Quyết định 13/2010/QĐ-UBND điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt, quặng titan trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành
Số hiệu: 13/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Hoàng Quốc Vượng
Ngày ban hành: 29/06/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 13/2010/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 29 tháng 6 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG QUẶNG SẮT, QUẶNG TITAN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2007 - 2015, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 17/7/2007 của HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt, quặng titan trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2020; Nghị quyết số 26/2008/NQ-HĐND ngày 09/12/2008 của HĐND tỉnh Thái Nguyên về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2008 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2009 của tỉnh Thái Nguyên;
Theo đề nghị của sở Công Thương tại văn bản số 441/SCT-KHTC ngày 15/6/2010 về việc đề nghị phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt, quặng titan trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt, quặng titan trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2020, với những nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA QUY HOẠCH.

1. Quan điểm phát triển.

Quặng sắt và quặng titan là nguồn tài nguyên quan trọng của tỉnh cần được thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, không gây cạn kiệt tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn có quặng sắt và quặng titan.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt, quặng titan là cơ sở để lập lại trật tự trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật bảo đảm lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và của nhân dân ở những vùng có quặng sắt, quặng titan.

Xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt, quặng titan với công nghệ hiện đại để nâng cao hệ số thu hồi và giá trị của khoáng sản phù hợp quy hoạch phát triển, đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh. Nếu trình độ công nghệ chưa giải quyết được một cách hiệu quả thì để lại không khai thác.

Ưu tiên, lựa chọn các tổ chức, cá nhân thực sự có năng lực về tài chính, có trình độ công nghệ, nhân lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến sâu quặng sắt, quặng titan trên địa bàn tỉnh trên cở sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản, góp phần phát triển KT-XH của địa phương và cả nước. Không cấp giấy phép khai thác cho các dự án không có hiệu quả.

2. Mục tiêu phát triển

Đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành luyện kim trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch chung của cả nước.

Đề xuất giải pháp và bước đi để lập lại trật tự trong hoạt động khoáng sản liên quan đến quặng sắt, quặng titan, nhằm sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh.

Xác định cụ thể các vùng: thăm dò, khai thác, chế biến, các vùng cấm và hạn chế đối với hoạt động khoáng sản sắt và titan để đảm bảo cho hoạt động khoáng sản sắt và titan thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tăng trưởng GTSXCN ngành khai thác quặng sắt giai đoạn 2006-2010: 23,13%/năm; giai đoạn 2011-2020: 6,5%/năm, ngành khai thác quặng titan giai đoạn 2006-2010: 75,54%/năm; giai đoạn 2011-2015: 10,07%/năm; giai đoạn 2016-2020: 6,2%/năm.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Qui hoạch thăm dò quặng sắt, quặng titan giai đoạn 2007-2015:

* Đối với quặng sắt: Các mỏ đưa vào điều tra, thăm dò giai đoạn này là: Bờ Đậu, Sơn Cẩm, Cổ Ngoạ, Cây Hồng, Đồng Vung, Bộc Nhiêu, Núi Ti Anh, Đồng Hỷ, Cuội Nắc, Đồng Luông, Đầm Bàng, Bình Thành, Đồng Bông, Thanh Chữ, Toàn Thắng, Làng Nét, Thanh Bần, Xóm Đồi, Lâm Giang, Phú Thịnh, Làng Mè, Đồng Dong, La Hiên, Phú Tiến, Gần Đường, Ba Đình, Núi Hột (điểm mỏ mới phát hiện, quy mô nhỏ, không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt trên phạm vi cả nước).

* Đối với quặng titan: Các mỏ đưa vào điều tra, thăm dò giai đoạn này là: Mỏ vùng Núi Chúa, Nà Hoe, Hữu Sào (GĐI, GĐ II), Làng Bầu, Cẩm Ước, Làng Cả, Sơn Đầu, Làng Cam, Làng Lân, Hái Hoa, Tôn Dênh, Xóm Him, Làng Hoen, Làng Gày, Bản Thoi.

2. Qui hoạch khai thác quặng sắt, quặng titan giai đoạn 2007-2015

* Đối với quặng sắt: Các mỏ đưa vào khai thác giai đoạn này là: Đại Khai, Cù Vân, Mỏ Hoan, Ký Phú, Đá Liền, Phố Giá, Tương Lai, Ngòi Me, Hoá Trung, Linh Nham, Tiến Bộ, Trại Cau, Bờ Đậu, Đuổm, Sơn Cẩm, Cổ Ngoạ, Văn Hảo, Đèo Nhâu, Cây Hồng, Đồng Vung, Đồng Hỷ, Tiến Bộ, Bộc Nhiêu, Bình Thành, Núi Ti Anh, Đồng Bông, Thanh Chữ, Toàn Thắng, Cuội Nắc, Làng Nét, Thành Bần, Xóm Đồi, Lâm Giang, Phú Thịnh, Làng Mè, Đồng Dong, La Hiên, Đông Luông, Phú Tiến, Đầm Bàng, Núi Hột.

