Quyết định 09/2012/QĐ-UBND về Đề án “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015”
Số hiệu: 09/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Dương Ngọc Long
Ngày ban hành: 21/05/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2012/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 21tháng 5 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2011-2015”

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản, năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP , ngày 09/3/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

Căn cứ Nghị Quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2010 -2015 và thực trạng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh sau 5 năm thực hiện Đề án quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015”.

Điều 2. Các Sở, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan có trách nhiệm:

Sở Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh giúp UBND tỉnh đôn đốc các Sở, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án; theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện, chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện các nội dung của đề án.

Các Sở, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được phân công trong đề án, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung của Đề án. Định kỳ 6 tháng và 01 năm, các Sở, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện đề án (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh).

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH





Dương Ngọc Long

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011).

2. Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (có hiệu lực từ ngày 25 tháng 4 năm 2012).

3. Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 2012).

4. Nghị Quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

5. Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XVIII; Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015.

6. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh sau 5 năm thực hiện Đề án quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010.

II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Nhằm quản lý đồng bộ; huy động các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản; tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đưa hoạt động khoáng sản của các đơn vị được cấp phép trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật.

2. Kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép.

3. Sớm thực hiện chủ trương kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường trong lĩnh vực khoáng sản, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh; bảo đảm khoáng sản được thăm dò, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ môi trường.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN SAU 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2006-2010”

1. Kết quả đạt được

Trong 5 năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, các hoạt động khoáng sản về cơ bản đã từng bước được chấn chỉnh, đi vào nề nếp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

1.1. Đối với công tác quản lý nhà nước

- Trên cơ sở các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quản lý thuộc thẩm quyền để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đặc biệt trong việc kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hoạt động khoáng sản trái phép. Sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh về cơ bản đã được các ngành, các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

- Công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật được quan tâm thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh) đã tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản đến các ngành chức năng ở tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các huyện có các điểm nóng về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép như Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương. Ngoài ra, thông qua chuyên mục Tài nguyên và Môi trường của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, qua trang Website của Sở Tài nguyên và Môi trường, qua việc định kỳ hàng quý tổ chức giao lưu trực tuyến giữa Sở với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đã phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về khoáng sản đến mọi đối tượng trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện, cấp xã đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trên địa bàn quản lý.

- Công tác lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản được đẩy mạnh: Sở Công Thương, Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành có liên quan và UBND cấp huyện đã lập và tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 06 bộ Quy hoạch về khoáng sản thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến sâu, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh, bổ sung nhiều khu vực quặng titan và sét cao lanh vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của cả nước và đã được Thủ tướng chấp thuận. Về cơ bản các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được lập quy hoạch, làm cơ sở cho công tác quản lý khoáng sản theo quy định của pháp luật.

- Công tác thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn được thực hiện chặt chẽ, đúng trình tự theo quy định của pháp luật và chủ trương của Tỉnh ủy; gắn khai thác với chế biến, ưu tiên cấp mỏ cho các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, có cơ sở chế biến sâu nhằm tăng hiệu quả khai thác, sử dụng khoáng sản, đảm bảo việc khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, đồng thời bảo vệ môi trường.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát từng bước được tăng cường: Các ngành chức năng ở tỉnh và UBND cấp huyện theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được phân công trong Đề án đã chủ động nắm tình hình, tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Qua đó đã phát hiện và xử lý các vi phạm, đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực đúng các chế độ chính sách và quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản.

- Ban Chỉ đạo quản lý khoáng sản, tổ chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh và 04 huyện có nhiều khoáng sản (Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ và Phú Lương) đã được thành lập, kiện toàn và hoạt động theo quy chế. Tại các địa phương có ít khoáng sản (huyện Phú Bình, Phổ Yên, Định Hóa, Thành phố Thái Nguyên và Thị Xã Sông Công) đã thành lập tổ công tác liên ngành để tham mưu và giúp UBND trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

- Qua việc ký cam kết trong thực hiện công tác quản lý khoáng sản giữa Chủ tịch UBND các cấp trong tỉnh đã nâng cao hơn trách nhiệm của các cấp chính quyền. UBND cấp huyện, cấp xã đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn quản lý. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, mặt trận tổ quốc đã thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép. Các hoạt động khoáng sản trái phép ở nhiều nơi đã được phát hiện, ngăn chặn và giải quyết dứt điểm.

1.2. Đối với hoạt động khoáng sản

Qua tổng hợp các tài liệu địa chất, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 250 mỏ, điểm khoáng sản (trong đó có 176 mỏ, điểm khoáng sản đã được công bố trong sổ mỏ và trên 74 mỏ, điểm khoáng sản mới phát hiện, đang được khảo sát, thăm dò đánh giá chất lượng, trữ lượng), gồm 24 loại khoáng sản, thuộc 05 nhóm: Nhiên liệu khoáng, khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nước khoáng. Trong đó có một số khoáng sản có trữ lượng lớn như: Wonfram khoảng trên 100 triệu tấn, Than khoảng 80 triệu tấn, Sắt khoảng 40 triệu tấn, Titan khoảng 8 triệu tấn; Chì-Kẽm khoảng 0,5 triệu tấn, đá vôi xi măng khoảng 200 triệu tấn.

