Quyết định 101/2006/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu Đô thị mới Tây hồ Tây, tỉ lệ 1/2000 (phần hạ tầng kỹ thuật) do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 101/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
Ngày ban hành: 15/06/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 101/2006/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU ĐÔ THỊ MỚI TÂY HỒ TÂY, TỶ LỆ 1/2000 (PHẦN HẠ TẦNG KỸ THUẬT)
Địa điểm: Quận Cầu Giấy; Quận Tây Hồ; Huyện Từ Liêm - Thành phố Hà Nội

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô và Nghị định số 92/2005/NĐ-CP ngày 12/7/2005 về quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thủ đô;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng; số 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ về Quy chế Khu đô thị mới;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19/8/2005 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quy hoạch chi tiết khu Đô thị mới Tây hồ Tây, tỷ lệ 1/2000 (phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông) đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 13/2005/QĐ-UB ngày 01/02/2005;
Theo đề nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc tại Tờ trình số 762/TTr-QHKT ngày 26/5/2006,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu Đô thị mới Tây hồ Tây, tỉ lệ 1/2000 (phần hạ tầng kỹ thuật) do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập với các nội dung chính như sau:

1. Vị trí, phạm vi, ranh giới và quy mô:

- Vị trí: Khu đất nghiên cứu nằm phía Tây hồ Tây, thuộc địa giới hành chính các phường: Nhật Tân, Xuân La, Bưởi - Quận Tây Hồ; các phường: Nghĩa Đô, Nghĩa Tân - Quận Cầu Giấy; các xã: Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh - Huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

- Phạm vi và ranh giới:

+ Phía Đông: Giáp đường Lạc Long Quân và bờ Hồ Tây;

+ Phía Tây: Giáp đường Phạm Văn Đồng (đường Vành đai 3);

+ Phía Bắc: Giáp đê phân lũ (đường Nguyễn Hoàng Tôn);

+ Phía Nam: Giáp đường Hoàng Quốc Việt.

- Quy mô:

+ Tổng diện tích khu vực nghiên cứu: 847,41 ha

+ Quy mô dân số (dự kiến theo quy hoạch) khoảng 78.000 người

2. Mục tiêu: Xây dựng một khu vực phát triển mới, đồng bộ, hiện đại, trong đó có khu vực trung tâm Tây hồ Tây với chức năng chủ yếu là: Trung tâm tài chính, thương mại, giao dịch quốc tế và trung tâm hành chính mới của Thủ đô Hà Nội phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể Hà Nội đến năm 2020 và chủ trương mới của Thành phố Hà Nội.

- Xác định rõ ranh giới phát triển của các làng xóm và khu dân cư hiện có, đề xuất quy hoạch, quỹ đất dự trữ phát triển cho các làng xóm, quĩ đất giải quyết lao động, việc làm, giải quyết các nhu cầu để cân đối về hạ tầng kỹ thuật và xã hội cho khu vực, nhằm phát triển bền vững trong quá trình đô thị hoá.

- Xác định mạng lưới hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch để đồng bộ khớp nối hạ tầng với các khu dân cư hiện có, các dự án đã và đang triển khai trong khu vực, đảm bảo cho sự phát triển bền vững giữa phát triển mới và cải tạo chỉnh trang.

- Đề xuất danh mục các dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo thứ tự ưu tiên, tạo sự hấp dẫn, thu hút và khuyến khích các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

- Đồ án quy hoạch này được phê duyệt là cơ sở để lập các dự án đầu tư xây dựng, cũng như làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng theo quy hoạch. Đồng thời làm cơ sở để tiếp tục quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cho các khu vực dân cư, làng xóm, cắm mốc quản lí và quy định kiểm soát phát triển cũng như căn cứ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và các dự án phát triển mới.

3. Nội dung quy hoạch phần hạ tầng kỹ thuật:

3.1. San nền - thoát nước mưa:

* San nền: Việc san đắp nền được giải quyết theo huớng sau:

- Tại các khu vực đã xây dựng công trình: cao độ nền cơ bản được giữ nguyên theo cao độ hiện tại do không có điều kiện tôn đắp, việc san, đắp chỉ là cục bộ. Do đó tại khu vực này chủ yếu lựa chọn biện pháp giải quyết thoát nước hợp lý để tránh gây úng ngập. Có thể lựa chọn giải pháp bơm cục bộ trong trường hợp nền hiện tại quá thấp không đáp ứng yêu cầu thoát nước tự chảy ra hệ thống chung của khu vực.

- Đối với các khu vực có qui hoạch và dự án hiện đang được triển khai xây dựng: về cơ bản đã được xem xét phù hợp với qui hoạch chung và quy hoạch chi tiết các quận huyện có liên quan sẽ được thực hiện theo qui hoạch, dự án được duyệt. Khi đó các khu vực xây dựng mới ở kế cận sẽ được xem xét cao độ san nền khớp nối thống nhất với các khu vực này.

- Đối với khu vực xây dựng mới: cao độ nền được lựa chọn trên cơ sở đáp ứng yêu cầu thoát nước theo qui hoạch và phù hợp với cao độ nền các khu vực đang được đầu tư xây dựng theo qui hoạch được duyệt. Nền sẽ được san tạo mái với độ dốc imin ³ 0,4% ra các đường bao quanh nơi có bố trí hệ thống cống thoát nước mưa. Cao độ nền được xác định phù hợp với cao độ khống chế theo qui hoạch tại tim đường. Cao độ san nền tại khu vực xây mới thấp nhất khoảng +6,50m, Cao độ san nền cao nhất khoảng +7,70m.

* Thoát nước mưa: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa đồng bộ hoàn chỉnh trên cơ sở phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung và QHCT các quận, huyện có liên quan đã được phê duyệt. Đối với khu vực xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa được xây dựng là hệ thống cống thoát nước riêng, tách bạch giữa nước mưa và nước bẩn. Riêng khu vực làng xóm cũ khu vực đã xây dựng sử dụng hệ thống cống nửa chung và nửa riêng có hệ thống tách nước bẩn để đưa về trạm xử lý.

Nằm trong lưu vực thoát nước Cổ Nhuế, được thoát ra sông Nhuệ ở phía Tây theo chế độ tự chảy khi mức nước sông Nhuệ thấp và bằng trạm bơm khi mức nước sông Nhuệ cao. Riêng khu vực giáp với trục đường Hoàng Quốc Việt thuộc lưu vực sông Tô Lịch hệ thống thoát nước về cơ bản đã được xây dựng thoát theo tuyến cống dọc đường Hoàng Quốc Việt để ra mương Nghĩa Đô và sông Tô Lịch ở Phía Nam.

* Hệ thống thoát nước chính:

+ Hệ thống hồ điều hoà: Theo điều chỉnh Qui hoạch chung và Qui hoạch chi tiết Khu Đô thị mới Tây hồ Tây (phần qui hoạch sử dụng đất và qui hoạch giao thông), trong khu vực có khoảng 28,73ha hồ điều hoà được bố trí tại các khu vực cây xanh, công viên trong khu vực. Các hồ đáp ứng yêu cầu điều tiết nước mưa với chiều cao tối thiểu Hđh =1,0m. Để đảm bảo vệ sinh mặt nước và cảnh quan thì nước mưa không trực tiếp xả vào các hồ điều hoà. Bố trí các bể lắng tại các điểm xả vào hồ điều hoà trên hệ thống thoát nước. Nước mưa được tập trung tại các bể lắng sau khi lắng cặn và tách nước mưa đợt đầu rồi mới xả vào hồ. Do các hồ điều hoà được bố trí phân tán nên nước mưa từ trục mương, cống thoát nước chính được điều tiết tại chỗ sẽ dẫn đến lưu lượng thoát tính toán cho cống, mương ở các đoạn hạ lưu có thể được triết giảm so với phương án bố trí hồ tập trung tại khu vực quy hoạch Thành phố Giao lưu. Cụ thể sẽ được xem xét khẳng định tiếp trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng công trình đầu mối thoát nước chính ưu tiên và trạm bơm của lưu vực Cổ Nhuế để đảm bảo thoát nước cho toàn bộ lưu vực.

+ Hệ thống cống, mương thoát nước chính: Được xây dựng cho từng khu vực trên cơ sở phù hợp với hướng thoát nước chung ra mương Cổ Nhuế và hệ thống thoát nước chính hiện có, gồm một số tuyến chính như sau:

- Tuyến cống qua làng Xuân Đỉnh;

- Tuyến cống dọc đường Xuân La (thay thế mương Xuân La) và cống thay thế sông Cầu Miếu qua khu vực Ngoại giao đoàn;

- Tuyến mương dọc theo đường Nguyễn Hoàng Tôn nằm trong ranh giới khu Đô thị mới Nam Thăng Long ngoài việc giải quyết thoát nước còn đảm nhiệm chức năng bổ sung nước cho hồ Tây sẽ được thực hiện theo dự án riêng;

- Xây dựng tuyến mương thoát nước chính cho khu vực Bắc Nghĩa Đô, chạy giữa khu vực đồng thời đảm nhiệm chức năng liên kết hệ thống thoát nước ở khu vực phía Bắc và phía Nam, liên kết với mương Nghĩa Đô qua cổng điều tiết để hỗ trợ thoát nước giữa lưu vực Cổ Nhuế với lưu vực sông Tô Lịch khi cần thiết;

- Các tuyến cống chính đặt dọc đường quy hoạch theo hướng Đông - Tây để thoát ra mương Cổ Nhuế. Mương thoát nước Cổ Nhuế (kể cả đoạn qua làng Cổ Nhuế) và Trạm bơm ra sông Nhuệ là công trình đầu mối để giải quyết thoát nước mưa cho khu Đô thị mới Tây hồ Tây sẽ được nghiên cứu lập dự án riêng để thực hiện.

- Mật độ và tiết diện cống được xác định tính toán đảm bảo theo quy định chung.

Đối với các khu vực đã có dự án quy hoạch, hệ thống thoát nước được thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt và được khớp nối thống nhất với hệ thống của Khu Đô thị mới Tây hồ Tây.

Hệ thống thoát nước mưa thể hiện trong đồ án này chỉ mang tính định hướng về nguyên tắc và xác định hệ thống thoát nước mưa chính của khu vực theo quy hoạch. Các tuyến cống nhánh và cao độ cống sẽ được khẳng định tiếp ở giai đoạn thiết kế tiếp sau trên cơ sở phù hợp với hệ thống thoát nước chung và phù hợp với việc san đắp nền ở khu vực này thông qua việc lập dự án đầu tư xây dựng.

3.2. Cấp nước:

* Nguồn nước:

- Nguồn nước ngầm:

+ Nhà máy nước Cáo Đỉnh (nâng công suất từ 30.000m3/ngđ lên 60.000m3/ngđ)

+ Nhà máy nước Mai Dịch công suất 60.000m3/ngđ (hiện có)

+ Nhà máy nước Ngọc Hà công suất 30.000m3/ngđ (hiện có)

+ Nhà máy nước Thượng Cát công suất 60.00m3/ngđ (dự kiến XD)

- Nguồn nước mặt:

+ Nhà máy nước Nam Sông Hồng (dự kiến XD)

* Mạng lưới đường ống:

Mạng lưới đường ống truyền dẫn tạo mạng vòng có đường kính D800mm - D600mm - D400mm được xây dựng phù hợp với Quy hoạch tổng thể.

- Mạng lưới đường ống cấp nước phân phối chính có đường kính D225mm - D160mm - D110mm.

* Cấp nước cứu hoả: Các họng cứu hỏa được bố trí xây dựng ở đường ống cấp nước có đường kính D ³ 110mm.

- Khoảng cách giữa các họng cứu hoả trên mạng lưới khoảng 150m phù hợp với quy chuẩn và yêu cầu của cơ quan phòng cháy chữa cháy.

- Ngoài các họng cứu hoả cần bố trí các hố lấy nước mặt cho xe cứu hỏa tại các hồ điều hoà để tăng cường khả năng phục vụ khi cần thiết.

3.3. Thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường:

* Quy hoạch thoát nước bẩn: Theo quy hoạch hệ thống thoát nước bẩn trong Khu Đô thị mới Tây hồ Tây được thiết kế là hệ thống cống riêng dẫn nước bẩn về các trạm bơm chuyển bậc, sau đó được đưa về xử lý tại trạm xử lý Cổ Nhuế.

Khu vực làng xóm và khu vực đã xây dựng, do chưa có điều kiện để tổ chức được hệ thống cống riêng nên ở các khu vực này sẽ được thiết kế là hệ thống cống chung với nước mưa. Nước bẩn được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại trước khi thoát ra hệ thống cống chung.

Đối với một số khu vực đã có quy hoạch được duyệt sẽ thực hiện theo dự án riêng trên cơ sở khớp nối phù hợp và đảm bảo các điều kiện khống chế của hệ thống thoát nước bẩn chung của thành phố và khu vực.

Dự kiến xây dựng 3 trạm bơm chuyển bậc với tổng công suất theo quy hoạch khoảng QTB = 45.200m3/ngđ.

- Cống thoát nước bẩn được thiết kế sử dụng cổng bê tông cốt thép đúc sẵn, có kích thước D300mm ¸ D800mm.

- Khi thiết kế xây dựng các trạm bơm nước bẩn phải đảm bảo khoảng cách vệ sinh an toàn theo quy định.

- Tại một số khu vực có tuyến cống thoát nước bẩn quá dài, điều kiện địa chất không cho phép đặt trạm bơm sâu, trong các giai đoạn sau có thể được xem xét điều chỉnh cục bộ, trên cơ sở tăng tiết diện cống hoặc bổ sung thêm trạm bơm chuyển bậc để đảm bảo chiều sâu chôn cống và phù hợp với cao độ nền của khu vực.

* Vệ sinh môi trường: áp dụng các hình thức thu gom rác như sau:

+ Tổ chức các đội thu gom rác theo từng khu vực vào giờ cố định, sau đó vận chuyển tới nơi quy định của thành phố.

+ Tổ chức các vị trí tập kết rác tập trung theo từng khu vực sau đó vận chuyển tới nơi quy định của thành phố.

- Đối với khu vực xây nhà cao tầng cần xây dựng hệ thống thu gom rác từ trên cao xuống bể rác cho từng đơn nguyên.

- Đối với khu vực xây nhà ở thấp tầng có thể giải quyết rác theo hai phương thức:

+ Đặt các thùng rác nhỏ dọc theo các tuyến đường, khoảng cách giữa các thùng rác là 50m/l thùng.

+ Xe chở rác thu gom theo giờ quy định, các hộ dân trực tiếp đổ rác vào xe.

- Đối với các cơ quan và các công trình công cộng, rác được thu gom thông qua hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom rác.

3.4. Cấp điện và thông tin, bưu điện

* Cấp điện:

- Nguồn cấp điện: Nguồn điện cấp cho Khu Đô thị mới Tây hồ Tây được lấy từ các trạm 110KV Nghĩa Đô, Nhật Tân và HNT1 (dự kiến xây dựng).

Trong đó nguồn cấp điện chính cho Khu Đô thị mới Tây hồ Tây lấy từ trạm 110/22KV HNT1, công suất dự kiến 2 x 40 MVA.

- Trạm biến thế: Vị trí các trạm biến thế 22/0,4KV được chọn đặt gần trung tâm phụ tải, gần đường giao thông. Đối với nhà cao tầng có thể đặt các trạm biến thế ngay trong tầng một cửa toà nhà.

Trên cơ sở mặt bằng kiến trúc và công suất tính toán, dự kiến xây mới các trạm biến thế có tổng công suất: 164.370KVA được phân bố hợp lý. Ngoài ra các trạm biến thế hiện có sẽ được cải tạo sang cấp điện áp thống nhất và phù hợp với quy hoạch.

* Thông tin, bưu điện: Các thuê bao thuộc khu vực nghiên cứu được phục vụ từ các tổng đài điều khiển Nam Thăng Long 1 (hiện có) và Nam Thăng Long 2 (dự kiến XD) và các tổng đài vệ tinh. Các tổng đài này được liên hệ với nhau bằng mạch vòng cáp quang. Từ các tổng đài có các tuyến cáp gốc đến các tủ cáp. Mạng lưới cáp đồng từ tủ cáp đến các thuê bao sẽ được thiết kế ở giai đoạn sau.

Vị trí tổng đài vệ tinh, các tủ cáp và dung lượng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với mặt bằng chính thức của từng ô đất được xác định chính thức trong các giai đoạn thiết kế sau do cơ quan chuyên ngành thực hiện.

Điều 2: Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định, xác nhận hồ sơ, bản vẽ thiết kế theo Quy hoạch chi tiết Khu Đô thị mới Tây hồ Tây, tỉ lệ 1/2000 (phần Quy hoạch Hạ tầng kỹ thuật) phù hợp với Quyết định này; Tiếp tục hướng dẫn các Chủ đầu tư trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng HTKT phù hợp với quy hoạch được duyệt trong Quyết định này.

- Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu Đô thị mới Hà Nội căn cứ Thông tư số 10/TT-BXD ngày 08/8/2000 của Bộ Xây dựng để tổ chức nghiên cứu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với đồ án Quy hoạch chi tiết này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Giao Chủ tịch UBND các quận: Cầu Giấy, Tây Hồ và Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm phối hợp với các Sở, Ngành chức năng của Thành phố chỉ đạo UBND các phường Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Bưởi, Nhật Tân, Xuân La, các xã Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh và các đơn vị được giao tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt và các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

- Chủ tịch UBND các quận: Tây Hồ, Cầu Giấy và Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch được duyệt và xử lý việc xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Xây dựng, Giao thông Công chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu Đô thị mới Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Chủ tịch UBND các phường: Nghĩa Đô, Nghĩa Tân; Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND các phường: Bưởi, Nhật Tân, Xuân La; Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, Chủ tịch UBND các xã: Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Triệu

 





Nghị định 02/2006/NĐ-CP ban hành Quy chế khu đô thị mới Ban hành: 05/01/2006 | Cập nhật: 20/05/2006

Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng Ban hành: 24/01/2005 | Cập nhật: 06/12/2012