Quyết định 215/1999/QĐ-TTg về Quy chế tạm thời quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn
Số hiệu: 215/1999/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 03/11/1999 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/12/1999 Số công báo: Số 46
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 215/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 215 /1999/QĐ-TTG NGÀY 03 THÁNG 11 NĂM 1999 BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn trên không và trên biển và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn trên không và trên biển chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

TẠM THỜI QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số : 215 /1999/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn bằng nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh.

Điều 2. Kinh phí cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn gồm :

1. Kinh phí cho hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành và các địa phương.

2. Kinh phí mua sắm phương tiện, hàng hoá, vật tư dự trữ quốc gia phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.

3. Kinh phí cho hoạt động đột xuất tìm kiếm cứu nạn người và phương tiện.

Điều 3. Việc lập dự toán, cấp phát, quản lý, quyết toán kinh phí cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định của Quy chế này.

Chương 2

PHÂN CẤP NHIỆM VỤ CHI NGÂN SÁCH CHO HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN

Điều 4. Nhiệm vụ chi ngân sách Trung ương :

1. Kinh phí hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, của các cơ quan Thường trực tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành và của các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực :

a) Chi hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn bao gồm : thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, huấn luyện, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, đào tạo, hội nghị, hội thảo, đoàn ra, đoàn vào, hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn quốc tế, thông tin, tuyên truyền; sửa chữa phương tiện, trang bị nghiệp vụ; khen thưởng, kiểm tra và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến nghiệp vụ văn phòng tìm kiếm cứu nạn;

b) Chi hoạt động của cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành bao gồm : thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, hội nghị, hội thảo, thông tin tuyên truyền; sửa chữa phương tiện, trang bị nghiệp vụ và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến nghiệp vụ thường trực tìm kiếm cứu nạn.

2. Kinh phí xây lắp, trang bị phương tiện cho tìm kiếm cứu nạn.

3. Kinh phí hoạt động trực tiếp tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng do Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện :

a) Chi đột xuất sửa chữa phương tiện, thiết bị và chi phí khắc phục sự cố tràn dầu của các đơn vị thuộc các Trung tâm tìm kiếm cứu nạn trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn;

b) Chi phí nguyên nhiên liệu; phương tiện cứu sinh cung cấp cho hoạt động trực tiếp tìm kiếm cứu nạn;

c) Chi phí cấp cứu người bị nạn;

d) Chi phí thuê phương tiện của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trực tiếp tìm kiếm cứu nạn;

đ) Chi phí khác có liên quan trực tiếp đến tìm kiếm cứu nạn.

4. Kinh phí mua phương tiện, hàng hoá, vật tư dự trữ cho tìm kiếm cứu nạn.

Điều 5. Nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh

1. Kinh phí hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố bao gồm : thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, huấn luyện, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, đào tạo, hội nghị, hội thảo, hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn, thông tin, tuyên truyền, khen thưởng; sửa chữa phương tiện, trang bị nghiệp vụ và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến nghiệp vụ thường trực tìm kiếm cứu nạn.

2. Kinh phí xây lắp, trang bị phương tiện cho tìm kiếm cứu nạn.

3. Kinh phí hoạt động trực tiếp tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện :

a) Chi đột xuất sửa chữa phương tiện, thiết bị và chi phí khắc phục sự cố tràn dầu của các đơn vị trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn;

b) Chi phí nguyên, nhiên liệu; phương tiện cứu sinh cung cấp cho hoạt động trực tiếp tìm kiếm cứu nạn;

c) Chi phí cấp cứu người bị nạn;

d) Chi phí thuê phương tiện của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trực tiếp tìm kiếm cứu nạn.

4. Kinh phí mua phương tiện, hàng hoá, vật tư dự trữ cho tìm kiếm cứu nạn.

Điều 6. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đảm bảo kinh phí cho hoạt động thường xuyên của cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn dầu khí; chi đầu tư mua sắm trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành dầu khí và được phép huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp dầu khí.

Chương 3

LẬP, CHẤP HÀNH VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ TÌM KIẾM CỨU NẠN

Điều 7. Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí tìm kiếm cứu nạn thực hiện theo Nghị định số 87/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 1998 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/CP và Nghị định số 120/1997/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 1997 quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh.

1. Lập dự toán kinh phí hoạt động nghiệp vụ thường xuyên :

- Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn lập dự toán kinh phí hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của mình gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đưa vào cân đối ngân sách nhà nước hàng năm trình Chính phủ quyết định.

- Các cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành và các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực lập dự toán kinh phí hoạt động nghiệp vụ thường xuyên hàng năm của mình trình Bộ, ngành phê duyệt và tổng hợp gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ quyết định; đồng gửi Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để tổng hợp chung và theo dõi.

