Nghị quyết 34/2007/NQ-HĐND thông qua quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa giai đoạn năm 2006 đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
Số hiệu: | 34/2007/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Khánh Hòa | Người ký: | Mai Trực |
Ngày ban hành: | 21/12/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2007/NQ-HĐND |
Nha Trang, ngày 21 tháng 12 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN NĂM 2006 ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA IV, KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao thông đường thuỷ nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Sau khi xem xét Tờ trình số 7623/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa giai đoạn năm 2006 đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 81/BC-BKTNS ngày 21/12/2007 của Ban kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa giai đoạn năm 2006 đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:
a. Quan điểm:
- Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, vì vậy cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng.
- Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của tỉnh để phát triển hệ thống giao thông vận tải hợp lý, giảm thiểu chi phí vận tải, tiết kiệm chi phí xã hội.
b. Mục tiêu:
Xây dựng và phát triển hệ thống giao thông vận tải đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, vận tải và công nghiệp giao thông vận tải theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hoá, liên kết được các phương thức vận tải nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vận tải đa dạng của xã hội theo hướng hiện đại và giá thành hợp lý, đảm bảo an toàn giao thông và giảm thiểu tác động tới môi trường. Tăng cường vận tải hàng hoá và hành khách giữa tỉnh Khánh Hoà với các tỉnh lân cận.
2 .Phạm vi nội dung quy hoạch:
Quy hoạch hệ thống đường tỉnh.
Quy hoạch hệ thống các bến xe, các điểm đỗ xe tải.
Quy hoạch các điểm trạm dừng chân trên quốc lộ.
Quy hoạch hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy nội địa.
3. Nội dung chi tiết quy hoạch:
a. Quy hoạch hệ thống đường tỉnh (ký hiệu ĐT):
Về số lượng đường tỉnh: Quy hoạch tổng cộng là 33 tuyến (theo Văn bản thỏa thuận quy hoạch số 4664/BGTVT-KHĐT ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Bộ Giao thông vận tải).
Về quy mô kỹ thuật đường tỉnh: Các tuyến đường tỉnh quy hoạch đa số là đường cấp III, một số tuyến đường trục chính quy hoạch thành cấp II theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Về chỉ giới quy hoạch đường tỉnh:
+ Đối với khu vực ngoài thành phố, thị trấn, thị tứ: Chỉ giới quy hoạch các tuyến đường tỉnh là 30m, 42m, 60m... theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
+ Đối với khu vực trong thành phố, thị trấn, thị tứ: Chỉ giới quy hoạch các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch xây dựng được duyệt của thành phố, thị trấn, thị tứ đó.
(Chi tiết theo phụ lục 1)
b. Quy hoạch hệ thống các bến xe, các điểm đỗ xe:
Mục tiêu từ nay đến năm 2020, mỗi huyện phải có ít nhất một bến xe liên tỉnh đạt tiêu chuẩn loại 2 hoặc 3 và một đến hai bến xe vệ tinh phục vụ cho các tuyến nội tỉnh đạt tiêu chuẩn loại 4 hoặc loại 5. Riêng thành phố Nha Trang phải có bốn bến xe liên tỉnh tại bốn cửa ngõ ra vào thành phố, trong đó có một bến xe loại 1 kết hợp bãi đậu xe tải.
(Chi tiết theo phụ lục 2)
Quy hoạch các điểm đỗ xe tải:
+ Điểm đỗ cho xe tải liên tỉnh quy hoạch gồm 3 vị trí: Phía Bắc, trên Quốc lộ 1A tại thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương; phía Nam, gần trạm xăng dầu tại phường Vĩnh Nguyên; phía Tây Nam, tại vị trí gần Cầu Lùng.
+ Điểm đỗ xe tải nội tỉnh: Quy hoạch cạnh các khu công nghiệp, cảng biển, bến xe...
c. Quy hoạch các điểm trạm dừng chân trên quốc lộ 1A: Gồm 3 vị trí
- Tại lý trình Km1406+110 QL1A, huyện Vạn Ninh.
- Tại lý trình Km1453+075 QL1A, huyện Diên Khánh.
