Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2018 về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh
Số hiệu: | 20/CT-TTg | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 13/07/2018 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 25/07/2018 | Số công báo: | Từ số 801 đến số 802 |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Khiếu nại, tố cáo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CẢI CÁCH HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH VÀ CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA ĐIỀU KIỆN KINH DOANH
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được một số kết quả ban đầu, cụ thể như: Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh; Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 về quản lý an toàn thực phẩm thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP , đã giảm khoảng 95% lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm....
Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Hầu hết các bộ mới đang thống kê, rà soát, đề xuất phương án hoặc đang dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa; một số bộ đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, một số phương án còn hình thức, chưa triệt để, chưa toàn diện. Do đó, việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Để cải cách thực chất hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Từng đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quán triệt việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng nguồn lực xã hội, do đó cần tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này một cách quyết liệt, thực chất, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao.
2. Trước ngày 15 tháng 8 năm 2018, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải gắn mã HS; một sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan ngang bộ hoặc một đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý; phương thức quản lý chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm gắn với nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân; không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch.
Văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh; phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 01 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi.
Đối với dự thảo các văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thì thời gian các bộ cho ý kiến phối hợp và Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản.
Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Chính phủ chủ trì làm việc với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề còn ý kiến khác nhau, nhất là đối với các sản phẩm, hàng hóa chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành. Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ngang bộ và kịp thời thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành, đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư và các quy định liên quan. Nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật.
5. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo rào cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đề cao trách nhiệm trong quá trình thẩm định, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành; kịp thời phát hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền để ngăn chặn việc ban hành những quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý hoặc làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
6. Các bộ, cơ quan ngang bộ công bố kết quả cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh cùng lợi ích kinh tế mang lại ngay sau khi các văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa được cấp có thẩm quyền ban hành,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, tập hợp điều kiện đầu tư kinh doanh để công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
7. Các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến về kết quả cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
8. Định kỳ hàng quý, các bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về số lượng, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và số lượng điều kiện kinh doanh, Trong đó, cần nêu rõ sự tăng, giảm và nguyên nhân của việc tăng, giảm số lượng, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh trong kỳ báo cáo.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và đánh giá về hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chỉ thị; trường hợp phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo; đề xuất việc tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Chỉ thị này.
|
THỦ TƯỚNG |
Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm Ban hành: 02/02/2018 | Cập nhật: 02/02/2018
Nghị định 08/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương Ban hành: 15/01/2018 | Cập nhật: 15/01/2018
Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm Ban hành: 25/04/2012 | Cập nhật: 27/04/2012