Kế hoạch 90/KH-UBND năm 2020 thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Số hiệu: 90/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Phạm Thiện Nghĩa
Ngày ban hành: 16/04/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Y tế - dược, Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 90/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 16 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 42/NQ-CP NGÀY 09/4/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa các nội dung, chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định xã hội.

2. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

3. Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động bám sát các nội dung của Nghị quyết số 42/NQ-CP , hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và tình hình thực tế của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện; lưu ý, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.

I. NGUYÊN TẮC

1. Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã trong thời gian có dịch.

2. Thời gian thống kê các đối tượng được hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP được tính từ ngày 01/4/2020.

3. Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chính sách trở lên tại Nghị quyết số 42/NQ-CP thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

4. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách huyện (cấp huyện, cấp xã), nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Kế hoạch này.

II. NỘI DUNG HỖ TRỢ

1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01/4/2020 và không quá 3 tháng.

2. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ Luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hằng tháng đến người bị ngừng việc.

3. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

5. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần.

6. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần.

7. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần.

III. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHÁC

1. Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.

2. Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện...) trong thời gian từ ngày 01/4/2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương:

a) Căn cứ nhiệm vụ được phân công theo Phụ lục đính kèm, tổ chức thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Kế hoạch này, gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 25/4/2020 để tổng hợp chung.

b) Định kỳ, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này và những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề xuất giải pháp tháo gỡ, gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chậm nhất vào ngày 15 hằng tháng.

2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất việc hỗ trợ theo quy định tại Kế hoạch này, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch. Thời gian thực hiện: chậm nhất ngày 20/4/2020.

b) Tổng hợp, lập dự toán kinh phí hỗ trợ, gửi Sở Tài chính thẩm định trước ngày 27/4/2020; định kỳ, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này và những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề xuất giải pháp tháo gỡ về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 20 hằng tháng.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 154/TB-VPCP ngày 12/4/2020; trong đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách khối kinh tế làm Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện Lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan làm Thành viên Ban Chỉ đạo.

4. Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách, chế độ quy định tại Kế hoạch này.

b) Thẩm định, đề xuất nguồn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện trước ngày 29/4/2020. Đồng thời, theo dõi, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn ngân sách địa phương để kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định.

c) Tổng hợp kinh phí và hồ sơ chi hỗ trợ (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước về số thực chi hỗ trợ), tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo đúng quy định; định kỳ, báo cáo kết quả thực hiện việc bố trí nguồn kinh phí về Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp:

Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội – Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp nhu cầu vay và thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động khó khăn về tài chính để chi trả tiền lương ngừng việc theo điểm 2 Mục II Kế hoạch này; tổng hợp khó khăn, vướng mắc phát sinh, chủ động phối hợp với sở, ngành có liên quan giải quyết hoặc đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải quyết theo thẩm quyền; định kỳ, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội).

6. Ngân hàng Chính sách xã hội – Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp:

Hướng dẫn và thực hiện cho vay đối với đối tượng có nhu cầu vay vốn thuộc điểm 2 Mục II Kế hoạch này theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động; đồng thời, tổng hợp danh sách đối tượng, gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ.

7. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan hướng dẫn và xác định danh sách đối tượng theo điểm 1 Mục III Kế hoạch này trong việc tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất để triển khai thực hiện, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; cung cấp danh sách đối tượng tạm dừng đóng cho các cơ quan liên quan khi có yêu cầu.

8. Cục Thuế:

Chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phương thức, qui trình, thủ tục triển khai thực hiện rà soát các đối tượng là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố và thông qua xác nhận của từng địa phương, tổng hợp báo cáo về Ban Chỉ đạo Tỉnh (thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội); đồng gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức thực hiện.

9. Liên đoàn Lao động tỉnh:

Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp danh sách người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, tổng hợp, xác nhận, nắm bắt cụ thể từng nhóm đối tượng, từng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo đúng quy định tại Kế hoạch này và tổng hợp danh sách, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung.

b) Chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình, thủ tục, trình tự, hồ sơ để được tiếp cận các khoản hỗ trợ kịp thời.

c) Chủ động sử dụng nguồn lực tài chính của địa phương theo quy định để kịp thời hỗ trợ cho đối tượng; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài chính để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

d) Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời việc hỗ trợ các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, không bỏ sót đối tượng, không trùng đối tượng, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; định kỳ, báo cáo tình hình, kết quả hỗ trợ các đối tượng về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội).

11. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết số 42/NQ-CP và Kế hoạch này.

12. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung quán triệt, chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung nêu trên; làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- TT/Tỉnh ủy, TT/HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT/Sương.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thiện Nghĩa

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CỦA TỪNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 42/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 16/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Nhóm

Đối tượng hỗ trợ

Đơn vị hướng dẫn thực hiện

Đơn vị chủ trì thực hiện

(rà soát, báo cáo)

Đơn vị phối hợp thực hiện

I

Nội dung hỗ trợ

 

 

 

1

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- BQL Khu kinh tế (đối với Doanh nghiệp thuộc KCN, CCN)

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với Doanh nghiệp ngoài KCN, CCN thuộc phạm vi cấp tỉnh quản lý)

- UBND huyện, thị xã, thành phố (đối với Doanh nghiệp thuộc phạm vi cấp huyện quản lý)

- Liên đoàn Lao động tỉnh (huyện)

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

2

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động

Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp

- Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp

- BQL Khu kinh tế (đối với Doanh nghiệp thuộc KCN, CCN)

- UBND huyện, thị xã, thành phố (đối với Doanh nghiệp thuộc phạm vi cấp huyện quản lý)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

3

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020

Cục Thuế

Cục Thuế

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- UBND huyện, thị xã, thành phố

4

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- BQL Khu kinh tế (đối với Doanh nghiệp thuộc KCN, CCN)

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với Doanh nghiệp ngoài KCN, CCN thuộc phạm vi cấp tỉnh quản lý)

- UBND huyện, thị xã, thành phố (đối với Doanh nghiệp thuộc phạm vi cấp huyện quản lý)

- Liên đoàn Lao động tỉnh (huyện)

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

5

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

UBND huyện, thị xã, thành phố

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

6

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

UBND huyện, thị xã, thành phố

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

7

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

UBND huyện, thị xã, thành phố

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

II

Chính sách khác

 

 

 

1

Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.

Bảo hiểm xã hội tỉnh

Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Liên đoàn Lao động tỉnh