Quyết định 147/2000/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010
Số hiệu: 147/2000/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Gia Khiêm
Ngày ban hành: 22/12/2000 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 22/01/2001 Số công báo: Số 3
Lĩnh vực: Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 147/2000/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 147/2000/QĐ-TTG NGÀY 22 THÁNG 12 NĂM 2000 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết số 17/2000/NQ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình tại tờ trình số 752 UB/VP ngày 30 tháng 11 năm 2000,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm.

a) Công tác dân số là bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội, góp phần quyết định để thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

b) Thực hiện đồng bộ, từng bước và có trọng điểm việc điều hoà quan hệ giữa số lượng với chất lượng dân số, giữa phát triển dân số với phát triển nguồn nhân lực, giữa phân bố và di chuyển dân cư với phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số; tập trung ưu tiên cho các vùng có mức sinh cao, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa để giải quyết các vấn đề dân số và nâng cao mức sống nhân dân.

c) Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp, gián tiếp và rõ rệt. Nhà nước đảm bảo đủ nguồn lực cho công tác dân số, đồng thời vận động sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ sự viện trợ của quốc tế.

d) Đẩy mạnh công tác truyền thông - giáo dục về dân số và phát triển, kết hợp với việc thực hiện đầy đủ, có hiệu quả Chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, tăng cường vai trò của gia đình và thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình là các giải pháp cơ bản để đảm bảo tính bền vững của chương trình dân số và phát triển.

đ) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác dân số, đẩy mạnh xã hội hóa là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình dân số và phát triển.

2. Mục tiêu của Chiến lược.

a) Mục tiêu tổng quát:

Thực hiện gia đình ít con, khoẻ mạnh, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

b) Các mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu 1: Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn quốc chậm nhất vào năm 2005, vùng sâu, vùng xa và vùng nghèo chậm nhất vào năm 2010 để quy mô, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội vào năm 2010.

- Mục tiêu 2: Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Phấn đấu đạt chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình tiên tiến của thế giới vào năm 2010.

3. Các giải pháp chủ yếu.

a) Lãnh đạo, tổ chức và quản lý.

Kiện toàn, củng cố và ổn định hệ thống tổ chức làm công tác dân số ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở để đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình dân số và phát triển. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác dân số. Thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác dân số, phát huy cao nhất sự hợp tác tích cực giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức tham gia công tác dân số.

b) Truyền thông - giáo dục thay đổi hành vi.

Tạo sự chuyển đổi hành vi bền vững về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình trên cơ sở cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin với nội dung và hình thức phù hợp với từng khu vực, từng vùng và từng nhóm đối tượng. Chú trọng hình thức tư vấn, đối thoại, vận động trực tiếp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, thanh niên và người chưa thành niên. Tập trung hoạt động truyền thông - giáo dục vào những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế về nhận thức. Mở rộng các hình thức giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục dân số trong và ngoài nhà trường.

c) Chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.

Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình với các nội dung và hình thức phù hợp trong khuôn khổ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiến tới thoả mãn nhu cầu của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng có thai ngoài ý muốn, giảm mạnh tình trạng nạo thai, hút thai, đặc biệt nạo thai, hút thai ở người chưa thành niên, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

d) Nâng cao chất lượng thông tin, dữ liệu về dân cư.

Nâng cao năng lực thu thập, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về dân cư, tiếp tục củng cố hệ thống quản lý và đăng ký dữ liệu liên quan đến dân cư của các Bộ, ngành có liên quan, để hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sớm được kết nối với các hệ cơ sở dữ liệu khác có liên quan, đáp ứng được yêu cầu đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược và các chương trình dân số; đảm bảo lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số vào quá trình hoạch định chính sách, lập kế hoạch phát triển nhằm điều chỉnh sự phát triển kinh tế- xã hội, phân bổ dân cư phù hợp với sự thay đổi của dân số.

đ) Nâng cao dân trí, tăng cường vai trò của gia đình và bình đẳng giới.

Nâng cao trình độ dân trí, tăng cường vai trò gia đình và thực hiện bình đẳng giới nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

e) Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về dân số và phát triển.

Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia công tác dân số, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng tự nguyện và chủ động tham gia công tác dân số. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách dân số gắn với phát triển, tạo cơ sở pháp lý và động lực thúc đẩy quá trình tổ chức thực hiện. Sớm ban hành Pháp lệnh Dân số nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với công tác dân số.

g) Kinh phí.

Phân bổ và sử dụng có hiệu qủa các nguồn lực. Trong thời gian trước mắt, Nhà nước đảm bảo kinh phí từ ngân sách cho các hoạt động của công tác dân số, đồng thời khuyến khích huy động các nguồn lực khác ở trong và ngoài nước cho các hoạt động này. Về lâu dài, phấn đấu mức đầu tư cho công tác dân số đạt bình quân đầu người là 0,6 USD/năm, trong đó nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước bảo đảm từ 60% - 80%, phần còn lại được huy động từ các nguồn khác ở trong và ngoài nước

h) Đào tạo và nghiên cứu.

Nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược. Kế thừa và xúc tiến các nghiên cứu khoa học thiết thực có chất lượng, nhằm bảo đảm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc triển khai Chiến lược.

4. Các chương trình hành động của Chiến lược.

a) Chương trình nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số giai đoạn 2001 - 2010. Cơ quan chủ trì: Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình. Cơ quan phối hợp chính: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b) Chương trình Truyền thông - giáo dục thay đổi hành vi giai đoạn 2001-2005. Cơ quan chủ trì: Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình. Cơ quan phối hợp chính: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá - Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

c) Chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2001 - 2010. Cơ quan chủ trì: Bộ Y tế. Cơ quan phối hợp chính: Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam.

d) Chương trình Nâng cao chất lượng thông tin, dữ liệu về dân cư giai đoạn 2001 - 2010. Cơ quan chủ trì: Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình. Cơ quan phối hợp chính: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê.

đ) Chương trình Nghiên cứu những vấn đề liên quan đến chất lượng dân số giai đoạn 2001 - 2010. Cơ quan chủ trì: Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình và Bộ Y tế. Cơ quan phối hợp chính: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Quốc phòng.

e) Chương trình Lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững thông qua hoạt động tín dụng - tiết kiệm và phát triển kinh tế gia đình giai đoạn 2001-2010. Cơ quan chủ trì: Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình. Cơ quan phối hợp chính: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

g) Chương trình Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu và vùng xa giai đoạn 2001 - 2005. Cơ quan chủ trì: Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế. Cơ quan phối hợp chính: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

5. Chiến lược được thực hiện theo 2 giai đoạn:

a) Giai đoạn I (2001-2005):

Tập trung mọi nỗ lực đạt mục tiêu giảm sinh vững chắc, đặc biệt tập trung vào những vùng có mức sinh cao, nhằm đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn quốc chậm nhất vào năm 2005. Bước đầu triển khai những mô hình và giải pháp thí điểm về nâng cao chất lượng dân số. Tập trung các hoạt động truyền thông để chuyển đổi hành vi sinh sản và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, miền núi có mức sinh cao thông qua việc tổ chức các chiến dịch lồng ghép. Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở mở rộng các mô hình thí điểm đã tiến hành có hiệu quả.

b) Giai đoạn II (2006 - 2010):

Thực hiện đồng bộ các nội dung chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình nhằm duy trì mức sinh thay thế bình quân trong toàn quốc. Tiếp tục hoàn thiện và mở rộng các mô hình can thiệp và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số. Kiện toàn hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên phạm vi toàn quốc.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Giao Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010.

2. Căn cứ Chiến lược này, Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động theo định kỳ 5 năm và hàng năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong cùng thời kỳ; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược theo định kỳ hàng năm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Chiến lược vào năm 2005 và tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược vào năm 2010.

3. Căn cứ Chiến lược này, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch hoạt động 5 năm và hàng năm phù hợp với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ và tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình và Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Các cơ quan chủ trì các chương trình hành động của Chiến lược, quy định tại khoản 4 Điều 1 của Quyết định này chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động theo quy định hiện hành.

5. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội tham gia triển khai Chiến lược trong phạm vi hoạt động của mình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ tưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)