Quyết định 1081/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020
Số hiệu: 1081/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Đào Anh Dũng
Ngày ban hành: 20/04/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1081/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 20 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Nghị quyết số 67/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về việc thông qua Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 675/TTr-SNN&PTNT ngày 07 tháng 4 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Anh Dũng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1081/QĐ-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

Thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020 với những nội dung chính như sau:

I. Quan điểm, mục tiêu

1. Quan điểm

a) Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái cho phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt mức tăng trưởng cao và bền vững; hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng, bao gồm: Vùng chuyên canh lúa thương phẩm và lúa giống chất lượng cao, vùng vành đai sản xuất lương thực thực phẩm quanh đô thị ứng dụng công nghệ cao, vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp với du lịch, vùng phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung.

b) Nâng cao hiệu quả kinh tế trên 01 ha đất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho kinh tế hộ nông dân, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp và nông thôn, thực hiện giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn.

2. Mục tiêu

a) Nâng cao năng lực, hiệu quả hệ thống nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây con chất lượng cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh hiệu quả sản xuất nông, thủy sản và thu nhập của nông dân một cách bền vững.

b) Xây dựng nguồn giống chủ lực có chất lượng cao, sạch bệnh đảm bảo cung cấp đủ giống phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

c) Đến năm 2020, công tác giống cây con phải đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và hiệu quả cao, bền vững với các sản phẩm chủ lực là lúa chất lượng cao, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt và các dịch vụ khoa học kỹ thuật với công nghệ tiên tiến, phù hợp tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

II. Địa điểm và thời gian thực hiện: Triển khai thực hiện tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ (trừ quận Ninh Kiều); năm 2017 - 2020.

III. Nội dung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

1. Hoạt động 1: So sánh, đánh giá tuyển chọn bộ giống lúa thích nghi điều kiện sản xuất của thành phố Cần Thơ

a) Mục tiêu: Phối hợp với viện, trường tổ chức điểm trình diễn so sánh đánh giá giống, qua đó tuyển chọn 2-3 giống chất lượng cao, phù hợp với điều kiện, thời vụ sản xuất của địa phương, bổ sung bộ giống lúa phục vụ cho sản xuất của thành phố.

b) Địa điểm và thời gian thực hiện: Tại 02 huyện: Vĩnh Thạnh và Thới Lai; thời gian: Năm 2017.

c) Nội dung thực hiện:

- Thực hiện 02 điểm/vụ; 02 vụ/năm (02 huyện: Vĩnh Thạnh và Thới Lai); 16 giống/điểm; 90 m2/giống, 1.500 m2/điểm, mỗi điểm bố trí 16 giống lúa (14 giống lúa gồm: Giống có triển vọng qua hội thảo đánh giá của viện, trường và các đơn vị lai tạo giống, các giống đang sản xuất thử và 02 giống lúa chủ lực đang sản xuất tại địa phương làm đối chứng. Kết quả chọn 2-3 giống đạt yêu cầu đề nghị công nhận giống, đưa vào bộ giống lúa khuyến cáo sản xuất hàng năm.

- Tổ chức 04 cuộc hội thảo đầu bờ đánh giá giống và các vấn đề có liên quan đến sản xuất giống lúa.

d) Nguồn vốn: Tổng kinh phí là 240.830.000 đồng (vốn ngân sách).

đ) Đơn vị thực hiện: Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản thành phố Cần Thơ (sau đây gọi tắt là Trung tâm Giống) phối hợp với viện, trường, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, địa phương; phối hợp với tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc đánh giá tuyển chọn bộ giống có năng suất, chất lượng cao, thích nghi, phù hợp nhu cầu thị trường.

2. Hoạt động 2: Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống lúa của thành phố Cần Thơ

a) Mục tiêu: Nâng cao chất lượng, năng lực cơ sở sản xuất giống lúa ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm; sắp xếp, củng cố và xây dựng mối liên kết hợp tác trong hệ thống sản xuất cung ứng giống lúa 3 cấp của thành phố, nâng cao số lượng và diện tích sử dụng giống lúa sản xuất được công bố hợp quy; chuyển đổi cơ cấu giống lúa với những giống có chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Nâng cao nhận thức về thực thi tác quyền giống lúa, trang bị những kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, chế biến bảo quản giống lúa; cập nhật những quy định quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh giống lúa.

b) Địa điểm và thời gian thực hiện: Trung tâm Giống và các quận, huyện trên địa bàn thành phố; thời gian: 2017 - 2020.

c) Nội dung thực hiện:

- Tổ chức sản xuất 600 tấn lúa giống giai đoạn 2017 - 2020 (2017: 220 tấn, 2018: 200 tấn, 2019: 90 tấn, 2020: 90 tấn), Trung tâm Giống làm đầu mối liên kết với viện, trường, các cơ sở sản xuất và cung ứng giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng và được công nhận theo quy định; bộ giống lúa sản xuất theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giống lúa được hỗ trợ giá 40% theo giá giống của thị trường cho nông dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố (thu hồi 60% áp dụng theo định mức hỗ trợ giống cây con của thành phố đang thực hiện);

- Hỗ trợ kinh phí kiểm định, kiểm nghiệm 600 tấn giống lúa/4 năm (2017: 220 tấn, 2018: 200 tấn, 2019: 90 tấn, 2020: 90 tấn), ưu tiên cho các cơ sở tham gia sản xuất giống lúa của kế hoạch;

- Tổ chức 05 lớp tập huấn về quy trình sản xuất, chế biến bảo quản giống lúa, cập nhật kỹ năng, các quy chuẩn và văn bản quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống lúa, thông tin về các giống lúa theo khuyến cáo của ngành.

d) Nguồn vốn: Tổng kinh phí thực hiện 14.444.272.000 đồng (vốn ngân sách nhà nước: 8.384.272.000 đồng; vốn người dân vay tín dụng: 2.424.000.000 đồng; vốn người dân tự có đóng góp: 3.636.000.000 đồng).

- Sản phẩm giống lúa của kế hoạch được cung cấp cho người sản xuất, tập trung cơ sở và hộ sản xuất giống trên địa bàn triển khai kế hoạch, vùng sản xuất lúa hàng hóa; giống được hỗ trợ giá 40% (giá tính hỗ trợ theo giá thị trường). Nguồn thu từ sản phẩm sau khi trợ giá sẽ nộp về ngân sách 70%, phần còn lại 30% sau khi chi phục vụ cho các hoạt động cung cấp, tiêu thụ giống: Vận chuyển, bốc vác; hỗ trợ cho các đơn vị tham gia phân phối giống lúa (Trạm Khuyến nông, Trại,...) thực hiện công việc chọn hộ, lập hồ sơ, thanh toán, thu nợ,... sẽ để lại Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trung tâm Giống.

đ) Đơn vị thực hiện: Trung tâm Giống hợp tác với viện, trường và Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng vùng Nam bộ để triển khai tập huấn, cung cấp giống siêu nguyên chủng; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương kiểm tra, đánh giá chất lượng giống lúa; phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông đưa tin bài, xây dựng các phóng sự nhằm nâng cao nhận thức người sản xuất trong sử dụng giống lúa chất lượng cao, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu vùng sản xuất giống lúa thành phố Cần Thơ; liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã, các đơn vị để sản xuất cung ứng giống.

