Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2018 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Số hiệu: 08/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Nguyễn Xuân Đông
Ngày ban hành: 30/07/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khiếu nại, tố cáo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Hà Nam, ngày 30 tháng 7 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THANH TRA VÀ XỬ LÝ SAU THANH TRA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng hiệu quả từng bước được nâng cao. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, ngăn chặn phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương pháp luật trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sau thanh tra còn một số hạn chế: Tiến độ thực hiện một số cuộc thanh tra còn chậm; chất lượng hiệu quả có mặt hạn chế như: Một số đơn vị tiến hành thanh, kiểm tra nhưng phát hiện sai phạm ít; việc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp tuy đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Kế hoạch hành động số 1413/KH-UBND ngày 30/5/2018 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hà Nam và Kế hoạch số 2194/KH-UBND ngày 07/8/2017 của UBND tỉnh về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp song vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Một số tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong thực hiện kết luận còn chậm hoặc chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị về biện pháp khắc phục hậu quả các sai phạm; Việc xem xét xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm thực hiện chưa nghiêm túc, từ đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra có việc, có lúc chưa chặt chẽ, thống nhất...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, xử lý sau thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1.1. Về công tác tuyên truyền:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 05/03/2018, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện nghiêm Kế hoạch hành động số 1413/KH-UBND ngày 30/5/2018 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hà Nam; Kế hoạch số 2194/KH-UBND ngày 07/8/2017 của UBND tỉnh về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp... trong Sở, ngành và địa phương để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và đối tượng được thanh tra trong đó có các doanh nghiệp trong việc thanh tra, kiểm tra.

1.2. Về xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra

- Trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật, tránh trùng lắp, chồng chéo nhất là đối với doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải căn cứ theo yêu cầu của các lĩnh vực quản lý nhà nước và kết quả đánh giá, phân loại doanh nghiệp cần thanh tra, kiểm tra theo mức độ, nguy cơ vi phạm.

- Kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ nội dung, đối tượng, đặc biệt đối với với doanh nghiệp cần cụ thể số lượng, tên, địa chỉ, mã số thuế doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra và gửi về Thanh tra tỉnh để xử lý chồng chéo. Nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý của cấp, ngành, đơn vị, tập trung vào các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, vấn đề gây bức xúc trong nhân dân... Số cuộc thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng và bức xúc trong dư luận không thấp hơn 50% tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra. Kế hoạch thanh tra chỉ được phê duyệt sau khi đã thống nhất xử lý trùng lắp, chồng chéo với Thanh tra tỉnh và báo cáo UBND tỉnh. Công khai kế hoạch thanh tra trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến đối tượng được thanh tra ngay sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thanh tra tỉnh công khai số điện thoại đường dây nóng của Lãnh đạo Thanh tra tỉnh để các đơn vị có thể phản ánh việc trùng lắp, chồng chéo.

1.3. Về tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra

- Bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất trong tổ chức thanh tra và thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra. Chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; thời gian thanh tra, kiểm tra phải phù hợp với nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra, có giải pháp để rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp, đơn vị. Ban hành kết luận thanh tra trong thời hạn theo quy định. Nếu trong Sở, ngành có nhiều nội dung thanh tra, kiểm tra ở các lĩnh vực để thực hiện chức năng quản lý nhà nước thì Thủ trưởng đơn vị chỉ thành lập một Đoàn thanh tra, kiểm tra chung; không để mỗi lĩnh vực, mỗi phòng ban thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc tự ý đến doanh nghiệp kiểm tra; không tăng số cuộc thanh tra, kiểm tra; đảm bảo tính kế thừa kết quả trong hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đơn vị được thanh tra.

- Khi thực hiện kế hoạch thanh tra, nếu phát hiện thấy có sự chồng chéo với kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành (nhất là tại doanh nghiệp), Lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp, trao đổi, thống nhất với đơn vị được giao thực hiện kế hoạch kiểm toán, thanh tra hoặc báo cáo UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để thống nhất phương án xử lý chồng chéo theo quy định. Trường hợp cần phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra, Chánh thanh tra báo cáo người phê duyệt kế hoạch thanh tra xem xét phê duyệt điều chỉnh kế hoạch. Kết quả xử lý trùng lắp, chồng chéo gửi về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, theo dõi, báo cáo UBND tỉnh.

