Kế hoạch 87/KH-UBND năm 2020 về triển khai thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Số hiệu: | 87/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Ninh | Người ký: | Bùi Văn Khắng |
Ngày ban hành: | 18/05/2020 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Ngoại giao, điều ước quốc tế, Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 87/KH-UBND |
Quảng Ninh, ngày 18 tháng 5 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỎA THUẬN TOÀN CẦU VỀ DI CƯ HỢP PHÁP, AN TOÀN VÀ TRẬT TỰ CỦA LIÊN HỢP QUỐC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
Thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc, theo đề nghị của Sở Ngoại vụ tại văn bản số 737/SNGV-LS-HTQT ngày 08/5/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Đảm bảo thực hiện hiệu quả Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
- Xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Thỏa thuận GCM phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm quản lý hiệu quả tình hình di cư trên địa bàn gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giảm thiểu các nhân tố dẫn tới tình trạng di cư trái phép, mua bán người.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý di cư quốc tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và tham gia của các sở, ngành lên quan nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, dễ tiếp cận, tôn trọng nhân phẩm của người di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là các nhóm đặc thù, phụ nữ và trẻ em.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo phù hợp với chính sách, pháp luật, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chiến lược quốc gia và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên; phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương gắn với phát triển bền vững và kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, ngăn chặn hoạt động lợi dụng Thỏa thuận để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
- Xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên giữa các sở, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả Kế hoạch; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong quá trình triển khai thực hiện.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 20/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thoả thuận GCM) được tiến hành thường xuyên, kịp thời đến các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Tuyên truyền, phổ biến và tăng cường năng lực trong triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM), các vấn đề di cư quốc tế thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
a) Tuyên truyền, vận động, phổ biến, nâng cao nhận thức về Thỏa thuận GCM và các vấn đề di cư quốc tế (di cư hợp pháp, an toàn; di cư trái phép; mua bán người...), hướng tới các đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật liên quan đến di cư quốc tế, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với giới tính, độ tuổi, trình độ dân trí, địa bàn đảm bảo dễ tiếp cận, có trọng điểm... và bằng các hình thức đa dạng.
b) Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử các thông tin về di cư (hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo, cảnh báo liên quan đến di cư quốc tế; thị trường lao động nước ngoài; chính sách cấp thị thực; quyền của người di cư...) để các tổ chức và cá nhân liên quan nắm được các nội dung cơ bản.
c) Nâng cao năng lực cán bộ các cấp (nhất là cấp cơ sở), các ngành, các cơ quan, tổ chức tham gia triển khai Thỏa thuận GCM nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý di cư, hỗ trợ và bảo vệ người di cư, lưu ý các nhóm đặc thù, phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số.
2. Thu thập thông tin, dữ liệu về di cư của công dân có địa chỉ thường trú tại tỉnh ra nước ngoài và người nước ngoài tại địa bàn tỉnh.
a) Theo dõi, rà soát, cập nhật thông tin, dữ liệu về di cư quốc tế (dịch chuyển lao động; học tập; kết hôn có yếu tố nước ngoài; nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; di cư trái phép; mua bán người; lao động cưỡng bức; người không quốc tịch; người di cư trở về...); tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan.
b) Lồng ghép các nội dung liên quan đến di cư trong các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở để bổ sung điều tra về tình trạng di cư (nguyên nhân di cư; ngày xuất cảnh, nhập cảnh gần nhất; quốc gia cư trú trong thời gian 5 năm trước khi diễn ra tổng điều tra dân số và nhà ở...).
c) Xây dựng quy chế trao đổi giữa các đơn vị, địa phương có liên quan nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về di cư.