* Đối với quặng titan: Các mỏ đưa vào khai thác giai đoạn này là: Cây Châm, Nà Hoe, Hữu Sào, Làng Bầu, Cẩm Ước, Làng Cả, Sơn Đầu, Làng Cam, Làng Lân, Hái Hoa, Tôn Dênh, Xóm Him, Làng Hin, Làng Gày, Bản Thoi.

* Các khu vực khai thác tận thu: “Khai thác tận thu được thực hiện đối với khoáng sản còn lại ở mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ để thanh lý hoặc bãi thải trong khai thác, chế biến của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ”, có thể xem xét cấp giấy phép khai thác tận thu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

3. Qui hoạch chế biến và sử dụng quặng sắt, quặng titan

* Đối với quặng sắt:

- Các cơ sở chế biến của công ty gang thép Thái Nguyên: (Thực hiện theo dự án đầu tư).

- Đối với các mỏ có trữ lượng nhỏ, ở phân tán thì khâu chế biến (tuyển rửa và phân loại) được bố trí ngay sau khâu khai thác của mỏ. Dự kiến vốn đầu tư cho một chuyền chế biến quặng sắt loại nhỏ khoảng 500 triệu đồng.

- Đối với các mỏ nằm tập trung, trữ lượng trên 1 triệu tấn, tính chất quặng giống nhau có thể xây dựng khâu chế biến chung. Dự kiến vốn đầu tư cho một chuyền chế biến quặng sắt loại vừa khoảng 3 tỷ đồng. Đầu tư các lò cao luyện gang cỡ nhỏ dung tích 22-75m3 trong tỉnh để sử dụng quặng sắt giai đoạn 2007-2010: 3-4 lò; giai đoạn 2011-2015: 2-3 lò; giai đoạn 2016-2020: 1-2 lò.

* Đối với quặng titan:

Dự kiến sản phẩm chế biến sâu là: Bột màu dioxit Titan với sản lượng 20.000 tấn/năm, sau đó mở rộng nâng công suất lên 40.000 tấn/năm và Xỉ Titan (85% TiO2) công suất ban đầu tối thiểu là 5.000-10.000 tấn/năm, sau đó tăng lên 20.000 tấn/năm.

- Công ty TNHH NN MTV kim loại màu Thái Nguyên tiến hành lập DAĐT nhà máy bột màu dioxit titan và một xưởng luyện Xỉ Titan (85% TiO2) với các số liệu: Xưởng luyện Xỉ Titan (85% TiO2) công suất ban đầu tối thiểu là 10.000 tấn/năm, sau đó tăng lên 20.000 tấn/năm (giai đoạn 2011-2020). Vốn đầu tư nhà máy bột màu dioxit titan và một xưởng luyện xỉ titan (85%TiO2) khoảng 990 tỷ Việt nam đồng. Vốn đầu tư mở rộng khoảng 594 tỷ Việt nam đồng, chiếm 93,8% tổng vốn đầu tư.

- Các doanh nghiệp khác có điều kiện có thể tham gia đầu tư vào chế biến sâu và luyện kim như ở trên để tạo ra sản phẩm cao cấp của titan”.

4. Vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư cho cả giai đoạn 2006-2020: 2.293 tỷ đồng chia ra:

- Vốn đầu tư cho công tác thăm dò quặng sắt và quặng titan: 55 tỷ đồng

- Vốn đầu tư cho hoạt động khai thác quặng sắt và quặng titan: 544 tỷ đồng.

- Vốn đầu tư cho hoạt động chế biến và sử dụng quặng sắt và quặng titan: 1.694 tỷ đồng.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về hạ tầng cơ sở

Cần gắn quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt, quặng titan trên địa bàn tỉnh với quy hoạch các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, giao thông vận tải, quy hoạch điện, nước, quy hoạch nông lâm nghiệp, quy hoạch sử dụng đất đai của tỉnh. Tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện có phục vụ cho công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến. Có thể kết hợp nhiều nguồn vốn như: FDI, doanh nghiệp, các nguồn vốn khác để tạo lập hạ tầng cơ sở thuận lợi sử dụng chung với nhiều mục đớch trên địa bàn tỉnh.

2. Giải pháp về vốn

Doanh nghiệp huy động vốn từ các nguồn: Vay tín dụng; tư nhân, hỗn hợp, cổ phần, FDI... để đầu tư vào khâu thăm dò, khai thác, chế biến sâu khoáng sản quặng sắt và quặng titan.

