Nghị quyết số 17/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2000
Số hiệu: 17/2000/NQ-CP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 06/11/2000 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 08/12/2000 Số công báo: Số 45
Lĩnh vực: Ngân hàng, tiền tệ, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/2000/NQ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2000

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 17/2000/ NQ-CP NGÀY 06 THÁNG 11 NĂM 2000PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 10 NĂM 2000

Trong 2 ngày 30, 31 tháng 10 năm 2000, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Báo cáo "Tình hình thực hiện Luật Doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2000".

Chính phủ đã tổ chức triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp ngay từ khi Luật có hiệu lực và coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2000, vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa là khâu đột phá trong chương trình cải cách hành chính. Đến nay, việc thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước có những chuyển biến tích cực.

Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn, cản trở: hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh chưa đồng bộ; kỷ luật hành chính chưa nghiêm; sức ỳ của bộ máy hành chính các cấp và một bộ phận cán bộ công chức còn lớn; vẫn còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu đối với cơ sở; chưa chủ động thay đổi phương thức quản lý cho phù hợp với chủ trương cải cách hành chính...

Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo này và yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục quán triệt, đổi mới nhận thức, chỉ đạo thực hiện đầy đủ Luật Doanh nghiệp. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 11 năm 2000 Chỉ thị về việc thực hiện 5 nhóm công việc đã nêu trong Báo cáo nói trên nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Luật Doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị nội dung để Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết, kiểm điểm tình hình 1 năm thi hành Luật Doanh nghiệp.

2. Chính phủ đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Đề án " Xử lý nợ và tài sản tồn đọng của các tổ chức tín dụng".

Chính phủ thống nhất nhận định: tình trạng nợ quá hạn, nợ khó đòi, nợ xấu tồn đọng trong hệ thống Ngân hàng hiện nay rất lớn, kéo dài qua nhiều năm và gây hậu quả xấu cho hoạt động của nền kinh tế. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về chất lượng hoạt động của hệ thống Ngân hàng còn nhiều yếu kém. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, lành mạnh hoá hoạt động của hệ thống Ngân hàng, góp phần ổn định và tăng trưởng nền kinh tế, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, giải pháp cụ thể và bước đi thích hợp.

Giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, tiến hành phân loại các khoản nợ và đề xuất giải pháp xử lý những khoản nợ đó; đồng thời sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại tài chính, tổ chức quản lý, phương hướng hoạt động... giúp doanh nghiệp có nợ quá hạn với Ngân hàng có thể trả được nợ; bổ sung hoàn chỉnh Đề án lập tổ chức quản lý tài sản (hoặc tổ chức mua bán nợ tồn đọng) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trong quý 1 năm 2001 phải triển khai thực hiện được Đề án này.

3. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức- Cán bộ Chính phủ, Uỷ viên thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ trình Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cải cách hành chính.

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công tác này, chú trọng cải cách thể chế, ban hành các văn bản pháp quy nhằm nâng cao hiệu lực chỉ đạo điều hành; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương, phát hiện những chồng chéo, bất hợp lý của các cơ quan hành chính, giải thể và điều chỉnh nhiều tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành.

Tuy nhiên, so với đòi hỏi của công cuộc đổi mới, sự chỉ đạo của Chính phủ về cải cách hành chính chưa đủ mức cần thiết. Nhận thức và quyết tâm cải cách hành chính của các cấp, các ngành chưa triệt để, chưa đúng tầm, nên kết quả đạt được chưa cao.

Nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2001 cần tập trung vào việc soạn thảo, ban hành các văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ. Trước mắt xử lý dứt điểm những loại công việc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành, rà soát để quyết định sớm những phần việc có thể phân cấp ngay cho Bộ và UBND cấp tỉnh. Tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội, nhất là những thể chế phục vụ cho phát triển lực lượng sản xuất, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 đồng thời khẩn trương chuẩn bị trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, tạo bước chuyển mới trong phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc, phát huy nội lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi về sản xuất và đời sống cho nhân dân và doanh nghiệp. Nghiên cứu sửa đổi các cơ chế về quản lý tổ chức và biên chế, quản lý tài chính, thí điểm chính sách khoán biên chế và kinh phí hành chính, xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức, cải tiến chế độ làm việc, hội họp và giấy tờ hành chính. Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ và công khai hoá tài chính.

Giao Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ khẩn trương chuẩn bị Đề án cải cách hành chính năm 2001, trình Chính phủ xem xét vào cuối năm 2000.