3. Nghiên cứu, dự báo về tình hình, chính sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan đến các vấn đề di cư.
a) Tìm hiểu, đánh giá quy định, chính sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ về di cư quốc tế (thị thực, bảo hiểm, việc làm, cư trú, quốc tịch, hộ tịch, chính sách an sinh xã hội đối với người di cư và quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật sở tại...), đặc biệt là dự báo những xu hướng mới để kịp thời đề xuất các điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình.
b) Theo dõi tình hình công dân Quảng Ninh đang ở nước ngoài và người nước ngoài đến hoạt động, cư trú trên địa bàn tỉnh để kiến nghị giải pháp phù hợp nhằm quản lý hiệu quả và tạo thuận lợi cho người di cư hòa nhập với cộng đồng sở tại, đảm bảo có cơ hội công bằng về học tập, làm việc, phát triển cũng như phát huy vai trò và đóng góp của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước.
4. Triển khai thực hiện chính sách pháp luật.
a) Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch liên quan đến di cư quốc tế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Rà soát, hoàn thiện, ban hành đồng bộ các giải pháp, chính sách kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình của tỉnh: Chính sách về giảm nghèo, an sinh xã hội gắn với việc làm bề vững, bình đẳng giới... nhằm giảm thiểu các yếu tố dẫn đến di cư trái phép.
5. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thực hiện Thỏa thuận GCM.
a) Tổ chức triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và các cam kết quốc tế về di cư mà Việt Nam là thành viên trên địa bàn tỉnh, phù hợp với luật pháp và điều kiện của tỉnh; đánh giá kết quả và đề xuất giải pháp.
b) Thu hút, tranh thủ nguồn lực quốc tế trong quá trình triển khai Thỏa thuận GCM để nâng cao năng lực cho các cơ quan liên quan của tỉnh cũng như tăng cường hiệu quả công tác quản lý di cư. Nâng cao năng lực cán bộ thực hiện nhiệm vụ về di cư quốc tế.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công nhiệm vụ các sở, ngành, địa phương:
1.1. Sở Ngoại vụ:
- Theo dõi đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp có thẩm quyền theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân tỉnh về di cư quốc tế, phù hợp với chính sách, pháp luật, điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
- Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan theo dõi tình hình công dân của tỉnh ra nước ngoài và người nước ngoài tại tỉnh để kiến nghị giải pháp phù hợp nhằm quản lý hiệu quả và tạo thuận lợi cho người di cư hòa nhập với cộng đồng sở tại.
- Xây dựng cơ chế phối hợp triển khai công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam trú tại Quảng Ninh di cư ra nước ngoài phù hợp với tình hình di cư của công dân hiện nay.
- Đăng tải trên Công thông tin điện tử các thông tin các chính sách, quyết định của nhà nước về di cư quốc tế; chính sách cấp thị thực của các nước, quyền của người di cư...
1.2. Công an tỉnh:
- Triển khai thực hiện Kế hoạch thi hành Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 2282/QĐ-BCA ngày 30/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an) tại Quảng Ninh và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Công an liên quan; Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tổ chức kinh tế xã hội... tại địa phương để triển khai thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường quản lý Nhà nước đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam”.
- Chủ trì tiếp nhận, quản lý thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài trên Trang thông tin điện tử xuất nhập cảnh; theo dõi, rà soát kiểm tra thông tin người nước ngoài tạm trú trên địa bàn; rà soát, thu thập, cập nhật thông tin công dân Quảng Ninh hiện ở nước ngoài và từ nước ngoài trở về.
- Rà soát, nghiên cứu giải pháp phòng, chống mua bán người phù hợp với tình hình thực tiễn, lưu ý vấn đề mua bán người thông qua lao động cưỡng bức. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 trong đó tập trung vào các nội dung: Truyền thông phòng, chống mua bán người; đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương triển khai các biện pháp nhằm phòng ngừa lợi dụng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay; tăng cường quản lý nhà nước đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam
1.3. Sở Tư pháp:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tham mưu triển khai chính sách, pháp luật hiện hành về quốc tịch, hộ tịch của người di cư và các vấn đề di cư quốc tế liên quan trên địa bàn. Tiếp nhận, giải quyết các vấn đề di cư quốc tế, nhất là vấn đề di cư biên giới, phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp cho Sở Ngoại vụ thông tin liên quan về di cư của công dân thuộc tỉnh ra nước ngoài và người nước ngoài vào tỉnh trên cơ sở dữ liệu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, đăng ký con nuôi và cho con nuôi có yếu tố nước ngoài, đăng ký các việc về lĩnh vực hộ tịch do ngành quản lý.