- Không thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp không có trong kế hoạch phê duyệt. Chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giao; kết luận thanh tra, kiểm tra đột xuất phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm và việc xử lý tổ chức, cá nhân liên quan. Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất phải chịu trách nhiệm về căn cứ ra quyết định thanh tra, kiểm tra. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra. Kết luận thanh tra phải xác định rõ hành vi vi phạm, nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm, biện pháp xử lý vi phạm pháp luật đối với cá nhân, tổ chức có liên quan.

1.4. Về tổ chức thực hiện kết luận thanh tra

- Trực tiếp chỉ đạo xử lý, thực hiện nghiêm các kết luận thanh, kiểm tra, kịp thời rút kinh nghiệm, đánh giá, đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

- Giám sát chặt chẽ hoạt động của đoàn thanh tra, gắn trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra với công tác xử lý sau thanh tra, nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra và trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra trong việc chỉ đạo, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra. Chỉ đạo rà soát, xác định các nội dung theo kết luận, quyết định xử lý về thanh tra còn tồn đọng chưa được thực hiện; tiến hành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý dứt điểm các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

1.5. Về công tác phối hợp

Tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong xử lý vi phạm phát hiện qua thanh tra và xử lý sau thanh tra. Thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, kịp thời chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm.

2. Thanh tra tỉnh

- Thực hiện các cuộc thanh tra theo đúng kế hoạch đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; đối với các doanh nghiệp cần thanh tra, kiểm tra nhiều lĩnh vực, nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều ngành, cơ quan, đơn vị báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn liên ngành nhằm đảm bảo thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp không quá 01 lần/năm.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện và xử lý chồng chéo; kiểm tra, rà soát, đôn đốc đánh giá kết quả thực hiện kết luận thanh tra của Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính, người đứng đầu cơ quan đơn vị và cá nhân liên quan trong việc để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo, chưa xử lý hoặc xử lý chưa kịp thời, nghiêm minh các kiến nghị tại kết luận thanh tra, kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các kênh phát hiện thông tin, lồng ghép kiểm tra, giám sát, tiếp nhận ý kiến phản hồi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về việc trùng lắp, chồng chéo và tố cáo hành vi nhũng nhiễu. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm soát, kiến nghị, đề xuất xử lý ngăn chặn kịp thời biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tượng được thanh tra, kiểm tra.

- Theo dõi, đôn đốc các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện gửi Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm và định kỳ gửi kết quả thực hiện về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, đánh giá mức độ hoàn thành, xử lý chồng chéo, trùng lắp.

- Phối hợp với Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm đã được kiến nghị trong kết luận thanh tra, kiểm tra.

3. Công an tỉnh

- Chủ động phối hợp với Thanh tra tỉnh, các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc lập kế hoạch, xử lý chồng chéo, trùng lặp và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh tra, kiểm tra.

- Rà soát, điều chỉnh, xử lý các trường hợp trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp theo đúng kế hoạch thanh tra, kiểm tra được phê duyệt hoặc thanh tra, kiểm tra theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan Công an khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kết thúc việc thanh tra, kiểm tra đều phải có biên bản, kết luận; chỉ thực hiện kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc tiếp cận các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của doanh nghiệp khi có quyết định hoặc kế hoạch xác minh, điều tra của Thủ trưởng cơ quan Công an, cảnh sát có thẩm quyền; đồng thời chịu trách nhiệm về những vi phạm trong công tác kiểm tra của lực lượng do mình trực tiếp phụ trách.

4. Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh

Phổ biến Chỉ thị này tới các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chỉ chấp hành thanh tra, kiểm tra khi có quyết định thanh tra, kiểm tra của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở, Thủ trưởng cơ quan Công an, cảnh sát theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp nào có từ 02 cuộc thanh, kiểm tra/năm trở lên thì báo cáo UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức thực hiện

- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức quán triệt, chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

- Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện; định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Thanh tra Chính phủ (để b/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBKTTU, Ban Nội chính TU, VP Tỉnh ủy;
- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành;
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố;
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh;
- VPUB: LĐVP, NC;
- Lưu: VT, NC(H)

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đông