Lựa chọn phương án đầu tư hợp lý, có trọng điểm vào các mỏ phù hợp với quy hoạch này và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Giải pháp về nguồn nhân lực

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân trong ngành khai thác khoáng sản như kỹ thuật khai thác, chỉ huy nổ mìn và thợ mìn… Ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, lao động trong các hộ bị ảnh hưởng và các hộ trong diện di dời tái định cư bởi hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho công nhân trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản theo qui chế hiện hành của tỉnh.

4. Giải pháp về kỹ thuật và công nghệ

* Đối với quặng sắt:

Khâu khai thác và tuyển rửa chủ yếu sử dụng công nghệ và thiết bị trong nước, chỉ cho phép nhập khẩu một số thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại và đặc thù riêng đối với quặng sắt.

Đánh giá lại trình độ công nghệ các mỏ đã và đang tiến hành khai thác, chế biến để có phương án đầu tư mới hoặc cải tạo nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đối với các loại quặng nhỏ, quặng bùn sử dụng công nghệ thiêu kết đóng bánh, vê viên…để tận dụng tối đa giá trị tài nguyên.

* Đối với quặng titan:

Chỉ cho phép nhập khẩu một số thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại và đặc thù riêng. Công nghệ phải gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nếu công nghệ luyện xỉ titan trong nước đạt yêu cầu cho áp dụng. Nếu không đạt phải nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài.

5. Giải pháp bảo vệ môi trường và sinh thái

Quá trình khai thác, chế biến, đặc biệt là luyện kim có tác động rất lớn đến môi trường, đối với những mỏ lớn cần bố trí khâu chế biến tập trung trong các khu công nghiệp, không gần các khu đô thị, khu dân cư tập trung; cần phải có các biện pháp công nghệ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.

Các dự án đầu tư vào khai thác, chế biến quặng sắt, quặng titan phải hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục theo quy định của luật môi trường, thực hiện triệt để và nghiêm túc các giải pháp bảo vệ môi trường. Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp để xảy ra sự cố môi trường, nhưng không có giải pháp khắc phục hữu hiệu sẽ xử lý theo quy định hiện hành.

Thực hiện đề án bảo vệ môi trường thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, có sự phối hợp, phân công, phân cấp rõ ràng. Các cơ sở khai thác, chế biến phải ký quỹ phục hồi môi trường, nộp phí bảo vệ môi trường, phí nước thải; thực hiện nghiêm túc việc hoàn thổ sau khai thác, đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật.

6. Giải pháp quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản

Thực hiện nghiêm túc kết luận số 96-TB/TU ngày 23/8/2006 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ.

Thực hiện nghiêm túc quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt quặng titan trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Đề án quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010; các quy định của UBND tỉnh về lựa chọn nhà đầu tư, về trình tự thủ tục lập, thẩm định và tổ chức thực hiện dự án đầu tư khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động khoáng sản.

Xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Đề cao vai trò tham mưu và trách nhiệm đề xuất, thẩm định của Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường trong quản lý hoạt động khoáng sản. Tăng cường sự phối hợp quản lý của các ngành, các cấp về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Để đảm bảo ngành công nghiệp khai thác khoáng sản phát triển ổn định, bền vững đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và cả nước thì chỉ cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cho những đơn vị có: Năng lực tài chính; thiết bị công nghệ tiên tiến; đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý chuyên ngành được đào tạo cơ bản, kinh nghiệm trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; dự án đầu tư khả thi, hiệu quả, được thẩm định phê duyệt theo quy định của pháp luật; cam kết và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và bảo đảm quyền lợi của người dân, thực hiện nghĩa vụ với địa phương nơi có hoạt động khoáng sản. Khuyến khích các dự án chế biến sâu khoáng sản và luyện kim quặng sắt và quặng titan.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoạt động khoáng sản, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản của tỉnh. Tăng cường biên chế, cơ cấu tổ chức, trang bị điều kiện làm việc cho hệ thống quản lý nhà nước về khoáng sản đến cấp huyện.

Điều 2. Quy hoạch này và các quy định của pháp luật liên quan khác là cơ sở điều chỉnh mọi hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt, quặng titan trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc, các Sở, Ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét, bổ sung, điều chỉnh.

Điều 3. Giao sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan công bố, hướng dẫn triển khai thực hiện nội dung Quy hoạch này trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Vượng

 





Nghị quyết 05/2007/NQ-HĐND giảm thủy lợi phí Ban hành: 19/07/2007 | Cập nhật: 01/08/2013