Quyết định 129/2001/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu giai đoạn 2001-2010
Số hiệu: 129/2001/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 29/08/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 08/10/2001 Số công báo: Số 37
Lĩnh vực: Môi trường, An ninh quốc gia, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 129/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 129/2001/QĐ-TTG NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM 2001 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH QUỐC GIA ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Xét đề nghị của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, ý kiến của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu (SCTD) với các nội dung chủ yếu sau đây :

1. Mục tiêu của kế hoạch.

a) Mục tiêu đến năm 2010.

- Sẵn sàng và ứng phó kịp thời, hiệu quả mọi trường hợp xảy ra SCTD để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại đối với môi trường, ảnh hưởng đến các ngành kinh tế và đời sống của nhân dân.

- Hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp làm nòng cốt cho hoạt động ứng phó SCTD.

b) Mục tiêu đến năm 2005.

Bảo đảm sẵn sàng ứng phó hiệu quả ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra SCTD, gây tác hại lớn là các vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng sông Sài Gòn - Đồng Nai, vùng biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Nha Trang, vùng sông biển thuộc thành phố Hải Phòng và vịnh Hạ Long.

2. Phạm vi thực hiện kế hoạch Quốc gia ứng phó SCTD và quy định khu vực ứng phó, phân loại mức độ SCTD.

a) Phạm vi thực hiện kế hoạch Quốc gia ứng phó SCTD.

Kế hoạch Quốc gia ứng phó SCTD được thực hiện trên toàn vùng đất liền, các hải đảo và vùng biển (vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam) được quy định tại Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ứng phó SCTD được tiến hành trong mọi trường hợp tràn dầu do mọi nguyên nhân, mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài gây ra.

b) Khu vực ứng phó SCTD.

- Khu vực miền Bắc bao gồm : toàn bộ các tỉnh, thành phố miền Bắc tới hết tỉnh Quảng Bình; toàn bộ vùng biển khu vực vịnh Bắc Bộ thuộc phạm vi ứng phó SCTD đến vĩ tuyến 17o10’N.

- Khu vực miền Trung bao gồm : toàn bộ các tỉnh, thành phố miền Trung từ tỉnh Quảng Trị tới hết tỉnh Bình Thuận; toàn bộ vùng biển thuộc phạm vi ứng phó SCTD từ vĩ tuyến 17o10’N đến vĩ tuyến 11o20’N.

- Khu vực miền Nam bao gồm : toàn bộ các tỉnh, thành phố miền Nam từ tỉnh Ninh Thuận đến hết tỉnh Cà Mau, Kiên Giang; toàn bộ vùng biển từ vĩ tuyến 11o20’N, về phía Nam, đến hết phạm vi ứng phó SCTD của kế hoạch Quốc gia này.

c) Phân loại mức độ SCTD

Mức độ ứng phó SCTD được phân theo 3 mức từ mức độ I đến mức độ III dựa trên cơ sở khối lượng dầu tràn ra môi trường.

Mức I : Dưới 100 tấn.

Mức II : Từ 100 tấn đến 2.000 tấn.

Mức III : Trên 2.000 tấn.

3. Hệ thống và cơ chế hoạt động của các cấp ứng phó SCTD.

Việc ứng phó SCTD được tiến hành ở 3 cấp : Cấp cơ sở, cấp khu vực và cấp Quốc gia.

a) Cấp cơ sở.

- Các cơ sở kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh có khả năng gây ra SCTD (sau đây gọi chung là cơ sở) đều phải tự xây dựng kế hoạch ứng phó, đầu tư các trang thiết bị và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả SCTD ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do cơ sở mình gây ra và sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung ứng phó SCTD theo sự điều động, chỉ huy thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền.

- Trong trường hợp tiềm lực và khả năng bị hạn chế, cơ sở phải hợp đồng với các cơ sở khác trong vùng hoặc với Trung tâm ứng phó SCTD khu vực để hỗ trợ ứng phó khi SCTD xảy ra tại cơ sở mình.

b) Cấp khu vực.

Tại mỗi khu vực ứng phó SCTD tổ chức một Trung tâm ứng phó SCTD khu vực (sau đây viết tắt là Trung tâm khu vực).

