Nghị định 54/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
Số hiệu: 54/2006/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 26/05/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 05/06/2006 Số công báo: Từ số 5 đến số 6
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 54/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2006

 

NGHỊ ĐỊNH

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN VÀ CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ THÂN NHÂN CỦA HỌ

Mục 1: NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TRƯỚC NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 1945

Điều 1. Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 gồm:

1. Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng kể từ ngày có quyết định công nhận.

2. Được cấp báo Nhân dân hàng ngày, sinh hoạt văn hoá tinh thần phù hợp với điều kiện nơi cư trú.

3. Khi người hoạt động cách mạng chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân người hoạt động cách mạng được hưởng:

a) Trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp mà người hoạt động cách mạng được hưởng trước khi chết.

b) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng; con từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con bị tàn tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đang sống cô đơn không nơi nương tựa; con mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con mồ côi bị tàn tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp mà vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

Mục 2: NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TỪ NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 1945 ĐẾN TRƯỚC TỔNG KHỞI NGHĨA 19 THÁNG TÁM NĂM 1945

Điều 2. Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 gồm:

1. Trợ cấp hàng tháng kể từ ngày có quyết định công nhận.

2. Được cấp báo Nhân dân hàng ngày, sinh hoạt văn hoá tinh thần phù hợp với điều kiện nơi cư trú.

3. Khi người hoạt động cách mạng chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân người hoạt động cách mạng được hưởng:

a) Trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp mà người hoạt động cách mạng được hưởng trước khi chết.

b) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng; con từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con bị tàn tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đang sống cô đơn không nơi nương tựa; con mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con mồ côi bị tàn tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

MỤC 3: LIỆT SĨ VÀ THÂN NHÂN LIỆT SĨ

Điều 3. Liệt sĩ quy định tại các điểm a, d, đ, g và h khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi chung là Pháp lệnh) là người đã hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Chiến đấu, tiễu phỉ, trừ gian, trấn áp phản cách mạng, lùng bắt gián điệp, biệt kích.

Trực tiếp phục vụ chiến đấu: tải đạn, cứu thương, tải thương, bảo đảm giao thông liên lạc, tiếp tế lương thực, thực phẩm, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hoá khi địch bắn phá.

2. Được tổ chức phân công đi làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị nhưng không cứu chữa được.

Trường hợp bị chết do tự bản thân gây nên hoặc vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị hoặc trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị, làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ.

3. Dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.

4. Dũng cảm làm những công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.

5. Do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ ở vùng rừng núi, hải đảo và ở nước ngoài.

6. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát trong các trường hợp:

- Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát.

- Suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp tỉnh trở lên.

Điều 4.

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người hy sinh tổ chức lễ truy điệu, mai táng và lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ.

2. Liệt sĩ còn di vật, tài sản riêng thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền có người hy sinh lập biên bản bàn giao trực tiếp đến thân nhân của liệt sĩ.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan Trung ương kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng "Tổ quốc ghi công".

Điều 5. Thân nhân sau đây của liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi:

1. Cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ.

2. Vợ hoặc chồng liệt sĩ là người có quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc hôn nhân thực tế được pháp luật công nhận.

Trường hợp vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc lấy vợ khác nhưng đã nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

3. Con liệt sĩ gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp và con ngoài giá thú theo quy định của pháp luật.

4. Người có công nuôi dưỡng liệt sĩ là người đã thực sự nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn dưới 16 tuổi, đối xử như con đẻ, thời gian nuôi từ mười năm trở lên.

Điều 6. Chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ gồm:

1. Trợ cấp tiền tuất hàng tháng kể từ ngày liệt sĩ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”.

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; con liệt sĩ từ mười tám tuổi trở xuống hoặc trên mười tám tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con liệt sĩ bị bệnh, tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp tiền tuất vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

b) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ đang sống cô đơn không nơi nương tựa; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên; con liệt sĩ mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con liệt sĩ mồ côi bị bệnh, tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp nuôi dưỡng vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.

2. Trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử.

Trường hợp liệt sĩ không có hoặc không còn thân nhân quy định tại Điều 5 Nghị định này thì một trong những người thừa kế theo quy định của pháp luật giữ Bằng “Tổ quốc ghi công” được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử.

3. Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng hoặc trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng mà chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện người thừa kế theo quy định của pháp luật của thân nhân liệt sĩ được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp tiền tuất hàng tháng hoặc ba tháng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng mà thân nhân liệt sĩ được hưởng trước khi chết.

Trường hợp thân nhân liệt sĩ tham gia Bảo hiểm xã hội mà chết thì chế độ mai táng phí và tiền tuất thực hiện theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

MỤC 4: BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

Điều 7. Chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng gồm:

1. Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.

2. Phụ cấp hàng tháng.

3. Khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp mà Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng trước khi chết.

Điều 8. Người được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì thân nhân hoặc người thừa kế theo quy định của pháp luật được hưởng trợ cấp một lần.

Mục 5: ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN,ANH HÙNG LAO ĐỘNG TRONG KHÁNG CHIẾN

Điều 9. Chế độ ưu đãi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến gồm:

1. Trợ cấp hàng tháng.

2. Khi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp mà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động được hưởng trước khi chết.

Điều 10.

1. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến chết trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì thân nhân hoặc người thừa kế theo quy định của pháp luật được hưởng trợ cấp một lần.

2. Người được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến thì thân nhân hoặc người thừa kế theo quy định của pháp luật được hưởng trợ cấp một lần.

MỤC 6: THƯƠNG BINH, NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH, THƯƠNG BINH LOẠI B

Điều 11. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh (sau đây gọi chung là thương binh) là người bị thương do một trong các trường hợp sau đây:

1. Chiến đấu, tiễu phỉ, trừ gian, trấn áp phản cách mạng, lùng bắt gián điệp, biệt kích.

Trực tiếp phục vụ chiến đấu: tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo giao thông liên lạc, tiếp tế lương thực, thực phẩm, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hoá khi địch bắn phá.

2. Hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn tù đày không chịu khuất phục; kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục.

3. Được tổ chức phân công đi làm nghĩa vụ quốc tế mà bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Trường hợp bị thương do tự bản thân gây nên hoặc vi phạm pháp luật, quy định của cơ quan, đơn vị hoặc trong khi học tập, tham quan, du lịch, đi an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị, làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là thương binh.

4. Dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.

5. Dũng cảm làm công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.

6. Bị tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ ở vùng rừng núi, hải đảo và ở nước ngoài.

Điều 12. Thương binh được kết luận thương tật tạm thời từ 21% trở lên, sau 3 năm được giám định lại để xác định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn.

Thương binh sau khi đã được giám định thương tật mà bị thương tiếp do một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định này thì được giám định bổ sung.

Điều 13.

1. Thương binh được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng từ ngày Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải (gọi chung là Hội đồng Giám định y khoa) kết luận suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% trở lên.

2. Người bị thương được Hội đồng Giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 05% đến 20% được hưởng trợ cấp một lần.

Điều 14.

1. Thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 81% trở lên được hưởng phụ cấp hàng tháng.

Trường hợp có vết thương nặng: cụt hai chi trở lên; mù hai mắt; tâm thần nặng không tự lực được trong sinh hoạt; liệt hai chi trở lên hoặc có tình trạng thương tật đặc biệt khác, được hưởng phụ cấp đặc biệt hàng tháng.

2. Thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 81% trở lên sống ở gia đình thì có người phục vụ. Người phục vụ được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Điều 15.

1. Khi thương binh chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp mà thương binh được hưởng trước khi chết.

2. Thương binh suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất như sau:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của thương binh khi đến tuổi 60 trở lên đối với nam, 55 trở lên đối với nữ; con thương binh từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con thương binh bị tàn tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

b) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của thương binh khi đến tuổi 60 trở lên đối với nam, 55 trở lên đối với nữ, sống cô đơn không nơi nương tựa; con thương binh mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con thương binh mồ côi bị tàn tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

Điều 16. Chế độ ưu đãi đối với thương binh loại B quy định tại khoản 3 Điều 19 của Pháp lệnh bao gồm:

1. Trợ cấp thương tật hàng tháng tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động của từng người.

2. Các chế độ ưu đãi khác được thực hiện như đối với thương binh có cùng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động quy định tại Nghị định này.