2. Lập dự toán chi hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương :

Căn cứ vào nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao, số kiểm tra về lập dự toán ngân sách năm của Sở Tài chính - Vật giá, cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập dự toán chi nghiệp vụ thường xuyên gửi Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố để tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

3. Lập báo cáo chi hoạt động tìm kiếm cứu nạn : các đơn vị, lực lượng được huy động hoặc chủ động trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn lập báo cáo chi phí thực tế hoạt động trực tiếp tìm kiếm cứu nạn và gửi cơ quan duyệt như sau :

- Gửi Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nếu dự toán chi dưới 1 tỷ đồng) hoặc trình Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xem xét, quyết định đối với hoạt động trực tiếp tìm kiếm cứu nạn do Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

- Gửi Sở Tài chính - Vật giá tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đồng gửi Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để theo dõi.

4. Chi mua sắm phương tiện, hàng hoá, vật tư dự trữ Quốc gia và mua sắm trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn : căn cứ vào nhiệm vụ của Chính phủ giao, định hướng phát triển của hoạt động tìm kiếm cứu nạn, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các dự án đầu tư mua sắm phương tiện, hàng hoá, vật tư dự trữ Quốc gia và các trang thiết bị phục vụ cho việc tìm kiếm cứu nạn gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Dự trữ quốc gia xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính thông báo dự toán ngân sách chi tìm kiếm cứu nạn cho các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ, ngành và các cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào dự toán ngân sách được duyệt phân bổ cho Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành và các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực.

Căn cứ quyết định giao nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tài chính - Vật giá thông báo dự toán ngân sách chi tìm kiếm cứu nạn cho cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, thành phố.

Điều 8. Cấp phát kinh phí tìm kiếm cứu nạn

1. Kinh phí hoạt động nghiệp vụ thường xuyên : Bộ Tài chính cấp phát cho Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn qua Bộ Quốc phòng; cho cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành và các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn ở khu vực qua Bộ, ngành chủ quản; Sở Tài chính - Vật giá cấp phát cho cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn qua ngành chủ quản đặt Văn phòng.

2. Kinh phí mua phương tiện, hàng hoá, kinh phí xây lắp, trang bị phương tiện, vật tư dự trữ cho tìm kiếm cứu nạn : Bộ Tài chính, Sở Tài chính - Vật giá cấp phát theo quy định hiện hành.

3. Kinh phí hoạt động trực tiếp tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị, lực lượng, cá nhân được huy động hoặc chủ động trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn : đối với ngân sách Trung ương do Bộ Tài chính cấp phát qua Bộ, ngành chủ quản; đối với ngân sách địa phương do Sở Tài chính - Vật giá cấp phát qua ngành chủ quản, Uỷ ban nhân dân quận, huyện để chi trả cho các cá nhân trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn.

4. Kinh phí mua sắm phương tiện, hàng hoá, trang thiết bị, vật tư dự trữ quốc gia phục vụ tìm kiếm cứu nạn: Căn cứ vào các dự án đã được Chính phủ quyết định đầu tư, trên cơ sở tiến độ thời gian thực hiện của từng dự án, Bộ Tài chính cấp phát theo quy định hiện hành.

Điều 9. Quyết toán kinh phí tìm kiếm cứu nạn

1. Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn quyết toán kinh phí hoạt động nghiệp vụ thường xuyên qua Bộ Quốc phòng.

2. Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành, các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực, các chủ đầu tư dự án và các đơn vị, lực lượng Trung ương được huy động hoặc chủ động trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn tổng hợp quyết toán kinh phí tìm kiếm cứu nạn qua Bộ, ngành chủ quản; đồng gửi Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để theo dõi.

3. Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố; các chủ đầu tư dự án và các đơn vị, lực lượng địa phương được huy động trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn tổng hợp quyết toán kinh phí tìm kiếm cứu nạn qua ngành chủ quản; đồng gửi Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để theo dõi.

4. Bộ Quốc phòng và Bộ, ngành chủ quản Trung ương tổng hợp quyết toán kinh phí tìm kiếm cứu nạn vào báo cáo tổng quyết toán ngân sách hàng năm gửi Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt. Ngành chủ quản địa phương tổng hợp quyết toán kinh phí tìm kiếm cứu nạn vào báo cáo tổng quyết toán ngân sách hàng năm gửi Sở Tài chính - Vật giá trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

Điều 10. Lập dự toán thu chi ngân sách, quyết toán kinh phí hoạt động tìm kiếm cứu nạn theo quy định hiện hành.

Điều 11. Kiểm tra kinh phí tìm kiếm cứu nạn

Hàng năm Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, các ngành, các địa phương liên quan tiến hành kiểm tra các nội dung chi cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn đã được phê duyệt.

Chương 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Quy chế này có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách năm 2000.

Điều 13. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế sẽ được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước. Cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế, tuỳ tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 14. Các Bộ, các ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn trên không và trên biển có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.