Thông báo số 154/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 154/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Viết Muôn
Ngày ban hành: 17/08/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 154/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Ngày 12 tháng 8 năm 2007, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công thương, Lao động-Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Tỉnh về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch cả năm 2007, ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; ý kiến của các Bộ, cơ quan Trung ương, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí thuận lợi trên trục hành lang Đông-Tây, là Trung tâm giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, thương mại của khu vực; Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đầu, khắc phục khó khăn, giành được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, đời sống của nhân dân được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm 2007 đạt 13,01% tăng 11,8% so cùng kỳ năm 2006 và cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung cả nước; các lĩnh vực du lịch, văn hóa, xã hội có bước chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế vẫn còn là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2006 mới có 406 USD; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mức kế hoạch đề ra; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội còn thấp; tăng trưởng của khu vực dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch kinh tế, lĩnh vực xã hội, nhất là vấn đề giải quyết việc làm đang có nhiều khó khăn. Vì vậy, Tỉnh phải có giải pháp tích cực, phấn đấu quyết liệt và các Bộ, ngành Trung ương cần tạo điều kiện thuận lợi nhất, để Thừa Thiên Huế nhanh chóng phát triển bền vững.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:

Để hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2007 đã đề ra, Tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Rà soát lại kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ; tìm mọi biện pháp, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ở những tháng cuối năm, đạt 15% theo kế hoạch đã đề ra.

2. Nhận thức rõ vận hội của đất nước, khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh đưa thành phố Huế trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của miền Trung, đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ: du lịch, bưu chính viễn thông, vận tải, y tế, giáo dục đào tạo, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thương mại, sản xuất phần mềm xuất khẩu.

3. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chú trọng phát triển các loại hình đào tạo tư thục, quốc tế, liên doanh liên kết, thực sự trở thành Trung tâm giáo dục-đào tạo đa ngành chất lượng cao của miền Trung và Tây Nguyên; mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:

1. Về phân bổ lực lượng sản xuất của các ngành Công nghiệp Trung ương theo quy hoạch và tăng mức vốn đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện cho khu vực miền Trung phát triển cân đối với các khu vực trong cả nước: đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan rà soát lại các nội dung của Nghị Quyết số 39-NQ/TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị và Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi giúp Thừa Thiên Huế và các địa phương khác trong khu vực phát triển nhanh, bền vững.

2. Về đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình Hồ chứa nước Tả Trạch: đây là dự án lớn, quan trọng và đã được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư; tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rút kinh nghiệm và phải tập trung chỉ đạo quyết liệt từ khâu tư vấn, thiết kế, thi công, chấn chỉnh công tác quản lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Yêu cầu chủ đầu tư phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra sát sao tiến độ thi công, kiến quyết xử lý đối với các đơn vị thi công vi phạm tiến độ cam kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, phấn đấu đưa công trình vào khai thác sử dụng trong dịp Quốc khánh ngày 02 tháng 9 năm 2011.

3. Về phê duyệt Đề án "Thành phố Huế-Thành phố Festival" và có cơ chế đặc thù cho thành phố Huế: Văn phòng Chính phủ hoàn tất thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 8 năm 2007; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế cho Thành phố; trước mắt, ưu tiên bố trí ngân sách 2008, hỗ trợ có mục tiêu để Tỉnh thực hiện.

- Về hỗ trợ nguồn lực để đầu tư các hạ tầng kỹ thuật quan trọng như: Hệ thống cầu qua sông An Cựu (cầu Bến Ngự, cầu Nam Giao, cầu Kho Rèn), chỉnh trang bờ sông An Cựu, đường dọc bờ sông Hương, cụm tượng đài Anh hùng Quang Trung: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan làm việc cụ thể với Tỉnh, sắp xếp thứ tự ưu tiên và tìm nguồn vốn hỗ trợ cho Tỉnh thực hiện.

4. Về việc sớm công bố Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, cho phép mở đường bay thẳng đến một số nước trong khu vực như: Campuchia, Thái Lan, Lào, Singapore, Malaixia...: giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để công bố vào dịp 02/9/2007; chỉ đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam nghiên cứu mở các tuyến bay quốc tế đến Huế. Đồng ý cho phép đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay Phú Bài theo phương thức BOT; Cục Hàng không Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Tỉnh để thực hiện.