MỤC 7: BỆNH BINH

Điều 17. Bệnh binh quy định tại khoản 1 Điều 23 của Pháp lệnh là quân nhân, công an nhân dân bị mắc bệnh thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Chiến đấu, tiễu phỉ, trừ gian, trấn áp phản cách mạng, truy bắt gián điệp, biệt kích, tội phạm.

Trực tiếp phục vụ chiến đấu: tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo giao thông liên lạc, tiếp tế lương thực, thực phẩm, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hoá khi địch bắn phá.

Trong khi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ ở vùng rừng núi, hải đảo và ở nước ngoài hoặc đã xuất ngũ dưới một năm mà bệnh cũ tái phát phải điều trị tại bệnh viện.

2. Hoạt động từ ba năm trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Hoạt động chưa đủ ba năm ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng có đủ mười năm trở lên công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân.

4. Đã có đủ mười lăm năm công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân nhưng không đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí.

5. Trong thời gian được tổ chức phân công đi làm nghĩa vụ quốc tế.

6. Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh.

7. Mắc bệnh do một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này đã xuất ngũ nhưng chưa đủ ba năm mà bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần.

Điều 18.

1. Bệnh binh được hưởng trợ cấp từ ngày Hội đồng Giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

2. Bệnh binh được hưởng trợ cấp hàng tháng tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động của từng người.

Điều 19.

1. Bệnh binh được hưởng trợ cấp từ ngày Hội đồng Giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

2. Bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 81% trở lên có bệnh tật nặng: cụt hai chi trở lên; mù hai mắt; tâm thần nặng không tự lực được trong sinh hoạt; liệt hai chi trở lên hoặc có tình trạng bệnh tật đặc biệt khác, được hưởng phụ cấp đặc biệt hàng tháng.

3. Bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 81% trở lên sống ở gia đình thì có người phục vụ. Người phục vụ được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Điều 20.

1. Khi bệnh binh chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân bệnh binh được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp mà bệnh binh được hưởng trước khi chết.

2. Bệnh binh suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 61% trở lên chết thì thân nhân được trợ cấp tiền tuất như sau:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng bệnh binh khi đến tuổi 60 trở lên đối với nam, 55 trở lên đối với nữ; con bệnh binh từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con bệnh binh bị tàn tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

b) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng bệnh binh khi đến tuổi 60 trở lên đối với nam, 55 trở lên đối với nữ, sống cô đơn không nơi nương tựa; con bệnh binh mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con bệnh binh mồ côi bị tàn tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

Điều 21. Chế độ ưu đãi đối với bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% gồm:

1. Trợ cấp hàng tháng tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động.

2. Khi bệnh binh chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân bệnh binh được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp mà bệnh binh được hưởng trước khi chết.

MỤC 8: NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC HOÁ HỌC

Điều 22.

1. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học quy định tại khoản 1 Điều 26 của Pháp lệnh gồm:

a) Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam.

b) Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Công an nhân dân.

c) Cán bộ, công nhân, viên chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể chính trị - xã hội khác.

d) Thanh niên xung phong tập trung.

đ) Dân công.

e) Công an xã, dân quân, du kích, tự vệ, cán bộ thôn, ấp, xã, phường.

2. Điều kiện để hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học:

- Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học.

- Bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của chất độc hoá học.

Trường hợp không có vợ hoặc chồng hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến mà bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do hậu quả của chất độc hoá học.

Điều 23. Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học gồm:

1. Trợ cấp hàng tháng theo mức độ suy giảm khả năng lao động kể từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký quyết định.

2. Người đang hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, mất sức lao động có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này còn được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng.

3. Khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp mà người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trước khi chết.

