Chỉ thị 30/CT-UBND năm 2016 thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 và triển khai Chỉ thị 25/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường
Số hiệu: 30/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Mai Hùng Dũng
Ngày ban hành: 28/12/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/CT-UBND

Bình Dương, ngày 28 tháng 12 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 25/CT-TTG NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII - kỳ họp lần thứ 18 thông qua tại Nghị quyết số 45/2015/NQ-HĐND8 ngày 11 tháng 12 năm 2015 và được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 3450/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2015. Kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và xác định được 37 dự án trọng tâm nhằm xây dựng Bình Dương thành nơi có môi trường sống tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; kết hợp tốt yêu cầu bảo vệ môi trường trong các quy hoạch, dự án phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường trong khu dân cư, đô thị; quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, đất đai, khoáng sản; đảm bảo cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2016, năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch, các sở, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong quá trình triển khai các dự án, đề án, nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch, đã góp phần cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả như: nhận thức, trách nhiệm và hành động về bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến tích cực trong các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm ngày càng chủ động; các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản và xả thải vào nguồn nước đã được kiểm soát; chất lượng các thành phần môi trường từng bước được cải thiện; việc tập trung đầu tư các dự án về môi trường đồng bộ, hiệu quả đã có tác dụng giải quyết kịp thời các bức xúc về môi trường…

Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai thực các dự án, đề án, nhiệm vụ của Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 -2020 và đạt được một số kết quả khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai kế hoạch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số dự án quan trọng nhưng chưa được triển khai; tiến độ thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ còn chậm; việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án gặp nhiều khó khăn; một số sở, ngành, địa phương còn chậm và chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường.

Nhằm phát huy kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời để triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ, giải pháp được giao trong Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, căn cứ Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ rà soát, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

2. Ngoài nội dung trên, các ngành, các cấp và các địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát lập danh sách các dự án đầu tư, các vùng, các địa điểm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường và đề xuất biện pháp phòng ngừa, xử lý;

- Triển khai thực hiện đồng bộ Kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Phương án phòng ngừa ứng phó sự cố tràn dầu và Phương án ứng phó sự cố tràn đổ chất thải; đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đề án thành phố thông minh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

- Nâng cao chất lượng thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường và đẩy mạnh kiểm tra sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đảm bảo các dự án trước khi đi vào hoạt động phải được xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường;

- Tổ chức thực hiện nghiêm quy định về vùng cấm và hạn chế khai thác khoáng sản, khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước được khai thác và sử dụng hiệu quả; chú trọng công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tốt các quy định về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;

- Nâng cao năng lực giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh;

- Tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi lại Quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường cao; chỉ thu hút các dự án đầu tư đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khuyến khích thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật phù hợp với ngành nghề sản xuất theo định hướng của tỉnh;

- Nhanh chóng hoàn chỉnh và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện; cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án về môi trường theo kế hoạch đã được phê duyệt.

c) Sở Xây dựng:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi lại Quy định về quản lý thoát nước tỉnh Bình Dương cho phù hợp với các quy định mới và phù hợp với thực tế hiện nay, làm cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất;

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng, kể cả các công trình hạ tầng kỹ thuật, kiên quyết không cấp phép xây dựng đối với các công trình chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.

d) Sở Y tế:

Triển khai thực hiện Đề án xử lý chất thải y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được phê duyệt, nâng cao tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý theo đúng mục tiêu đề án đề ra.

đ) Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương và Ban quản lý khu công nghiệp Việt Nam - Singapore:

- Chỉ xem xét và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp có ngành nghề, vị trí phù hợp với danh mục ngành nghề và phân khu chức năng đăng ký trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của khu công nghiệp đã được phê duyệt;

- Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp được ủy quyền; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và chủ động giải quyết các phản ánh về bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

e) Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố:

- Căn cứ vào Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020 của địa phương ban hành, chỉ đạo các phòng chuyên môn nâng cao tinh thần trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đảm bảo tính đồng bộ thống nhất giữa các địa phương, giữa cấp huyện với cấp tỉnh;

- Tăng cường công tác kiểm tra và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường của các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

g) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương:

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình thoát nước và xử lý nước thải, đảm bảo dòng chảy và cải thiện môi trường được giao làm chủ đầu tư; thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có hướng chỉ đạo thực hiện đối với các dự án gặp khó khăn, vướng mắc.

Yêu cầu các Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Mai Hùng Dũng