Tính đến 31/12/2010, trên địa bàn tỉnh có: 69 tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Trong đó có 18 doanh nghiệp nhà nước, 02 công ty liên doanh, 16 công ty cổ phần, 14 công ty TNHH, 6 doanh nghiệp tư nhân và 4 hợp tác xã; 43 giấy phép thăm dò đã được cấp (gồm 06 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 37 giấy phép do UBND tỉnh cấp); 110 mỏ đã cấp giấy phép khai thác gồm: 47 mỏ khoáng sản kim loại, 12 mỏ than, 06 mỏ khoáng chất công nghiệp, 07 mỏ khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, 37 mỏ vật liệu xây dựng thông thường và 01 mỏ nước khoáng.

Nhìn chung, các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khoáng sản đã chấp hành tốt các quy định của Luật Khoáng sản và các pháp luật có liên quan; thực hiện đúng các nội dung của giấy phép, tuân thủ quy trình, quy phạm an toàn lao động, thiết kế mỏ và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Trong quá trình hoạt động, một số đơn vị đã đầu tư mua thiết bị, máy móc, sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, làm tăng giá trị của một số khoáng sản như than, quặng sắt, titan, chì-kẽm...

Từ năm 2006-2010, các đơn vị hoạt động khoáng sản đã nộp thuế tài nguyên và phí môi trường với tổng số tiền trên 400 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác thông qua việc tuyển dụng lao động tại địa phương, hỗ trợ địa phương xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng... Tính đến cuối năm 2010, các đơn vị khai thác khoáng sản đã sử dụng trên 8.000 lao động tại địa phương nơi có mỏ được khai thác; đóng góp, hỗ trợ địa phương nâng cấp, sửa chữa, xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, nhà tình nghĩa, nhà văn hoá, trường học…) với trị giá trên 36 tỷ đồng; 90% số mỏ đang hoạt động đã được phê duyệt Dự án cải tạo phục hồi môi trường, 51 lượt các doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng.

Các hoạt động khai thác khoáng sản về cơ bản đã đáp ứng được nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và sử dụng khoáng sản phục vụ cho phát triển kinh tế trên địa bàn như: Quặng sắt cho các nhà máy luyện gang, thép với công suất trên 0,2 triệu tấn/năm; quặng chì kẽm cho các nhà máy sản xuất kẽm kim loại với tổng công suất 0,02 triệu tấn/năm; than cho các nhà máy nhiệt điện với công suất trên 100 MW; quặng titan cho các nhà máy luyện xỉ titan và sản xuất pigment với tổng công suất khoảng 0,1 triệu tấn/năm; đá vôi và sét cho các nhà máy xi măng với tổng công suất khoảng 1 triệu tấn/năm; các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình dân dụng...

2. Những hạn chế, tồn tại

2.1. Đối với công tác quản lý nhà nước

- Một số biện pháp, giải pháp quản lý trong đề án chưa được thực hiện hoặc thực hiện chậm so với kế hoạch, hiệu quả thấp như: Việc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ở các đơn vị cấp huyện, xã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở các xã có nhiều hoạt động khoáng sản trái phép; việc xây dựng, công bố bản đồ khu vực cấm hoạt động khoáng sản; việc xây dựng cơ chế ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến khoáng sản; xây dựng quy định về quản lý, sử dụng phần thu ngân sách được trích để lại cho địa phương từ các hoạt động khoáng sản...

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản và nhân dân đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã quan tâm thực hiện, song chưa đạt được kết quả như mong muốn.

- Chất lượng các quy hoạch về thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản của tỉnh (đặc biệt là các quy hoạch đã được lập từ nhiều năm trước) còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu trong giai đoạn mới. Công tác quản lý quy hoạch thực hiện chưa tốt, chưa thường xuyên rà soát để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn.

- Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số nơi vẫn còn xảy ra và tái diễn nhiều lần (Quặng sắt ở Đồng Hỷ, Đại Từ; than và quặng thiếc ở Đại Từ; vàng sa khoáng, vàng gốc ở xã Thần Xa, Sảng Mộc, Thượng Nung, huyện Võ Nhai; cát sỏi ở một số khu vực trên sông Công, sông Cầu, các suối nhỏ... ) gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, không đảm bảo an toàn lao động nhưng chưa được phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời và triệt để.

2.2. Đối với hoạt động khoáng sản

- Còn tình trạng doanh nghiệp tiến hành xây dựng cơ bản mỏ và đưa mỏ vào hoạt động chậm so với quy định của giấy phép.

