 cơ quan, địa phương của tỉnh tổ chức các hoạt động kết nghĩa, trao đổi Đoàn; hoạt động hợp tác trên lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực được tăng cường, tính đến năm 2012, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đào tạo cho hơn 120 lượt du học sinh của tỉnh Sê Kông, Lào sang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; đã hỗ trợ trên 15 tỷ đồng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng tại Sê Kông; giúp tỉnh Sê Kông mở đường công vụ từ điểm cắt qua biên giới tại cửa khẩu (cột mốc 692) đến bản Tà Vàng (Sê Kông) và hai tỉnh đã phối hợp tổ chức Lễ khai trương cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm; hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp được tiến hành thường xuyên. Hiện tỉnh Quảng Nam đang triển khai việc giúp tỉnh Sê Kông đầu tư xây dựng Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Đắc Tà Ọoc với quy mô phù hợp.

- Bên cạnh việc duy trì và phát triển mối quan hệ đặc biệt với tỉnh Sê Kông, tỉnh Quảng Nam cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác với tỉnh Chămpasắc của Lào.

Hai tỉnh luân phiên tổ chức các đoàn cấp cao đến thăm và làm việc nhằm tăng cường hiểu biết, đánh giá tình hình hợp tác thời gian qua và bàn phương hướng hợp tác trong thời gian đến. Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Quảng Nam và Chămpasắc đã được triển khai trên các lĩnh vực, cụ thể như: Hợp tác đào tạo ngoại ngữ (tiếng Việt và tiếng Lào), hợp tác biểu diễn nghệ thuật, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, hợp tác quảng bá tiềm năng du lịch… Hai tỉnh đã cử các đoàn nghệ thuật sang tham dự và biểu diễn ở các lễ hội lẫn nhau; thường xuyên cử các đoàn đại biểu cấp cao sang thăm và làm việc, đánh giá tình hình hợp tác giữa hai tỉnh. Gần đây, hoạt động hợp tác trên lĩnh vực kinh tế được đẩy mạnh. Đầu năm 2011, tỉnh Chămpasắc đã cử đoàn sang phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Chămpasắc tại Quảng Nam, doanh nghiệp hai tỉnh đã có sự tiếp xúc ban đầu, đang tiến hành các bước nghiên cứu để hợp tác đầu tư hoặc hợp tác tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Về lĩnh vực đào tạo, tính đến năm 2012, tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận và đào tạo tổng số 43 lưu học sinh tỉnh Chămpasắc học tập tại Trường Đại học Quảng Nam, trong đó có 20 em đang học tiếng Việt và 20 em đang học các chuyên ngành ở bậc đại học.

- Quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương của Cam – pu – chia

Trong truyền thống quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước Việt Nam và Vương quốc Cam – pu - chia, Quảng Nam và Bát-tam-bang đã có góp phần đáng kể. Từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nhiều cán bộ của tỉnh Quảng Nam có mặt trong các đoàn chuyên gia Việt Nam sang giúp nhân dân Cam-pu-chia, trong đó có tỉnh Bát-tam bang.

Tháng 4 năm 2012, tỉnh Quảng Nam đã hân hạnh đón tiếp Ngài Prach Chann, Ủy viên TW Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cam-pu-chia tỉnh Bát-tam-bang, Tỉnh trưởng tỉnh Bát-tam-bang và Đoàn đại biểu tỉnh Bát-tam-bang đến thăm. Tháng 4/2013, đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam do đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với tỉnh Bát-tam-bang và Siêm Riệp. Tại tỉnh Bát-tam-bang, hai đoàn đại biểu cấp cao của hai tỉnh đã ký kết biên bản làm việc ghi nhận việc xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị ổn định, lâu dài giữa hai tỉnh. Tại tỉnh Siêm Riệp, hai bên thống nhất tổ chức các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch và đầu tư, thương mại; mỗi bên thành lập tổ công tác do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh/Phó Tỉnh trưởng làm Tổ trưởng để điều phối, theo dõi các hoạt động hợp tác giữa hai bên.

