Nghị quyết 87/2016/NQ-HĐND thông qua Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 87/2016/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Nguyễn Văn Hùng
Ngày ban hành: 09/12/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/2016/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 09 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN GIẢM NGHÈO THEO PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN ĐA CHIỀU TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2016-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

Thực hiện Nghị quyết số 06 - NQ/TU ngày 24 tháng 8 năm 2016 của Tỉnh ủy Kon Tum về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020;

Xét Tờ trình số 146/TTr-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc thông qua Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020; Tờ trình số 178/TTr-UBND ngày 5 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trình của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020 với những nội dung chính như sau:

1. Đối tượng áp dụng:

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, chủ hộ nghèo là phụ nữ;

- Nhóm hộ hoặc cộng đồng có đa số hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo;

- Huyện nghèo, xã an toàn khu, xã biên giới, xã, thôn đặc biệt khó khăn;

- Các tổ chức và cá nhân có liên quan.

2. Phạm vi thực hiện:

Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các địa bàn sau:

a) Huyện nghèo: 05 huyện, gồm 02 huyện theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ (Tu Mơ Rông và Kon Plông); 03 huyện nghèo theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ ( Kon Rẫy, Sa Thầy, Đăk Glei);

b) Xã nghèo: 61 xã, gồm các xã đặc biệt khó khăn; xã biên giới, xã an toàn khu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016;

c) Thôn đặc biệt khó khăn: 50 thôn theo Quyết định số 75/QĐ-UBDT ngày 29/02/2016 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016.

3. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giải quyết một cách cơ bản về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ và nước sinh hoạt; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Đề án để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 3-4%/năm (riêng các huyện nghèo giảm 6-8%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;

- Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm đến cuối năm 2020: thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng gấp 2 lần(1) so với cuối năm 2015; cơ bản đáp ứng khả năng tiếp cận của hộ nghèo đối với các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin;

- Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, chính sách phát triển sản xuất, đất sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi để cải thiện điều kiện sống của người nghèo; giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; dạy nghề và hỗ trợ cho lao động thuộc đối tượng đủ điều kiện xuất khẩu lao động.

c) Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2020:

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân:

+ 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; từ 60-70% thôn có đường trục giao thông được cứng hóa;

+ 100% xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế ;

+ 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 80% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới;

+ Trên 80% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;

+ Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 90% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây hàng năm có nhu cầu tưới và dân sinh;

- Thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình tăng 15-20%/năm; bình quân mỗi năm có hơn 10% hộ tham gia mô hình thoát nghèo; mỗi xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ xây dựng và duy trì 01 mô hình giảm nghèo bền vững;

- Trên 52% lao động qua đào tạo; có 80% người trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương; 50% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa;

- 100% cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, làng và cán bộ đoàn thể được tập huấn một số kiến thức cơ bản về kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án;

- 100% số xã đặc biệt khó khăn có cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động;

- 90% các hộ dân thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận, cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các chương trình phát thanh truyền hình; sách, ấn phẩm truyền thông.

4. Nhu cầu vốn, nguồn vốn:

Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 4.770,485 tỷ đồng (Bốn ngàn bảy trăm bảy mươi tỷ, bốn trăm tám mươi lăm triệu đồng), chia ra:

- Ngân sách Trung ương: 2.680,238 tỷ đồng.

+ Đầu tư phát triển: 780,094 tỷ đồng.

+ Sự nghiệp: 1.900,144 tỷ đồng.

- Ngân sách địa phương: 169,344 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh bổ sung tối thiểu 5 tỷ đồng/năm cho đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.

+ Đầu tư phát triển: 10,768 tỷ đồng.

+ Sự nghiệp: 158,576 tỷ đồng

- Huy động, lồng ghép: 1.920,903 tỷ đồng.

5. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

a) Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững;

b) Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách về giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo;

c) Huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội gắn với giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo;

d) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội đối với công tác giảm nghèo;

đ) Thực hiện công tác kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa XI, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 8 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 19 tháng 12 năm 2016./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Bộ Lao động-TBXH;
- Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế);
- Bộ Kế hoạch- Đầu tư (Vụ Pháp chế);
- Bộ Nội vụ (Vụ Pháp chế);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các ban HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT.HĐND-UBND các huyện, Tp;
- Văn phòng HĐND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh;
- Công báo UBND tỉnh;
- C
ng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT,CTHĐ.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hùng



1 Mức phấn đấu tăng thu nhập bình quân chung toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 là 1,6 lần (năm 2015 là 1.555 USD/năm ; năm 2020 đạt 2.500 USD/năm)





Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2014 về Ngày Âm nhạc Việt Nam Ban hành: 26/09/2014 | Cập nhật: 27/09/2014