Quyết định 06/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Hải Dương
Số hiệu: 06/2015/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
Ngày ban hành: 22/05/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2015/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 22 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công.

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT ngày 18/02/2014 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 350/TTr-SCT ngày 10 tháng 4 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Hải Dương".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 22/2010/QĐ-UBND ngày 08/11/2010 của UBND tỉnh Hải Dương về việc ban hành Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức và các cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hiển

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND Ngày 22 tháng 5 năm 2015 của UBND tỉnh Hải Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy chế này quy định về quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công; quy trình xây dựng, phê duyệt và thực hiện các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại địa bàn các huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường trên địa bàn tỉnh; bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn).

Các đối tượng được quy định tại mục b, c Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công và Điều 3 Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công.

Điều 3. Ngành nghề được hưởng kinh phí khuyến công

Ngành nghề được hưởng kinh phí khuyến công của tỉnh bao gồm các ngành, nghề được quy định tại Điều 5 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/05/2012 của Chính phù về khuyến công (sau đây viết tắt là Nghị định 45/2012/NĐ-CP).

Điều 4. Nguồn kinh phí khuyến công

Kinh phí khuyến công của tỉnh được hình thành từ các nguồn sau:

1. Ngân sách địa phương do UBND tỉnh duyệt hàng năm theo kế hoạch.

2. Hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia cho hoạt động khuyến công của tỉnh, theo chương trình, kế hoạch và đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tài trợ của các tổ chức, cá nhân, trong và ngoài nước.

4. Nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Nguyên tắc sử dụng kinh phí khuyến công

1. Kinh phí khuyến công do UBND tỉnh quản lý và tổ chức thực hiện đối với những hoạt động, hỗ trợ sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Đề án, nhiệm vụ khuyến công thực hiện theo phương thức xét chọn; theo đề nghị của Sở Công Thương, Sở Tài chính và quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.

Điều 6. Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí khuyến công.

Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ kinh phí khuyến công phải bảo đảm có đủ các điều kiện quy định tại mục 1, 3, 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 của Bộ Tài chính - Bộ Công Thương, hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương và nhiệm vụ đề án khuyến công được UBND tỉnh duyệt.

Chương II

NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI HOẠT ĐỘNG KHUYẾN CÔNG

Điều 7. Nội dung chi hoạt động khuyến công

1. Nội dung chi cho hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Công thương Hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.

2. Chi cho công tác xét chọn, vinh danh Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp cấp tỉnh.

Điều 8. Mức chi hoạt động khuyến công.

1. Mức chi chung cho hoạt động khuyến công của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương Hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT).

2. Mức chi cụ thể cho hoạt động khuyến công

a) Mức chi cho các hoạt động: hỗ trợ tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ trong nước; tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tại nước ngoài; chi phí vé máy bay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đi tham gia khảo sát, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài và Chi xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh; xuất bản các bản tin ấn phẩm; tờ rơi, tờ gấp và các hình thức thông tin đại chúng khác được thực hiện theo quy định tại các điểm d, đ, e khoản 2, Điều 6 Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT .

b) Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, bao gồm các chi phí: Xây dựng, mua máy móc thiết bị; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 400 triệu đồng/mô hình.

Mức hỗ trợ đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức cá nhân khác học tập; bao gồm các chi phí: Hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ; hoàn thiện quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ không quá 75 triệu đồng/mô hình;

c) Chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 170 triệu đồng/cơ sở;

d) Chi tổ chức bình chọn và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh:

- Mức chi không quá 35 triệu đồng/ lần đối với cấp huyện; 80 triệu đồng/lần đối với cấp tỉnh.

- Chi thưởng cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được bình chọn, cấp huyện 02 triệu đồng/sản phẩm, cấp tỉnh 03 triệu đồng/sản phẩm.

đ) Chi công tác bình xét, tôn vinh Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp, mức chi theo quy định hiện hành.

e) Chi hỗ trợ để thành lập hội, hiệp hội ngành nghề cấp tỉnh. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí thành lập, nhưng không quá 35 triệu đồng/hội, hiệp hội cấp tỉnh;

f) Chi hỗ trợ để hình thành cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 140 triệu đồng/cụm liên kết;

g) Chi hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp (hỗ trợ sau khi cơ sở công nghiệp nông thôn đã hoàn thành việc đầu tư): Mức hỗ trợ tối đa 50% lãi suất cho các khoản vay để đầu tư xây dựng nhà, xưởng, máy móc thiết bị trong 02 năm đầu nhưng không quá 400 triệu đồng/cơ sở. Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với các khoản vay trung hạn và dài hạn bằng đồng Việt Nam trả nợ trước hoặc trong hạn, không áp dụng đối với các khoản vay đã quá thời hạn trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Với mức lãi suất cho vay thấp nhất trong khung lãi suất áp dụng cho các khoản vốn đầu tư phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Hải Dương;

h) Chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở công nghiệp nông thôn. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 220 triệu đồng/cơ sở;

i) Chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 1.400 triệu đồng/cụm công nghiệp;

k) Chi hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 450 triệu đồng/cụm công nghiệp;

l) Chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, bao gồm: San lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước tại các cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ không quá 2.500 triệu đồng/cụm công nghiệp;

m) Chi hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các lĩnh vực: Lập dự án đầu tư; marketing; quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ, thiết bị mới. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 30 triệu đồng/cơ sở;

n) Chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 30 triệu đồng/thương hiệu;

o) Chi quản lý chương trình đề án khuyến công.

- Sở Công Thương là cơ quan quản lý kinh phí khuyến công của tỉnh, được sử dụng kinh phí khuyến công (khoán tối đa 100 triệu đồng/năm) để hỗ trợ xây dựng các chương trình, đề án, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu; thuê chuyên gia, lao động (nếu có); chi làm thêm giờ theo chế độ quy định; văn phòng phẩm, điện thoại, bưu chính, điện nước; chi công tác phí, xăng dầu, thuê xe đi kiểm tra (nếu có); chi thẩm định xét chọn, nghiệm thu chương trình, đề án khuyến công và các khoản chi khác (nếu có). Nội dung và kinh phí do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh được sử dụng kinh phí khuyến công (khoán tối đa 100 triệu đồng/năm) để chi công tác khảo sát, quản lý, chỉ đạo, xây dựng các chương trình, đề án, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu; thuê chuyên gia, lao động (nếu có); chi làm thêm giờ theo chế độ quy định; văn phòng phẩm, điện thoại, bưu chính, điện nước; chi công tác phí, xăng dầu, thuê xe đi kiểm tra (nếu có) và các khoản chi khác (nếu có);

p) Mức kinh phí ưu tiên hỗ trợ cho các chương trình, đề án, nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP do UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo thu hút được các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, áp dụng sản xuất sạch hơn vào các địa bàn và ngành nghề cần ưu tiên nhưng không quá 1,3 lần mức hỗ trợ quy định trên đây.

3. Mức chi hỗ trợ kinh phí cụ thể cho từng đề án do Hội đồng thẩm định của tỉnh xem xét, trình UBND tỉnh quyết định.

Chương III

XÂY DỰNG, THẲM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ THỰC HIỆN CÁC ĐỀ ÁN KHUYẾN CÔNG ĐỊA PHƯƠNG

Điều 9. Xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công địa phương

1. Hàng năm, căn cứ Chương trình khuyến công địa phương đã được phê duyệt, tình hình thực hiện nhiệm vụ và dự toán năm báo cáo, Sở Công Thương lập dự toán chi thực hiện kế hoạch khuyến công địa phương của năm, gửi Sở Tài chính tổng hợp.

2. Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Sở Tài chính xem xét, tổng hợp chung vào phương án phân bổ ngân sách địa phương, trình HĐND và UBND tỉnh xem xét, quyết định.

3. Căn cứ kế hoạch ngân sách được giao, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hướng dẫn xây dựng các chương trình, đề án khuyến công chi tiết, tổng hợp các chương trình đề án khuyến công, trình Hội đồng thẩm định các chương trình đề án khuyến công của tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kinh phí thực hiện, làm căn cứ giao dự toán cho các đơn vị thực hiện.

Điều 10. Thẩm định, phê duyệt đề án khuyến công địa phương.

1. Thẩm định đề án khuyến công.

Giám đốc Sở Công Thương quyết định thành lập Hội đồng thẩm định các đề án khuyến công tỉnh Hải Dương. Chủ tịch hội đồng là Lãnh đạo Sở Công Thương; các thành viên của Hội đồng gồm: đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư và đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Sở Công Thương, .

Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xem xét, thẩm định các nội dung của đề án khuyến công gồm: mức độ phù hợp của đề án, phạm vi, đối tượng, nội dung và mức hỗ trợ; mục tiêu, sự cần thiết và hiệu quả của đề án; tính hợp lý về sử dụng kinh phí và các cơ sở vật chất khác; đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp và đối tượng thụ hưởng; sự phù hợp và đầy đủ của hồ sơ, tài liệu có liên quan đến đề án.

2. Phê duyệt đề án khuyến công.

Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định, Sở Công Thương tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét quyết định phê duyệt các đề án khuyên công địa phương.

Điều 11. Tổ chức thực hiện đề án khuyến công địa phương

1. Căn cứ Quyết định phê duyệt đề án khuyến công của UBND tỉnh, Sở Công Thương chỉ đạo, giao cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp; đồng thời, chuyển tạm ứng 70% kinh phí từng nhiệm vụ, đề án về tài khoản của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, để triển khai thực hiện.

2. Căn cứ nội dung, dự toán kinh phí được duyệt và hợp đồng triển khai đề án; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, chuẩn bị điều kiện cần thiết để thực hiện các đề án khuyến công theo đúng nội dung và dự toán được duyệt.

3. Kết thúc đề án, Trung tâm Khuyển công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức nghiệm thu cơ sở, hoàn thiện hồ sơ và thanh quyết toán đề án theo quy định.

Điều 12. Lập dự toán, thanh quyết toán đề án khuyến công địa phương.

1. Lập dự toán kinh phí khuyến công.

a) Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước đối với các hoạt động khuyến công, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ Tài chính - Bộ Công Thương và UBND tỉnh Hải Dương.

b) Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, Sở Công Thương chỉ đạo lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện công tác khuyến công của tỉnh cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm, gửi Sở Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách của tỉnh, trình HĐND và UBND tỉnh xem xét quyết định.

2. Quyết toán kinh phí khuyến công.

a) Các đơn vị, tổ chức trực tiếp sử dụng kinh phí khuyến công địa phương phải quyết toán kinh phí khuyến công đã sử dụng với Sở Công Thương; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp ký hợp đồng với các đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khuyến công; các đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khuyến công chuyển toàn bộ hồ sơ, chứng từ về Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp để kiểm tra, thanh quyết toán, lưu trữ theo đúng quy định.

b) Báo cáo quyết toán 6 tháng, hàng năm của Trung tám Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trình Sở Công Thương xem xét, thẩm định và gửi Sở Tài chính phê duyệt. Trình tự lập, mẫu biểu báo cáo, thời gian nộp và xét duyệt báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành.

c) Kinh phí khuyến công đến ngày 31 tháng 12 hàng năm chưa thực hiện hoặc chưa chi hết, Sở Công Thương phối hợp Sở Tài Chính có trách nhiệm tổng hợp, đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển sang năm sau thực hiện.

Chương IV

TỐ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

1. Sở Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý nguồn kinh phí khuyến công đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ đúng nội dung, đúng đối tượng.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công theo đúng quy định hiện hành.

3. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh; các tổ chức, cá nhân có chương trình, đề án được hỗ trợ từ kinh phí khuyến công phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Thanh quyết toán, lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo đúng quy định hiện hành.

Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm.

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, sử dụng tổ chức triển khai thực hiện và tạo nguồn kinh phí khuyến công, được xem xét khen thưởng theo quy định hiện hành.

2. Những tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí khuyến công tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

Điều 15. Chế độ thông tin báo cáo.

1. Định kỳ hàng quý, các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ khuyến công có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương.

3. Định kỳ 06 tháng, hàng năm, Sở Công Thương tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình, đề án khuyến công báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương./.

 

 





Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công Ban hành: 21/05/2012 | Cập nhật: 23/05/2012