- Thiết lập quan hệ kết nghĩa, hợp tác, hữu nghị với các địa phương của các nước có tiềm năng kinh tế, khoa học kỹ thuật

Thành phố Osan, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc là địa phương đầu tiên của Hàn Quốc đã thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Quảng Nam vào năm 2004. Từ giữa cuối năm 2011, mối quan hệ hợp tác giữa hai địa phương sau thời gian bị gián đoạn đã được khởi động lại với những kết quả khá tích cực. Hai địa phương đã tổ chức hoạt động trao đổi Đoàn lẫn nhau nhằm thăm thân, tìm hiểu tình hình phát triển KT-XH và xúc tiến các hoạt động giao lưu văn hóa, đầu tư. Cụ thể trong năm 2012, hai bên đã cử các Đoàn công tác đến thăm và làm việc lẫn nhau (Quảng Nam sang Osan vào tháng 4/2012, Osan sang Quảng Nam vào tháng 8/2012). Tháng 4/2013, đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã sang thăm và làm việc tại thành phố Osan, kết hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc (tổ chức tại thành phố Osan). Về lĩnh vực giao lưu văn hóa, tháng 9/2012, Đoàn biểu diễn nghệ thuật tỉnh Quảng Nam sang biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 24 năm ngày Công dân Osan (15/9/1988 - 15/9/2012) theo lời mời của Thị trưởng thành phố. Và phía Osan cũng đã nhận lời mời của tỉnh Quảng Nam đưa Đoàn biểu diễn nghệ thuật thành phố Osan sang biểu diễn tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V năm 2013 tại tỉnh Quảng Nam.

Trong chuyến công tác của đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng tại Hàn Quốc nêu trên, đoàn đã đến thăm và làm việc với thành phố Yongin thuộc tỉnh Gyeonggi và tại đây Biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Yongin chính thức được ký kết.

- Hợp tác giữa các địa phương trong tỉnh với các địa phương, đối tác nước ngoài

Tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ cho các địa phương trong tỉnh tổ chức xúc tiến và triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các địa phương nước ngoài như: thành phố Hội An với thành phố Kiama (bang New South Wales, Úc) từ năm 2008, thành phố Tấn Trung (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) từ năm 2010, thành phố Wernigerode (CHLB Đức) năm 2012, thành phố Stenzendre (Hungary) năm 2012; thành phố Tam Kỳ với các địa phương, tổ chức của Hàn Quốc như: thành phố Pyeongtaek năm 2009, quận Dalseo (thành phố Daegu) năm 2011, Tổ chức pháp nhân Làng Hoa Sen quốc tế (Hàn Quốc) năm 2011; huyện Duy Xuyên và huyện Chămpasắc (tỉnh Chămpasắc) từ năm 2006.

- Tham gia các tổ chức hợp tác đa phương

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam là thành viên của Hội nghị Chính quyền địa phương và Khu vực Đông Á. Hội nghị này được tổ chức thường niên tại thành phố Nara (Nhật). Mục đích tham gia Hội nghị là trao đổi và học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển. Tỉnh Quảng Nam là thành viên của Hội nghị từ năm 2010 nhưng chưa cử đoàn tham dự hội nghị do vào thời điểm Hội nghị diễn ra, tỉnh ta đều có những sự kiện quan trọng nên lãnh đạo tỉnh không thể tham gia.

b) Hội nhập về kinh tế

Hợp tác phi tập trung với Vùng Nord-Pas de Calais (Pháp) từ 1997 đến 2007. Từ năm 1997, tỉnh Quảng Nam trở thành đối tác độc lập trong hợp tác phi tập trung với Vùng Nord-Pas de Calais trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch và đào tạo. Đến năm 2006, do tình hình Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong việc phát triển đất nước nên Hội đồng Vùng đã chính thức quyết định kết thúc hợp tác phi tập trung với 3 tỉnh miền Trung trong đó có tỉnh Quảng Nam và chuyển ưu tiên hợp tác với các địa phương của các nước châu Phi còn khó khăn hơn, nhất là Madagascar. Cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp giữa tỉnh Quảng Nam và Vùng Nord-Pas de Calais chính thức kết thúc hợp tác phi tập trung giữa 2 địa phương diễn ra vào tháng 10/2007.