- Việc thực hiện các quy định trong quá trình tổ chức khai thác như bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ; công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; việc lập bản đồ hiện trạng, kiểm kê trữ lượng mỏ, lập báo cáo định kỳ; thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến lập thiết kế mỏ, lập kế hoạch khai thác hàng năm; thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường; lập trình thẩm định phê duyệt dự án cải tạo phục hồi môi trường, ký quỹ bảo vệ môi trường... của một số tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chậm hoặc chưa thực hiện đầy đủ và đúng quy định.

- Các đơn vị trước đây được các Bộ, ngành Trung ương cấp phép khai thác chưa hoàn thành việc rà soát cấp lại giấy phép theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chưa xác định được mốc chỉ giới khu vực khai thác tại thực địa hoặc chưa tổ chức khai thác và chưa làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, còn để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực được giao quản lý (mỏ sắt Kim Cương, Hoà Bình thuộc mỏ sắt Trại Cau, mỏ than Làng Cẩm...).

- Còn nhiều đơn vị khai thác khoáng sản sử dụng các thiết bị, máy móc cũ, lạc hậu (chủ yếu là các thiết bị, máy móc đã qua sử dụng được nhập từ Trung Quốc), sử dụng công nghệ cũ, dây truyền công nghệ không đồng bộ. Vì vậy, hiệu quả của các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản còn hạn chế.

- Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ở nhiều nơi còn gây ô nhiễm môi trường, sụt lún, sạt lở đất, mất nước, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

3. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại

- Chính sách pháp luật về khoáng sản còn những bất cập: Một số quy định trong pháp luật về khoáng sản chưa có hướng dẫn cụ thể gây khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện tại địa phương; các biện pháp xử lý, chế tài chưa đủ mạnh để bắt buộc tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên.

- Hoạt động quản lý nhà nước của một số đơn vị cấp xã kém hiệu quả, chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, chưa thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản theo quy định của pháp luật và Đề án quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khoáng sản trái phép có lúc chưa kịp thời.

- Việc thực hiện các cam kết đã ký giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND cấp huyện còn có những hạn chế, hàng năm chưa tiến hành kiểm điểm việc thực hiện các cam kết đã ký.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các ngành, các cấp đối với các hoạt động khoáng sản đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý.

- Chế độ thông tin, báo cáo và sự phối hợp giữa giữa các cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) cũng như giữa các ngành chức năng ở mỗi cấp, giữa các chủ mỏ và cơ quan quản lý chưa chặt chẽ, chưa có hiệu quả.

- Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tự giác thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

- Lực lượng cán bộ chuyên ngành quản lý khoáng sản từ cấp tỉnh đến huyện, xã còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa tương xứng với yêu cầu của công tác quản lý.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011-2015

A. Các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản

- Ở cấp tỉnh: Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật khoáng sản số 60/2010/QH12 (sau đây gọi là Luật Khoáng sản); các Nghị định hướng dẫn thi hành và Đề án quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 đến các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh, Lãnh đạo UBND và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, Lãnh đạo UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Ở cấp huyện: Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án của tỉnh, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai pháp luật về khoáng sản và Đề án quản lý nhà nước về khoáng sản của tỉnh đến các cơ quan, ban, ngành ở huyện, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cấp xã, bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng thôn, trưởng các tổ chức đoàn thể trên địa bàn quản lý.

- Ở cấp xã: Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến toàn thể nhân dân trên địa bàn quản lý.

- Các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài) của tỉnh và các huyện dành thời lượng để thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khoáng sản.

- Cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật, các quy định về khoáng sản cho tủ sách pháp luật của các huyện và xã.

2. Kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản các cấp

2.1. Ở cấp tỉnh:

- Kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh và Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo, đảm bảo phù hợp với tình hình cụ thể của từng giai đoạn. Thành phần Ban chỉ đạo gồm: Đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban, các thành viên Ban chỉ đạo là Lãnh đạo các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Lao động thương binh và xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Viện kiểm sát nhân dân, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực và tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo.

- Xây dựng kế hoạch công tác hàng năm, kế hoạch kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ chuyên viên giúp việc.

2.2. Ở cấp huyện:

- Đối với các huyện có nhiều khoáng sản như Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ và Phú Lương: Kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản và tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo; xây dựng quy chế hoạt động, phân công, phân nhiệm cho từng thành viên Ban chỉ đạo và tổ công tác. Thành phần Ban chỉ đạo gồm: Đồng chí Lãnh đạo UBND huyện làm Trưởng ban, các thành viên được cơ cấu như thành phần ở cấp tỉnh.

- Tại các huyện có ít khoáng sản như Phú Bình, Phổ Yên, Định Hoá, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên: Thành lập Tổ công tác liên ngành quản lý khoáng sản, gồm các thành viên đại diện: Phòng Tài nguyên Môi trường (tổ trưởng), Công an, Đội quản lý thị trường, Chi cục thuế, Phòng Công thương.

2.3. Ở cấp xã

- Đối với các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có nhiều khoáng sản: Thành lập Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản của xã; xây dựng quy chế hoạt động, phân công, phân nhiệm cho từng thành viên Ban chỉ đạo. Thành phần Ban chỉ đạo gồm: Đồng chí Lãnh đạo UBND xã làm Trưởng ban, các thành viên gồm: Cán bộ tài nguyên và môi trường (địa chính), công an xã, xã đội, cán bộ tư pháp, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, mặt trận tổ quốc, trưởng xóm (thôn).