3. Hoạt động 3: Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái của thành phố Cần Thơ

a) Bình tuyển công nhận một số cây ăn trái đầu dòng

- Mục tiêu: Tổ chức tuyển chọn và công nhận một số giống cây ăn trái đầu dòng phục vụ phát triển vùng sản xuất cây ăn trái cho thành phố Cần Thơ như: Cam sành, cam soàn, bưởi da xanh, cam mật, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu xiêm (6 loại cây ăn trái), bình tuyển công nhận ít nhất 2-3 cây đầu dòng/loại cây;

- Địa điểm và thời gian thực hiện: Trung tâm Giống và các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ; thời gian: Năm 2017 - 2020;

- Nội dung thực hiện: Bình tuyển công nhận ít nhất 2-3 cây đầu dòng/loại cây, 6 loại cây trồng gồm: Cam sành, cam soàn, bưởi da xanh, cam mật, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu xiêm.

+ Năm 2017: Xây dựng tiêu chuẩn chọn cây đầu dòng từng loại cây.

+ Năm 2017 - 2019: Tuyển chọn cây đầu dòng.

+ Năm 2017 - 2019: Bình tuyển cây đầu dòng.

+ Năm 2020: Đăng ký công nhận cây đầu dòng.

+ Năm 2019 - 2020: Quản lý cây đầu dòng.

- Nguồn vốn: Tổng kinh phí thực hiện 5.996.100.000 đồng (vốn ngân sách).

b) Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái của Trung tâm Giống

- Mục tiêu: Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái của Trung tâm Giống, cung cấp giống cây ăn trái sạch bệnh chất lượng cao phục vụ sản xuất, củng cố tăng cường mối liên kết hợp tác trong hệ thống sản xuất cung ứng giống cây ăn trái của thành phố;

- Địa điểm và thời gian thực hiện: Trung tâm Giống và các quận huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ; thời gian: Năm 2017 - 2020;

- Nội dung thực hiện: Lưu giữ nguồn giống cây ăn trái nhằm bảo tồn và cung cấp nguồn vật liệu nhân giống, làm đầu mối liên kết với viện, trường trong việc chuyển giao, sản xuất cung ứng giống cây chất lượng cao. Xây dựng, cải tạo vườn cây ăn trái đầu dòng, vườn cây có múi S0, S1, nhà lưới để lưu giữ và sản xuất giống tại Trung tâm Giống; hàng năm sản xuất cung ứng 10.000 cây giống cây ăn trái chất lượng cao cho thành phố (có hỗ trợ giá).

+ Năm 2019 - 2020: Xây dựng vườn cây đầu dòng cho 6 loại cây đầu dòng đã qua bình tuyển của kế hoạch để lưu giữ và sản xuất giống.

+ Năm 2017 - 2020: Xây dựng vườn cây ăn trái đầu dòng và vườn cây có múi S1, S0 với các giống cây ăn trái đặc sản, giống mới, cây ăn trái thị trường ưa chuộng; nguồn giống từ viện, trường, đơn vị sản xuất trong và ngoài tỉnh, nhằm cung cấp vật liệu nhân giống, lưu giữ nguồn giống.

+ Năm 2017 - 2020: Tổ chức sản xuất cung cấp giống cây ăn trái sạch bệnh, chất lượng cao 10.000 cây/năm.

+ Năm 2017 - 2018: Tập huấn 06 lớp cho nông dân, cơ sở sản xuất giống, lực lượng kỹ thuật, cộng tác viên các vùng sản xuất cây ăn trái của thành phố;

+ Năm 2017, 2019: Đầu tư mới 04 nhà lưới, cải tạo và nâng cấp 03 nhà lưới hiện xuống cấp để lưu giữ và nhân giống cây có múi. Đầu tư trang thiết bị phục vụ cho sản xuất cây ăn trái và chuyển giao kỹ thuật;

- Nguồn vốn: Tổng kinh phí thực hiện là 7.470.687.000 đồng (vốn ngân sách nhà nước: 3.342.614.000 đồng; vốn người dân vay tín dụng: 1.411.200.000 đồng; vốn người dân tự có đóng góp: 2.716.873.000 đồng).

