Nghị quyết 21/2013/NQ-HĐND nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2011 - 2016 và những năm tiếp theo
Số hiệu: 21/2013/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Nguyễn Chí Dũng
Ngày ban hành: 18/12/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2013/NQ-HĐND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 18 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN, NHIỆM KỲ 2011 - 2016 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHOÁ IX, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2012/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX, kỳ họp thứ 6 về Chương trình xây dựng nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2013;

Xét Tờ trình số 06/TTr-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua Nghị quyết về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2011 - 2016 và những năm tiếp theo,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua tờ trình của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2011 - 2016 và những năm tiếp theo với các nội dung trọng tâm, chủ yếu sau:

1. Về công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân:

a) Về Chương trình xây dựng nghị quyết:

Định kỳ hằng năm, theo dự kiến nội dung chương trình mỗi kỳ họp:

- Các ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và nguyện vọng của cử tri, chủ động đề xuất với Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về các chính sách cụ thể của địa phương.

- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn căn cứ hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương và yêu cầu nhiệm vụ, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết để thực hiện tốt sự chỉ đạo của Trung ương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

- Tờ trình trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết phải nêu rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết, cơ sở pháp lý và thực tiễn, tên nghị quyết, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết và những nội dung chính, dự báo tác động kinh tế - xã hội, nguồn lực tài chính, nhân lực bảo đảm thi hành, thời điểm ban hành nghị quyết và phải gửi bằng văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 10 hằng năm, trước năm ban hành nghị quyết.

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm, chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xem xét, đề xuất, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm;

b) Tổ chức họp thống nhất nội dung chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân:

- Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tổ chức cuộc họp để thống nhất dự kiến nội dung chương trình kỳ họp. Thời gian tổ chức họp để chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm vào khoảng từ ngày 05 đến ngày 15 tháng 5; kỳ họp cuối năm vào khoảng từ ngày 05 đến ngày 15 tháng 10 hằng năm.

Nội dung chương trình kỳ họp phải bám sát nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân đã ban hành và yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thời gian, quy trình theo quy định của pháp luật.

- Khi cần thiết Đảng đoàn Hội đồng nhân dân họp để thảo luận, định hướng chỉ đạo những vấn đề quan trọng trong nội dung, chương trình kỳ họp;

c) Công tác chuẩn bị văn bản phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân:

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chính thức thông báo bằng văn bản về nội dung, chương trình kỳ họp, thời gian, địa điểm tổ chức kỳ họp; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác chuẩn bị nội dung chương trình kỳ họp phải tập trung hoàn thành nhiệm vụ được phân công đảm bảo chất lượng và đúng thời gian quy định. Các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được giao chủ trì soạn thảo và báo cáo của các cơ quan khác phải là văn bản chính thức (có ký tên, đóng dấu của cơ quan trình), chuẩn bị đủ số lượng theo yêu cầu (riêng báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết phải gửi kèm theo các văn bản, căn cứ pháp lý có liên quan) và gửi về Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tài liệu của kỳ họp phải được gửi các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chậm nhất 05 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp; tài liệu của kỳ họp được gửi có thể dưới hình thức văn bản hoặc tài liệu điện tử qua hộp thư điện tử của đại biểu;

d) Công tác thẩm tra phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân:

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra các báo cáo theo quy định. Các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh cần chủ động tổ chức thẩm tra báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Các báo cáo thẩm tra phải đảm bảo các yêu cầu về nội dung như: có chính kiến rõ ràng, khách quan, có căn cứ và cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Báo cáo thẩm tra phải đưa ra được ý kiến đánh giá của Ban về dự thảo nghị quyết, những vấn đề được Ban nhất trí, không nhất trí, những kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Đối với những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, Thường trực Hội đồng nhân dân phân công cụ thể cho các Ban cùng phối hợp tham gia thẩm tra và báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tạo cơ sở cho đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia phát biểu nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp, đảm bảo nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao. Đối với những nội dung quan trọng có tầm ảnh hưởng rộng; các Ban Hội đồng nhân dân có thể đề xuất với Thường trực Hội đồng nhân dân các hình thức phù hợp để tham vấn ý kiến nhân dân;

e) Hoạt động chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân:

Chất vấn là thực hiện quyền giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời góp phần làm rõ thực trạng tình hình, tìm các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế và tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước.

- Qua theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước và ý kiến của cử tri, các ban Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân gửi yêu cầu, câu hỏi chất vấn về Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp các yêu cầu, câu hỏi chất vấn của các Ban Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân giữa 2 kỳ họp để chuyển đến người được chất vấn và quy định thời hạn trả lời chất vấn; đồng thời chuẩn bị những nội dung chất vấn tại kỳ họp, dự kiến danh sách những người trả lời chất vấn và gửi văn bản yêu cầu người trả lời chất vấn chuẩn bị văn bản trả lời chất vấn;

f) Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân:

- Trong các kỳ họp, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo tổng hợp việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và kiến nghị của các ban Hội đồng nhân dân; tiếp thu, làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm, kiến nghị qua thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường.

- Ngoài các nội dung chất vấn đã được giao cho những người trả lời chất vấn chuẩn bị trả lời bằng văn bản, tại kỳ họp các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thể chất vấn trực tiếp các vấn đề khác tại phiên họp chất vấn theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giải trình của người, của cơ quan, tổ chức được chất vấn.

- Nội dung chất vấn, ý kiến chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phải ngắn gọn, rõ ý, đúng trọng tâm. Văn bản trả lời chất vấn và ý kiến trả lời chất vấn tại hội trường phải cụ thể, bám sát nội dung và ý kiến chất vấn, đi thẳng vào vấn đề chất vấn đã được nêu ra.

- Tăng cường việc chất vấn trực tiếp tại kỳ họp. Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đảm bảo sôi nổi, thẳng thắn, mang tính tranh luận cao. Đối với những vấn đề nhân dân, cử tri trong tỉnh bức xúc, các đại biểu cần truy vấn đến cùng trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Kết thúc phiên chất vấn, Chủ toạ kỳ họp có kết luận bằng văn bản về phiên chất vấn và trả lời chất vấn; trong đó, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành triển khai thực hiện các nội dung đã cam kết, đã hứa trước Hội đồng nhân dân, trước cử tri và một số nội dung bức xúc, quan trọng mà cử tri kiến nghị thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Đây là cơ sở để các ban, đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri theo dõi, giám sát kết quả triển khai thực hiện các cam kết, lời hứa qua trả lời chất vấn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành; đồng thời đây cũng là cơ sở để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành báo cáo kết quả thực hiện các cam kết, lời hứa tại kỳ họp Hội đồng nhân dân kế tiếp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân tỉnh ra nghị quyết về chất vấn, trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các cơ quan, cá nhân được chất vấn.

- Chủ toạ kỳ họp Hội đồng nhân dân điều hành phiên họp, chủ trì thảo luận, chỉ đạo tổng hợp, tiếp thu, giải trình, bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, tập trung;

g) Sau kỳ họp Hội đồng nhân dân:

- Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và Đoàn Thư ký giúp chủ toạ kỳ họp hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, trình ký ban hành.

- Sau mỗi kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức họp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ q uốc Việt Nam tỉnh, các ban, tổ trưởng các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và thư ký kỳ họp Hội đồng nhân dân để rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả việc chuẩn bị, tổ chức kỳ họp.

2. Về công tác giám sát:

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ yêu cầu thực tiễn, sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương; căn cứ đề nghị của các Ban Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và kiến nghị của cử tri để dự kiến chương trình giám sát hằng năm và trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm của năm trước và được thông qua vào kỳ họp cuối năm. Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm, bảo đảm các điều kiện thực hiện, tránh sự chồng chéo và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát. Chương trình giám sát chuyên đề hàng năm của các Ban Hội đồng nhân dân cần được xây dựng sớm, trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước ngày 15 tháng 11. Hình thức giám sát tiếp tục được cải tiến theo hướng tăng cường khảo sát nắm thông tin tại cơ sở, kết hợp nghe báo cáo, giải trình của các cơ quan hữu quan kết hợp với các hoạt động tham vấn cộng đồng, thành phần tham gia Đoàn giám sát phải là những người có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực, nội dung giám sát. Trường hợp cần thiết có thể thành lập tổ tư vấn hoặc thuê chuyên gia, các nhà khoa học chuyên ngành. Tăng cường phối hợp với các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân khi khảo sát, giám sát tại cơ sở.

- Thành viên các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh cần nêu cao trách nhiệm, dành thời gian nghiên cứu tài liệu để nắm bắt tình hình liên quan, tham gia tích cực các cuộc giám sát, thẩm tra. Các Ban Hội đồng nhân dân trong cuộc họp hàng quý, cần nghiêm túc kiểm điểm những thành viên không hoàn thành nhiệm vụ và biểu dương, động viên những thành viên tích cực, nhiệt tình tham gia tốt các hoạt động của Ban theo luật định.

3. Về công tác tiếp xúc cử tri:

- Trước và sau các kỳ họp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặr trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, huyện, thành phố tổ chức cho đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri theo luật định. Nội dung tiếp xúc cử tri, thời gian, địa điểm tổ chức được thông báo gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát thực hiện;

- Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan nhà nước liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các văn bản, giải trình, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri;

- Trên cơ sở kế hoạch tiếp xúc cử tri của Thường trực Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm chuẩn bị kỹ nội dung, tham dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri của Tổ theo đúng kế hoạch;

- Tổ trưởng tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 05 ngày sau Hội nghị tiếp xúc cử tri.

- Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân họp ít nhất mỗi quý một lần để bàn kế hoạch công tác, chuẩn bị đóng góp ý kiến cho kỳ họp; có thể họp đột xuất khi cần thiết;

- Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy khả năng, trí tuệ và dành thời gian thoả đáng tham gia có hiệu quả các hoạt động của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử của mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân; thực hiện báo cáo với cử tri về kết quả của các kỳ họp Hội đồng nhân dân; tuyên truyền, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

4. Công tác xử lý và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân:

Các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được nghiên cứu, xem xét và yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, trả lời người khiếu nại, tố cáo, bảo đảm thời gian quy định.

Định kỳ hằng năm, Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Tổ chức thực hiện nghị quyết

Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân và các cơ quan Nhà nước có liên quan căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghị quyết; định kỳ hằng năm, 6 tháng cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nghị quyết, từng bước cụ thể hoá, thực hiện có hiệu quả Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phù hợp thực tiễn địa phương.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp xây dựng quy chế hoạt động giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, xác lập mối quan hệ phối hợp làm việc giữa các bên liên quan, nhất là quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phải đảm bảo quy định của pháp luật, có hiệu lực, hiệu quả và khả thi trong tổ chức thực hiện.

Điều 3. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2013 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Chí Dũng