- Đối với các xã ít khoáng sản: Thành lập Tổ công tác quản lý khoáng sản do Cán bộ tài nguyên và môi trường (địa chính) làm tổ trưởng. Các thành viên gồm: Công an xã, cán bộ tư pháp, trưởng xóm (thôn).

3. Kịp thời rà soát, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quản lý về khoáng sản thuộc thẩm quyền UBND tỉnh

Tiến hành rà soát, ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quản lý, văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện pháp luật về khoáng sản (thay thế các văn bản trước đây) theo hướng cải cách hành chính, đảm bảo phù hợp với pháp luật về khoáng sản và tình hình thực tế của tỉnh, như: Quy định về trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, trả lại giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản và đóng cửa mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Hướng dẫn về phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Quy định về quản lý, sử dụng khoản thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương nơi có khoáng sản được khai thác...

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp phép và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của UBND cấp huyện, cấp xã

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó trọng tâm là các tổ chức, cá nhân chậm đưa mỏ vào hoạt động; có biểu hiện chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác sai quy định; không tuân thủ các quy định về an toàn trong khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, vi phạm các quy định trong sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Thu hồi hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản, giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh ngành nghề khoáng sản của các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm các quy định của pháp luật sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần trở lên.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của UBND cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là ở những địa phương để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài.

5. Nâng cao năng lực quản lý cho bộ máy chuyên ngành về khoáng sản từ cấp tỉnh đến cấp xã

- Bổ sung biên chế cho Phòng quản lý Tài nguyên khoáng sản và Thanh tra chuyên ngành khoáng sản của Sở Tài nguyên và Môi trường, cán bộ quản lý chuyên ngành khoáng sản của Sở Công Thương và Sở Xây dựng.

- Ở cấp huyện: bố trí 01 cán bộ chuyên trách về khoáng sản cho Phòng Tài nguyên và Môi trường.

- Ở các xã có nhiều khoáng sản: Ngoài cán bộ địa chính, bố trí thêm 01 cán bộ chuyên trách về khoáng sản.

- Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức từ 1 đến 2 lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và cấp xã.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý khoáng sản.

B. Các nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép

1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở cơ sở

- UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; thực hiện các biện pháp để phát hiện, xử lý, ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản trái phép từ khi mới xảy ra; trục xuất ra khỏi địa bàn các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép không phải là người địa phương; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản.

- Đối với các xã có nhiều khoáng sản: Thành lập Đội kiểm tra liên ngành về khoáng sản, xây dựng quy chế làm việc đảm bảo làm rõ trách nhiệm của từng thành viên.

- Khi có các hoạt động khoáng sản trái phép cần huy động cả hệ thống chính trị của xã gồm: Đảng uỷ, HĐND, UBND, các đoàn thể chính trị, xã hội đồng bộ vào cuộc để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân không tham gia khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép.

- Đối với các địa bàn để xảy ra các hoạt động khoáng sản trái phép và tái diễn nhiều lần cần làm rõ trách nhiệm của Bí thư chi bộ, Trưởng xóm, Trưởng thôn. Trường hợp để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trong thời gian trên 1 tháng mà không tự giải toả, xử lý được thì phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã.

- Đảng uỷ, HĐND, UBND cấp xã nơi để xẩy ra hoạt động khoáng sản trái phép trong thời gian trên 1 tháng mà không tự giải toả, xử lý được thì phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Huyện uỷ, HĐND, UBND cấp huyện.

- Huyện uỷ, HĐND, UBND cấp huyện để xẩy ra hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn trong thời gian trên 1 tháng mà không giải toả, truy quét, xử lý được thì phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh.

- Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cấp uỷ, HĐND, UBND và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các địa phương để xẩy ra các hoạt động khoáng sản trái phép.

- Trừ điểm thi đua đối với các tổ chức, cá nhân là đảng viên, cán bộ, người đứng đầu các đoàn thể, chính trị xã hội ở các địa phương để xẩy ra hoạt động khoáng sản trái phép.

2. Tăng cường hoạt động của Đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành về khoáng sản của tỉnh, huyện.

- Duy trì hoạt động của Đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành của tỉnh, huyện theo kế hoạch.

- Trường hợp phát hiện cán bộ cấp xã có biểu hiện làm ngơ, dung túng, bảo kê cho các hoạt động khoáng sản trái phép thì Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh kiến nghị, yêu cầu UBND cấp huyện có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng đồng thời báo cáo UBND tỉnh.

- Xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trái phép. Trường hợp cố tình vi phạm sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần thì lập hồ sơ để cơ quan pháp luật xử lý.

