Nghị quyết 36/2017/NQ-HĐND về huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế giai đoạn đến năm 2020
Số hiệu: | 36/2017/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Ninh Thuận | Người ký: | Nguyễn Đức Thanh |
Ngày ban hành: | 17/07/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, Giao thông, vận tải, Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/2017/NQ-HĐND |
Ninh Thuận, ngày 17 tháng 7 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC, ƯU TIÊN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG CẤP THIẾT GIAO THÔNG, THỦY LỢI, ĐÔ THỊ, GIÁO DỤC, Y TẾ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 1 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020;
Thực hiện Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020;
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 14 tháng 11 năm 2016 của ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế giai đoạn 2016-2020;
Thực hiện Chương trình hành động số 13-CTHĐ/TU ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020;
Xét Tờ trình số 119/TTr-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2017 của UBND tỉnh trình dự thảo Nghị quyết về huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế giai đoạn đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Một số chỉ tiêu chủ yếu
- Tổng vốn huy động đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế khoảng 27-28 nghìn tỷ đồng, gồm: nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương 4.950 tỷ đồng (chiếm 18%); nguồn vốn chính sách đặc thù và vốn vay tồn ngân Kho bạc, tín dụng ưu đãi 2.750 tỷ đồng (chiếm 10%); nguồn vốn ODA 4.675 tỷ đồng (chiếm 17%); nguồn vốn các bộ, ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn 7.150 tỷ đồng (chiếm 26%); nguồn vốn BT, BOT, PPP, xã hội hóa và huy động khác 7.975 tỷ đồng (chiếm 29%).
- Đến năm 2020 toàn tỉnh có 06 đô thị, trong đó: 01 đô thị loại II (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm), 01 đô thị loại IV (thị trấn Tân Sơn) và 04 đô thị loại V (thị trấn Phước Dân, Khánh hải, hình thành mới thị trấn Phước Đại và thị trấn Lợi Hải); mật độ đường giao thông đạt 0,42 km/km2; năng lực tưới đạt 60% diện tích đất nông nghiệp; có 50% số trường phổ thông và 20% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; 90% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Điều 2. Một số nhiệm vụ chủ yếu
1. Phát triển hạ tầng giao thông
a) Tập trung huy động, đầu tư kết cấu hạ tầng một số tuyến đường giao thông quan trọng, cấp bách để liên thông với các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B, đường cao tốc, đường ven biển, đường liên huyện nhằm phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với các tỉnh trong khu vực, tạo thuận lợi khai thác tốt nhất các lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về sân bay, cảng biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh.
b) Ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông đến các vùng phát triển sản xuất tập trung, vùng chuyên canh, các khu du lịch, khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và các vùng phát triển năng lượng của tỉnh. Tiếp tục huy động, thu hút nguồn lực đầu tư các tuyến đường vành đai, đường vành đai Đông Nam, đường Văn Lâm-Sơn Hải, đường tỉnh 704, đường đôi phía Nam đi vào thành phố, các tuyến đường nội thị, đường Phước Đại-Phước Tân.
c) Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nâng cấp, mở rộng hạ tầng các cảng biển, cảng hàng hóa, cảng phục vụ du lịch và cảng cá kết hợp tránh trú bão như: Cà Ná, Ninh Chữ, Bình Tiên-Vĩnh Hy, Bình Sơn-Ninh Chữ, Mỹ Tân, Đông Hải. Kiến nghị Trung ương đầu tư phục hồi tuyến đường sắt Đà Lạt-Tháp Chàm; nâng cấp ga đường sắt Cà Ná thành ga hàng hóa; đầu tư kết nối tuyến đường sắt từ ga Cà Ná đến Khu công nghiệp và cảng biển nước sâu Cà Ná.
2. Phát triển hạ tầng thủy lợi
a) Tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi bảo đảm đồng bộ, hiện đại từ đầu mối đến hệ thống kênh mương nội đồng, phục vụ đa mục tiêu đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các hoạt động dịch vụ, du lịch, nước sinh hoạt cho người dân và sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, gắn với chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bão, lũ, xâm nhập mặn và nước biển dâng; chú trọng đầu tư liên thông các hồ chứa để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
b) Tăng cường thu hút, huy động các nguồn lực và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để triển khai đầu tư một số công trình: Hồ Tân Mỹ, hồ Sông Than, hồ Đa Mây, hồ Kiền Kiền, hồ Tân Giang II, dự án liên thông các hồ chứa, các công trình đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển. Đồng thời, tăng cường đầu tư theo mô hình “thủy-lâm kết hợp”, gắn thủy lợi với trồng rừng, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thành đập hạ lưu Sông Dinh, hệ thống kênh mương cấp II, III Lanh Ra, Sông Biêu; ưu tiên đầu tư hoàn thành các tuyến đê Bắc Sông Dinh, kè chống sạt lở bờ biển khu vực từ xã Nhơn Hải đến Thanh Hải, dự án tổng thể chống sạt lở Sông Dinh.
3. Phát triển hạ tầng đô thị
a) Đầu tư chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ cả về hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điều kiện vệ sinh môi trường đô thị gắn với việc duy tu, bảo dưỡng và sử dụng có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có. Trong đó, lấy đô thị trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm làm động lực để phát triển các đô thị vệ tinh bảo đảm đạt các tiêu chí về cấp đô thị, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, đầu tư nâng cấp thị trấn Tân Sơn thành đô thị loại IV và hình thành thị trấn Phước Đại, Lợi Hải.
b) Trước mắt, chú trọng đầu tư nâng cấp cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải đô thị và phát triển hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh; hoàn thành đồng bộ hệ thống thoát nước thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, thị trấn Khánh Hải giai đoạn 2 và thị trấn Tân Sơn; khắc phục có hiệu quả tình trạng ngập úng cục bộ các tuyến đường nội thị và các khu dân cư; đầu tư hoàn thiện các khu đô thị mới K1, K2 và một số trung tâm huyện lỵ. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai dự án môi trường bền vững các thành phố Duyên hải và dự án phát triển đô thị bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng văn hóa, thể thao, hệ thống cây xanh theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, xanh-sạch-đẹp.
4. Phát triển hạ tầng giáo dục
a) Tập trung rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giáo dục, cơ sở trường, lớp học theo hướng kiên cố, đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các trường dân tộc nội trú, trường bán trú; mở rộng quy mô đào tạo của trường Cao đẳng nghề; xây dựng mới trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và các trường THCS.
b) Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo; tăng cường khuyến khích, mời gọi các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đầu tư thành lập hoặc hợp tác đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, dạy nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp theo hướng đạt chất lượng quốc tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
5. Phát triển hạ tầng y tế
Tiếp tục tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị y tế theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là mạng lưới y tế cơ sở; nâng chất lượng khám chữa bệnh. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng y tế, khuyến khích đầu tư thành lập bệnh viện tư nhân và các loại hình y tế ngoài công lập. Trước mắt, tập trung đầu tư, nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh thành bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 giường; nâng cấp Bệnh viện Mắt, xây mới Bệnh viện Y dược cổ truyền quy mô 100 giường và xây dựng mới một số trạm y tế xã.
6. Danh mục dự án ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn đến năm 2020 (đính kèm theo phụ lục).
Điều 3. Các nhóm giải pháp chủ yếu
1. Nâng cao chất lượng xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng
a) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm tính kết nối giữa các loại quy hoạch về đất đai, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng của các ngành, các địa phương với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, gắn với tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc tổ chức thực hiện quy hoạch. Xác định rõ danh mục, thứ tự các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, bức xúc, có tác động lan tỏa để ưu tiên thu hút đầu tư.
b) Rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện quản lý chặt chẽ quỹ đất, nhất là quỹ đất công; chú trọng phát triển quỹ đất ở các khu đô thị và những vùng có tiềm năng theo hướng mở rộng không gian đô thị, nâng cao giá trị quỹ đất. Tập trung xây dựng quỹ đất sạch để tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư. Công bố rộng rãi, công khai, minh bạch quỹ đất quy hoạch dành cho các dự án hợp tác công-tư, các dự án xã hội hóa.
2. Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
a) Tiếp tục tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh; trong đó chú trọng các nguồn lực về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn dự phòng và các nguồn kết dư, vốn hỗ trợ cấp bách. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần chi phối; tăng cường công tác quản lý đất đai, thu ngân sách, nhất là các nguồn thu từ quỹ đất đô thị, quỹ đất hai bên các tuyến đường giao thông để tạo nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng.
b) Tập trung vận động, thu hút và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án ODA, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực an toàn hồ chứa, vệ sinh môi trường đô thị, hạ tầng đô thị, nông thôn, phòng tránh thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng giáo dục, y tế; ưu tiên dành nguồn vốn đối ứng các dự án ODA. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hình thức xã hội hóa, đối tác công-tư; khuyến khích, huy động nguồn lực trong các tầng lớp Nhân dân, bảo đảm huy động tối đa nguồn lực từ các đối tượng hưởng lợi tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng.
c) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền trong đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch, đúng quy định của pháp luật và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; kiên quyết khắc phục và chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công trình xây dựng để phát huy công năng sử dụng, duy trì độ bền vững và bảo đảm cảnh quan môi trường.
d) Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo thuận lợi thu hút, huy động nguồn lực đầu tư. Tập trung chỉ đạo hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, sớm đưa vào khai thác sử dụng và phát huy hiệu quả. Rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý dự án; thực hiện nghiêm túc, kịp thời chế độ thông tin, báo cáo, giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo quy định.
3. Đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng
a) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng theo các hình thức xã hội hóa, đối tác công tư (PPP), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT). Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu từ đất, đấu giá đất và tài sản trên đất công để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế tăng quy mô quỹ đầu tư phát triển của tỉnh thông qua việc kêu gọi hỗ trợ các quỹ đầu tư nước ngoài và đấu giá đất, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
b) Đẩy mạnh phân cấp quyết định đầu tư kết cấu hạ tầng cho các huyện, thành phố trên cơ sở quyết định chủ trương đầu tư và khả năng cân đối vốn được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, quy định phân cấp, ủy quyền quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị cho các ngành, địa phương để nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả khai thác sử dụng một số hạ tầng thiết yếu.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tham gia phát triển kết cấu hạ tầng
Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng tình ủng hộ, tham gia đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc thu hút và huy động nguồn lực đầu tư, nhất là trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Giao UBND tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật; hàng năm, báo cáo kết quả triển khai thực hiện nghị quyết tại kỳ họp HĐND cuối năm.
2. Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khóa X Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày …./7/2017./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Quyết định 1222/QĐ-TTg năm 2020 về Danh mục bí mật nhà nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Ban hành: 11/08/2020 | Cập nhật: 12/08/2020
Quyết định 1222/QĐ-TTg năm 2018 về thay đổi thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Ban hành: 21/09/2018 | Cập nhật: 11/10/2018
Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật Ban hành: 14/05/2016 | Cập nhật: 23/05/2016
Quyết định 1222/QĐ-TTg năm 2012 phê chuẩn miễn nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2011 - 2016 Ban hành: 06/09/2012 | Cập nhật: 12/09/2012
Quyết định 1222/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 Ban hành: 22/07/2011 | Cập nhật: 01/08/2011
Quyết định 1222/QĐ-TTg năm 2010 phê chuẩn kết quả miễn nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2004 - 2011 Ban hành: 16/07/2010 | Cập nhật: 22/07/2010
Quyết định 1222/2002/QĐ-TTg thay đổi chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Kim Hoa, tỉnh Vĩnh Phúc Ban hành: 19/12/2002 | Cập nhật: 20/05/2006