- Trung tâm khu vực được tổ chức hoạt động theo quy chế của doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích, có lực lượng chuyên nghiệp làm nòng cốt bảo đảm đủ điều kiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng phó SCTD từ mức độ II trở lên trong khu vực được phân công.

- Trên cơ sở xem xét tổng thể giữa hiện trạng và nhu cầu về nhân lực, trang thiết bị, vật tư cho hoạt động ứng phó SCTD ở từng khu vực, Nhà nước sẽ đầu tư bổ xung để Trung tâm khu vực đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ ứng phó SCTD trong khu vực được giao.

- Trung tâm khu vực chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ, ngành chủ quản. ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo Trung tâm khu vực trong lĩnh vực ứng phó SCTD.

Từ nay đến năm 2004 tập trung xây dựng hoàn chỉnh, đưa vào hoạt động 2 Trung tâm khu vực miền Trung, miền Nam. Trên cơ sở kinh nghiệm thu được từ 2 Trung tâm này, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đề xuất kế hoạch xây dựng Trung tâm miền Bắc, bảo đảm đến năm 2010, cả nước có 3 Trung tâm ứng phó SCTD khu vực hoạt động.

c) Cấp Quốc gia.

- Trường hợp SCTD xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của một Trung tâm khu vực, ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn điều động lực lượng của các Trung tâm khu vực khác, của các Bộ, ngành, các địa phương và của các tổ chức, cá nhân phối hợp tham gia ứng phó SCTD.

- Trường hợp SCTD xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị lực lượng ứng phó SCTD của nước ngoài vào trợ giúp. ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp các lực lượng trong hoạt động ứng phó SCTD này.

4. Trang thiết bị ứng phó SCTD.

a) Các cơ sở.

Các cơ sở tự trang bị phương tiện, trang thiết bị bảo đảm ứng phó SCTD ở mức có thể xảy ra ở cơ sở mình theo quy định của kế hoạch này.

b) Các Trung tâm khu vực.

Các Trung tâm khu vực cần có các loại trang thiết bị, phương tiện, vật tư chủ yếu như sau :

- Các trang thiết bị kỹ thuật, thông tin liên lạc để điều hành hoạt động của Trung tâm.

- Đội tàu chuyên dùng, xuồng máy tốc độ cao, các loại phao, chất phân tán và các phương tiện, trang thiết bị chứa dầu, bơm, hút, phun chất phân tán, thu gom dầu; hệ thống xử lý cặn dầu ...

- Trang thiết bị, quần áo bảo hộ cho người tham gia ứng phó.

c) Tại các cơ quan chỉ đạo, điều hành.

Tại Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan khác có liên quan được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, các trang thiết bị khác phù hợp với trách nhiệm được giao tại Điều 2 của Quyết định này.

5. Tài chính để thực hiện kế hoạch quốc gia ứng phó SCTD.

a) Các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Các cơ sở tự bảo đảm tài chính cho việc thực hiện kế hoạch ứng phó SCTD tại cơ sở.

b) Các Trung tâm khu vực.

Tài chính bảo đảm cho các Trung tâm ứng phó SCTD khu vực hoạt động lấy từ các nguồn sau :

- Ngân sách Nhà nước bổ sung đầu tư ban đầu và bảo đảm cho một số hoạt động thường xuyên về ứng phó SCTD cho các Trung tâm khu vực sẽ được xem xét căn cứ theo Nghị định số 56/CP ngày 02 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ về doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích và theo Quyết định số 215/1999/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tạm thời quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.

- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Tiến tới các Trung tâm khu vực phải xây dựng kế hoạch kinh doanh để tự bảo đảm kinh phí hoạt động, thực hiện kế hoạch ứng phó SCTD.

c) Các cơ quan chỉ đạo, điều hành.

Đối với các hoạt động theo nhiệm vụ Chính phủ giao cho ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan khác có liên quan với trách nhiệm được giao tại khoản 4 Điều 1 của Quyết định này được sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Kế hoạch Quốc gia ứng phó SCTD.

1. Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn :

Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn là cơ quan chủ trì, chỉ huy và tổ chức thực hiện kế hoạch Quốc gia ứng phó SCTD, có trách nhiệm :

a) Xây dựng quy chế hoạt động ứng phó SCTD trên cả nước, hệ thống tổ chức thực hiện, bảo đảm từ năm 2002 - 2003 việc ứng phó SCTD sẽ được điều hành theo quy chế và hệ thống tổ chức thống nhất trên cả nước.

b) Chủ trì tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, nâng cao trách nhiệm công dân, động viên, tổ chức nhân dân tham gia các hoạt động nhằm xã hội hoá nhiệm vụ phòng ngừa và ứng phó SCTD.

c) Chỉ đạo, điều động, chủ trì, phối hợp các lực lượng tham gia ứng phó SCTD.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hàng năm, 5 năm trước mắt là kế hoạch ứng phó SCTD cho các năm 2001 - 2005, triển khai thực hiện khi kế hoạch trên được thông qua đến các khu vực, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thường xuyên hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch theo các quy định hiện hành.

đ) Chỉ đạo việc điều tra, xác minh các SCTD lớn, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về những biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do SCTD xảy ra.

e) Hàng năm tổ chức chỉ đạo diễn tập ứng phó SCTD, đào tạo, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng ứng phó SCTD.

g) Làm đầu mối quốc gia để tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó SCTD. Phối hợp với các nước có vùng tiếp giáp để cùng ứng phó khi dầu tràn xảy ra tại các khu vực đó.

h) Lập danh mục văn bản quan hệ quốc tế về ứng phó SCTD để kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước liên quan ban hành theo thẩm quyền, bảo đảm đến năm 2003 nước ta về cơ bản có đủ các văn bản pháp quy để các tổ chức ứng phó SCTD trong và ngoài nước có cơ sở pháp lý phối hợp ứng phó SCTD tại Việt Nam.

2. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khắc phục hậu quả SCTD đối với môi trường. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 về việc ban hành các văn bản này.

b) Hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương trong việc đánh giá, xác định thiệt hại và khắc phục hậu quả suy thoái môi trường do SCTD gây ra.

c) Tổ chức và hỗ trợ ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ứng phó SCTD.

d) Thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

3. Bộ Quốc phòng.

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện của quân đội tham gia phối hợp ứng phó SCTD theo yêu cầu của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

b) Thành lập Trung tâm ứng phó SCTD khu vực miền Trung trong hệ thống cứu nạn của Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, quy định nhiệm vụ ứng phó SCTD cho Trung tâm khu vực miền Trung, đầu tư trang thiết bị và đào tạo nhân lực cần thiết ban đầu để Trung tâm có thể sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong các năm 2002 - 2004.

4. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện của ngành dầu khí tham gia phối hợp ứng phó SCTD theo yêu cầu của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

b) Thành lập Trung tâm ứng phó SCTD khu vực miền Nam trong hệ thống các tình huống khẩn cấp thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam chủ trì, phối hợp với ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, quy định nhiệm vụ ứng phó SCTD cho Trung tâm khu vực miền Nam, đầu tư trang thiết bị và đào tạo nhân lực cần thiết ban đầu để Trung tâm có thể sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong các năm 2002 - 2004.

5. Các Bộ, ngành có liên quan.

a) Chỉ đạo, kiểm tra các tổ chức, cơ sở sản xuất - kinh doanh có khả năng gây ra SCTD thuộc quyền quản lý của mình lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc ứng phó SCTD theo các quy định của kế hoạch này.

b) Huy động các lực lượng và phương tiện trong phạm vi quản lý của mình tham gia ứng phó SCTD theo yêu cầu của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

6. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

a) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các cơ sở có khả năng gây ra SCTD phải xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó SCTD của địa phương mình trên cơ sở huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng phó SCTD của các cơ sở thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn thuộc quyền quản lý của mình.

b) Chỉ đạo, kiểm tra các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh có khả năng gây ra SCTD thuộc quyền quản lý của mình lập kế hoạch ứng phó SCTD và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của kế hoạch này.

c) Tạo điều kiện và phối hợp với lực lượng các Bộ, ngành, địa phương khác trong việc theo dõi, giám sát SCTD đồng thời chỉ đạo các hoạt động ứng phó khi xảy ra SCTD tại địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)