5. Về đề nghị đưa Dự án "Giảm nghèo cho cộng đồng dân thủy điện tỉnh Thừa Thiên Huế" (bao gồm cả dân vạn đò trên sông Hương và vùng đầm phá) vào danh mục vận động tài trợ ODA của Chính phủ Hàn Quốc (bao gồm cả vốn đầu tư và vốn ODA không hoàn lại để lập Dự án đầu tư): đồng ý về nguyên tắc, Tỉnh hoàn tất các thủ tục trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mục vận động tài trợ ODA của Chính phủ Hàn Quốc. Trong khi chờ nguồn tài trợ, Tỉnh lập dự án đầu tư khu tái định cư ở những khu vực điều kiện sinh sống của người dân đang có những bức xúc để có thể ứng trước vốn thực hiện. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thực hiện trong năm 2008.

6. Về thống nhất hướng tuyến đường cao tốc Quảng Trị-Đà Nẵng đoạn qua Thừa Thiên Huế, nâng cấp tuyến Quốc lộ 1A đoạn La Sơn-Hầm đường bộ Hải Vân lên 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng trong năm 2008 và thi công hai hầm đường bộ trên Quốc lộ I (Phú Gia, Phước Tượng): giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu hướng tuyến đi, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hình thức đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2007; Ủng hộ và khuyến khích Tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện thi công hai hầm đường bộ, kết hợp nâng cấp Quốc lộ I (Phú Gia, Phước Tượng) theo hình thức BOT; giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán bố trí nguồn vốn phù hợp đảm bảo phát triển mạng lưới giao thông theo quy hoạch, xóa điểm đem về tai nạn giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

7. Đồng ý về chủ trương mở rộng Nhà máy xi măng Luks (Việt Nam), thêm 1 dây chuyền công suất 1,4 triệu tấn/năm; phấn đấu đến năm 2010 đạt công suất thiết kế 3,8 triệu tấn/năm và đưa vào danh mục Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020; giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ.

8. Về đầu tư xây dựng mới đường và cầu Ca Cút và nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49B trong năm 2008: đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, bố trí vốn khởi công xây dựng cầu trong năm 2008.

9. Đồng ý cho nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 49A: giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ liên quan bố trí vốn vào kế hoạch hàng năm. Giao Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng kiểm tra tình hình thực hiện dự án đường quốc phòng 74 và đường ngang nối đường Hồ Chí Minh-cửa khẩu S10 và Quốc lộ 1A, bố trí nguồn vốn đường 74 và đề xuất hướng xử lý-là nhánh đường Hồ Chí Minh nối huyện Nam Đông và đường Hồ Chí Minh đảm bảo kế hoạch.

- Về đầu tư mở rộng đường La Sơn-Nam Đông để tạo điều kiện xây dựng Nhà máy xi măng Nam Đông theo quy hoạch: đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu bố trí nguồn vốn, nếu có hình thức BT thì đồng ý, Chính phủ sẽ hoàn trả vốn từ trái phiếu Chính phủ của đường Hồ Chí Minh giai đoạn sau năm 2010.

- Cho phép nghiên cứu đầu tư hệ thống cầu và đường ngang ven biển qua phá Tam Giang đã quy hoạch (theo tuyến quốc lộ ven biển miền Trung); trước mắt, ưu tiên đầu tư đường và cầu Ca Cút nối phá Tam Giang từ Hải Dương qua Thảo Long để thông tuyến Quốc lộ 49B, vừa giải quyết triệt để nguy hiểm ở các bền đò ngang qua Phá trong mùa mưa bảo; giao Tỉnh phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn để thực hiện Dự án.

10. Đồng ý lập dự án, đầu tư thêm một cầu đường bộ qua sông Hương để giải quyết đi lại cho nhân dân và giảm thiểu tai nạn giao thông, xem như là cầu nội đô của thành phố Huế. Ngân sách trung ương đầu tư hỗ trợ có mục tiêu cho Tỉnh xây dựng thân cầu, ngân sách địa phương đảm bảo xây dựng đường dẫn và giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tỉnh lập Dự án, triển khai trong năm 2008; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính bố trí vốn vào kế hoạch hàng năm.

11. Về tăng nguồn vốn để đầu tư các công trình quan trọng như: hồ chứa nước Thủy Yên-Thủy Cam, đê Đông Tây Ô Lâu, đê phá Tam Giang-Cầu Hai, kè chống sạt bờ biển Hải Dương - Phú Thuận, kè sông Bồ, sông Hương, công trình chống sạt lở cửa Tư Hiền, đê nội đồng vùng trũng Quảng Điền, Phú Vang: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn cân đối, bố trí vốn hỗ trợ cho Tỉnh, trước mắt xử lý các công trình đê, kè cấp bách; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND Tỉnh lập Dự án hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam và trình duyệt theo quy định.

12. Đồng ý danh mục các dự án Tỉnh đăng ký đầu tư theo hình thức BOT: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mục kêu gọi vốn đầu tư, phối hợp với Tỉnh xúc tiến kêu gọi đầu tư.

