Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Số hiệu: | 92/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế | Người ký: | Nguyễn Dung |
Ngày ban hành: | 27/04/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 92/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 04 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Công văn số 413/BVHTTDL-BQTG ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với các nội dung như sau;
1. Mục tiêu tổng quát:
- Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; theo hướng các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng "công nghiệp sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ"; xứng tầm là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực.
- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế và là thế mạnh của tỉnh; có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của tỉnh, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng, bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
- Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Thừa Thiên Huế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong tỉnh và xuất khẩu; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa - góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
a) Mục tiêu đến năm 2020:
- Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDRP của tỉnh và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó đóng góp của một số ngành cụ thể như sau:
+ Ngành điện ảnh: Đạt khoảng 10 tỷ đồng (phim Việt Nam đạt khoảng 4 tỷ đồng);
+ Ngành nghệ thuật biểu diễn, thời trang: Đạt khoảng 10 tỷ đồng;
+ Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: Đạt khoảng 10 tỷ đồng;
+ Ngành quảng cáo: (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet đạt khoảng 80 tỷ đồng; quảng cáo ngoài trời đạt khoảng 30 tỷ đồng): Tổng đạt khoảng 110 tỷ đồng;
+ Ngành du lịch văn hóa: Chiếm 10 - 15% trong tổng số khoảng 6.000 tỷ đồng doanh thu từ du lịch.
- Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng, gồm: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; thủ công mỹ nghệ; phần mềm và các trò chơi giải trí - truyền hình và phát thanh; thời trang; du lịch văn hóa.
- Định hướng và từng bước phát triển các ngành: kiến trúc; thiết kế; xuất bản; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
b) Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030:
- Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDRP của tỉnh và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó đóng góp của một số ngành cụ thể như sau:
+ Ngành điện ảnh: Đạt khoảng 40 tỷ đồng (phim Việt Nam đạt khoảng 16 tỷ đồng);
+ Ngành nghệ thuật biểu diễn, thời trang: Đạt khoảng 40 tỷ đồng;
+ Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: Đạt khoảng 40 tỷ đồng;
+ Ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet đạt khoảng 850 và quảng cáo ngoài trời đạt khoảng 100 tỷ đồng): Tổng đạt khoảng 950 tỷ đồng;
+ Ngành du lịch văn hóa: chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 18.000 đến 20.000 tỷ đồng doanh thu từ du lịch.
- Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa mang tầm quốc gia, quốc tế.
1. Nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa:
a) Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức:
- Phối hợp giữa các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng;
- Huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc đưa tin và xây dựng một số chuyên đề tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
b) Hoàn thiện cơ chế, chính sách:
- Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các doanh nghiệp khởi nghiệp;
- Củng cố mô hình tổ chức, nâng cao năng lực của các trung tâm bảo vệ quyền tác giả và các tổ chức dịch vụ quyền tác giả;
- Triển khai thực hiện đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Wi-Fi miễn phí tại các điểm di tích, di sản văn hóa, các khu vui chơi giải trí, các làng nghề truyền thống trên địa bàn;
- Tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đối với những ngành chưa có chiến lược, quy hoạch nếu cần thiết.
c) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực:
- Xây dựng kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa;
- Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa; bố trí cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; thường xuyên tập huấn chuyên môn về bảo vệ bản quyền và thu phí bản quyền có hiệu quả; hình thành đội ngũ chuyên gia trong các ngành công nghiệp văn hóa và lĩnh vực bản quyền;
- Có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn từ các nước có trình độ phát triển cao về công nghiệp văn hóa đến Thừa Thiên Huế làm việc.
d) Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ:
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu văn hóa, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa;
- Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa;
- Đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như: In ấn, xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, giải trí, quảng cáo, triển lãm. Tăng cường hợp tác, tranh thủ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển.
đ) Thu hút và hỗ trợ đầu tư:
- Triển khai chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, chương trình phát triển đặc sản Huế nhằm phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm, quà tặng; phối hợp các ngành thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các nghề, làng nghề truyền thống.
- Xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, thời trang, du lịch văn hóa;
- Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, hình thành một số doanh nghiệp về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến;
- Tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa;
- Tạo điều kiện hỗ trợ thành lập một số hội nghề nghiệp như: Hội Kim hoàn, Hội Thêu... Hỗ trợ Hiệp hội thủ công mỹ nghệ, Câu lạc bộ Nghệ nhân Thừa Thiên Huế. Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
e) Phát triển thị trường:
- Tổ chức kết nối tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, hàng đặc sản Huế. Từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng; phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đơn vị, tổ chức văn hóa nhằm phát triển công chúng, người tiêu dùng về năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa;
- Huy động các nguồn lực trong xã hội để hình thành và phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa tại thành phố Huế gắn với các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới;
- Đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng;
- Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Thừa Thiên Huế ra nước ngoài; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế.
- Hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước có liên quan đến công nghiệp văn hóa.
g) Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế:
- Tiếp tục tổ chức Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế theo định kỳ; tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia, quốc tế tại Thừa Thiên Huế trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín trong nước, khu vực và thế giới, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm;
- Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Thừa Thiên Huế, các tài năng tiêu biểu về văn hóa của tỉnh tại các liên hoan nghệ thuật trong nước và quốc tế; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện xúc tiến du lịch, thương mại, ngoại giao;
- Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, mở rộng giao lưu, trao đổi văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thừa Thiên Huế ở nước ngoài.
2. Nhiệm vụ và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa cụ thể:
a) Điện ảnh:
- Tuyên truyền, thực hiện các quy định của Luật Điện ảnh và các văn bản pháp luật liên quan cũng như các hiệp định và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam;
- Xây dựng Trung tâm Điện ảnh hiện đại tại 25 Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh thành phố Huế bao gồm các phòng chiếu hiện đại dành cho các lứa tuổi, đối tượng khác nhau; mở rộng các dịch vụ văn hóa bổ trợ khác cùng hoạt động trong một trung tâm; các phòng chiếu phim hiện đại của tập đoàn Vincom, Nguyễn Kim.
- Tăng dần tỷ trọng phim truyện Việt Nam chiếu tại các rạp của Trung tâm Điện ảnh, Lotte Cinema (Big C), các phòng chiếu phim;
- Có định hướng hình thành phim trường tại các di tích, các không gian kiến trúc di tích cố đô Huế;
- Tổ chức và xây dựng thương hiệu liên hoan phim điện ảnh có uy tín trong nước;
- Tạo điều kiện hỗ trợ phát triển Hãng phim Khánh An. Xây dựng các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật về “Hình ảnh và con người Huế”, “Cung đình Huế” “Áo dài Huế”, “Ẩm thực Huế” có giá trị văn hóa cao, tính thương mại cao, tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; sản xuất các sản phẩm, dịch vụ đi kèm (đồ lưu niệm, đồ chơi...);
- Bồi dưỡng, đào tạo những ngành nghề: các nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất nhà kinh doanh, lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật (sân khấu), kỹ thuật - công nghệ, diễn viên.
b) Nghệ thuật biểu diễn:
- Bảo tồn và phát huy biểu diễn nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế;
- Bảo tồn và phát huy biểu diễn nghệ thuật Ca Huế, Ca kịch Huế, các loại hình dân ca dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn Ca Huế;
- Phát triển thị trường cho các tác phẩm sân khấu, âm nhạc, các chương trình biểu diễn, các loại hình nghệ thuật đương đại;
- Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật; ưu tiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật truyền thông Huế tổ chức sự kiện. Khuyến khích phát triển các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập (dân lập, tư nhân);
- Tăng cường hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực liên quan với nghệ thuật biểu diễn.
- Hình thành các trung tâm trình diễn nghệ thuật đa năng tại thành phố Huế;
- Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực; chính sách khuyến khích tài năng, sáng tạo, ưu đãi văn nghệ sĩ; tôn vinh nghệ nhân; chính sách xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn;
- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng những ngành nghề: nghệ sĩ biểu diễn, người dẫn chương trình, người mẫu... và mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực; hình thành một số thương hiệu có uy tín trong việc tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn.
c) Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm:
- Về Mỹ thuật - Kiến trúc:
+ Hình thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế (trên cơ sở chuyển đổi từ Bảo tàng Văn hóa Huế);
+ Xúc tiến đầu tư xây dựng các công trình mỹ thuật: Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật tại khu vực trước Trung tâm Thể thao tỉnh, đường Hà Huy Tập;
+ Hình thành các trung tâm thiết kế thời trang và mạng lưới liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong ngành; xây dựng các thương hiệu thiết kế thời trang có uy tín quốc tế và trong nước như: Minh Hạnh, Viết Bảo; tăng cường hàm lượng giá trị thiết kế thời trang; thiết kế và trình diễn áo dài tại cơ sở VKStar - Trung tâm Làng Nghề truyền thống Huế trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang;
+ Phát triển mỹ thuật tranh cổ; chế tác các tác phẩm pháp lam; tranh sơn mài, nghệ thuật trúc chỉ; thủ công mỹ nghệ: tranh thêu, tranh gương, tranh khảm cẩn xà cừ, tranh dân gian Làng Sình, các tác phẩm điêu khắc đồng, điêu khắc gỗ, điêu khắc đá, nghệ thuật từ khảm sành sứ - thủy tinh, nghệ thuật kim hoàn, gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, dệt Dzèng;
+ Khuyến khích chế tác nhà rường như là sản phẩm đặc trưng của Huế; phục hồi những ngôi nhà rường gắn với lối sống đặc trưng, phong cách Huế, tâm hồn Huế với cảnh quan kiến trúc có giá trị thẩm mỹ và bản sắc dân tộc. Phát triển hệ thống nhà rường dưới dạng dịch vụ cà phê giải khát, nhà hàng phục vụ dân sinh, du lịch;
+ Khuyến khích phát triển các cơ sở mỹ thuật tư nhân: các bảo tàng mỹ thuật tư nhân, các sưu tập tư nhân, Bảo tàng Nghề thêu XQ, các gallery, các không gian sáng tạo nghệ thuật, cơ sở nghệ thuật Không gian mới (New Space Arts Foundation), không gian sáng tạo khởi nghiệp (CoPLUS Working Space);
+ Hình thành Trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm mỹ thuật ngoài công lập;
+ Đào tạo đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp. Phát triển đội ngũ nghiên cứu phê bình, giám tuyển mỹ thuật có trình độ tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Thu hút các chuyên gia thời trang ở nước ngoài tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thiết kế thời trang của tỉnh. Mở chuyên ngành đào tạo thiết kế và kinh doanh thời trang trong trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề ở các trường trung cấp.