Trong thời gian hơn 10 năm thực hiện chương trình hợp tác phi tập trung Việt-Pháp giữa tỉnh Quảng Nam và Vùng Nord-Pas de Calais, tổng kinh phí Vùng tài trợ để thực hiện các dự án tại tỉnh ước tính hơn 30 tỷ đồng. Mặc dù tổng giá trị của chương trình không lớn nếu so với các chương trình tài trợ không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc, Ý,... đối với tỉnh, song chương trình hợp tác với Vùng đã góp phần tích cực vào việc hỗ trợ phát triển kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ của tỉnh; cải thiện đời sống người dân, chăm sóc sức khỏe của dân cư ở các địa phương trong tỉnh; hỗ trợ kinh phí trong việc duy trì, phát huy các giá trị văn hóa.

Từ năm 2011, tỉnh đã và đang xúc tiến mối quan hệ hợp tác với tỉnh Côtes d'Armor (vùng Bretagne, Pháp) trên lĩnh vực chăn nuôi lợn, vệ sinh thức ăn gia súc. Hiện, đang giao cho ngành nông nghiệp lập dự án để đi đến triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể.

- Thu hút đầu tư nước ngoài

Với bờ biển dài, đẹp và thuận lợi cho phát triển du lịch, Khu kinh tế mở Chu Lai và hàng chục khu, cụm công nghiệp khác với cơ chế ưu đãi đầu tư tối đa và môi trường đầu tư luôn được quan tâm cải thiện, tỉnh đã thu hút được hàng trăm dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, hiện có 58 dự án với tổng vốn đăng ký trên 500 triệu USD đã triển khai và đi vào hoạt động có hiệu quả.

- ODA và viện trợ PCPNN

Tỉnh Quảng Nam đã và đang tiếp nhận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA của các tổ chức quốc tế như UNDP, WB, ABD, ILO,... và các nhà tài trợ song phương như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Đan Mạch,... với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Bên cạnh đó, Quảng Nam thường xuyên có khoảng 50 tổ chức PCPNN hợp tác thực hiện các dự án viện trợ tại tỉnh. Tổng giá trị giải ngân các khoản viện trợ PCPNN bình quân khoảng 90 tỷ đồng/năm. Các nguồn vốn này đang cộng hưởng có hiệu quả với các nguồn vốn đầu tư trong nước và vốn FDI tạo hiệu ứng tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Nam.

c) Hội nhập về văn hóa – xã hội

Nhiều hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa Quảng Nam với người nước ngoài đã được triển khai hiệu quả, như: Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tổ chức tại thành phố Hội An, Lễ hội Quảng Nam – Hành trình di sản được tổ chức 2 năm một lần với sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuât từ nhiều quốc gia; cử đoàn nghệ thuật của tỉnh đi biểu diễn trong các lễ hội ở các quốc gia Lào, Cam-pu-chia, Hàn Quốc... Các dự án trùng tu di sản thế giới cũng được đặc biệt quan tâm và triển khai hiệu quả với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Italia, Nhật và các tổ chức quốc tế. Lượng khách du lịch quốc tế đến Quảng Nam ước đạt 1,5 triệu lượt khách/năm.

Tỉnh đã tranh thủ các chương trình đào tạo của Trung ương và các tổ chức quốc tế, các địa phương, tổ chức có hoạt động hợp tác với tỉnh, hàng năm cử hàng trăm cán bộ, học sinh ra nước ngoài học tập, nghiên cứu; đã thành lập Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các trường đại học, cao đẳng của tỉnh đã chủ động thiết lập mối quan hệ hợp tác với các trường đại học, cao đẳng của các quốc gia Lào, Thái Lan, Pháp…để trao đổi, học tập kinh nghiệm giảng dạy và tạo điều kiện để sinh viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập.