4. Chính phủ nghe Tổng Thanh tra Nhà nước trình Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân quý III năm 2000 và kết quả bước đầu của 5 Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ.

Trong quý 3 năm 2000, tình hình khiếu nại tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, số lượng các đoàn đông người tập trung ở một số nơi thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền tăng cao. Chính phủ đã tổ chức họp với Chủ tịch UBND 18 tỉnh Nam Bộ để kiểm điểm trách nhiệm, đánh giá tình hình và kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo trong thời gian qua và những chủ trương, biện pháp chỉ đạo trong thời gian tới trên địa bàn. Tiếp đó, Chính phủ đã thành lập 6 Đoàn công tác liên ngành do các đồng chí Bộ trưởng, Tổng cục trưởng phụ trách để kiểm tra, đôn đốc, xem xét giải quyết khiếu kiện, nhất là các khiếu kiện đông người, phức tạp và tồn đọng kéo dài ở 21 tỉnh, thành phố. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều vụ khiếu kiện đông người, dai dẳng và phức tạp đã được giải quyết, giảm bớt sự căng thẳng, bức xúc tại các địa phương, góp phần ổn định trật tự xã hội, được nhân dân đồng tình. Bước đầu đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với công tác giải quyết khiếu kiện, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền các cấp.

Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở tất cả các tỉnh, thành phố theo hướng giải quyết dứt điểm vụ việc từ cơ sở theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao. Thi hành kỷ luật những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, lợi dụng chức quyền làm trái pháp luật. Giao Tổng Thanh tra Nhà nước tổ chức bộ phận cán bộ chuyên trách để kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các Đoàn công tác liên ngành của Trung ương và hoàn chỉnh báo cáo về kết quả hoạt động của các Đoàn ở 21 tỉnh, thành phố để báo cáo Bộ Chính trị. Giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các Đoàn công tác liên ngành của địa phương để kiểm tra và cùng với cơ sở giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm ổn định tình hình ở các địa phương.

5. Chính phủ đã xem xét Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2000 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị.

Mười tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phát triển theo hướng tích cực: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ, thu ngân sách ... duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, do lũ lụt kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long và thiên tai xảy ra ở một số nơi khác đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Đồng bào cả nước đã nêu cao truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu thuỷ sản và dịch vụ tiếp tục có tốc độ tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2000 tăng 26,4% so với cùng kỳ. Thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách 10 tháng đạt 78% kế hoạch năm; vốn tín dụng đầu tư phát triển thực hiện cho vay các dự án đầu tư 10 tháng đạt thấp, bằng 55% kế hoạch năm; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng là 150 triệu USD, bằng 88% so với cùng kỳ năm 1999.

Tổng thu ngân sách đến ngày 15 tháng 10 năm 2000 ước đạt 88,5% dự toán năm; tổng chi ngân sách bằng 76,9% dự toán năm. Giá cả hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ tháng 10 tăng 0,1% so với tháng trước.

Về xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt kết quả tốt, nhất là ở những vùng bị lũ lụt. Ngành Giáo dục - Đào tạo đang tập trung chấn chỉnh các vấn đề bức xúc của ngành như dạy thêm, học thêm, kiểm tra văn bằng chứng chỉ, tinh giảm chương trình, quy hoạch mạng lưới các trường Đại học, Cao đẳng, điều chỉnh chương trình học cho học sinh vùng lũ lụt.

Chính phủ cho rằng: việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/ 2000/ NĐ- CP về một số giải pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2000 tuy đã làm được nhiều việc song vẫn còn chậm. Vì vậy, thời gian tới phải tập trung làm quyết liệt các công việc sau đây: rà soát lại các nhiệm vụ được giao, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nhanh chóng triển khai các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đầu tư xây dựng cơ bản năm 2000; khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai để ổn định sản xuất và đời sống nhân dân; tiếp tục triển khai các biện pháp hạn chế giảm giá hàng tiêu dùng.

6. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình trình "Chiến lược dân số Việt Nam 2001 - 2010".

Trong những năm gần đây, công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào thành tựu chung trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Tuy nhiên, chất lượng dân số còn thấp, mức sinh ở những gia đình nghèo, vùng nghèo còn cao, cơ cấu dân số chưa hợp lý...

Chính phủ nhất trí thông qua Đề án và giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, bổ sung hoàn thiện Đề án, nhất là các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.