- Sản phẩm giống cây ăn trái được sản xuất hàng năm từ kế hoạch được cung cấp cho người sản xuất của thành phố, giống được hỗ trợ giá 60% (giá tính hỗ trợ theo giá thị trường). Nguồn thu từ sản phẩm sau khi trợ giá sẽ nộp về ngân sách 70%, phần còn lại 30% sau khi chi phục vụ cho các hoạt động cung cấp, tiêu thụ giống: Vận chuyển, trung chuyển, bốc vác; hỗ trợ cho các đơn vị tham gia phân phối giống (Trạm Khuyến nông, Trại,...) thực hiện công việc chọn hộ, lập hồ sơ, thanh toán, thu nợ,... sẽ để lại Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trung tâm Giống.

c) Đơn vị thực hiện: Trung tâm Giống phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trung tâm Khuyến nông; Trường Đại học Cần Thơ; Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam; cơ sở nhân giống; quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

4. Hoạt động 4: Tuyển chọn và phục tráng giống mè của thành phố Cần Thơ

a) Mục tiêu: Tuyển chọn và phục tráng 02 giống mè (mè đen, mè vàng) đang được trồng phổ biến ở quận Thốt Nốt nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng của thành phố Cần Thơ.

b) Địa điểm và thời gian thực hiện: Các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, quận Thốt Nốt; thời gian: Năm 2017 - 2020.

c) Nội dung thực hiện: Chọn lọc được 1 - 2 dòng/giống mè.

- Năm 2017: Xây dựng tiêu chuẩn, khảo sát chọn các cá thể giống mè có triển vọng, hội thảo xây dựng tiêu chuẩn chọn giống mè tốt;

- Năm 2017 - 2019: Tuyển chọn cá thể nổi trội, chọn lọc dòng thuần;

- Năm 2019: So sánh sơ khởi;

- Năm 2020: Trắc nghiệm giống, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chuyển giao giống mè, tập huấn kỹ thuật.

d) Nguồn vốn: Tổng kinh phí thực hiện: 1.486.752.000 đồng (vốn ngân sách).

đ) Đơn vị thực hiện: Trung tâm Giống phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trung tâm Khuyến nông; Trường Đại học Cần Thơ.

5. Hoạt động 5: Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất đàn heo giống của thành phố Cần Thơ

a) Mục tiêu: Xây dựng các mô hình quản lý, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất giống để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cải tạo và nâng cao chất lượng đàn heo giống theo hướng nạc đạt trên 95% vào năm 2020, từng bước đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cao của thành phố.

b) Địa điểm và thời gian thực hiện: Trung tâm Giống và các quận, huyện trên địa bàn thành phố; thời gian: Năm 2017 - 2020.

c) Nội dung thực hiện: Cải tạo, sửa chữa trại heo, kho hiện có; xây dựng và tổ chức sản xuất đàn heo nái sinh sản 30 con tại Trung tâm Giống; tổ chức sản xuất cung cấp 480 heo con/năm, hỗ trợ giá con giống cho các quận, huyện 150-200 con/năm (20-40 hộ/năm); xây dựng mô hình chăn nuôi heo nái sinh sản 2-4 điểm/năm, 2-10 con heo nái/điểm tại các quận, huyện.

- Cải tạo, sửa chữa trại heo, nhà kho đã xuống cấp hiện có, đầu tư phát triển đàn heo nái sinh sản 30 con;

- Tổ chức sản xuất cung cấp 480 heo con/năm, thực hiện hỗ trợ giá giống 150-200 con heo giống/năm (20-40 hộ/năm);

- Xây dựng mô hình nuôi heo nái sinh sản 2 - 4 điểm/năm;

- Tập huấn 12 lớp/2 năm về sản xuất giống, quy trình kỹ thuật và các quy định nhà nước có liên quan cho người chăn nuôi heo, về giám định, bình tuyển giống và chuyển giao nguồn giống tốt cho hộ chăn nuôi. Tổ chức hội thảo, tham quan, học tập và nhân rộng các mô hình chăn nuôi heo có hiệu quả.

d) Nguồn vốn: Tổng kinh phí thực hiện: 9.148.676.000 đồng (vốn ngân sách Nhà nước: 7.834.574.000 đồng; vốn dân vay tín dụng: 485.424.000 đồng; vốn dân tự có đóng góp: 828.678.000 đồng).