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đề tài “Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất xây dựng chương trình bảo hộ sở hữu công nghiệp cho những sản phẩm nổi tiếng trên địa bàn tỉnh”, đã Hướng dẫn đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 24 nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm nổi tiếng, đặc trưng của tỉnh Quảng Nam.

2. Nhận xét, đánh giá tình hình hội nhập quốc tế của tỉnh giai đoạn 2002-2012

Là một địa phương có xuất phát điểm thấp, nhưng chính quyền tỉnh Quảng Nam rất coi trọng công tác đối ngoại, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác kinh tế và doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề thu hút đầu tư, kêu gọi các nguồn viện trợ phi chính phủ, hỗ trợ phát triển chính thức, xúc tiến thiết lập các mối quan hệ hợp tác hữu nghị, tranh thủ quảng bá hình ảnh của tỉnh đối với bạn bè thế giới được đẩy mạnh và trở thành công tác quan trọng và trọng tâm trong các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với đối tác nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm và chú trọng đến bà con kiều bào gốc Quảng Nam, coi đây là một trong những nhân tố tiềm năng và quan trọng trong việc xúc tiến các cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh.

Tuy nhiên, công tác hội nhập quốc tế của tỉnh vẫn còn những hạn chế; chưa phát huy hết thế mạnh và tiềm năng của tỉnh để thu hút nguồn lực bên ngoài, nhất là việc thúc đẩy mạnh mẽ thương mại quốc tế…

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên bao gồm: Nhận thức của mỗi ngành, mỗi địa phương trong tỉnh về vai trò và nhiệm vụ của công tác đối ngoại nói chung và hội nhập quốc tế nói riêng vẫn còn hạn chế, các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn công tác này còn thiếu và chưa đồng bộ. Nguồn lực phục vụ cho công tác hội nhập quốc tế, phục vụ các hoạt động đối ngoại còn thiếu. Thiếu tính chiến lược trong việc tổ chức các hoạt động hội nhập quốc tế. Đội ngũ công chức, viên chức làm công tác đối ngoại chưa thật sự nhạy bén để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập quốc tế. Mặt khác, các đối tác, địa phương nước ngoài tập trung ưu tiên tổ chức các hoạt động hợp tác, đầu tư vào các tỉnh, thành phố lớn, phát triển trong khi hợp tác quốc tế tại các địa phương khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế. Cơ chế trao đổi thông tin và phối hợp hoạt động giữa địa phương với Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Việc tranh thủ thông tin, phối hợp hoạt động với Bộ của địa phương còn thiếu sự chủ động; trong lĩnh vực quan hệ hợp tác quốc tế cấp địa phương còn thiếu sự chỉ đạo, định hướng cụ thể cũng như chưa có các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng cần thiết từ phía Bộ; việc chuẩn hóa quy trình thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác địa phương chưa được chú trọng xây dựng. Sự tác động, tham gia với các địa phương trong việc tìm kiếm đối tác nước ngoài còn chưa đều đặn, thường xuyên.

Phần II

MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

Quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về công tác đối ngoại: Huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững; hợp tác, giao lưu văn hóa - du lịch với các tổ chức quốc tế và một số vùng, địa phương các nước tạo môi trường thuận lợi để phát triển du lịch, giao lưu văn hóa; đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với tỉnh Sê Kông; củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với một số địa phương, vùng ở các nước và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Xây dựng và triển khai kế hoạch phổ biến, quán triệt rộng rãi về chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và các nội dung mới trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước

a) Tích cực cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn, phổ biến kiến thức về chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế do Bộ Ngoại giao và các cơ quan Trung ương tổ chức để nắm bắt kịp thời những nội dung mới trong công tác hội nhập quốc tế.

b) Tổ chức các lớp phổ biến, quán triệt các chủ trương nói trên cho các cán bộ các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