- Tại lý trình Km1522+100 QL1A, thị xã Cam Ranh.
d. Quy hoạch hệ thống vận tải khách công cộng:
- Hệ thống vận tải hành khách công cộng nội đô quy hoạch gồm 12 tuyến, trong đó: Giai đoạn năm 2005 đến năm 2010 là 9 tuyến, giai đoạn năm 2010 đến năm 2020 là 3 tuyến.
(Chi tiết theo phụ lục 3)
- Hệ thống vận tải hành khách công cộng liên khu vực quy hoạch gồm 15 tuyến, trong đó: Giai đoạn năm 2006 đến năm 2010 là 5 tuyến, giai đoạn năm 2010 đến năm 2020 là 10 tuyến.
(Chi tiết theo phụ lục 4)
- Hệ thống vận tải hành khách công cộng các tỉnh liền kề quy hoạch gồm 04 tuyến:
+ Tuyến Nha Trang – Đà Lạt.
+ Tuyến Ninh Hòa – Đắc Lắc.
+ Tuyến Cam Ranh – Phan Rang.
+ Tuyến Vạn Giã – Tuy Hòa.
đ. Quy hoạch hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa:
Tổng số tuyến đường thuỷ nội địa quy hoạch là 82 tuyến/tổng chiều dài là 1.064km.
Tổng số bến thuỷ nội địa quy hoạch là 84 bến.
(Chi tiết theo phụ lục 5, phụ lục 6)
4. Nhu cầu vốn đầu tư thực hiện quy hoạch:
Nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa từ năm 2006 đến năm 2020 khoảng 31.692 tỷ đồng (chưa tính đến vốn đầu tư tuyến đường sắt cao tốc, tuyến đường bộ cao tốc), trong đó:
- Vốn đầu tư thuộc thẩm quyền của Trung ương khoảng 18.323 tỷ đồng.
- Vốn đầu tư thuộc thẩm quyền của địa phương khoảng 13.369 tỷ đồng, gồm: Đầu tư phương tiện vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông tĩnh, phát triển cơ khí giao thông và đào tạo nguồn nhân lực…, trong đó vốn đầu tư hệ thống đường tỉnh là 7.542 tỷ đồng (giai đoạn 2006-2010 khoảng 2.688 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 khoảng 3.224 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 1.630 tỷ đồng). Ưu tiên đầu tư giai đoạn 2008 -2010 khoảng 907 tỷ đồng.
(Chi tiết theo phụ lục 7, phụ lục 8)
5. Các giải pháp, chính sách chủ yếu để thực hiện quy hoạch:
a. Các giải pháp, chính sách tạo vốn:
- Các kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh do trung ương quản lý như: Hệ thống quốc lộ (kể cả các tuyến tránh quốc lộ), cảng biển, cảng chuyên dùng, hệ thống đường sắt, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc do trung ương và các doanh nghiệp đầu tư.
- Các kết cấu hạ tầng giao thông do địa phương quản lý:
+ Từ năm 2008 đến năm 2010, bố trí vốn ngân sách địa phương trung bình hàng năm khoảng 300 tỷ đồng để đầu tư hệ thống đường tỉnh.
+ Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức như: Xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao (BT), xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BTO), đổi đất lấy hạ tầng.
+ Tranh thủ sự hỗ trợ vốn Trung ương như vốn trái phiếu Chính Phủ, vốn thực hiện theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài với các hình thức đa dạng.
+ Vốn để phát triển phương tiện vận tải do các doanh nghiệp tự thực hiện.
b. Các giải pháp, chính sách phát triển vận tải:
- Thực hiện xã hội hóa vận tải công cộng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, tạo dựng môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh.
- Nâng cao chất lượng và dịch vụ vận tải như đổi mới phương tiện về chất và chủng loại phù hợp với yêu cầu vận tải hàng hoá, hành khách trên các tuyến vận tải và phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng của tỉnh.
- Sắp xếp lại hoạt động vận tải, lập lại trật tự về bến bãi, tăng cường giáo dục an toàn giao thông, đưa chương trình an toàn giao thông vào các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa IV, kỳ họp thứ 9 thông qua./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Nghị định 186/2004/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Ban hành: 05/11/2004 | Cập nhật: 17/09/2012