3. Thực hiện tốt chế độ báo cáo, cung cấp thông tin

- Khi xảy ra các hoạt động khoáng sản trái phép, UBND cấp xã ngoài việc tổ chức ngăn chặn, giải toả phải báo cáo UBND cấp huyện; UBND cấp huyện báo cáo Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo).

- Công an tỉnh chỉ đạo cảnh sát giao thông, cảnh sát kinh tế khi kiểm tra phương tiện đồng thời kiểm tra khoáng sản được vận chuyển.

- Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, UBND cấp huyện vào thứ 6 hàng tuần báo cáo nhanh (ngoài báo cáo định kỳ, đột xuất khác theo quy định) về Ban Chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) tình hình kiểm tra, xử lý các vụ việc có liên quan đến các hoạt động khoáng sản trái phép bằng hình thức gửi thư điện tử (email). Trường hợp cần phải huy động ngay lực lượng để phối hợp kiểm tra, xử lý thì Thủ trưởng các đơn vị có thể trao đổi qua điện thoại để thống nhất tổ chức thực hiện.

- UBND cấp huyện cần quy định cụ thể chế độ báo cáo nhanh đối với các ngành chức năng của huyện và UBND cấp xã.

4. Thực hiện ký cam kết

Tổ chức ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý khoáng sản giữa chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND cấp huyện; giữa các Trưởng xóm (thôn, bản), chủ mỏ với Chủ tịch UBND cấp xã; giữa các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất có khoáng sản với Trưởng xóm (thôn, bản). Định kỳ 6 tháng tổ chức sơ kết và 1 năm tổ chức tổng kết để kiểm điểm trách nhiệm theo các nội dung đã ký kết.

5. Đấu giá quyền khai thác tại khu vực có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Các khu vực xảy ra khai thác trái phép nhiều lần cần đẩy nhanh việc cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

6. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xẩy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực được cấp phép

Các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản trong khu vực được giao quản lý. Trường hợp để tái diễn nhiều lần tình trạng khai thác trái phép trong diện tích được giao quản lý thì thu hồi hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản.

7. Đảm bảo kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Hàng năm, UBND các cấp có kế hoạch bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trong đó có hoạt động của Ban chỉ đạo, các Tổ công tác, Đội kiểm tra liên ngành.

C. Các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh

1. Thực hiện tốt công tác lập, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản.

- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành trung ương trong việc lập (hoặc điều chỉnh) quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản chung của cả nước (trong phạm vi tỉnh).

- Thường xuyên rà soát, cập nhật, lập mới hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, nâng cao chất lượng các quy hoạch về khoáng sản, đảm bảo phù hợp với quy hoạch về khoáng sản của cả nước.

2. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch về khoáng sản sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt

- Công bố công khai các quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh (lập mới hoặc điều chỉnh, bổ sung) sau khi được phê duyệt.

- Thực hiện việc cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự theo quy định của pháp luật; gắn khai thác với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế-xã hội.

3. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong công tác cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh

- Thường trực Tỉnh uỷ cho chủ trương cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với các loại khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh)

- UBND tỉnh cho chủ trương cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trên cơ sở báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi tổng hợp ý kiến của các Sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện nơi có mỏ)

- Sở Tài nguyên và môi trường, các Sở ngành có liên quan, UBND cấp huyện hướng dẫn các tổ chức thực hiện các thủ tục về cấp phép theo quy định của pháp luật sau khi có sự đồng ý về chủ trương của Thường trực tỉnh uỷ và UBND tỉnh.

4. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiến tiến trong khai thác, chế biến khoáng sản nhằm thu hồi tối đa khoáng sản, tăng giá trị của khoáng sản, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường

- Đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác: Yêu cầu phải xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ trong khai thác, áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường.

- Chỉ xem xét cấp giấy phép thăm dò, khai thác mới (trường hợp không đấu giá quyền khai thác khoáng sản) và cho phép đăng ký tham gia đấu giá (trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản) đối với các tổ chức, cá nhân có năng lực, có phương án sử dụng nhân lực, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp, đảm bảo khai thác, sử dụng khoáng sản có hiệu quả, bảo vệ môi trường.

5. Thực hiện tốt chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác

- Thực hiện việc điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo pháp luật về ngân sách nhà nước

- Các tổ chức, cá nhân khai thác, khoáng sản phải có kế hoạch, phương án hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; ưu tiên sử dụng lao động người địa phương, cùng với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các địa phương và người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

6. Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế, tăng thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản

- Thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, chống thất thu thuế trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và đất đai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015” được ban hành theo Quyết định số 38/2010/QĐ-UBND ngày 24/11/2010 của UBND tỉnh.

- Tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực khoáng sản, đảm bảo đúng quy định, tăng thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản, khắc phục tình trạng thất thu như hiện nay.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

1. Đối với các ngành chức năng ở tỉnh

1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện: Phổ biến, triển khai các quy định của pháp luật về khoáng sản; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, quản lý trong lĩnh vực khoáng sản; khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; kiện toàn Hội đồng đánh giá khoáng sản; tổ chức thẩm định, phê duyệt trữ lượng, công nhận tài nguyên khoáng sản thuộc thẩm quyền; xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải nộp cho Nhà nước; quyết định khu vực không đấu giá, khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản và triển khai việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thẩm định hồ sơ và tham mưu cho UBND tỉnh cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng, cho phép tiếp tục thực hiện hoạt động khoáng sản trong trường hợp được thừa kế, phê duyệt trữ lượng khoáng sản và đóng cửa mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; Quyết định tỷ số quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở các địa phương trong tỉnh; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp trong việc: Xác định chi phí phải hoàn trả và phương thức, thủ tục hoàn trả chi phí đánh giá khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đầu tư; xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm chi cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khoáng sản thông qua chuyên mục về Tài nguyên và Môi trường.

- Định kỳ theo quy định tổng hợp tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

1.2. Sở Công thương

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng) trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh trong việc: Lập, điều chỉnh, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng) thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến xuất khẩu các loại khoáng sản, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, quy định an toàn trong khai thác mỏ và chế biến khoáng sản đối với các loại khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng); kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trong hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép và các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực khoáng sản.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu cho UBND tỉnh: Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thẩm định trữ lượng, công nhận tài nguyên khoáng sản thuộc thẩm quyền; xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải nộp cho Nhà nước (đối với các loại khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng); tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quyết định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản; kiểm tra các hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở các địa phương trong tỉnh.

1.3. Sở Xây dựng

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh trong việc: Lập, điều chỉnh, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định liên quan đến xuất khẩu khoáng sản, việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu cho UBND tỉnh: Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thẩm định trữ lượng, công nhận tài nguyên khoáng sản thuộc thẩm quyền; xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải nộp cho Nhà nước (đối với các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng); tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quyết định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản; kiểm tra các hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở các địa phương trong tỉnh.

1.4. Công an tỉnh

- Chủ trì trong việc điều tra, triệt phá các đường dây, các tổ chức, cá nhân chuyên tổ chức khai thác, thu mua, vận chuyển, buôn bán khoáng sản trái phép.

- Phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát, giải tỏa, ngăn chặn các hoạt động khoáng sản trái phép; khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

1.5. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

- Tham gia giải tỏa các hoạt động khoáng sản trái phép khi được UBND tỉnh huy động.

1.6. Sở Giao thông - Vận tải

- Chủ trì thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện vận chuyển khoáng sản vi phạm các quy định về giao thông trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

1.7. Sở Tài chính

- Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh: Ban hành Quy định về quản lý, sử dụng khoản thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm chi cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hướng dẫn phương pháp xác định chi phí phải hoàn trả và phương thức, thủ tục hoàn trả chi phí đánh giá khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường trong việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải nộp cho Nhà nước và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

1.8. Sở Khoa học Công nghệ

- Phối hợp với sở Công thương, sở Xây dựng thẩm định công nghệ sử dụng của các dự án khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh.

1.9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì trong việc kiểm tra, xử lý các hoạt động khoáng sản vi phạm đất canh tác nông nghiệp, các công trình thuỷ lợi, đê, kè, cầu, cống; vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và các vi phạm khác theo quy định của Luật Bảo vệ rừng.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

1.10. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Chủ trì tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong khai thác mỏ của các tổ chức, cá nhân được cấp phép.

- Phối hợp với các Sở: Công thương, Xây dựng trong công tác kiểm tra việc chấp hành quy trình, quy phạm, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp trong khai thác mỏ của các tổ chức, cá nhân được cấp phép.

1.11. Sở Tư pháp

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan rà soát các quy định, quy chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản của tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh bãi bỏ, sửa đổi hoặc ban hành văn bản mới; cung cấp các văn bản pháp luật về khoáng sản cho tủ sách pháp luật của UBND cấp huyện và cấp xã.

- Phối hợp trong việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

1.12. Cục thuế tỉnh

- Chủ trì tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, chống thất thu thuế trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và đất đai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015”; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về thuế, phí và lệ phí của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; tổ chức thực hiện việc thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các khoản thu khác theo quy định trong hoạt động khoáng sản.

1.13. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với ngành có liên quan trong việc cấp Đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật đối với hoạt động có liên quan đến khoáng sản.

- Phối hợp với ngành có liên quan kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề hoạt động khoáng sản trên địa bàn tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1.14. Sở Nội vụ

- Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bổ sung biên chế làm công tác quản lý về khoáng sản cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và các xã có nhiều khoáng sản.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và cấp xã.

1.15. Các cơ quan thông tin đại chúng: Báo, Đài phát thanh-truyền hình

- Dành đủ trang, thời lượng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản.