2. Duy trì, thúc đẩy và mở rộng các quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức trong khu vực và trên thế giới

a) Rà soát các mối quan hệ chính thức đã được thiết lập giữa tỉnh, các địa phương trong tỉnh với các địa phương nước ngoài và các quan hệ đang được xúc tiến; xây dựng kế hoạch hợp tác hằng năm, không chỉ dừng lại ở các mối quan hệ hữu nghị ban giao mà tiến đến việc triển khai các chương trình hợp tác thực chất, hiệu quả, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các địa phương bạn trong việc xúc tiến đầu tư, thương mại và trong việc quảng bá nét đặc sắc văn hóa của tỉnh. Coi trọng các hoạt động đối ngoại vùng biên giới, củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với tỉnh giáp biên của Lào; tăng cường hiệu quả quản lý, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế qua biên giới, tận dụng lợi thế của cặp cửa khẩu giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Trong 3 năm tới (2013 - 2015), tỉnh đề ra chỉ tiêu chủ động tìm hiểu và thiết lập mối quan hệ hợp tác quốc tế chính thức với từ 3 - 4 địa phương nước ngoài có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và kinh tế.

b) Lập kế hoạch tổ chức các đoàn công tác khi cần thiết và với thành phần phù hợp của lãnh đạo tỉnh và các địa phương, ngành liên quan trong tỉnh đi xúc tiến quan hệ hợp tác tại các địa phương của các quốc gia như Lào, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, .... dựa trên cơ sở mối quan hệ chính trị tốt đẹp đã có giữa Việt Nam và các quốc gia này; đưa hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường là những nội dung trọng tâm của các chuyến thăm và làm việc. Đồng thời, chủ động tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực với các đối tác nước ngoài.

Thông qua các đoàn nguyên thủ, đoàn cấp cao đến thăm quan Hội An, Mỹ Sơn, tạo cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và các đoàn, qua đó giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và mở ra cơ hội hợp tác.

3. Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, kế hoạch và giải pháp thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 04/4/2009 của Tỉnh ủy về xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh, ban hành kèm theo Quyết định 553/QĐ-UBND ngày 03/02/2010 của UBND tỉnh.

4. Đẩy mạnh công tác kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân kiều bào tài trợ, hợp tác đầu tư, kinh doanh đóng góp xây dựng tỉnh nhà

a) Hoàn thành việc xây dựng hồ sơ dữ liệu, thông tin về kiều bào có gốc Quảng Nam phục vụ cho công tác kêu gọi, vận động kiều bào góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh.

b) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối với kiều bào về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những chính sách liên quan đến kiều bào để tập hợp, đoàn kết kiều bào và thân nhân hướng về quê hương, đất nước.

Quảng bá, tuyên truyền trong cộng đồng kiều bào có gốc Quảng Nam và kiều bào nói chung về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh, tiềm năng, thế mạnh của địa phương để mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục, đào tạo... Đồng thời, tuyên truyền mạnh mẽ chủ trương của tỉnh về thu hút, kêu gọi kiều bào trở về quê hương, góp phần đầu tư, xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi kiều bào là các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức,... hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đào tạo.

c) Định kỳ thăm viếng, tổ chức gặp mặt, giao lưu với kiều bào có gốc Quảng Nam hiện đang sinh sống tại địa phương về thăm quê trong dịp Tết cổ truyền, qua đó, tạo cơ hội đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của kiều bào, từ đó có những chính sách, cơ chế thích hợp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo sự gắn kết giữa chính quyền với cộng đồng kiều bào. Tích cực tranh thủ sự giới thiệu, kết nối của kiều bào với các đối tác, địa phương nước ngoài để mở rộng quan hệ hợp tác của tỉnh.

5. Tích cực vận động nguồn vốn viện trợ chính thức (ODA) nhằm đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu; nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) trên các lĩnh vực. Tranh thủ sự ủng hộ về tài chính của các tập đoàn tài chính quốc tế, tài trợ chương trình, dự án nhân đạo của các tổ chức quốc tế, tổ chức NGO trong việc huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển KT - XH, xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

a) Đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án ODA đã được Chính phủ các nước chính thức tài trợ; đồng thời, đẩy nhanh việc xúc tiến và triển khai thực hiện các dự án đã được Chính phủ các nước cam kết tài trợ cho tỉnh Quảng Nam, Việt Nam.