Điều 24. Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì được hưởng chế độ ưu đãi:

1. Người bị dị dạng, dị tật nặng, không tự lực được trong sinh hoạt.

2. Người bị dị dạng, dị tật suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt.

Điều 25. Chế độ ưu đãi đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học gồm:

1. Trợ cấp hàng tháng kể từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký quyết định.

2. Khi con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp mà con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trước khi chết.

MỤC 9: NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG HOẶC HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN BỊ ĐỊCH BẮT TÙ, ĐÀY

Điều 26. Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày gồm:

1. Được tặng Kỷ niệm chương.

2. Trợ cấp một lần.

3. Khi người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí.

MỤC 10: NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ LÀM NGHĨA VỤ QUỐC TẾ

Điều 27. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh là người tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến hoặc Huy chương Chiến thắng.

Điều 28. Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế gồm:

1. Trợ cấp một lần.

2. Khi người hoạt động kháng chiến chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí.

MỤC 11: NGƯỜI CÓ CÔNG GIÚP ĐỠ CÁCH MẠNG

Điều 29.

1. Người có công giúp đỡ cách mạng là người được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước"; người được tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huy chương Kháng chiến; người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước" trước cách mạng tháng Tám năm 1945, người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huy chương Kháng chiến có đủ điều kiện xác nhận là người có công giúp đỡ cách mạng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

2. Chế độ ưu đãi đối với người có công giúp đỡ cách mạng gồm:

a) Người có công giúp đỡ cách mạng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 32 của Pháp lệnh; người được tặng Huân chương Kháng chiến quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 32 của Pháp lệnh được hưởng:

- Trợ cấp hàng tháng.

- Trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng đối với người có công giúp đỡ cách mạng sống cô đơn không nơi nương tựa.

Thời gian hưởng trợ cấp kể từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký quyết định.

Khi người có công giúp đỡ cách mạng chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp mà người có công được hưởng trước khi chết.

b) Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huy chương Kháng chiến quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 32 của Pháp lệnh được hưởng:

- Trợ cấp một lần.

- Khi người có công giúp đỡ cách mạng chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí.

Chương 2:

MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI KHÁC

Điều 30. Chăm sóc sức khoẻ

1. Người có công với cách mạng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh nếu không phải là người thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

2. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ và con của liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; con của thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên từ mười tám tuổi trở xuống hoặc trên mười tám tuổi nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị bệnh, tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng bảo hiểm y tế vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người phục vụ thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên an dưỡng tại gia đình nếu không phải là người thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.

3. Thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát tại các cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ chi phí.

4. Người có công với cách mạng đang được nuôi dưỡng tại cơ sở của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được hưởng chế độ điều trị hàng năm.

5. Người có công với cách mạng nếu sống ở gia đình thì được hưởng chế độ điều dưỡng hàng năm, bao gồm:

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945.

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945.

c) Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

d) Thương binh, thương binh loại B và bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên.

đ) Người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước".

6. Người có công với cách mạng ngoài đối tượng quy định tại khoản 5 Điều này và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày được điều dưỡng 5 năm 1 lần.

7. Người có công với cách mạng và thân nhân của họ theo quy định của Pháp lệnh được điều dưỡng phục hồi chức năng lao động, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình.

Điều 31. Giáo dục, đào tạo

1. Học sinh là con của người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh khi học ở các trường thuộc cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, được:

a) Miễn học phí theo quy định của Nhà nước.

b) Trợ cấp mỗi năm học một lần để hỗ trợ mua sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập.

2. Học sinh, sinh viên là người có công với cách mạng và con của họ theo quy định của Pháp lệnh khi học từ một năm trở lên tại các cơ sở đào tạo, dạy nghề, các trường đại học, cao đẳng, dự bị đại học và trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú được:

a) Miễn học phí theo quy định của nhà nước.

b) Học sinh, sinh viên không thuộc diện hưởng lương được:

- Trợ cấp mỗi năm học một lần để hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập.

- Trợ cấp hàng tháng.

Chương 3:

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 32.