- Phối hợp với các ngành chức năng xây dựng chuyên mục Tài nguyên và Môi trường với các nội dung: Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, công tác quản lý công nghiệp khai thác khoáng sản, công tác an toàn lao động trong khai thác khoáng sản, những điển hình tiên tiến, những yếu kém, tồn tại cần khắc phục trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

2. Đối với UBND cấp huyện

- Xây dựng Đề án quản lý khoáng sản trên địa bàn để tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản tại địa phương. Trong đó chú trọng đến việc đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản; giám sát, kiểm tra các đơn vị được cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đất đai, bảo vệ an toàn hệ thống cầu đường, an toàn lao động, đóng góp nghĩa vụ ngân sách nhà nước, đóng góp xây dựng và bảo vệ công trình hạ tầng cơ sở...

- Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời tổ chức kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn. Khi cần thiết, huy động và chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn phối hợp để giải tỏa, ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản trái phép.

- Xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản tại các khu vực giáp ranh giữa 2 huyện, thành phố, thị xã.

- Lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành chính; tổ chức triển khai phương án bảo vệ sau khi được phê duyệt. Xây dựng dự toán kinh phí hàng năm cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

- Phối hợp với ngành chức năng của tỉnh trong việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và kiểm tra, xử lý các vi phạm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý.

- Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật.

- Cho ý kiến đối với việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản ở địa phương trên đài truyền thanh của huyện. Kịp thời đưa tin, công bố các tổ chức doanh nghiệp có vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản, các xóm (thôn), xã có hoạt động khoáng sản trái phép; tổ chức hội nghị để tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về khoáng sản, quy định của UBND tỉnh đến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cấp xã và xóm.

- Định kỳ hàng tháng báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo quản lý khoáng sản (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, đồng thời đề xuất biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản.

3. Đối với UBND cấp xã

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn. Khi cần thiết, huy động các lực lượng trên địa bàn phối hợp để giải tỏa, ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản trái phép.

- Kiểm tra, việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đất đai, bảo vệ an toàn hệ thống cầu đường, an toàn lao động, đóng góp nghĩa vụ ngân sách nhà nước, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương của các đơn vị được cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn, phát hiện, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý.

- Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến toàn thể nhân dân trên địa bàn.

- Định kỳ hàng tháng báo cáo UBND cấp huyện (thông qua Phòng Tài nguyên và Môi trường) về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, đồng thời đề xuất biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản. (Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại phụ lục kèm theo)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh có trách nhiệm giúp UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

2. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được phân công trong đề án, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung của Đề án. Định kỳ 6 tháng và 01 năm, các Sở ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện đề án (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh).

3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện, chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của đề án.

Trên đây là Đề án: “Tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015”. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện./.

 

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Số TT

Nội dung công việc

Cơ quan thực hiện

Thời gian thực hiện

 

Chủ trì

Phối hợp

 

1

Tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai Luật Khoáng sản, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, Nghị định quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Chỉ thị số 02 của Thủ tướng chính phủ và Đề án quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 ở tỉnh.

Sở TN và MT

Văn phòng UBND tỉnh; Sở Tài chính

Trong quý II/2012 (Sau khi các Nghị định có hiệu lực thi hành)

 

2

Tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai Luật Khoáng sản, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, Nghị định quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Chỉ thị số 02 của Thủ tướng chính phủ và Đề án quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 ở cấp huyện.

P. TN và MT cấp huyện

Các phòng, ban có liên quan cấp huyện

Trong quý III/2012

 

3

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản ở tỉnh.

Báo, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh

Sở TN và MT, Công thương, Xây dựng và các sở ngành có liên quan

Từ quý III/2012

 

4

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã

Phòng TNMT cấp huyện, UBND cấp xã

Các ngành có liên quan ở cấp huyện, xã

Từ quý III/2012

 

5

Cung cấp các văn bản pháp luật về khoáng sản tới tủ sách các xã.

Sở Tư pháp

Sở TN và MT, UBND các huyện, thành phố, thị xã

Từ quý IV/2012

 

6

Kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh, Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo; Rà soát sửa đổi quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo

Sở TN và MT

Các Sở, ngành có liên quan

Từ quý II/2012 (Khi có sự thay đổi về tổ chức nhân sự thành viên BCĐ)

 

7

Kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản, Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo; Rà soát sửa đổi quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo tại các huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ và Phú Lương.

Phòng TN&MT cấp huyện

Các ngành chức năng của các huyện

Từ quý II/2012 (Khi có sự thay đổi về tổ chức nhân sự thành viên BCĐ)

 

8

Thành lập (hoặc kiện toàn) tổ công tác liên ngành quản lý khoáng sản tại các huyện Phú Bình, Phổ Yên, Định Hóa, thị xã Sông Công và TP. Thái Nguyên

Phòng TN&MT cấp huyện

Các ngành chức năng của các huyện, thị

Từ quý III/2012 (Khi có sự thay đổi về tổ chức nhân sự thành viên BCĐ)

 

9

Thành lập (hoặc kiện toàn) Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản ở các xã có nhiều khoáng sản; Tổ công tác quản lý khoáng sản ở các xã, phường, thị trấn có ít khoáng sản.