b) Thường xuyên cập nhật và xây dựng bổ sung danh mục các dự án ODA ưu tiên đầu tư của tỉnh trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt xu thế hợp tác phát triển, tài trợ của các nhà tài trợ chính phủ, liên chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng như định hướng của Chính phủ, đảm bảo tính hợp lý, khả thi trong quá trình vận động, thực hiện.

c) Củng cố, duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đã có giữa tỉnh với các tổ chức NGO, đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm, thiết lập quan hệ với các tổ chức NGO mới có tiềm năng; phát huy khả năng đàm phán, tác động các tổ chức NGO hướng đến các địa bàn ưu tiên tập trung vận động viện trợ theo định hướng của tỉnh và hướng đến tài trợ các lĩnh vực ít hoặc chưa được tập trung tài trợ tại tỉnh như: ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch,...

d) Tăng cường gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương tiếp nhận nguồn viện trợ NGO với các tổ chức NGO thông qua việc tổ chức 2 năm 1 lần Hội nghị tăng cường quan hệ đối tác giữa tỉnh Quảng Nam với các tổ chức NGO tại tỉnh. Khuyến khích các tổ chức NGO tiếp tục hợp tác viện trợ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức NGO thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.

đ) Có kế hoạch và chủ động nguồn kinh phí đối ứng của tỉnh, các địa phương, ngành trong tỉnh cho các dự án ODA, NGO để kịp thời và thuận lợi trong quá trình đàm phán, ký kết và triển khai các dự án đạt hiệu quả.

e) Định kỳ tổ chức để các Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương liên quan thăm viếng, tiếp xúc và làm việc với các cơ quan đại diện nước ngoài, các cơ quan hợp tác phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ của các nước như Ý, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Đan Mạch, ... tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế đa phương như WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á),... để vận động nguồn vốn ODA, NGO cho các dự án cơ hội của tỉnh.

6. Thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa tại địa phương, tuyên truyền, quảng bá hơn nữa về 02 di sản văn hóa thế giới của tỉnh là Phố cổ Hội An, Khu Di tích Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lào Chàm.

a) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa với các địa phương nước ngoài, tổ chức quốc tế, trong đó tập trung đổi mới, tăng cường việc giới thiệu về nét đặc sắc văn hóa, vùng đất, con người Quảng Nam.

b) Chủ động quản lý và khai thác có hiệu quả các hình thức thông tin đối ngoại. Đầu tư kinh phí xây dựng một số ấn phẩm tuyên truyền nhằm quảng bá cho du lịch Quảng Nam như tranh ảnh, sách báo, ấn phẩm thủ công mỹ nghệ… để cung cấp cho các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trưng bày, giới thiệu. Nghiên cứu học tập cách quảng bá văn hóa được nhiều nước hiện nay làm rất tốt là quảng bá hình ảnh địa phương qua phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực…

7. Tăng cường nguồn nhân lực trong công tác đối ngoại

a) Bổ sung đội ngũ cán bộ giỏi ngoại ngữ, được đào tạo bài bản về đối ngoại, ngoại ngữ, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, có khả năng phân tích và dự báo; đồng thời, am hiểu các vấn đề về đàm phán quốc tế, hợp tác quốc tế tại các sở, ban, ngành trực tiếp làm công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại;

Đảm bảo tại các sở, ban, ngành, địa phương không trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước về đối ngoại và kinh tế đối ngoại có từ 1 - 2 cán bộ chuyên trách/kiêm nhiệm được đào tạo cơ bản về đối ngoại, có trình độ ngoại ngữ để có thể thuận lợi và đạt hiệu quả trong việc giải quyết, tham mưu các vấn đề về xúc tiến hợp tác với các đối tác, địa phương nước ngoài, tiếp nhận các dự án của các đối tác nước ngoài.

b) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực về khả năng biên phiên dịch cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại, đảm bảo tham gia phiên dịch tại các sự kiện đối ngoại quan trọng của tỉnh, các Hội nghị quốc tế.

c) Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ Ngoại giao, các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Trung ương liên quan tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn cho cán bộ trong tỉnh về công tác hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới; thường xuyên gửi cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đối ngoại do Bộ Ngoại giao, Học viện Ngoại giao,... tổ chức.

8. Tích cực tăng cường quan hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Trung ương

a) Tạo cơ chế phối hợp giữa tỉnh với Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, qua đó, hằng năm, tỉnh sẽ tập hợp, đề xuất với Bộ Ngoại giao một số nhiệm vụ trọng tâm về xúc tiến hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư, đào tạo bồi dưỡng đối ngoại... để Bộ hỗ trợ thực hiện.

b) Tăng cường quan hệ, tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong công tác quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và các chính sách đối ngoại của tỉnh; giới thiệu đối tác, địa phương để xúc tiến quan hệ hợp tác; tư vấn, thẩm định năng lực của đối tác nước ngoài.

9. Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác thông tin đối ngoại và công tác phát ngôn trong tình hình mới

a) Xây dựng Quy chế phối hợp giữa các đơn vị làm công tác đối ngoại, kinh tế đối ngoại và các ngành, địa phương liên quan nhằm tạo nên sự gắn kết, phát huy cao nhất hiệu quả của hoạt động đối ngoại nói chung trên toàn tỉnh. Định kỳ hằng năm, tổ chức họp giao ban để tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế này.

b) Hình thành cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương có triển khai các công tác, hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Định kỳ 6 tháng có kế hoạch trao đổi thông tin về tình hình mở rộng hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn viện trợ ODA, NGO.

Trên cơ sở đó, hình thành cơ chế cung cấp thông tin định kỳ 6 tháng cho các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các địa phương, đối tác nước ngoài có quan hệ hợp tác với tỉnh nhằm duy trì quan hệ tốt đẹp và tranh thủ sự hỗ trợ tiếp theo của các cơ quan này trong việc xúc tiến hợp tác quốc tế, xúc tiến việc vận động các chương trình hợp tác, đầu tư.

c) Cải tiến nội dung và hình thức hoạt động thông tin, công tác thông tin cần phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời với nội dung ngày càng phong phú, sinh động, đi vào chiều sâu và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đổi mới Cổng thông tin điện tử nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp thông tin, nhất là về tình hình kinh tế - xã hội, tiềm năng, triển vọng hợp tác đầu tư, văn hóa, du lịch,... của tỉnh.

d) Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác phát ngôn và cung cấp những vấn đề cơ bản về thông tin đối ngoại cho đối tượng là lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cấp tỉnh, huyện, thành phố và các xã biên giới ở cấp huyện, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu về công tác thông tin đối ngoại của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp, hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trong thường trực UBND tỉnh 01 đồng chí trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện Đề án.

2. Giao Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án trong từng giai đoạn cụ thể. Định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Đề án.

3. Các Sở, Ban, ngành, địa phương căn cứ vào Đề án chủ động và tích cực lập kế hoạch, bước đi cụ thể để triển khai thực hiện đạt kết quả. Định kỳ hằng năm có báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Ngoại vụ tổng hợp về kết quả thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nêu các đề xuất cụ thể.

4. Kinh phí cho việc tổ chức thực hiện Đề án này được lấy từ nguồn kinh phí phân bổ hằng năm đối với các nhiệm vụ mang tính chất thường xuyên, thuộc nhiệm vụ chức năng của các Sở, Ban, ngành, địa phương. Riêng những nhiệm vụ cấp bách và đặc thù khác cần thực hiện trong từng giai đoạn, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xem xét, phân bổ nguồn kinh phí kịp thời, hợp lý trên cơ sở đề xuất từ các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan.

5. Tổ chức Hội nghị đánh giá việc triển khai Đề án, đề xuất khen thưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tích cực và đạt kết quả các nhiệm vụ được giao.

6. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể trong Đề án, các đơn vị chủ động đề xuất Sở Ngoại vụ báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.





Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2014 triển khai thi hành Luật đất đai Ban hành: 22/01/2014 | Cập nhật: 24/01/2014