1. Đối với người giả mạo giấy tờ để được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng quy định tại khoản 1 Điều 43 của Pháp lệnh, người giả mạo giấy tờ để được hưởng chế độ ưu đãi thân nhân của người có công với cách mạng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi và buộc hoàn trả các chế độ ưu đãi đã hưởng. Tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, các cơ quan chức năng có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Đối với người khai man giấy tờ để hưởng thêm chế độ ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 43 của Pháp lệnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định tạm đình chỉ các chế độ ưu đãi và buộc hoàn trả các chế độ ưu đãi đã hưởng do khai man. Tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, các cơ quan chức năng có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc xem xét phục hồi chế độ.

3. Đối với người chứng nhận sai sự thật thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

4. Đối với người làm giả giấy tờ cho người khác để được hưởng chế độ ưu đãi người có công hoặc thân nhân người có công thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Đối với người lợi dụng chức vụ và quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và quyền lợi của người có công theo quy định tại khoản 3 Điều 43 của Pháp lệnh thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 33.

1. Người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi mà phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 44 của Pháp lệnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật của Toà án để ra quyết định tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi đối với người phạm tội và thân nhân của họ.

2. Thân nhân của người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi mà phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 44 của Pháp lệnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật của Toà án để ra quyết định tạm đình chỉ chế độ ưu đãi.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào việc chấp hành xong hình phạt tù ra quyết định tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này.

Điều 34. Người có công với cách mạng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị phạt tù chung thân quy định tại khoản 2 Điều 44 của Pháp lệnh, sau khi bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định đình chỉ vĩnh viễn chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Điều 35. Người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ đang hưởng chế độ ưu đãi mà xuất cảnh trái phép theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Pháp lệnh hoặc mất tích theo quy định tại khoản 4 Điều 44 của Pháp lệnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày ra nước ngoài hoặc ngày mất tích theo quyết định của Toà án.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36.

1. Các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 01 tháng 10 năm 2005.

Các mức trợ cấp, phụ cấp quy định tại Nghị định này được thực hiện theo Nghị định số 147/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng và được sửa đổi theo quy định của Chính phủ.

2. Người có công với cách mạng và thân nhân của họ đang hưởng các chế độ ưu đãi từ ngày 30 tháng 9 năm 2005 trở về trước được chuyển hưởng các chế độ ưu đãi quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2005.

3. Người hy sinh hoặc bị thương từ ngày 30 tháng 9 năm 2005 trở về trước do một trong những trường hợp quy định tại Điều 3, Điều 11 của Nghị định này mà chưa được xác nhận là liệt sĩ hoặc thương binh thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi.

4. Tiếp tục xem xét và công nhận là người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945, thương binh, liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày với những hồ sơ đã hoàn thiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và kết thúc trước ngày 30 tháng 9 năm 2006.

Đối với những hồ sơ chưa hoàn thiện hoặc những hồ sơ lập mới thì thực hiện theo hướng dẫn mới.

5. Việc giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ; giám định lại thương tật cho thương binh chỉ giải quyết những trường hợp hồ sơ đã hoàn thiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và kết thúc trước ngày 30 tháng 9 năm 2006.

Điều 37.

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi và quy định về hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền xác nhận, lưu giữ hồ sơ; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

2. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ xác định cụ thể địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để xem xét, xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đối với các trường hợp bị ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

3. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; kiểm tra, thanh tra chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ quy định tại Nghị định này.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí hàng năm, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi quy định tại Nghị định này đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ thuộc phạm vi ngành quản lý.

Điều 38. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Nghị định này thay thế Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (trừ các Điều 12, 15, 16, 17 và 18 của Nghị định); Nghị định số 47/2000/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh số 19/2000/PL-UBTVQH10 ngày 14 tháng 02 năm 2000 sửa đổi Điều 21 của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; Nghị định số 59/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân người có công với cách mạng đã chết trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; Nghị định số 69/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh số 01/2002/PL-UBTVQH11 ngày 04 tháng 10 năm 2002 sửa đổi Điều 22, Điều 23 của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; Nghị định số 210/2004/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Điều 39. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
 cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố
 trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX (5b). Hoà (320b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải

 

 





Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 Ban hành: 29/06/2005 | Cập nhật: 20/05/2006