Nghị quyết 14/2020/NQ-HĐND về thông qua Đề án về “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”
Số hiệu: 14/2020/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Lê Trường Lưu
Ngày ban hành: 13/11/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2020/NQ-HĐND

Thừa Thiên Huế, ngày 13 tháng 11 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang của cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Bộ Nội vụ về ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương;

Căn cứ Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”;

Căn cứ Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;

Căn cứ Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

Căn cứ Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về Quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”;

Căn cứ Thông tư 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về Quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”;

Xét Tờ trình số 10022/TTr-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Về Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hoá - xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án về “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với các nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh: Đề án được triển khai ở tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

b) Đối tượng áp dụng: Cá nhân (cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân); tổ chức (cơ quan, doanh nghiệp, thôn, tổ dân phố); gia đình, hộ gia đình.

2. Mục tiêu chung

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức về xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; xây dựng lối sống văn minh, tiến bộ, giàu bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn đi vào chiều sâu, thiết thực; đảm bảo được đặc trưng của thành phố “văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng con người Thừa Thiên Huế ngày càng văn minh, lịch thiệp.

3. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn từ năm 2021- 2025:

Các chỉ tiêu lồng ghép thực hiện trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”:

- 95% gia đình đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa theo quy định.

- 95 - 100% hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông, đặt biển hiệu, biển quảng cáo sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị và nông thôn.

- 95% khu dân cư đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa; giảm mạnh bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, nạn tảo hôn, hạn chế thấp nhất tệ nạn xã hội phát sinh.

- 95% cơ quan, đơn vị và 80% doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn văn hóa.

- 100% các điểm di tích, các điểm sinh hoạt công cộng có khu vệ sinh; không có tình trạng đeo bám khách du lịch.

- 100% hộ gia đình tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; 100% xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Các chỉ tiêu về nếp sống văn minh đô thị, nếp sống văn minh nông thôn:

- 100% hộ gia đình, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các xã, phường, thị trấn được tuyên truyền vận động thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn, môi trường văn hóa đô thị theo quy định hiện hành.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức và trên 90% hộ gia đình chấp hành thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

- 100% phường, thị trấn thực hiện đảm bảo việc quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị theo quy định hiện hành.

b) Giai đoạn 2025 - 2030:

Giữ vững các chỉ tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục phấn đấu các chỉ tiêu cụ thể sau:

- 100% hộ gia đình, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các xã, phường, thị trấn chấp hành thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn, môi trường văn hóa đô thị theo quy định hiện hành.

- 98% gia đình được công nhận và giữ vững đạt chuẩn văn hóa; 98% khu dân cư được công nhận và giữ vững danh hiệu đạt chuẩn văn hóa;

- 98% cơ quan, đơn vị và 85% doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn văn hóa.

- 100% xã, phường, thị trấn được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

4. Giải pháp thực hiện

a) Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật; không vi phạm trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị, không đổ chất phế thải, rác ra đường, sông, ao, hồ, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; thực hiện nghiêm quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội; không mê tín dị đoan, bói toán, đồng bóng; không sử dụng trang phục thiếu lịch sự đến những nơi tôn nghiêm, các di tích lịch sử, văn hóa; không nâng giá, ép giá, tranh giành, đeo bám khách du lịch; chấp hành nghiêm quy định của nhà nước về thông tin, quảng cáo, rao vặt; không xây dựng các điểm thu gom, buôn bán phế liệu trong khu dân cư.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành, cơ quan, cộng đồng dân cư, tạo nên phong trào quần chúng rộng rãi. Yêu cầu, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, đúng chuẩn mực trong hoạt động công vụ.

Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở làng, thôn, tổ dân phố văn hóa đảm bảo quy định của pháp luật. Đưa các tiêu chí quy định về thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn vào quy ước, hương ước và xem đó là tiêu chuẩn xét công nhận các danh hiệu văn hóa hàng năm.

b) Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và điều hành thực hiện của chính quyền các cấp:

Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng và ban hành các kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương để tổ chức thực hiện. Hoàn thiện các quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn và tổ chức xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, huy động sự tham gia tích cực của người dân; ngăn chặn và xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; thiết lập các đường dây nóng, thành lập đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra định kỳ, đột xuất; thực hiện nguyên tắc trách nhiệm địa bàn nào để xảy ra tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội, ăn xin, đeo bám, vi phạm môi trường thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước cấp quản lý trực tiếp.

c) Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian, cảnh quan văn minh, hiện đại:

Tập trung chỉnh trang và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn một cách đồng bộ, chú trọng đến những địa điểm công cộng, các khu du lịch, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh.

Lồng ghép việc chỉnh trang hạ tầng cơ sở nông thôn với các dự án xây dựng nông thôn mới ở các địa phương nhằm đảm bảo việc thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị.

d) Tiếp tục thực hiện các mô hình: “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”; Quản lý trật tự xã hội thông qua dịch vụ đô thị thông minh Huế - S; “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với phong trào thi đua “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Huế không tiếng còi xe”; “Huế - thành phố bốn mùa hoa”; “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.

đ) Đẩy mạnh thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá “Xanh - Sạch - Sáng” cấp phường và Bộ tiêu chí đánh giá “Xanh - Sạch - Sáng” cấp xã trên địa bàn tỉnh.

e) Tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở giờ hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa và các cơ sở khác có sử dụng âm thanh không vượt quá quy chuẩn tiếng ồn, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

g) Tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích tiêu biểu, xuất sắc.

5. Kinh phí thực hiện

Hàng năm, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương (huyện, thị xã, thành phố) chủ động bố trí kinh phí đảm bảo cho các nhiệm vụ, nội dung xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, trong đó, cần ưu tiên kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, mua sắm các trang thiết bị hỗ trợ công tác quản lý và xử lý vi phạm.

Điều 2. Điều khoản thi hành

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2013 về việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- UBTV Quốc Hội, Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu QH;
- Các Bộ: Tài chính, VHTTDL;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật-Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND,UBND các huyện, thị xã, Tp Huế;
- Công báo tỉnh;
- VP: LĐ và các CV;
- Lưu: VT,VX.

CHỦ TỊCH




Lê Trường Lưu