1.4. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh:
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan, nhất là các địa phương biên giới tăng cường quản lý biên giới, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động di cư trái phép và đưa người di cư trái phép, mua bán người qua đường bộ, đường biển; phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu trên biển, trên bộ, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hoạt động di cư trái phép trên biên giới, vùng biển.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế, cảng khẩu quốc tế, qua đó kịp thời phát hiện những vấn đề liên quan đến vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam cư trú, đi lại, sinh sống tại nước ngoài. Làm tốt công tác tiếp cận và hỗ trợ ban đầu cho công dân Việt Nam là nạn nhân các vụ việc di cư trái phép từ nước ngoài bị đẩy đuổi về.
- Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về xuất, nhập cảnh và di cư cho công dân Việt Nam khi xuất cảnh ra nước ngoài, nhất là nhân dân ở khu vực biên giới.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương biên giới và lực lượng liên quan trong công tác nắm tình hình biên giới, dân bản nội, ngoại biên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đường dây đưa đón người di cư bất hợp pháp, mua bán người qua biên giới.
1.5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tình tăng cường các giải pháp quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hướng dịch chuyển của các nhóm ngành nghề mới.
1.6. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì phối hợp với Sở Ngoại vụ và các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh, đề nghị phóng viên các cơ quan báo chí hợp tác truyền thông với tỉnh, phóng viên các văn phòng đại diện, thường trú, chuyên trách theo dõi địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về các vấn đề di cư quốc tế, di cư với phát triển bền vững, Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 20/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Thỏa thuận GCM và tình hình, kết quả triển khai của các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch này.
1.7. Sở Tài chính:
Hướng dẫn thủ tục lập dự toán và thanh quyết toán; thẩm định dự toán kinh phí liên quan đến các chương trình, dự án trong phạm vi thực hiện Kế hoạch này đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
1.8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Lồng ghép thực hiện Kế hoạch này với xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương; tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho nhân dân, hạn chế tình trạng di cư trái phép, tội phạm mua bán người.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương nắm chắc tình hình an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động di cư tại địa phương; số người nước ngoài hoạt động, cư trú trên địa bàn, số công dân địa phương di cư ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về địa phương để có biện pháp quản lý, hỗ trợ phù hợp.
1.9. Các sở, ban, ngành, địa phương, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, định kỳ 6 tháng (trước 25/5) và năm (trước 15/11) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Ngoại vụ) kết quả thực hiện Kế hoạch này để tổng hợp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
2. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động tham gia triển khai các nhiệm vụ nêu trên.
3. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động tối đa từ các nguồn tài trợ, viện trợ, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là Kế hoạch Triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh, trao đổi để Sở Ngoại vụ tổng hợp, rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh phù hợp
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 402/QĐ-TTg năm 2020 về Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc Ban hành: 20/03/2020 | Cập nhật: 26/03/2020
Quyết định 402/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới Ban hành: 14/03/2016 | Cập nhật: 16/03/2016
Quyết định 402/QĐ-TTg năm 2009 về Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân Ban hành: 27/03/2009 | Cập nhật: 03/04/2009
Quyết định 402/QĐ-TTg năm 2008 tặng thưởng Cờ Thi đua của Chính phủ cho 07 tập thể của tỉnh Thái Nguyên Ban hành: 18/04/2008 | Cập nhật: 24/04/2008
Quyết định 402/QĐ-TTg năm 1999 về việc thành lập và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng (giai đoạn I) Khu công nghiệp Quảng Phú, tỉnh Quãng Ngãi Ban hành: 17/04/1999 | Cập nhật: 07/04/2007