Cán bộ TN và MT cấp xã

công an, xã đội, các ban ngành đoàn thể cấp xã

Từ quý III/2012

 

10

Khoanh định, lập bản đồ khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sở TN và MT

Các ngành có liên quan, UBND cấp huyện

Trong năm 2012

 

11

Khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trình UBND tỉnh phê duyệt

Sở TN và MT

Các sở ngành có liên quan, UBND cấp huyện

Từ quý IV/2012 (sau khi Bộ TN&MT công bố khu vực có khoáng sản phân bố, nhỏ lẻ)

 

12

Lập, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hàng năm về đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Sở TN và MT

Các sở ngành có liên quan, UBND cấp huyện

Từ quý IV/2012

 

13

Tham mưu cho UBND ban hành Quy định trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng, cho phép tiếp tục thực hiện hoạt động khoáng sản trong trường hợp được thừa kế, phê duyệt trữ lượng khoáng sản và đóng cửa mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền trên địa bàn tỉnh

Sở TN và MT

Các sở, ngành có liên quan

Trong quý IV/2012

 

14

Kiện toàn Hội đồng thẩm định, phê duyệt Đề án và Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ (Hội đồng đánh giá khoáng sản tỉnh)

Sở TN và MT

Các Sở,ngành có liên quan

Từ quý II/2012

 

15

Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh

Sở TN và MT

Sở Tài chính, Tư pháp, Công thương, xây dựng, các ngành có liên quan, UBND cấp huyện

Dự kiến từ quý IV/2012 (sau khi có Quy chế hoạt động của HĐĐG và quy định về xác định giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản của Bộ TN và MT)

 

16

Xây dựng quy định về quản lý, sử dụng khoản thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.

Sở Tài chính

Các ngành có liên quan, UBND cấp huyện

Từ quý IV/2012

 

17

Hướng dẫn thực hiện các quy định có liên quan đến xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Sở Xây dựng

Sở TN và MT, các sở ngành có liên quan

Sau khi Bộ Xây dựng ban hành danh mục, điều kiện và tiêu chuẩn xuất khẩu

 

18

Hướng dẫn thực hiện các quy định có liên quan đến xuất khẩu các loại khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Sở Công thương

Sở TN và MT, các sở ngành có liên quan

Sau khi Bộ Công thương ban hành danh mục, điều kiện và tiêu chuẩn xuất khẩu

 

19

Quy định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường.

Sở TN Và MT

Cục thuế tỉnh, các Sở ngành có liên quan

Trong quý III/2012

 

20

Thanh tra, kiểm tra các hoạt động khoáng sản của các đơn vị được cấp phép

Sở TN và MT;

Sở Công thương;

Sở Xây dựng.

UBND cấp huyện có liên quan

Định kỳ hàng năm, đột xuất

 

21

Thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ở cấp huyện, nơi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép phức tạp, kéo dài.

Thanh tra Sở TN và MT

UBND cấp huyện có liên quan

Từ quý III/2012

 

22

Thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các xã, phường để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản phức tạp, kéo dài.

UBND huyện, thành phố, thị xã

UBND cấp xã có liên quan

Từ quý III/2012

 

23

Xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành chính

Sở TN và MT; UBND cấp huyện; UBND cấp xã

Các ngành có liên quan ở tỉnh, huyện, xã

Từ quý III/2012

 

24

Xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm chi cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài chính

Sở TN&MT, các sở ngành có liên quan, UBND cấp huyện

Từ quý IV/2012

 

25

Kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành về khoáng sản của tỉnh, của huyện.

Sở TN và MT; P. TN và MT cấp huyện

Các ngành có liên quan ở tỉnh, huyện

Từ quý III/2012

 

26

Kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hoạt động khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép.

Đội KTLN của tỉnh, huyện

UBND cấp huyện, xã

Thường xuyên theo kế hoạch

 

27

Lập (điều chỉnh), công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh

Sở xây dựng

Sở TN và MT, Công thương, các ngành có liên quan; UBND cấp huyện

Từ quý III/2012

 

28

Lập (điều chỉnh), công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản khác (ngoài khoáng sản làm vật liệu xây dựng) trên địa bàn tỉnh

Sở Công thương

Sở TN và MT, Xây dựng, các ngành có liên quan; UBND cấp huyện

Từ quý III/2012

 

29

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án “Tăng cường công tác quản lý nhà nước, chống thất thu thuế trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và đất đai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015”

Cục thuế tỉnh

Các Sở ngành có liên quan, UBND cấp huyện

Theo kế hoạch

 

30

Yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ trong khai thác, áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường.

Sở Công thương; Sở Xây dựng

Các sở ngành có liên quan

Từ quý IV/2012

 

31

Tăng cường năng lực quản lý khoáng sản của bộ máy chuyên ngành từ tỉnh tới xã, phường.

Sở Nội vụ,

Sở TN và MT

UBND các huyện, thành phố, thị xã

Từ quý IV/2012

 





Nghị định 15/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản Ban hành: 09/03/2012 | Cập nhật: 13/03/2012