13. Về thành lập khu kinh tế cửa khẩu A Đớt: Văn phòng Chính phủ đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm trong tháng 8/2007.

Về hộ trợ hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, các xã vùng biên giới xóa đói giảm nghèo, UBND Tỉnh xây dựng Dự án riêng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn hỗ trợ có mục tiêu cho Tỉnh để thực hiện.

14. Về đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo thiên tai, Trung tâm nghiên cứu biển của Vùng tại Thừa Thiên Huế: Đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ.

15. Về hỗ trợ đầu tư theo chương trình mục tiêu cho các dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội thiết yếu của Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: đồng ý cân đối bổ sung tăng vốn trong năm 2008; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, có thể cho ứng trước vốn để đầu tư các dự án.

16. Về ưu tiên tăng vốn đầu tư hàng năm (cả vốn ngân sách và vốn ODA) và có cơ chế cấp phát vốn riêng cho các dự án trùng tu di tích Huế: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xem xét, đề xuất cơ chế cấp phát vốn. Trước mắt ưu tiên tăng vốn đầu tư cho năm 2008 và các năm tiết theo.

17. Về mở rộng các khu công nghiệp đã có trong quy hoạch như: KCN Chân Mây - Lăng Cô, Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ; bổ sung các khu Công nghiệp Hương Sơ, Phú Đa, Hạ Lang vào quy hoạch phát triển khu Công nghiệp và thành lập KCN cao La Sơn: đồng ý về chủ trương, tuy nhiên, Tỉnh cần rà soát, nghiên cứu thực hiện theo Quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006-2010 đã được HĐND Tỉnh thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

18. Đồng ý cho Tỉnh thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có quy hoạch khu du lịch cao cấp Casino Bạch Mã, nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài và các cụm, điểm du lịch tiềm năng khác; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế. Trung ương hỗ trợ có mục tiêu nguồn vốn đối ứng để Tỉnh thực hiện.

19. Về tạo điều kiện cho tỉnh hoàn thành dứt điểm Dự án rà phá bom mìn (đã bố trí 38 tỷ đồng/KH 60 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng trước của năm 2008 là 15 tỷ đồng): giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí dứt điểm trong năm 2008.

Về Dự án: Khắc phục hậu quả chất độc hóa học ở A Lưới, tổng mức đầu tư 33 tỷ đồng; Tỉnh lập dự án cụ thể; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

20. Đồng ý bố trí đủ vốn cho Đại học Huế để đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Về Quyết định thành lập Học viện Âm nhạc và Đại học Mỹ thuật Huế (đã được các cán Bộ thẩm định xong); giao Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với Dự án ODA Hàn Quốc xây dựng Bệnh viện đa khoa của Tỉnh: giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế kiểm tra thủ tục sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

21. Đồng ý đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm và bệnh phẩm cấp vùng tại Huế, trước mắt cho phép tăng thêm trang thiết bị cho Trung tâm y tế dự phòng Huế kịp thời kiểm nghiệm bệnh phẩm khi có dịch xảy ra để chủ động xử lý cho các tỉnh miền Trung. Giao Bộ Y tế nghiên cứu, giải quyết; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí trong ngân sách của Bộ Y tế để triển khai đầu tư.

22. Về hệ thống cấp nước đô thị của Tỉnh và vùng phụ cận, nhất là đô thị Huế, đô thị Chân Mây - Lăng Cô, vùng ven biển và đầm phá: đồng ý đưa vào danh mục vận động nguồn vốn ODA và cho phép xử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của ADB để lập dự án đầu tư. Giao Tỉnh lập dự án trình Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định theo quy định.

23. Về kinh phí thực hiện Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về trợ cấp cho các đối tượng chính sách xã hội năm 2007 cần bổ sung 26,9 tỷ đồng, năm 2008 tăng thêm 31,9 tỷ đồng; tăng chi cho cán bộ bán chuyên trách xã năm 2008 là: 10,9 tỷ đồng; tăng chế độ trợ cấp cho người tàn tật theo Thông tư số 46/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 11/05/2007 năm 2008 là: 2 tỷ đồng; tăng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng trụ sở các phường, xã (20 tỷ đồng/năm), trước mắt hộ trợ 6 tỷ đồng cho 02 phường mới thành lập thuộc thành phố Huế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Tài chính tính toán cụ thể khi xây dựng dự toán ngân sách của Tỉnh năm 2008.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Ủy ban Dân tộc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, các
Vụ: TH, KTTH, NN, CN, KG, VX, TTBC;
- Lưu: VT, ĐP (4), Nh(45).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn