Nghị quyết 23/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Số hiệu: | 23/2012/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Ngô Thị Doãn Thanh |
Ngày ban hành: | 07/12/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Môi trường, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2012/NQ-HĐND |
Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 6
(Từ ngày 03 tháng 12 năm 2012 đến ngày 07 tháng 12 năm 2012)
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét Tờ trình số 69/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thông qua Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân Thành phố; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Ủy ban nhân dân Thành phố trình tại Tờ trình số 69/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2012.
Giao Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung của đồ án quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt theo quy định, cụ thể:
1. Rà soát số liệu về dự báo dân số đến năm 2020 để đảm bảo thống nhất trong các phần của bản quy hoạch và phù hợp với số liệu trong các quy hoạch đã được phê duyệt, từ đó dự báo khối lượng rác thải sinh hoạt, rác thải y tế phát sinh tại các thời điểm quy hoạch.
2. Tính toán bổ sung khối lượng phân bùn bể phốt, chất thải rắn xây dựng phát sinh và làm rõ quan điểm, biện pháp xử lý ở khu vực nông thôn.
3. Rà soát, thống nhất về nhu cầu sử dụng đất các khu liên hợp, cơ sở xử lý chất thải rắn đến năm 2030; chuẩn xác diện tích khu xử lý chất thải rắn Hợp Thanh.
4. Khi đề xuất các trạm trung chuyển có vị trí ở khu vực ngoài bãi các sông cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch chuyên ngành về đê điều và ý kiến các cơ quan quản lý chuyên ngành.
5. Bổ sung đầy đủ hơn nội dung giải pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân để tạo sự đồng thuận trong thực hiện quy hoạch.
6. Bổ sung, nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; phân loại xử lý chất thải rắn tại nguồn; rõ lộ trình và cơ chế chính sách xã hội hóa; chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với các vùng bị ảnh hưởng.
7. Cân nhắc thêm khi bố trí các bãi đổ chất thải rắn xây dựng tại xã Thống Nhất, Chương Dương (huyện Thường Tín), xã Tả Thanh Oai, Duyên Hà (huyện Thanh Trì). Có giải pháp đảm bảo môi trường đối với Khu xử lý chất thải rắn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) để phù hợp với quy hoạch phân khu và quy hoạch khu liên hợp thể thao quốc gia; kiểm tra, làm rõ, thống nhất tên, vị trí một số điểm dự kiến quy hoạch (bãi đổ chất thải rắn xã Đại Đồng; Khu xử lý Nam Sơn bao gồm ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ). Quan tâm thêm đến việc định hướng công nghệ xử lý chất thải rắn.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố hoàn thiện Đồ án quy hoạch, trình phê duyệt theo quy định; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật sau khi quy hoạch được phê duyệt.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban, các tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6./.
|
CHỦ TỊCH |