- Sản phẩm heo giống của kế hoạch được cung cấp cho người sản xuất của thành phố, giống được hỗ trợ giá 40% (giá tính hỗ trợ theo giá thị trường). Nguồn thu từ sản phẩm sau khi trợ giá sẽ nộp về ngân sách 70%, phần còn lại 30% sau khi chi phục vụ cho các hoạt động cung cấp, tiêu thụ giống: Vận chuyển, trung chuyển, bốc vác; hỗ trợ cho các đơn vị tham gia phân phối giống (Trạm Khuyến nông, Trại,...) thực hiện công việc chọn hộ, lập hồ sơ, thanh toán, thu nợ,... sẽ để lại Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trung tâm Giống.

đ) Đơn vị thực hiện: Trung tâm Giống; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Trung tâm Khuyến nông; Chi cục Phát triển nông thôn.

6. Hoạt động 6: Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất đàn gà giống của thành phố Cần Thơ

a) Mục tiêu: Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất đàn gà giống của Trung tâm Giống, cung cấp nhu cầu con giống chất lượng phục vụ chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ. Chủ động kiểm soát, khống chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường. Tạo đàn bố mẹ giống được nuôi giữ theo qui trình an toàn sinh học, có nguồn gốc rõ ràng,... Từng bước tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất giống - thức ăn - chăn nuôi đến giết mổ và kênh tiêu thụ.

b) Địa điểm và thời gian thực hiện: Trung tâm Giống và các quận, huyện trên địa bàn thành phố; thời gian: Năm 2017 - 2020.

c) Nội dung thực hiện: Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng trại gà đẻ và kho; quy mô 500m2, 1.000 bố mẹ; cung cấp cho thị trường 30.000 con gà giống/năm (120 ngàn con giống/4 năm, 2017 - 2020); hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi gà đẻ và gà thịt: 4 hộ/năm, 1.000 con/mô hình.

- Tổ chức sản xuất và cung cấp 30 ngàn con gà giống/năm (120 ngàn con/4 năm, 2017 - 2020), trong đó thực hiện hỗ trợ giống cho các hộ chăn nuôi gà đẻ và gà thịt đạt tiêu chuẩn, chất lượng, sạch bệnh từ nguồn giống của kế hoạch: Hỗ trợ con giống cho 10 - 20 hộ/năm, số lượng 200 - 1.000 con/mô hình nhằm khuyến khích đẩy nhanh sử dụng giống chất lượng cao;

- Tổ chức tập huấn 10 lớp/2 năm về quy trình kỹ thuật, các tiêu chuẩn áp dụng sản xuất và quy định của nhà nước có liên quan cho cơ sở giống, người nuôi, lực lượng kỹ thuật, cộng tác viên;

- Tổ chức các buổi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong và ngoài thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh và mô hình chăn nuôi trang trại điển hình.

d) Nguồn vốn: Tổng kinh phí thực hiện: 4.077.316.000 đồng (vốn ngân sách Nhà nước: 3.083.716.000 đồng; vốn dân vay tín dụng: 397.440.000 đồng; vốn dân tự có đóng góp: 596.160.000 đồng).

- Sản phẩm gà giống của kế hoạch được cung cấp cho người sản xuất trên địa bàn thành phố, giống được hỗ trợ giá 40% (giá tính hỗ trợ theo giá thị trường). Nguồn thu từ sản phẩm sau khi trợ giá sẽ nộp về ngân sách 70%, phần còn lại 30% sau khi chi phục vụ cho các hoạt động cung cấp, tiêu thụ giống: Vận chuyển, trung chuyển, bốc vác; hỗ trợ cho các đơn vị tham gia phân phối giống (Trạm Khuyến nông, Trại,...) thực hiện công việc chọn hộ, lập hồ sơ, thanh toán, thu nợ,... sẽ để lại Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trung tâm Giống.

đ) Đơn vị thực hiện: Trung tâm Giống; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Trung tâm Khuyến nông; Chi cục Phát triển nông thôn.

7. Hoạt động 7: Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống thủy sản của thành phố Cần Thơ

a) Mục tiêu: Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống thủy sản của Trung tâm Giống, tập trung giống cá tra, cá rô phi dòng GIFT đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cao, khai thác tốt đàn cá tra bố mẹ có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng tiếp nhận từ Viện Nuôi trồng thủy sản II, từng bước thay thế và cung cấp cá hậu bị, cá giống chất lượng cao cho các trại, vùng nuôi cá trong và ngoài thành phố. Tập huấn nâng cao kỹ năng, tay nghề, cập nhật các quy định quản lý nhà nước về sản xuất giống cá tra và nuôi thương phẩm cho nông dân, các cơ sở sản xuất cung ứng giống và lực lượng cán bộ địa phương.

b) Địa điểm và thời gian thực hiện: Trung tâm Giống và các quận, huyện trên địa bàn thành phố; thời gian: Năm 2017 - 2020.

c) Nội dung thực hiện: Hàng năm sản xuất 05 triệu cá tra bột, 500 ngàn cá tra giống; 300 ngàn cá rô phi dòng GIFT.

- Cải tạo hệ thống ao và đầu tư trang thiết bị nâng cao năng lực sản xuất giống thủy sản của Trung tâm Giống;

- Tổ chức sản xuất 05 triệu cá tra bột, 500 ngàn cá tra giống từ đàn cá tra bố mẹ tiếp nhận Viện Nuôi trồng thủy sản II, 300 ngàn cá rô phi dòng GIFT, giống được hỗ trợ giá;

- Tổ chức tập huấn 10 lớp/2 năm về quy trình kỹ thuật, các tiêu chuẩn áp dụng sản xuất và quy định của nhà nước có liên quan cho cơ sở ương giống, người nuôi, lực lượng kỹ thuật, cộng tác viên.

d) Nguồn vốn: Tổng kinh phí thực hiện: 54.231.205.600 đồng (vốn ngân sách Nhà nước: 7.546.945.000 đồng; vốn dân vay tín dụng: 17.820.024.000 đồng; vốn dân tự có: 28.864.236.600 đồng).

đ) Đơn vị thực hiện: Trung tâm Giống; Trung tâm Khuyến nông; Chi cục Thủy sản.

- Sản phẩm giống cá của kế hoạch được cung cấp cho người sản xuất trên địa bàn thành phố, giống được hỗ trợ giá 40% (giá tính hỗ trợ theo giá thị trường). Nguồn thu từ sản phẩm sau khi trợ giá sẽ nộp về ngân sách 70%, phần còn lại 30% sau khi chi phục vụ cho các hoạt động cung cấp, tiêu thụ giống: Vận chuyển, trung chuyển, bốc vác; hỗ trợ cho các đơn vị tham gia phân phối giống (Trạm Khuyến nông, Trại,...) thực hiện công việc chọn hộ, lập hồ sơ, thanh toán, thu nợ,... sẽ để lại Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trung tâm Giống.

IV. Hiệu quả kinh tế - xã hội

1. Kế hoạch được triển khai góp phần nâng cao vai trò trung tâm của thành phố Cần Thơ trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, góp phần thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn thành phố theo hướng hiện đại, toàn diện; mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá các nông sản chủ lực, hướng mạnh vào xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng, bao gồm: Vùng chuyên canh lúa thương phẩm và lúa giống chất lượng cao, vùng vành đai sản xuất lương thực, thực phẩm quanh đô thị ứng dụng công nghệ cao, vùng cây ăn trái đặc sản; tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa đơn vị khoa học, nông dân và doanh nghiệp gắn bó, ổn định và bền vững.

2. Nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu về cây con giống chất lượng cao, bảo tồn nguồn gen, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu.

3. Nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản chất lượng cao cho các cơ sở sản xuất kinh doanh giống. Đảm bảo cung cấp đủ và chủ động được giống tốt đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hoá của thành phố và các tỉnh xung quanh.

4. Tăng hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

V. Kinh phí dự kiến thực hiện

Tổng kinh phí: 97.480.839.000 đồng (Chín mươi bảy tỷ, bốn trăm tám mươi triệu, tám trăm ba mươi chín ngàn đồng).

1. Vốn ngân sách Nhà nước (sự nghiệp): 38.300.803.000 đồng (39,29%) .

2. Vốn dân vay tín dụng: 22.538.088.000 đồng (23,12%).

3. Vốn dân tự có đóng góp: 36.641.948.000 đồng (37,59%).

VI. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ (Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản), có nhiệm vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện và viện, trường,... hàng năm xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí triển khai kế hoạch đáp ứng yêu cầu phù hợp với quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch thủy sản, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi tập trung quy mô lớn và các vùng sản xuất giống; áp dụng quy trình tiến bộ vào sản xuất, bảo đảm số lượng, chất lượng sản phẩm;

b) Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thông tin tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai thực hiện kế hoạch; định kỳ hàng năm, có tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm.

c) Định kỳ, hàng nămgiám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện.

2. Cơ quan phối hợp thực hiện

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Hàng năm, căn cứ tình hình khả năng ngân sách của địa phương đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, cân đối và phân bổ kinh phí thực hiện các hoạt động của kế hoạch.

b) Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ban ngành có liên quan lựa chọn triển khai các đề tài, dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong công tác giống hỗ trợ triển khai các hoạt động kế hoạch.

c) Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ: Phối hợp cung cấp, hỗ trợ các thông tin có liên quan đến dự báo về thị trường mua, bán sản phẩm nông nghiệp nội địa và xuất khẩu, các thông tin khác có liên quan khuyến cáo cho người sản xuất, người tiêu dùng. Tổ chức quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại các thương hiệu sản phẩm thông qua chương trình xây dựng và phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch của thành phố Cần Thơ; các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước, ở các kỳ hội chợ triển lãm, trên các website thương mại.

d) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hoạt động tuyên truyền, đưa tin phóng sự về các hoạt động kế hoạch, nâng cao nhận thức người sản xuất trong việc sử dụng giống chất lượng, giới thiệu quảng bá các cơ sở sản xuất giống cây con đủ điều kiện, đạt chất lượng của thành phố.

đ) Ủy ban nhân dân quận, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai công tác điều tra, khảo sát để xác định vùng có đủ điều kiện thực hiện triển khai kế hoạch; xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất giống, hỗ trợ việc thực hiện hợp đồng; chỉ đạo ngành nông nghiệp địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của kế hoạch.

e) Các cơ quan nghiên cứu trên địa bàn (Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ,...) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia xây dựng tiêu chí, đánh giá tuyển chọn giống, xây dựng mô hình, cung cấp giống bố mẹ, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, tham gia triển khai các nội dung kế hoạch;

g) Hội Nông dân thành phố, Liên minh Hợp tác xã thành phố hỗ trợ trong việc vận động hội viên hội nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, câu lạc bộ,… tham gia triển khai kế hoạch;

h) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ: Chỉ đạo, hướng dẫn Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Cần Thơ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố Cần Thơ và các ngân hàng thương mại trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ được giao, bố trí, hỗ trợ nguồn vốn vay phục vụ sản xuất giống, trang bị máy móc nông nghiệp, kho chứa, lò sấy, máy sàng lọc tách hạt,… cho các nhóm nông dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất giống.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị có văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết./.