- Về Nhiếp ảnh:
+ Xây dựng các bộ sưu tập hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nhằm quảng bá văn hóa và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch và giao lưu quốc tế;
+ Ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh hấp dẫn, đa dạng. Đưa nhiếp ảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nhiếp ảnh khu vực và thế giới.
- Về Triển lãm:
+ Xây dựng Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật tại khu vực đường Hà Huy Tập;
+ Xây dựng một số mô hình triển lãm, hội chợ có thương hiệu quốc tế về xúc tiến quảng bá, mua, bán các sản phẩm, dịch vụ văn hóa và du lịch, thực hiện hợp tác, liên doanh, liên kết trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến và tiêu dùng theo định kỳ trong nước khu vực và quốc tế. Tạo điều kiện để các sản phẩm, dịch vụ văn hóa tham gia các triển lãm, hội chợ có uy tín của quốc tế.
d) Quảng cáo:
- Tiếp tục thực hiện Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tạo khung pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quảng cáo phát triển;
- Thúc đẩy và hoàn thiện hệ thống các bảng xã hội hóa tuyên truyền gắn với quảng cáo thương mại ngoài trời;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong quảng cáo, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ di động;
- Củng cố và phát triển Chi hội Quảng cáo Việt Nam tại Thừa Thiên Huế; tham gia các sự kiện quảng cáo trong nước và quốc tế, tổ chức các sự kiện quảng cáo tại Thừa Thiên Huế. Tăng cường quảng cáo ở các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong nước và quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài trời và trên sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch;
- Đào tạo đội ngũ thiết kế quảng cáo có khả năng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm vững kiến thức văn hóa.
đ) Du lịch văn hóa:
- Hình thành và khai thác trục Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế đường Lê Lợi từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân; trong đó có Công viên tượng đài Phan Bội Châu, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Văn hóa Huế (Bảo tàng Mỹ thuật Huế), Bảo tàng Nghề thêu XQ, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán; gắn với đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu;
- Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa điểm có di sản thế giới: Quần thể di tích cố đô Huế, di tích quốc gia đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Trung tâm Điện ảnh; các làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí.
- Xây dựng các thương hiệu du lịch quốc gia: Laguna Resort, Lăng Cô - Bạch Mã, Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai;
- Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh: Lễ hội Điện Huệ Nam, Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội Quán Thế Âm...;
- Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa liên kết vùng: Hành lang kinh tế Đông - Tây Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanma; liên kết 3 địa phương: Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; 3 địa phương +2: Hà Nội - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Thành phố Hồ Chí Minh; xúc tiến, quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch văn hóa trong và ngoài nước; tập trung thu hút khách du lịch văn hóa có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch;
- Chú trọng phối hợp liên ngành trong việc quản lý, khai thác và phát huy một cách phù hợp các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực phục vụ trực tiếp khách du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa theo tiêu chuẩn nghề ASEAN.
III. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
1. Nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa.
2. Ngân sách nhà nước tùy theo khả năng cân đối trong từng thời kỳ, tham gia hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Việc sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Nguồn huy động của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác đầu tư cho các công trình, dự án ứng dụng, triển khai công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Trực tiếp tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hóa trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành;
- Chủ trì, phối hợp, đôn đốc các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện Kế hoạch này; đề xuất hoặc kiến nghị các cơ quan liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, đặc biệt cơ chế phối hợp liên ngành, các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp;
- Tổ chức kiểm tra, giám sát và định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nếu cần thiết.
2. Các Sở: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Du lịch, Tài nguyên và Môi trường căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chung, có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đối với các ngành thuộc lĩnh vực quản lý nêu tại Kế hoạch này; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm phù hợp.
3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối kinh phí hàng năm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo quy định hiện hành; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan có liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt.
4. Các sở, ngành khác, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định pháp luật hiện hành.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tham gia xây dựng và triển khai các đề án, nhiệm vụ tại phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung của Kế hoạch, các sở, ban, ngành, địa phương phản ánh về Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Công văn 413/BVHTTDL-BQTG năm 2017 xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ban hành Ban hành: 13/02/2017 | Cập nhật: 01/06/2017
Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 Ban hành: 08/09/2016 | Cập nhật: 16/09/2016
Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2013 về nguyên tắc và nhiệm vụ báo cáo tình hình thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam Ban hành: 30/09/2013 | Cập nhật: 02/10/2013
Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” Ban hành: 22/09/2010 | Cập nhật: 25/09/2010