Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2008 về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
Số hiệu: 02/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Vũ Hoàng Hà
Ngày ban hành: 03/03/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 02/CT-UBND

Quy Nhơn, ngày 03 tháng 3 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG, THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Trong năm 2007 tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông so với năm 2006 giảm trên cả 03 mặt: số vụ, số người chết, số ngưòi bị thương (cụ thể năm 2007 đã xảy ra 321 vụ tai nạn giao thông, làm chết 345 người, bị thương 177 người; số vụ: giảm 02 vụ, số ngưòi chết: giảm 07 người và số người bị thương: giảm 61 người). Tuy tai nạn giao thông đã giảm nhưng số thiệt hại về người do tai nạn giao thông vẫn còn cao, Bình Định là một trong 10 tỉnh, thành trong cả nước có số người chết do tai nạn giao thông trên 300 người.

Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 34/2007/NQ-HĐND ngày 19/12/2007 của HĐND tỉnh Khoá X, kỳ họp lần thứ 11, Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 24/01/2008 của UBND tỉnh đề ra, phấn đấu giảm 10% tai nạn giao thông trên cả 03 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương (cụ thể trong năm 2008 phải giảm so với năm 2007 ít nhất là 32 vụ tai nạn giao thông, 35 người chết, 18 người bị thương), UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục phát huy và đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân lãnh đạo, xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của mình; chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì và quyết liệt các biện pháp nhằm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện phương châm kiên trì, liên tục, bền bỉ, có trọng tâm, đúng đối tượng; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện an toàn giao thông.

- Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền năm 2008; chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định triển khai mạnh mẽ, thường xuyên các chương trình tuyên truyền và giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, văn hóa giao thông cho mọi người, hướng dẫn người dân (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng) về quy định đội mũ bảo hiểm.

- Sở Giáo dục - Đào tạo và các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tập trung chỉ đạo thực hiện tốt quy định về xử lý học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông theo tinh thần Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 24/01/2008 của UBND tỉnh.

2. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng cảnh sát mở các đợt cao điểm tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh, công khai và đúng pháp luật các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông cả tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa (chú trọng các tuyến Quốc lộ là nơi có tỷ lệ số người chết do tai nạn giao thông cao: 165/345 = 67,3%). Tập trung vào những nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: vi phạm tốc độ, lấn đường, lạng lách, đánh võng, uống rượu, bia quá nồng độ cho phép, không có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện, điều khiển xe cơ giới kỹ thuật phương tiện không bảo đảm an toàn; phương tiện thủy chở quá số người quy định. Đặc biệt xử lý nghiêm đối với những trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy. Đối với các hành vi đua xe, gây rối trật tự công cộng, cố tình vi phạm pháp luật, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Huy động thêm lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông; tăng cường vai trò Công an xã trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân để kịp thời kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử các vụ án tai nạn giao thông nghiêm trọng để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh giúp UBND tỉnh xây dựng phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo từng tuyến, địa bàn giao thông trọng điểm nhằm chủ động giải quyết những vấn đề nổi lên ở những tuyến, địa bàn trọng điểm về an toàn giao thông.

3. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra Sở và các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và chính quyền địa phương các huyện, thành phố xử lý kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông, thực hiện các nội dung trọng tâm kế hoạch lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn theo tinh thần Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết những vấn đề bất hợp lý về tổ chức giao thông; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm định an toàn kỹ thuật đối với các phương tiện tham gia giao thông; quản lý điều kiện an toàn, cấp biển số, lưu hành các loại xe thô sơ ba, bốn bánh, xe cơ giới ba bánh; quản lý về sản xuất, lắp ráp, lưu hành xe ba bánh, xe cơ giới, xe tự chế dùng làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật; tổ chức đăng ký, quy định thời hạn đình chỉ lưu hành các loại phương tiện thủy nội địa; có kế hoạch phổ biến, hướng dẫn và quản lý bến đò và đò chở khách; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; tổ chức đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho đồng bào dân tộc thiểu số.

4. Giám đốc Sở Thương mại phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng các loại mũ bảo hiểm đang bày bán trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định.

5. Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế trong tỉnh có kế hoạch sơ, cấp cứu kịp thời và tích cực điều trị các trường hợp chấn thương do tai nạn giao thông, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên mở các cuộc vận động đến toàn dân chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, có kế họach cụ thể nâng cao trách nhiệm của các hội viên, đoàn viên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, giám sát công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến từng gia đình, từng người dân.

7. Giao Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố tiến hành khảo sát và lập Đề án trình UBND tỉnh quyết định bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để chủ động khắc phục kịp thời các yếu tố phát sinh gây mất an toàn giao thông ở các địa phương trong tỉnh; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, đôn đốc hoạt động bảo đảm an toàn giao thông của các đơn vị, địa phương, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo; đề xuất tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm những địa phương có cách làm hay, hiệu quả.

Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả cho UBND tỉnh./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà